Ngày đăng: 01/03/2023 / Lượt xem: 238
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy “trụ cột” nông nghiệp

Phát triển nông nghiệp luôn được tỉnh xác định là một trong những “trụ cột” quan trọng của nền kinh tế; với phương châm đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật và phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm để hướng đến mục tiêu xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào biên cương cực Bắc.


Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân Bắc Quang kỹ thuật chăm sóc cam.
Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn người dân Bắc Quang kỹ thuật chăm sóc cam.

Đánh thức tiềm năng

Nhận rõ tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, tỉnh ta có nhiều chủ trương, giải pháp đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển lâm nghiệp, cây ăn quả và cây dược liệu. Đồng thời, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa đa dạng. Để thay đổi tập quán canh tác truyền thống đã “bám rễ” trong tư duy sản xuất của người dân, hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tỉnh tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa các loại cây, con năng suất, giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng; khuyến khích các hộ tự giác đầu tư thâm canh, góp phần tăng diện tích, sản lượng. Mặt khác, để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, bám sát nhu cầu thực tiễn, tỉnh ban hành nhiều quyết sách khuyến khích nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với những chủ trương, chính sách đúng đắn cùng thời tiết thuận lợi, sản xuất nông nghiệp năm 2022 tiếp tục được mùa; diện tích, năng suất, sản lượng các cây trồng chính đều tăng so với năm trước. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây hàng năm đạt trên 177 nghìn ha, tăng 318 ha so với năm trước. Tổng sản lượng lương thực đạt trên 419 nghìn tấn, tăng hơn 2 nghìn tấn so với năm trước. Các địa phương chủ động chuyển đổi 114 ha diện tích đất lúa không chủ động nước sang trồng ngô, lạc, rau đậu để nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác. Duy trì diện tích hiện có và cải tạo, nâng cao chất lượng cây cam; diện tích cam đạt 6.890 ha, sản lượng đạt trên 78 nghìn tấn; diện tích chè trên 20 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt 90 nghìn tấn.

Người dân xã Đông Minh (Yên Minh) phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững.
Người dân xã Đông Minh (Yên Minh) phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo bền vững.

Chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa, nâng cao giá trị sản phẩm. Tổng diện tích rừng trồng tập trung đạt trên 4,8 nghìn ha; trồng cây phân tán được trên 2,1 triệu cây các loại; diện tích và chất lượng rừng nâng lên; rừng được bảo vệ tốt hơn, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ nguồn nước, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của rừng; phát huy tác dụng phòng hộ, giảm thiểu tác hại do thiên tai. Hiện, toàn tỉnh có gần 16 nghìn ha cây ăn quả; trong đó, diện tích cây ăn quả có múi trên 9,6 nghìn ha, chiếm trên 61% tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Tổng sản lượng cây ăn quả bình quân thu hoạch hàng năm đạt trên 100 nghìn tấn; giá trị thu hoạch sản phẩm cây ăn quả bình quân đạt trên 1.900 tỷ đồng, chiếm trên 25,5% tỷ trọng ngành trồng trọt. Để nâng cao giá trị cây ăn quả và đáp ứng nhu cầu các thị trường tiêu dùng, tỉnh tổ chức sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn GAP, VietGAP, hữu cơ... Đến nay, diện tích cây ăn quả sản xuất theo tiêu chuẩn GAP đạt trên 4.200 ha, chủ yếu ưu tiên tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP trên các diện tích cây ăn quả có lợi thế cạnh tranh, là sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Cam, Hồng không hạt, lê, mận.

Với đặc thù thổ nhưỡng, khí hậu, tỉnh ta có nhiều ưu thế phát triển cây dược liệu. Do đó, tỉnh quan tâm phát triển cây dược liệu gắn với xoá đói, giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại 6 huyện 30a; thực hiện đề tài nghiên cứu sản xuất giống và xây dựng quy trình kỹ thuật 20 loài cây dược liệu trong danh mục ưu tiên của tỉnh. Đến nay, đã trồng mới được trên 11 nghìn ha cây dược liệu (chủ yếu diện tích cây thảo quả); thu hút một số công ty và hợp tác xã đầu tư vào dược liệu; có trên 13 nghìn lao động địa phương tham gia vào các hoạt động của chương trình phát triển cây dược liệu. Thu nhập của các hợp tác xã và người dân tham gia ngày càng tăng, đời sống người dân trồng dược liệu ngày một cải thiện.

Phát triển nông nghiệp bền vững

Mặc dù tỉnh ta chủ yếu sản xuất nông nghiệp với khoảng 86% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn, nhưng nhìn thẳng vào thực tế, phát triển chăn nuôi, lâm nghiệp, trồng cây ăn quả và cây dược liệu gặp không ít khó khăn. Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất còn thiếu và không đồng bộ, thiếu nguồn lực. Sản phẩm nông nghiệp chưa đa dạng về mẫu mã, hình thức; thiếu các mô hình khoa học công nghệ được chuyển giao. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thiếu và chưa đồng bộ; ít các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ; nhiều loại sản phẩm đặc thù, thế mạnh chưa được quảng bá, giới thiệu đầy đủ, kịp thời. Hạn chế trong kiểm tra, đánh giá chất lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; chưa xây dựng được chuỗi các cửa hàng giới thiệu sản phẩm phù hợp. Số sản phẩm có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý còn ít, chưa tạo được những thương hiệu mạnh gắn với văn hóa và du lịch của tỉnh, chưa có sức cạnh tranh cao trên thị trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Hải Lý chia sẻ: Để phát triển nông nghiệp bền vững, tỉnh ta không chỉ hướng dẫn phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng thế mạnh mà còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản lên sàn giao dịch thương mại điện tử; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp tác và người nông dân; một số sản phẩm được đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, có thương hiệu như: Cam Sành, mật ong Bạc hà, dược liệu, Hồng không hạt, chè, sản phẩm Tam giác mạch...

Để thúc đẩy tăng trưởng ngành Nông nghiệp, tỉnh ta tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển chăn nuôi; phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” cho sản phẩm thịt bò. Áp dụng kỹ thuật nuôi vỗ béo, nuôi trâu, bò sinh sản; chăn nuôi các giống lợn cao sản, lợn lai năng suất cao theo quy mô trang trại; phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, truyền thống những giống lợn địa phương có giá trị kinh tế cao như giống lợn đen Lũng Pù, lợn hung Bắc Mê... Tập trung tái đàn lợn, xây dựng cơ sở chăn nuôi lợn áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; phát triển các giống gia cầm địa phương như giống gà xương đen, gà lông xước… Phát triển giống ong nội; áp dụng các biện pháp nuôi ong theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, thực hiện truy suất nguồn gốc sản phẩm và phát huy hiệu quả chỉ dẫn địa lý sản phẩm mật ong Bạc hà.

Mặt khác, quyết liệt thực hiện các phương án, dự án bảo vệ và phát triển rừng. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn quả. Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Phát triển sản xuất đi đôi với tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tổ chức lại sản xuất cho người nông dân. Rà soát quy hoạch phát triển dược liệu theo hướng cụ thể đến từng cây, từng vùng và từng doanh nghiệp; dựa trên yếu tố thị trường của sản phẩm, gắn việc trồng với việc chế biến theo các điều kiện và tiêu chuẩn quy định. Gắn phát triển các sản phẩm dược liệu với du lịch nông nghiệp, ẩm thực dược liệu để tạo điều kiện cho phát triển bền vững…

Nguồn tin: http://www.baohagiang.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 618

Tháng này: 6963

Tổng lượt truy cập: 165914