Ngày đăng: 01/01/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Phương pháp kiểm soát độ pH trong sản xuất nông lâm nghiệp

Mỗi một loại cây trồng đều phù hợp với một chỉ số pH nhất định, nếu cao hơn hoặc thấp hơn cây sẽ không thể sinh trưởng hoặc sinh trưởng nhưng cho năng suất cây trồng kém. Việc đo cũng như cách điều chỉnh độ pH của đất rất quan trọng giúp người dân định hướng được loại cây trên đất trồng mới, hoặc cải tạo đất phù hợp với loại cây hiện đang canh tác.


Khái niệm về chỉ số pH: pH hay chỉ số pH (còn gọi là độ pH) là một chỉ số có thang đo từ 01 đến 14. Phản ánh tính chất kiềm hay acid của một môi trường nào đó (đất, nước...), trong bài viết này chúng ta sẽ đề cập đến độ pH của đất. Đối với đất có độ pH = 7 là loại đất trung tính, không kiềm không acid, phù hợp với rất nhiều loại cây trồng; đối với đất có độ pH > 7 là loại đất kiềm, cần cải tạo bằng cách bón các chất gây acid hóa như lưu huỳnh, sắt sunphat,… đối với đất có độ pH < 7 đất đó thuộc loại đất chua, phương pháp cải tạo chủ yếu là bón vôi bột để điều chỉnh. Trên thực tế các loại đất chủ yếu có độ pH từ 5.0 đến 8.0, tùy theo loại cây trồng mà ta cần phải điều chỉnh cho phù hợp. Các loại đất có độ pH nằm ngoài khoảng này thường không phù hợp để trồng trọt.

Để có thể xác định độ pH của đất, ta có thể lấy mẫu thử pH đất. Để có kết quả chính xác cho cả khu đất, ta nên lấy mẫu đất ở 5 vị trí trên khu đất (lấy ở 4 góc và ở trung tâm) nếu diện tích đất lớn, có thể tăng số lượng mẫu đất để có kết quả chính xác hơn. Ở mỗi vị trí lấy đất, ta đào hố 50 x 50 x 50cm, sau đó dùng xẻng hoặc dụng cụ tương tự, xấn đất từ trên mặt đất xuống đáy hố với khoảng cách 40cm, mỗi vị trí lấy 0.5kg đất. Sau đó, trộn đều các mẫu đất với nhau, phơi khô, tán nhỏ, loại bỏ rác, tạp chất và rễ cây. Cân lấy 100g rồi cho vào chai nhựa chứa 0.5 lít nước sạch (nước cất càng tốt) khuấy đều, để lắng 30 phút, rồi chắt lấy phần nước để tiến hành đo độ pH (bằng máy, đo bằng giấy pH hoặc đo bằng hóa chất).

Đo độ pH của đất bằng máy do pH, cách đo này cho kết quả chính xác hơn, có thể sử dụng nhiều lần, tuy nhiên chi phí đầu tư máy cao, việc bảo dưỡng khó khăn. Máy này bà con có thể liên hệ với các đại lý thuốc bảo vệ thực vật để tự trang bị, khi mua máy sẽ có hướng dẫn sử dụng đi kèm. Cách đo thường là nhúng kim đo vào mẫu thử, trên máy sẽ có đồng hồ hiển thị chỉ số pH của mẫu thử.

Đo độ pH của đất bằng hóa chất, thường ít được sử dụng, do phải điều chế hóa chất và phải đảm bảo độ tinh khiết của hóa chất đó mới có kết quả chính xác, thường chỉ áp dụng trong các phòng thí nghiệm, hoặc người có chuyên môn về hóa chất. Các chất thường dùng như: Methyl Red (biến thành màu đỏ khi pH từ 4 trở xuống, biến thành màu vàng khi pH từ 7 trở lên. Giữa khoảng pH 4 và pH 7, dung dịch đổi màu từ đỏ, đỏ cam, cam và vàng), Bromthymol Blue (chuyển thành màu vàng ở pH 6 trở xuống và màu xanh dương ở pH từ 8 trở lên, giữa pH 6 - pH 8 dung dịch sẽ chuyển từ màu vàng sang vàng xanh, xanh lá cây, sang xanh dương) và Phenolphthalein (khi ở pH < 8 sẽ không có màu và sẽ đổi màu đỏ ở pH trên 10). Do đó, khi sử dụng dung dịch đổi màu để đo pH, ta chỉ có thể đo được pH trong khoảng cố định nào đó và không thể xác định cụ thể là nước có độ pH chính xác là bao nhiêu. Ví dụ như trong trường hợp sử dụng Bromthymol Blue, ta chỉ biết được pH của nước hoặc thấp hơn 6 (khi nước có màu vàng), từ 6-8 (khi nước có màu chuyển tiếp), hoặc cao hơn 8 (khi nước có màu xanh dương).

