Ngày đăng: 01/01/2023 / Lượt xem: 55
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng khoa học công nghệ trong điều tra, đánh giá nguồn gen cá chép bản địa nuôi ruộng tại một số huyện của tỉnh Hà Giang

Trong văn hóa dân tộc Việt, cá chép tồn tại theo suốt chiều dài của đời sống dân tộc. Ngay từ xa xưa, cá chép đã là loại thực phẩm có chất lượng cao, thường phục vụ cho gia đình có điều kiện kinh tế hoặc trong những dịp trọng đại. Cùng với sự phát triển của dân tộc, đời sống của nhân dân ngày một tăng lên, hiện nay cá chép trở thành một mặt hàng thực phẩm phổ biến.


Cá chép có thân hình nhẵn bóng, thon, mình dày, dẹp bên, vẩy to tròn thường có màu trắng bạc hơi pha màu vàng, vây đuôi pha màu đỏ. Viền lưng cong thuôn hơn vùng bụng. Đầu thuôn cân đối, mõm tròn, tù, có hai đôi râu. Khoảng cách hai mắt rộng và lồi. Môi trên phát triển hơn môi dưới. Lược mang thưa ngắn, có đường bên hoàn toàn chạy thẳng đến giữa thân và cán đuôi. Gốc vây bụng có một vẩy nách nhỏ dài.

Tại Hà Giang có thể bắt gặp các loại hình cá chép khác nhau (cá chép đỏ, cá chép kính, cá chép cẩm, cá chép lai), một số loài có ngoại hình màu sắc sặc sỡ, thường có màu tím, tím nhạt, ánh vàng đến vàng kim, màu trắng bạc, trắng xám. Một đặc điểm khác biệt là cá có vảy mềm không giống các loài cá chép khác đó là loài cá chép ruộng có giá trị thương phẩm và giá trị dinh dưỡng cao xuất hiện tại một số huyện vùng cao ở Hà Giang. Để có thể định danh loài cá chép nuôi ruộng đó, Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản thuộc Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên đã tiến hành Điều tra, thu thập nguồn gen cá chép bản địa trên địa bàn 5 huyện (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên) của tỉnh Hà Giang, phân loại (bằng hình thái và chỉ thị DNA) và phân tích một số chỉ tiêu dinh dưỡng và tiến hành thuần hóa được 200 cá thể cá chép bản địa tại Hà Giang

Cá chép là loài ăn đáy nên phù hợp ở môi trường nước Hệ sinh thái tĩnh, nhiều mùn như ao, ruộng, rất thuận lợi cho nuôi cá chép. Tại 5 huyện điều tra của tỉnh Hà Giang cá chép chủ yếu được nuôi ở ruộng lúa (99,33%), ao (21,48%), nơi có điều kiện cho cá kiếm mồi, các thủy vực khác không có cá chép này. Cá chép ruộng là đối tượng nuôi truyền thống ở đây vì có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao và được yêu thích bởi người dân địa phương.

Có thể nhận thấy, qua khảo sát, hệ thống lúa - cá có tác động tích cực đối với người nông dân, vì dường như lao động chân tay giảm do cá đóng vai trò là người làm cỏ và kiểm soát dịch hại cũng như phân bón. Hơn nữa, nó cũng có lợi cho chế độ ăn của người nông dân bằng cách tích hợp protein từ cá.

Nuôi cá - lúa là một trong những nghề tốt nhất trongcác lựa chọn để tăng sản lượng lương thực từ đất hạn chế thông qua hình thức nông nghiệp sinh thái. Nuôi cá - lúa có thể tận dụng được một cách hiệu quả không gian sản xuất, hệ thống này tạo ra đồng thời ngũ cốc và protein động vật, tạo thêm nguồn thu nhập cho người nông dân và giảm bớt các tác động xấu của nông nghiệp vào môi trường .

