Ngày đăng: 09/07/2025 15:26:23 / Lượt xem: 1
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 2, 3 dòng năng suất cao, chất lượng tốt cho các tỉnh phía Bắc

Trong những năm gần đây, các giống lúa ưu thế lai với tính ưu việt về khả năng thích nghi (do có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, bộ rễ phát triển…), sự vượt trội về năng suất (cao hơn lúa thuần 15 - 20%) đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tạo điều kiện để tăng kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, góp phần quan trọng trong việc ổn định sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong điều kiện nền kinh tế thế giới có nhiều biến động. Tuy nhiên, diện tích đất trồng lúa ở nước ta đã bị giảm đi đáng kể do nhu cầu của quá trình đô thị hoá và công nghiệp hoá. Mặt khác, diện tích đất trồng lúa còn bị thu hẹp bởi tác động của biến đổi khí hậu cực đoan gây ra hạn hán ở các tỉnh Miền Trung - Tây Nguyên, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển và Đồng bằng Sông Cửu Long.


Bên cạnh đó, việc mở rộng diện tích lúa lai gặp nhiều khó khăn như: phần lớn các giống được sử dụng trong sản xuất hiện nay và các giống có khả năng chống chịu bạc lá như TEJ vàng, Thái Xuyên 111, BTE 1, ... đều là giống nhập nội có phổ thích ứng hẹp, giá thành cao và không chủ động được nguồn giống, trong khi lượng hạt giống F1 sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được 30 - 35% nhu cầu cho sản xuất, bộ giống được chọn tạo trong nước còn ít, chưa có nhiều giống chống chịu được sâu bệnh và điều kiện bất thuận cho sản xuất…Từ thực tế trên, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Hùng Phong tại Viện cây lương thực và cây thực phẩm đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo giống lúa lai 2, 3 dòng năng suất cao, chất lượng tốt cho các tỉnh phía Bắc” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2021.

Đề tài hướng đến thực hiện mục tiêu lai tạo và đưa vào sản xuất các tổ hợp lúa lai 2, 3 dòng có năng suất cao chất lượng tốt, chịu phèn mặn và chống chịu sâu bệnh hại chính (rầy nâu, bạc lá ) để từng bước thay giống nhập khẩu.

Đề tài đã thu được các kết quả như sau:

- Chọn lọc, làm thuần được 02 dòng CMS mới đưa vào sử dụng lai tạo Chọn giống lúa lai 3 dòng theo hướng chất lượng: AMS 8A, AMS 28A.

- Lai tạo chọn lọc làm thuần đưa vào sử dụng 02 dòng mẹ TGMS mới, trong đó 01 dòng mang gen kháng rầy nâu D116S Tkhr-341 (Bph3), và 01 dòng mẹ TGMS mang gen kháng bạc lá AMS 35SKBL (Xa7).

- Đã lai tạo, chọn thuần được 6 dòng bố mới: Trong đó 05 dòng chuyển gen kháng rầy nâu: RP0088-148, RP 088-48, R1028KR, RP3KR, RP8 và 01 dòng bố nhập nội HHZ12 –sal2 –y3-y2. Đánh giá mức độ kháng rầy nâu (trong môi trường nhân tạo) của các dòng đạt từ điểm 3 - 5. Các dòng bố có khả năng chịu mặn trung bình ở nồng độ 4‰, Chịu phèn sắt trung bình (cấp 5) ở nồng độ 200ppm;

- Kết quả lai tạo lúa lai ba dòng: Chọn được 02 giống triển vọng HYT385, HYT325. Hai giống này đã được khảo nghiệm diện hẹp 3 vụ, khảo nghiệm diện rộng và khảo nghiệm DUS 2 vụ.

- Kết quả lai tạo lúa lai hai dòng: Chọn được 02 giống triển vọng HYT 116, HYT222. Trong đó giống HYT116 đã được công nhận chính thức là giống cây trồng mới theo QĐ số 5157/QĐ- BNN - TT ngày 31/12/2019 và được cấp bằng bảo hộ. Giống HYT222 đã được khảo nghiệm diện hẹp 3 vụ, KN diện rộng và khảo nghiệm DUS 2 vụ.

- Hoàn thiện được 11 Qui trình kỹ thuật cho 3 giống HYT116, HYT325, HYT385 trong đó có 02 qui trình nhân dòng bố; 03 qui trình nhân dòng mẹ; 03 qui trình sản xuất hạt lai F1 và 03 qui trình thâm canh lúa lai thương phẩm.

- Xây dựng được mô hình sản xuất thử nghiệm giống lúa lai và hạt lai: đã xây dựng 05 mô hình sản xuất thương phẩm giống HYT116, HYT222 đạt năng suất 7,5 - 9,0 tấn/ha trong vụ Xuân, 6,5- 8,0 tấn/ha trong vụ Mùa; đã xây dựng được 05 mô hình sản xuất thương phẩm giống HYT385, HYT325 đạt năng suất 7,5- 9,0 tấn/ha trong vụ Xuân, 6,5 - 8,0 tấn/ha trong vụ Mùa; đã xây dựng đươc 02 mô hình sản xuất hạt giống F1 HYT116 (đạt năng suất >2 tấn tại các tỉnh phía Bắc, > 3 tấn tại Tây Nguyên) , HYT222, HYT325, HY385 (đạt 1,8 - 2,6 tấn tại Hà Nội); và đã xây dựng được 02 mô hình nhân dòng mẹ AMS 30S đạt năng suất >2,5 tấn /ha tại Hà Nội. Dòng mẹ AMS 28A đạt NS > 2,6 tấn/ha, dòng AMS8A đạt 2,4 tấn/ha tại Hà Nội.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20955/2022) tại Cục Thông tin, Thống kê.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Bài viết cùng chuyên mục
Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...