Chủ Nhật, 19/05/2024
Ngày đăng: 06/04/2023 / Lượt xem: 119
Xem với cỡ chữ

Kinh tế số, nhìn từ dịch vụ tài chính - ngân hàng

Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Tài chính - Ngân hàng đang có bước tiến quan trọng, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số (CĐS), triển khai đa dạng các dịch vụ, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn đầu tư phát triển, góp phần quan trọng hình thành nền kinh tế số.


Người dân thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng mọi lúc, mọi nơi.

Trong “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định: Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gắn với hội nhập thị trường tài chính và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thực hiện các chính sách của T.Ư, UBND tỉnh chủ động, kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện “Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ban, ngành triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển khu vực dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng và tăng năng lực cạnh tranh các ngành dịch vụ của tỉnh so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án như: Chương trình phục hồi và phát triển KT - XH; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; tập trung huy động tối đa các nguồn lực và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; thúc đẩy các hoạt động CĐS; liên doanh, liên kết, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các quy định về thu ngân sách nhà nước; triển khai các giải pháp về miễn giảm, giãn hoãn và gia hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh giải quyết khó khăn trong thời gian dịch Covid - 19 diễn biến phức tạp; phân cấp thu ngân sách nhà nước, đảm bảo hợp lý và hiệu quả, giúp các cấp chủ động trong quản lý, khai thác, nuôi dưỡng nguồn thu. Đặc biệt, cơ cấu thu có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng thu nội địa/tổng thu ngân sách nhà nước tăng từ 92,6% năm 2021 lên 95,5% năm 2022. Cơ cấu thu trong khu vực ngoài quốc doanh đã chuyển dần từ lĩnh vực xây dựng cơ bản sang các lĩnh vực khác có tính ổn định như: Thủy điện, thương mại, dịch vụ. Hoạt động quản lý chi ngân sách đảm bảo đúng luật, tiết kiệm và hiệu quả; ưu tiên cân đối nguồn lực để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT - XH, QP - AN và an sinh xã hội.

Mạng lưới ngân hàng không ngừng được mở rộng, toàn tỉnh hiện có 5 chi nhánh Ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh Ngân hàng CSXH, 1 chi nhánh Ngân hàng phát triển với 7 chi nhánh cấp 1, có 11 chi nhánh cấp 2, 38 phòng giao dịch và 10 Quỹ tín dụng nhân dân; tất cả các xã, phường, thị trấn có điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH, tạo điều kiện thuận lợi và gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng ở khu vực nông thôn. Các dịch vụ ngân hàng được triển khai đa dạng, trên địa bàn tỉnh hiện có 44 máy ATM, 174 máy POS. Tổng số thẻ ATM đã phát hành 389.450 thẻ, tăng 45.929 thẻ so với năm 2021; có 1.507 đơn vị trả lương qua tài khoản ngân hàng, tăng 131 đơn vị so với năm 2021. Các thủ tục vay vốn được cải cách, đổi mới quy trình theo hướng giảm tối đa các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay. Quy trình cung cấp dịch vụ được tối ưu hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại như: Internet Banking, Mobile banking, ví điện tử... giúp khách hàng giảm chi phí, rút ngắn thời gian, thực hiện giao dịch kịp thời. Phối hợp triển khai một số mô hình CĐS như: Thu phí, vé chợ các hộ kinh doanh, doanh nghiệp thông qua tài khoản ngân hàng; in mã QR thanh toán tại các gian hàng tiểu thương và hỗ trợ cài đặt tài khoản ngân hàng phục vụ giao dịch điện tử. Đến hết năm 2022, tỷ lệ dân số trên 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch ngân hàng đạt 55,5%. Các chương trình tín dụng hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp được triển khai đồng bộ. Tổng nguồn vốn hoạt động và quản lý của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến hết năm 2022 là trên 31.240 tỷ đồng.

Sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ tài chính - ngân hàng có tác động tích cực, ảnh hưởng quyết định tới việc tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế với nhiều kết quả nổi bật: Năm 2022, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm ước đạt 7,8% so với năm 2021; trong đó, ngành dịch vụ tăng 6,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 14 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.500 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt trên 28.240 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021.

Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng là một trong những định hướng lớn của Chính phủ trong Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành Tài chính – Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các sản phẩm dịch vụ đa dạng, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ, phát triển những sản phẩm dịch vụ hiện đại bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng xu thế phát triển trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số.

Nguồn tin: http://www.baohagiang.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 5

Hôm nay: 385

Tháng này: 17693

Tổng lượt truy cập: 176644