Ngày đăng: 15/10/2024 14:51:57 / Lượt xem: 320
Xem với cỡ chữ

Khảo sát một số hoạt chất chiết xuất từ thảo dược có khả năng thay thế kháng sinh điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E. coli và Salmonella trên gà

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số đàn gia cầm đến tháng 10 năm 2018 là 408.970.406 con. Trong đó, đàn gà chiếm tới 316.916.183 con. Việt Nam hiện đứng thứ 20 trên thế giới về sản xuất thịt gia cầm (Tổng cục thống kê, 2018).


Ở Miền Bắc Việt Nam, khí hậu rất khắc nghiệt (mùa hè nóng, mùa đông lạnh), trong quá trình nuôi gia cầm nếu không đảm bảo thức ăn, nguồn nước, vệ sinh chuồng trại cũng như môi trường xung quanh thì nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, đường hô hấp và một số bệnh khác cao. Trong đó, bệnh tiêu chảy là bệnh khá phổ biến trong quá trình nuôi, bệnh do vi khuẩn Salmonella và E. coli gây ra trên gia cầm nói chung và cho gà nói riêng.

Nhiều quốc gia đã hành động để giảm việc sử dụng kháng sinh ở động vật.. Kể từ năm 2006, Liên minh châu Âu đã cấm sử dụng kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng. Người tiêu dùng cũng hướng đến nhu cầu được dùng thịt được nuôi mà không sử dụng kháng sinh. Từ đầu năm 2018, Việt Nam đã dừng sử dụng các loại thuốc kháng sinh cho mục đích sinh trưởng trong chăn nuôi, nuôi 9 trồng thủy sản. Lộ trình đến năm 2020, Việt Nam sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy hải sản.

Các phương án lựa chọn thay thế cho việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh ở động vật bao gồm cải thiện vệ sinh, thực hành tốt trong chăn nuôi, sử dụng vắc-xin và sử dụng khác chất bổ trợ thay thế kháng sinh. Do vậy hướng nghiên cứu tìm ra các giải pháp thay thế kháng sinh là hướng đi cần thiết và thiết thực trong bối cảnh hiện nay.

Sử dụng thảo dược là một phần trong nền y học Việt Nam, vừa mang tính tự phát và đại chúng vừa mang tính hệ thống (Wahlberg, 2006; Woerdenbag và cs, 2012). Với xu hướng chủ động nguồn nguyên liệu dược liệu trong nước, đã có rất nhiều nghiên cứu về khả năng kháng khuẩn của những cây thuốc Việt Nam (Woerdenbag và cs, 2012; Vu và cs, 2015).

Xuất phát từ thực tiễn trên, TS. Lưu Quỳnh Hương cùng nhóm nghiên cứu tại Hội Thú Y Việt Nam thực hiện đề tài nghiên cứu “Khảo sát một số hoạt chất chiết xuất từ thảo dược có khả năng thay thế kháng sinh điều trị bệnh tiêu chảy do vi khuẩn E. coli và Salmonella trên gà” với mục tiêu khảo sát một số chiết xuất từ hoạt chất thiên nhiên có khả năng kháng khuẩn, thay thế kháng sinh trong điều trị bệnh tiêu chảy trên gà.

Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:

Đã tiến hành điều tra phỏng vấn 100 trại chăn nuôi gà thịt tại Nam Định và Thái Nguyên về tình hình chăn nuôi và sử dụng kháng sinh. Quy mô chăn nuôi trung bình và lớn phổ biến hơn tại Phú Bình, Thái Nguyên (28% và 72%), trong khi tại Vụ Bản, Nam Định quy mô phổ biến là nhỏ và trung bình (42% và 56%). Có tới 100% số trại phỏng vấn đều sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi với mục đích điều trị bệnh và phòng bệnh. Số trại tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất tại Nam Định (76%) cao hơn so với các trại tại Thái Nguyên (36%). Số trại sử dụng liều cao gấp 1,5-2 lần tại Thái Nguyên (54%) cao hơn so với các trại tại Nam Định (14%). Tại Thái Nguyên, Amoxicillin được dùng tương đối phổ biến (76%), tiếp đến là Doxycylin (32%) và Florfenicol (28%). Bên cạnh đó, tại Nam Định, kháng sinh được sử dụng phổ biến là Ampicillin (28%), Ampicillin-Colistin (24%) và Doxycylin-Tylosin (16%).

Đã thu thập được 60 mẫu phân gà có biểu hiện tiêu chảy. 100% các mẫu phân lập phát hiện được vi khuẩn E.coli và 30% các mẫu phân lập phát hiện được vi khuẩn Salmonella. Trong đó, tỷ lệ phân lập Salmonella ở Thái Nguyên là 13/30 mẫu dương tính (chiếm 43,33%) cao hơn ở Nam Định là 5/30 mẫu dương tính (chiếm 16,67%). Tất cả các chủng Salmonella và E.coli phân lập được đều có các đặc tính sinh hóa phù hợp với các tài liệu đã được mô tả ở trong và ngoài nước. 60 chủng E.coli phân lập được đều mang gen đặc trưng 16S rRNA và chỉ có 4/60 chủng phân lập được xác định có mang gen stx2, chiếm tỷ lệ 6,67%. 100% các chủng Salmonella phân lập được đều mang gen đặc trưng 16S rRNA; có 66,67% các chủng mang gen stn và 61,1% các chủng được xác định mang gen l137. Trong 18 chủng này, có 10 chủng được xác định mang cả hai gen stn và l137, là S. pullorum, chiếm tỷ lệ 55,56%.

Từ 23 loại mẫu thực vật, chiết xuất được 27 mẫu cao chiết thực vật khác nhau. Trong đó có 6 mẫu cao chiết CL, THV, CKC-H2O, GCL-SP 5L, CBP và Sachi-W biểu hiện hoạt tính ức chế đồng thời cả 2 loài vi khuẩn E. coli spp. và Salmonella spp., với giá trị MIC (µg/mL) dao động tương ứng từ 150-200 µg/mL. Đã phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 08 chất sạch từ các mẫu cao chiết. Các mẫu tinh sạch bao gồm hoạt chất Cur từ cây nghệ vàng; hoạt chất PC-2 và PT-572 từ cây cốt khí củ; hoạt chất Gin-F1 và B.34-2.1 từ cây giảo cổ lam; hoạt chất NR-4.14.3 và NR-4.10.4 từ cây trà hoa vàng và hoạt chất Ber từ cây bông phấn. Các hoạt chất được đánh giá hoạt tính kháng khuẩn bằng phương pháp xác định nồng độ ức chế tối thiểu MIC (µg/mL), có 02 mẫu (Cur, Gin-F1 và Ber) biểu hiện hoạt tính ức chế với cả hai loại vi khuẩn E. coli và vi khuẩn Salmonella sp. với giá trị MIC (µg/mL) dao động tương ứng từ 150-200 µg/mL

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20290/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Bài viết cùng chuyên mục
Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...