Đo pH đất bằng giấy đo pH hay còn gọi là giấy quỳ tím, là phương pháp thường được nhiều bà con sử dụng, do chi phí rẻ, kết quả cho độ chính xác cao, dễ thực hiện. Để đo bằng phương pháp này, bà con chỉ cần ra các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mua một hộp giấy đo pH, sau đó nhúng giấy vào dung dịch mẫu thử, giấy thử sẽ đổi màu, bà con chỉ cần so sánh màu với bảng màu in trên nắp hộp, có 14 thang màu tương ứng với 14 thang đo pH.

Qua đây, ta đã hiểu về độ pH của đất, cũng như cách lựa chọn phương pháp phù hợp để tự đo độ pH, từ đó có các biện pháp xử lý phù hợp với từng loại đất đã, đang và sẽ canh tác.

Cách điều chỉnh độ pH của đất trồng.

Các giống cây trồng khác nhau đều thích hợp với một khoảng pH nhất định, nhưng hầu hết đều giao động xung quanh mức pH từ 5 - 7. Việc kiểm tra đo độ pH và duy trì pH phù hợp sẽ giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, cho năng suất cao nhất

Đất chua là đất có độ pH < 7, trong đó pH 5 - 7 là đất chua ít, cây trồng sinh trưởng phù hợp, pH dưới 5 là đất chua nhiều, cần phải được cải tạo. Những nguyên nhân sau đây khiến đất bị chua: Do rửa trôi bởi nước mưa, nước tưới dư thừa. Nước mang đi chất dinh dưỡng hòa tan, trong đó có chứa nhiều chất kiềm như: canxi (Ca), Magiê (Mg), Kali (K)… xuống tầng đất sâu, sông suối, ao hồ và làm cho đất mất chất kiềm, trở nên chua. Do cây trồng hút dinh dưỡng (N,P,K), ngoài ra còn hút khá nhiều (Ca, Mg…) do trồng nhiều vụ/năm, giống năng suất cao, vì thế lượng Ca và Mg trong đất mất đi càng nhiều. Do sự phân giải chất hữu cơ thải ra nhiều loại axit Cacbonic (H2CO3), axit Sunfuric (H2SO4), axit Nitric (HNO3) axit Axetic (CH3COOH)… các axit này hòa tan Ca, Mg và rửa trôi, làm cho đất chua. Mặt khác, do bón phân khoáng mang gốc axit như: Phân Sunfat amôn (SA), Clorua kali (KCl), Sunfat kali (K2SO4), Suppe lân… cũng làm đất bị chua.

Để điều chỉnh độ pH của đất, trước hết ta cần tiến hành đo pH của đất như hướng dẫn trên, sau khi có kết quả dựa vào chỉ số pH và loại đất, ta tiến hành bón vôi theo hướng dẫn cụ thể như sau:

Cách điều chỉnh độ pH của đất bằng các bón vôi theo tỷ lệ

TT

Độ pH của đất

Đối với đất có tỷ lệ sét cao (đất thịt, đất nặng):

Với đất có tỷ lệ cát cao

Ghi chú

1

pH = 3,5 - 4,5

Bón 2 tấn vôi cho 1 hecta (tương đương 2 tạ/1000 m2)

Bón 1 tấn vôi cho 1 hecta (1 tạ / 1000 m2)

 

2

pH = 4,5 - 5,5

Bón 1 tấn vôi cho 1 hecta (tương đương 1 tạ/1000 m2)

Bón 0,5 tấn vôi cho 1 hecta (50 kg / 1000 m2)

 

3

pH = 5,5 - 6,5

Bón 0,5 tấn vôi cho 1 hecta (tương đương 50kg / 1000 m2)

Bón 0,25 tấn vôi cho 1 hecta (25kg / 1000 m2)

 

Khi bón vôi, ta cần kết hợp với các phương pháp đào xới đất, giúp vôi được trộn đều vào đất, trong trường hợp đất kiềm, có độ pH > 7, ta cần tiến hành bổ sung các chất gây acid hóa như Lưu huỳnh, Sắt sunphat.

Tại tỉnh Hà Giang, hệ sinh thái và thổ nhưỡng của tỉnh rất phong phú với 9 nhóm đất chính, trong đó nhóm đất xám chiếm diện tích lớn nhất với 585.418 ha, chiếm 74,28% diện tích tự nhiên. Đây là nhóm đất rất thích hợp để trồng và phát triển các loại cây ăn quả (cam, quýt, lê, mận....), cây công nghiệp (chè...), cây dược liệu (đỗ trọng, thảo quả, huyền sâm....).

Với cách điều chỉnh độ pH của đất trồng trên đây ta có thể áp dụng một cách hiệu quả nhất để cây trồng có thể sinh trưởng và phát triển ổn định, để duy trì năng suất cho cây trồng, ta cần thường xuyên kiểm tra lại độ pH và đặc biệt cần duy trì pH cho phù hợp với từng giống cây trồng giúp tăng năng suất, nâng cao thu nhập cho người dân, giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 563

Tháng này: 18293

Tổng lượt truy cập: 177244