Ngày đăng: 01/12/2023 / Lượt xem: 133
Xem với cỡ chữ

Tác hại của việc lạm dụng phân bón hóa học trong trồng trọt gây ô nhiễm đất và môi trường

Bón phân là một trong những hoạt động quan trọng của quá trình sản xuất nông nghiệp và phân bón giúp cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Các chất dinh dưỡng này bao gồm đạm (N), photpho (P) và kali (K), cũng như các khoáng chất và vi lượng khác...


Các chất dinh dưỡng có trong phân bón là rất cần thiết để cây trồng có thể phát triển và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp, nếu đất không đủ chất dinh dưỡng hoặc bị mất đi do các chu kỳ canh tác sẽ khiến năng suất và chất lượng của các sản phẩm nông sản giảm đi đáng kể. Bên cạnh đó, việc bón phân đúng loại cho từng cây trồng, bón đúng cách, đúng liều lượng theo quy định cũng có thể giúp tăng năng suất cây trồng và cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Có hai loại phân bón phổ biến là phân bón hữu cơ và phân bón hóa học. Phân bón hữu cơ là loại phân được làm từ các nguyên liệu tự nhiên như phân gia súc, phân trâu, phân bò, phân xanh…. Phân bón hóa học hay còn gọi là phân bón vô cơ, là loại phân được sản xuất bằng cách sử dụng các loại hóa chất có các thành phần chính là các muối vô cơ từ các nguyên tố hóa học chính như N, K, P, Ca, Mg, Cu, Fe, Zn… hay nói cách khác, các loại phân bón hóa học chủ yếu hiện nay là phân đạm, phân lân, kali, phân hỗn hợp, phân phức hợp và phân vi lượng. Phân hóa học được ưa dùng bởi vì dễ sử dụng, dễ bảo quản, giá thành thường rẻ hơn phân hữu cơ lại tan nhanh trong nước nên giúp cho cây trồng dễ hấp thụ và cho hiệu quả nhanh hơn và dễ trông thấy hơn.

Nguồn chất thải vào môi trường từ trồng trọt đang có xu hướng gia tăng, trong khi việc kiểm soát chưa đạt hiệu quả, đáng lo ngại nhất là chất thải từ phân bón, theo số liệu của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nước ta có khoảng 26 triệu ha đất nông nghiệp, nhu cầu sử dụng phân bón trung bình mỗi năm khoảng trên 10 triệu tấn. Kết quả điều tra của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc cũng cho thấy, hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45-50%. Nguyên nhân do tập quán canh tác và đa số nông dân chưa được đào tạo, tập huấn về sử dụng phân bón, xuất hiện tình trạng lạm dụng phân bón hoá học như một thói quen, việc người dân sử dụng bừa bãi các loại phân bón vô cơ không theo khuyến cáo của nhà sản xuất là nguyên nhân chính tạo ra các sản phẩm rau không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, gây lãng phí và ảnh hưởng đáng kể đến đất và môi trường nước, không khí, hệ sinh thái... Thực tế cho thấy, để nâng cao năng suất cây trồng, nông dân đã tăng lượng phân bón lên gấp 2-3 lần, thậm chí 5-7 lần so với nhu cầu, dẫn đến dư thừa lượng nitrat trong rau, củ, quả. Ngoài ra, việc sử dụng đạm hóa chất trong trồng trọt bừa bãi khiến dư thừa nitrat và khi vượt ngưỡng sẽ biến thành nitrit gây nguy hại cho con người, ảnh hưởng tới nguồn gen các loài sinh vật. Đồng thời, phần dư thừa chưa được cây trồng hấp thu sẽ tồn lại trong đất, có thể gây đột biến gen đối với một số cây trồng và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái nông nghiệp làm ô nhiễm đất hoặc bị rửa trôi theo nguồn nước mặt, nước mưa, gây ô nhiễm nguồn nước…

Những tác hại của việc bón quá nhiều phân hóa học là rất lớn, cụ thể như đối với đất sẽ làm mất cân bằng tự nhiên trong môi trường đất, các chất hóa học khi ngấm vào đất, lượng acid sẽ tăng, làm cho đất bị chua, bạc màu, acid tăng cao dẫn tới độ pH trong môi trường đất giảm. Môi trường đất bị thay đổi dẫn theo các loài sinh vật tự nhiên sống trong đất bị thay đổi môi trường sống không phù hợp nên sẽ chết dần, khiến nguồn đất dần mất đi độ tơi xốp, màu mỡ, phân hóa học bón nhiều quá mức quy định cũng khiến đất bị bạc màu và thay đổi lý tính không thể dùng để trồng trọt hoặc cây sẽ còi cọc, nông sản sẽ kém chất lượng,...