Đối với cá chép ruộng nuôi tại Hà Giang, đều được đánh giá rất ngon và ngon chiếm 8,72 và 85,23% tương ứng. Số người đánh giá bình thường 5,37%. Tiềm năng nuôi cá này ở tại địa phương được nhận định là có tiềm năng cao. Tiềm năng và cơ hội lớn của lúa kiêm cá do sự sẵn có của diện tích lớn ruộng lúa ở vùng đồi trung du và sự phụ thuộc của nhiều nông dân trồng lúa và nuôi cá để kiếm sống và gia tăng thêm thu nhập, qua đó có thể cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Như vậy, trong nghiên cứu này đã tiến hành định danh 6 mẫu cá chép thu thập tại Hà Giang dựa trên chỉ thị vùng gen COI. Cả 6 mẫu đã được khẳng định là loài cá chép Cyprinus carpio với sự tương đồng 97-99% so với trình tự vùng gen COI của cá chép đã được công bố trên dữ liệu ngân hàng Genebank.                 Sau khi quá trình điều tra, thu thập nguồn gen cá chép bản địa nuôi ruộng tại 5 huyện (Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên) cá chép được tiến hành nuôi thuần hoá trong 01 ao có diện tích là 500m2 trong 6 tháng tại khu nuôi của Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thủy sản. Sự biến động nhiệt độ qua 6 tháng nuôi thuần hoá cho thấy nhiệt độ môi trường nước nằm trong khoảng thích hợp về nhiệt độ hoạt động của cá chép nói chung. Các giá trị pH của môi trường nước cho thấy giá trị rất phù hợp, pH nằm trong giá trị từ 7,4 đến 7,7, giá trị trung tính của môi trường nước rất phù hợp với đời sống chung của động vật thủy sản. Thức ăn sử dụng cho cá trong quá trình thuần hóa là cám viên nổi công nghiệp dành cho cá có vảy, với giá trị protein tổng số là 32%. cá được cho ăn 2 ngày/lần... Sau 6 tháng thực hiện thuần hóa, Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển thủy sản đã xây dựng và hoàn thành Quy trình thuần hóa cá chép bản địa nuôi ruộng thu thập từ một số huyện của tỉnh Hà Giang. Quy trình bao gồm các bước sau:

Công tác chuẩn bị ao nuôi: Ao nuôi trước khi thả cá cần vệ sinh sạch sẽ trước khi thả giống khoảng 2 tuần. Cần chuẩn bị ao có nguồn nước sạch, xa các nguồn gây ô nhiễm, cấp - thoát nước chủ động, giao thông đi lại thuận tiện, diện tích ao càng rộng càng tốt nhưng tối thiểu khoảng 100m2 trở lên, nên chọn ao rộng sẽ thuận lợi hơn. Sau đó tiến hành làm cạn hết nước trong ao. Tiếp đó ta tiến hành vét bùn đáy sao cho lượng bùn dày 10-20cm là tốt nhất, nếu ao nhiều bùn quá cần vét bớt lượng bùn đáy ao. Dọn cỏ, cây ven bờ nếu có, tu sửa lại những chỗ hư hỏng xung quanh bờ ao, tu sửa hệ thống cấp - thoát nước. Tiếp đó, ta tiến hành bón vôi, phơi đáy, nên sử dụng vôi bột để bón đáy ao, có thể dùng vôi đen hoặc hóa chất sát khuẩn, lượng bôi bột sử dụng khoảng 20 - 30kg/100m2 ao, nếu ao nhiều bùn hoặc cá vụ nuôi trước bị bệnh thì cần dùng nhiều vôi hơn, cần bón vôi khắp bề mặt ao, ven bờ. Sau khi bón vôi xong cần phơi đáy ao tối thiểu 3 ngày, phơi lâu hơn càng tốt. Cần bón phân gây màu cho ao, nên sử dụng phân chuồng, hoặc phân xanh bón cho ao với liều lượng khoảng 20-30kg/100m2 ao, phân xanh bó thành từng bó, đóng vào cọc xung quanh ao, ngâm trong nước khoảng 2-3 tuần thì vớt bỏ khỏi ao. Về cấp nước, nếu ao nước tĩnh, độ sâu mực nước trong ao cần duy trì 1,5m. Có thể tiến hành cấp nước làm 2 lần. Lần 1 cấp khoảng 30-50cm, duy trì trong khoảng 1-2 tuần thì cấp nước tiếp lần 2 cho đủ. Với ao nước chảy thì yêu cầu độ sâu mực nước khoảng 50cm trở lên, không cần cấp 2 lần như đối với ao nước tĩnh.

