Ngày đăng: 01/06/2023 / Lượt xem: 60
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Giang

Thực phẩm (hay còn gọi là thức ăn) là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng hàng ngày giúp con người có sức khỏe tốt và duy trì một cơ thể khoẻ mạnh. Hiện nay, tình trạng thực phẩm bẩn hay còn gọi là thực phẩm không an toàn về mặt vệ sinh đã và đang lưu hành tràn lan, thiếu kiểm soát trên thị trường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng.


Trong những năm gần đây, với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, người sử dụng thực phẩm cũng đã dần nâng cao được nhận thức trước các mối nguy hại của thực phẩm bẩn mang tới và đã có sự cảnh giác hơn trong việc tìm hiểu và lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trên thực tế, công tác đảm bảo ATVSTP gặp rất nhiều khó khăn, thiếu kiểm soát trên thị trường và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ tới sức khoẻ cộng đồng. Bên cạnh đó, vấn đề ATVSTP cũng tác động không nhỏ đến năng suất, hiệu quả phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và an sinh xã hội. Vì vậy, công tác đảm bảo ATVSTP chính là góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và hội nhập quốc tế của một đất nước.

Trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm ở tỉnh ta nói chung và thành phố Hà Giang nói riêng, về cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, ở quy mô hộ gia đình nên việc kiểm soát vấn đề ATVSTP rất khó khăn, phức tạp. Đứng trước thực tế trên, nhiều phần mềm công nghệ thông tin (CNTT) đã được ứng dụng vào công tác ATVSTP và rất được quan tâm, chú trọng đầu tư phát triển, các Cổng thông tin điện tử phục vụ đăng tải, cung cấp thông tin từ cơ quan quản lý đến cộng đồng; các phần mềm quản lý danh sách cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, quản lý các chương trình khám sức khỏe, tập huấn và cấp chứng nhận ATVSTP... Tuy nhiên, các phần mềm, ứng dụng mới chỉ dừng lại ở việc giải quyết các vấn đề riêng lẻ và mang tính chất một chiều, thiếu kết nối giữa các đối tượng liên quan trực tiếp trong mô hình tương tác của vấn đề ATVSTP. Vì vậy, Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang đã được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện dự án: "Ứng dụng CNTT để quản lý, tiếp nhận, xử lý phản ánh vấn đề ATVSTP trên địa bàn thành phố Hà Giang".  

Dự án đã triển khai thực hiện việc ứng dụng phần mềm quản lý và tiếp nhận, xử lý phản ánh vấn đề ATVSTP trên địa bàn Thành phố Hà Giang và đưa vào sử dụng tại 08 xã, phường (03 xã: Phương Độ, Phương Thiện và Ngọc Đường; 05 phường: Trần Phú, Minh Khai, Nguyễn Trãi, Ngọc Hà và Quang Trung). Quản lý thông tin, chứng nhận của tất cả các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Giang, cung cấp hệ thống báo cáo thống kê tự động, hệ thống tương tác trực tiếp giữa Cơ quan Quản lý nhà nước, Doanh nghiệp - Cơ sở kinh doanh thực phẩm và Người tiêu dùng thực phẩm (người dân, du khách...), hỗ trợ tối đa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý ATVSTP của thành phố. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả ứng dụng trên địa bàn Thành phố mở rộng triển khai trên địa bàn toàn tỉnh. Có thể khẳng định, phần mềm (Cổng thông tin/Ứng dụng di động) được tập đoàn Viễn thông (VNPT) nghiên cứu, phát triển có sự tương tác và tạo ra kết nối trực tiếp giữa Người tiêu dùng thực phẩm, Doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thực phẩm với chính quyền địa phương. Qua đó, hệ thống đã giúp lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước thấu hiểu các vấn đề thực tế đang diễn ra cùng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, và giúp lãnh đạo đưa ra những quyết sách nhanh, linh hoạt và hợp lý, góp phần đảm bảo và nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương.

Để triển khai nhiệm vụ, Trung tâm Y tế thành phố đã phối hợp với Viễn thông Hà Giang tiến hành khảo sát, kiểm tra, cập nhật dữ liệu kịp thời, dữ liệu đảm bảo độ chính xác cao; tiếp nhận hệ thống để quản lý, vận hành khai thác và chủ động trong hỗ trợ các Trạm Y tế, khoa phòng liên quan thực hiện lâu dài. Các khoa phòng, Trạm Y tế xã, phường đã phối hợp với Viễn thông Hà Giang tiến hành khảo sát, kiểm tra, cập nhật dữ liệu kịp thời, bố trí thiết bị máy tính triển khai cài đặt, khai thác phần mềm. Đồng thời Viễn thông Hà Giang đã triển khai tập huấn và chuyển giao công nghệ phần mềm. Bên cạnh đó, các trạm y tế trên địa bàn thành phố đã bố trí cán bộ chuyên môn phụ trách vận hành và xử lý các quy trình kịp thời và cài đặt phần mềm trên thiết bị điện thoại của cán bộ của Trung tâm. Tuyên truyền đến các đơn vị tham gia lớp tập huấn, chuyển giao kĩ thuật; tuyên truyền đến nhân dân về hiệu quả, tiện ích, tính năng của ứng dụng thông minh để tạo hiệu ứng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của khoa học công nghệ trong quản lý, tiếp nhận, xử lý phản ánh về vấn đề ATVSTP.