Đối với môi trường nước, các chất vô cơ trong phân hóa học thường tan rất nhanh, sau khi được bón xuống đất các chất hóa học sẽ được nước thấm qua đất rồi ra các sông suối, xuống mạch nước ngầm gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, các chất dinh dưỡng này cũng có thể gây ra hiện tượng rong rêu trên các mặt nước, dẫn đến tình trạng suy thoái chất lượng nước và ảnh hưởng đến các loài động vật sống trong môi trường nước. Phân bón hóa học cũng tác động và gây ra ô nhiễm môi trường không khí, các chất dinh dưỡng trong phân bón có thể bay hơi và lơ lửng trong không khí, nếu sử dụng quá nhiều, các chất độc hại có thể thoát ra khỏi đất và bay ra ngoài môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, các hạt phân bón nhỏ có thể gây ra bụi và làm giảm chất lượng không khí, từ đó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe như đau đầu, khó thở, kích thích mắt và họng. Việc lạm dụng phân bón hóa học cũng làm mất cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm nguồn đất và nguồn nước nên các vi sinh vật trong đất và nước sẽ bị suy thoái rồi chết đi, dẫn đến việc làm mất cân bằng sinh thái trong tự nhiên. Đối với sức khỏe con người, khi bón quá nhiều phân hóa học, cây hấp thụ nhiều chất vô cơ, gây tồn dư bên trong nông sản, nếu khi sử dụng chúng ta không rửa sạch khi ăn vào các chất sẽ tích tụ dần trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe sau này...

Chúng ta không thể phủ nhận sự hữu ích của phân hóa học, tuy nhiên cũng không thể phủ nhận được những tác hại của việc lạm dụng phân hóa học. Để giảm thiểu tác hại của phân bón hóa học, chúng ta cần tìm hiểu kỹ, chỉ cung cấp đúng loại phân hóa học mà cây đang cần (chọn đúng loại và dạng phân phù hợp với cây trồng, tránh tình trạng bón phân vô tội vạ và không theo quy trình kỹ thuật), tìm hiểu và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo để giảm thiểu dư lượng thuốc hóa học (cần bón phân cân đối, hợp lý, phù hợp với cây trồng, đất trồng, khí hậu, kỹ thuật canh tác), cần phải rửa sạch nông sản trước khi sử dụng (có thể ngâm nước muối hay nước giấm loãng trước khi dùng), cần thực hiện ăn chín uống sôi để đảm bảo sức khỏe, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân hóa học để bảo vệ chất lượng nông sản, bảo vệ đất và môi trường, bảo vệ sức khỏe con người. Khuyến khích việc tự trồng rau tại nhà để tự kiểm soát lượng phân hóa học sử dụng trong việc canh tác, đặc biệt, nên sử dụng những sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ hay sinh học hữu cơ như phân hữu cơ, thuốc sinh học, đất sạch trồng cây hữu cơ,… vừa thân thiện với môi trường vừa đem lại sự an toàn cho sức khỏe con người và giảm thiểu tác hại của phân bón hóa học gây nên.

Ngoài ra, cần triển khai hiệu quả chương trình 3 giảm (giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng giống gieo trồng) để đạt 3 tăng (tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế). Cùng với đó, người nông dân cần sử dụng phân bón một cách hợp lý theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian, đúng phương pháp) nhằm cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết để cây trồng cho năng suất, chất lượng tốt và tăng độ phì nhiêu cho đất. Bên cạnh đó, ngoài việc tuyên truyền cho nông dân hiểu đúng về kỹ thuật, các ngành liên quan phải làm tốt công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường nhằm tránh tình trạng người dân mua phải để sử dụng sẽ khiến hiệu quả vừa thấp, bị thiệt hại về kinh tế, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Trên đây là những hậu quả không thể xem thường từ tình trạng lạm dụng phân bón hóa học trong trồng trọt cho thấy đã đến lúc phải dứt khoát nói “không” với tập quán sản xuất cũ. Khi thực hiện được, bản thân người nông dân sẽ tiết kiệm được kinh tế và sản xuất nông phẩm đạt chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 3 2023

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 93

Tháng này: 4761

Tổng lượt truy cập: 163712