Khoa học công nghệ Hà Giang một chặng đường phát triển

Cùng với chặng đường 55 phát triển của ngành khoa học và công nghệ Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Giang tiền thân là Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã trải qua 55 năm hoạt động và trưởng thành.

Tháng 12 năm 1959, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, đến ngày 28/9/1965 đổi tên thành Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang. Trong giai đoạn này hoạt động khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang tập trung vào nhiệm vụ chủ yếu là: Tổ chức thông tin và phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phong trào cải tiến kỹ thuật, sáng kiến phát minh của quần chúng trong các hợp tác xã, các công, nông trường, xí nghiệp, nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, công nghiệp và hướng dẫn, theo dõi, tổng kết các hoạt động đó; nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống; xây dựng nề nếp quản lý 3 mặt công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; tổ chức công tác nghiên cứu kỹ thuật và khoa học, chủ yếu là ngành nông nghiệp; đề xuất phương hướng và kế hoạch đào tạo cán bộ, công nhân lành nghề, góp phần xây dựng lực lượng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất ở địa phương.

Năm 1976, tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên. Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang và Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang được sáp nhập thành Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tuyên.

Tháng 7/1984, Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tuyên được đổi tên thành Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tuyên. Trong giai đoạn này, các hoạt động nghiên cứu, triển khai được mở rộng hơn; việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đạt nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh ngày càng phát triển; tính đến năm 1984, toàn tỉnh có trên 2.300 cán bộ có trình độ đại học và cao đẳng, trên một vạn người có trình độ trung cấp và 5.000 công nhân kỹ thuật, trong đó có 26,9% là cán bộ người dân tộc. Công tác tiêu chuẩn hoá, kiểm định đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá tại địa phương được quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả, đã xây dựng được 29 tiêu chuẩn nông cụ phù hợp với từng vùng trong tỉnh.

Năm 1988, Uỷ ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Tuyên được đổi tên thành Ban Khoa học và kỹ thuật tỉnh Hà Tuyên. Chức năng của Ban là tham mưu cho Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng và triển khai thực hiện chính sách khoa học kỹ thuật của Đảng và Nhà nước phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước các hoạt động khoa học và kỹ thuật trên địa bàn tỉnh (bao gồm cả khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật); các nhiệm vụ chủ yếu là: Nghiên cứu để cụ thể hoá và thể chế hoá các chính sách, chế độ của Đảng và Nhà nước, các quyết định của cấp uỷ Đảng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về lĩnh vực khoa học kỹ thuật thành các quy định cụ thể phù hợp đặc điểm tình hình thực tế của địa phương để Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành áp dụng. Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành, các cấp xây dựng kế hoạch 5 năm và hàng năm về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của các cấp, các ngành vào sản xuất đời sống địa phương; hướng dẫn xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu ứng dụng và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật phù hợp với cơ cấu kinh tế và điều kiện thực tế của tỉnh; đề xuất các biện pháp về tổ chức quản lý, nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; tổ chức thực hiện công tác thông tin, phổ biến khoa học kỹ thuật; giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh quản lý chương trình, đề tài khoa học kỹ thuật cấp tỉnh; quản lý Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hoá ở địa phương; hướng dẫn thực hiện các tiêu chuẩn hoá nhà nước và đưa vào ứng dụng ở tỉnh.

Sau khi tái lập tỉnh Hà Giang tháng 10 năm 1991, Ban Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang cũng được thành lập lại, với bộ máy đơn giản gồm Phòng Hành chính Tổ chức, Tổ tổng hợp và 01 đơn vị trực thuộc là Chi cục TC-ĐL-CL. Với những nhiệm vụ chính là tuyên truyền thông tin, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, kiểm tra đo lường, chất lượng hàng hóa…

Theo Quyết định số 531/QĐ-UB ngày 13 tháng 10 năm 1993 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường Hà Giang được thành lập trên cơ sở Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh. Chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và môi trường tại địa phương được xác lập; với nhiệm vụ cụ thể nghiên cứu, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cụ thể hoá các chế độ, chính sách về khoa học, công nghệ và môi trường cho phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương; xây dựng, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định nhiệm vụ, chương trình phát triển khoa học, công nghệ và môi trường của địa phương phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; định hướng cho các tổ chức khoa học xây dựng kế hoạch nghiên cứu, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định thực hiện và theo dõi kiểm tra thực hiện đối với các chương trình, dự án do ngân sách nhà nước cấp kinh phí; quản lý các hoạt động chuyển giao công nghệ, tham gia giám định nhà nước về công nghệ đối với các dự án đầu tư. Theo dõi, hướng dẫn việc đánh giá trình độ công nghệ trong các tổ chức kinh tế trong tỉnh; kiểm tra bảo vệ môi trường tại địa phương theo quy định của pháp luật; chủ trì thẩm định hoặc nhận xét các báo cáo đánh giá tác động đến môi trường các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của tỉnh; kiểm tra theo dõi diễn biến môi trường tại địa phương; quản lý công tác tiêu chuẩn đo lường, kiểm tra chất lượng sản phẩm và hàng hoá theo pháp luật quy định; quản lý các hoạt động sáng kiến, sở hữu công nghiệp theo Pháp lệnh Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và các văn bản pháp quy khác của Chính phủ và của Bộ; thanh tra nhà nước đối với các tổ chức và cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc chấp hành luật pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường; xét và cấp giấy phép đăng ký cho các tổ chức hoạt động nghiên cứu, triển khai khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế trong tỉnh. Sở KH&CN là cơ quan thường trực Hội đồng khoa học tỉnh; quản lý các tổ chức sự nghiệp nhà nước thuộc Sở.