Phần mềm được VNPT tập trung nghiên cứu, phát triển thành công giải pháp mang tính tổng thể đáp ứng đầy đủ các chức năng cho tất cả các đối tượng, sử dụng những nền tảng công nghệ được VNPT lựa chọn để xây dựng hệ thống phần mềm bao gồm: Công nghệ thiết kế Web; Ứng dụng Mobile; Giao tiếp Client - Server; Giải pháp thuê dịch vụ lưu trữ điện toán đám mây (Cloud Computing). Với nội dung: Xây dựng mạng lưới quản lý vấn đề ATVSTP được số hóa và liên thông giữa 3 cấp, hình thành “Hệ sinh thái ATVSTP” đem lại sự tương tác giữa 3 đối tượng sử dụng (Chính quyền, cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm).

Đối với cơ quan quản lý: Hệ thống phần mềm giúp công tác quản lý vấn đề ATVSTP giảm đáng kể thời gian tìm kiếm, thống kê, lập các báo cáo đột xuất, báo cáo định kỳ một cách dễ dàng, nâng cao chất lượng, độ chính xác, hiệu quả trong công việc. Hệ thống được tích hợp cơ sở dữ liệu tập trung, liên thông giữa 3 cấp quản lý hành chính và tương tác trực tiếp giữa 3 đối tượng sử dụng giúp cho việc kết nối, trao đổi thông tin nhanh chóng.

Đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm: Phần mềm cung cấp cho các cơ sở kinh doanh thực phẩm một kênh thông tin chính thống, giúp dễ dàng tiếp cận, hướng dẫn thực hiện nội dung các quy định về ATVSTP, đảm bảo, nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp đến người tiêu dùng. Là một phương tiện quảng bá hình ảnh, khẳng định chất lượng, thương hiệu rộng rãi đến với khách hàng. Phần mềm sẽ quản lý thông tin, chứng nhận của tất cả các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Giang, cung cấp hệ thống báo cáo thống kê tự động, hệ thống tương tác trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp - cơ sở kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng thực phẩm (người dân, du khách...), hỗ trợ tối đa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến chất lượng thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm của thành phố.

Đối với người tiêu dùng thực phẩm: Phần mềm cung cấp thư viện thông tin chuyên sâu, giúp nâng cao hiểu biết về vấn đề ATVSTP. Phần mềm cung cấp danh sách các cơ sở được chứng nhận, đảm bảo chất lượng ATVSTP trên địa bàn. Ngoài ra, phần mềm cung cấp công cụ phản ánh tình huống khẩn cấp có tính tương tác cao giữa người tiêu dùng thực phẩm và cơ quan quản lý nhà nước, giúp báo cáo, ghi nhận nhanh chóng các trường hợp vi phạm quy định ATVSTP nhằm giúp các cơ quan kịp thời xử lý, nâng cao chất lượng ATVSTP trên địa bàn. Khi người dân phát hiện trên địa bàn thành phố có vấn đề về thực phẩm không an toàn, ngay lập tức có thể gửi thông báo, kèm theo hình ảnh lên phần mềm được cài đặt trên điện thoại thông minh qua các App. Sau khi tiếp nhận thông tin báo, lãnh đạo trực quản lý của Trung tâm Y tế thành phố sẽ chỉ đạo các trạm y tế nơi có cảnh báo xử lý ngay, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất về thực phẩm bẩn tồn tại, lưu hành trên thị trường.

Dự án triển khai đã quản lý được số cơ sở kinh doanh thực phẩm; số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm; số cơ sở được ký cam kết ATVSTP liên thông từ thành phố đến xã, phường. Cung cấp thông tin báo cáo, thống kê về cơ sở kinh doanh, tình trạng cấp phép, tình hình kiểm tra các cơ sở… được thông tin rõ ràng, tin cậy, đầy đủ về cơ sở kinh doanh dịch vụ cho người dân, du khách,… Ngoài ra, sự tương tác trực tiếp giữa 3 cấp đã giúp cho cơ quan quản lý kịp thời xử lý những cơ sở sản xuất thực phẩm, nhà hàng, quán ăn vi phạm về ATVSTP.

Như vậy, sau một thời gian ứng dụng CNTT để quản lý, tiếp nhận, xử lý phản ánh vấn đề ATVSTP mang lại kết nối liên thông giữa 3 cấp, tiếp nhận phản ánh của người dân nhanh chóng kịp thời, nắm bắt, tổng hợp, phân tích nhu cầu, thị hiếu của người dân để có hoạch định, kế hoạch nâng cao chất lượng ATVSTP, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, kiểm tra giúp xây dựng một hệ thống thông tin có sức lan tỏa nhanh chóng, tương tác trực tiếp, đem đến hiệu quả tích cực trong việc nâng cao mức độ hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định trong việc đảm bảo ATVSTP, xây dựng một thị trường cung ứng, tiêu thụ thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, góp phần nân cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế và nhận thức xã hội của người dân địa phương./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 558

Tháng này: 18288

Tổng lượt truy cập: 177240