Thả cá thuần hóa: Về tiêu chuẩn cá, cá chép ruộng khi thu thập cần có tính tương đồng cao về giống/loài cá chép thu thập. Khi vận chuyển giống có thể vận chuyển bằng phương pháp sử dụng túi nilon có bơm oxy hoặc sử dụng lồ có kết hợp sục khí để vận chuyển. Trước khi vận chuyển cần tập hợp cá trước đó, cho nhịn ăn (nếu được) 2-3 ngày trước khi vận chuyển. Cần bảo đảm vận chuyển cá tốt nhất, hạn chế tối đa cá bị stress, tổn thương cơ thể trong quá trình vận chuyển. Trước khi thả giống chú ý cân bằng nhiệt độ nước ao và nước chứa cá vận chuyển. Bảo đảm độ chênh lệch nhiệt độ không quá 2oC.

Chăm sóc: Thức ăn sử dụng tốt nhất là cám viên nổi công nghiệp dành cho cá, có hàm lượng protein tổng số khoảng 30%. Về lượng thức ăn cho ăn, trong thời gian đầu khi mới chuyển cá về ngừng cho cá ăn, chỉ cho cá ăn sau 1 ngày thả cá. Lượng thức ăn phụ thuộc vào khối lượng cơ thể cá. Nếu cá thu thập nhỏ, có kích thước < 100g/con cho ăn khoảng 10% tổng khối lượng đàn. Nếu kích thước cá từ 100-300g/con thì cho ăn khoảng 5-7% khối lượng đàn. Cá lớn hơn cho ăn 3-5% tổng khối lượng đàn cá. Thời gian cho ăn, ta nên chia khảu phần thức ăn hàng này của cá làm 2 lần cho ăn. Buổi sáng (7-9h) và buổi chiều (15-17h). Nên cho cá ăn theo thời gian xác định, cho ăn ở vị trí cố định, hạn chế thay đổi thức ăn đột ngột.

Quản lý ao nuôi: Hàng ngày khi cho cá ăn cần quan sát hoạt động ăn của cá. nếu thấy cá có các biểu hiện như giảm ăn, sức ăn kém hơn, bơi không bình thường... cần dừng cho cá ăn, tìm hiểu nguyên nhân để có biện pháp xử lý kịp thời. Hàng ngày bật sục khí hoặc quạt nước từ 20h đến 7 giờ sáng. Khi thời tiết bất thường như mưa nhiều, trời âm u dừng cho cá ăn, bật sục khí hoặc quạt nước 24/24 giờ. Định kỳ cho cá ăn bổ sung nhóm vitamin C để tăng sức đề kháng. Định kỳ hàng tháng bổ sung vôi xuống ao với liều lượng 1 - 2kg/100m3 nước hoặc sử dụng các nhóm chất sát khuẩn với liều lượng theo nhà sản xuất khuyến cáo. Khi thấy cá có dấu hiệu bị bệnh cần liên hệ ngay với cán bộ kỹ thuật hoặc cán bộ thú y cấp xã, phường nơi gần nhất để nhanh chóng chuẩn đoán, điều trị kịp thời.

Qua Quy trình thuần hóa cá chép bản địa nuôi ruộng thu thập từ một số huyện của tỉnh Hà Giang do Trung tâm Đào tạo, Nghiên cứu và Phát triển Thủy sản xây dựng, người dân có thể tiến hành áp dụng hiệu quả. Có thể khẳng định, tại tỉnh Hà Giang, nuôi cá chép trên những chân ruộng bậc thang đã có truyền thống lâu đời ở huyện Hoàng Su Phì (nhiều xã như Bản Luốc, Nậm Khòa, Nam Sơn, Thông Nguyên, Hồ Thầu, Nậm Dịch...), các xã đã phát triển hình thức nuôi cá chép trong ruộng lúa trên những thửa ruộng bậc thang với quy mô lớn, chính truyền thống lâu đời này đã góp phần rất lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bên cạnh đó đã tạo điểm nhấn cho sự phát triển của du lịch khi du khách đến để tham quan du lịch đồng thời trực tiếp trải nghiệm mô hình đặc sắc này, giúp tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững cho người nông dân./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 2

Hôm nay: 518

Tháng này: 18248

Tổng lượt truy cập: 177199