Thực hiện Quyết định số 1075/QĐ-UB ngày 30 tháng 6 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về việc thành lập Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang. Từ tháng 7/2003, chức năng quản lý nhà nước về môi trường được chuyển sang Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học công nghệ và Môi trường đổi tên thành Sở Khoa học và Công nghệ theo Quyết định số 1074/QĐ-UB ngày 30 tháng 6 năm 2003 của UBND tỉnh Hà Giang với 48 biên chế gồm Lãnh đạo Sở (Giám đốc và 02 phó Giám đốc); Phòng Hành chính - Tổng hợp; Thanh tra Sở; Phòng Quản lý Khoa học và 02 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng và Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới.

Thực hiện Thông tư liên bộ số 15/2003/TTLB-BNV ngày 15/7/2003 giữa Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ, đồng thời tăng cường công tác quản lý Nhà nước về An toàn bức xạ hạt nhân, Sở hữu trí tuệ, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định số 1040/QĐ-UB ngày 25/5/2005 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang gồm, Lãnh đạo Sở; Văn phòng; Thanh tra Sở; Phòng Quản lý khoa học; Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ (thành lập mới) và 02 đơn vị trực thuộc là Trung tâm TT&CGCN mới và Chi cục TC-ĐL-CL.

Đến năm 2008, thực hiện thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ nội vụ về Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định 4472/QĐ-UBND ngày 29/12/2008 về việc ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang với vị trí, chức năng là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, tham mưu, giúp Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ bao gồm: Quản lý khoa học và công nghệ; tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; sở hữu trí tuệ; an toàn bức xạ hạt nhân; thông tin thống kê khoa học và công nghệ; các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Sở quản lý trên địa bàn theo quy định của pháp luật; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Qua quá trình kiện toàn, đến nay về tổ chức bộ máy Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Giang bao gồm Ban Lãnh đạo Sở và 07 phòng chức năng và chuyên môn, gồm: Văn phòng, Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Công nghệ, Phòng Quản lý Khoa học và Công nghệ cơ sở, Phòng Quản lý chuyên ngành, Thanh tra Sở và 02 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng và Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới với tổng số 65 biên chế.

Đối với cấp huyện, thành phố: Đã kiện toàn được bộ máy hoạt động khoa học và công nghệ theo Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ nội vụ, chức năng quản lý khoa học và công nghệ được đặt tại phòng Công thương đối với UBND các huyện và tại phòng Kinh tế đối với UBND Thành phố, Hội đồng khoa học và công nghệ cấp cơ sở được kiện toàn và từng bước hoạt động có hiệu quả, đã tích cực tham mưu đề xuất thực hiện được nhiều đề tài, dự án khoa học và công nghệ, giải quyết được nhiều vấn đề đặt ra từ thực tiễn liên quan đến từng ngành, từng lĩnh vực. Năm 2011, 100% huyện, thành phố đã bố trí được cán bộ chuyên trách về khoa học và công nghệ, đội ngũ cán bộ chuyên trách thường xuyên được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, từ đó có những tham mưu tích cực đối với hoạt động của khoa học và công nghệ ở cấp huyện, thành phố.

Trải qua những năm xây dựng và phát triển, Sở Khoa học và Công nghệ đã không ngừng được tăng cường về đội ngũ cả về số lượng và chất lượng, có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn chất lượng, thông tin và thống kê khoa học công nghệ cũng như phát triển đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh Hà Giang. Kết quả nhiều đề tài, dự án thời gian qua đã có những đóng góp quan trọng đối với phát triển KT-XH địa phương, điển hình như: Công viên địa chất toàn cầu CNĐ Đồng Văn; hệ thống Hồ treo cấp nước cho nhân dân vùng cao; cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch tích cực; nhiều sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương đã được xây dựng thương hiệu; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân không ngừng được cải thiện nhờ ứng dụng những thành tựu mới; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát triển; chất lượng giáo dục đào tạo được cải thiện...

Bên cạnh đó, Sở cũng đã tham mưu, cung cấp các luận cứ khoa học làm cơ sở cho các quy hoạch, quyết định, chương trình kế hoạch ở cấp tỉnh và cấp huyện, thông qua các đề tài, dự án được triển khai đưa những tiến bộ khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, phát triển kinh tế xã hội cũng như phục vụ và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong thời gian tới thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Hà Giang, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành khoa học Hà Giang phải có nhiều cố gắng hơn, trách nhiệm hơn phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống quý báu của ngành, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân./.

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 4

Hôm nay: 1207

Tháng này: 7847

Tổng lượt truy cập: 154499