Ngày đăng: 01/02/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Giải pháp huy động nguồn lực khoa học và công nghệ phục vụ phát triển tỉnh Hà Giang

Nguồn lực Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là toàn bộ các nguồn lực mà xã hội có thể huy động để phục vụ cho các hoạt động KH&CN. Nói một cách khác, nguồn lực KH&CN là khả năng, năng lực KH&CN có thể được huy động và sẵn sàng phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) khi được khai thác. Nguồn lực KH&CN cơ bản bao gồm 05 yếu tố: Nguồn lực về cơ cấu tổ chức của hệ thống KH&CN; nguồn nhân lực; nguồn tài lực; nguồn vật lực và nguồn tin lực KH&CN. Có thể nói, nguồn lực KH&CN là yếu tố quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển của hoạt động KH&CN. Thực tế đã chứng minh, nơi nào có nguồn lực KH&CN dồi dào, nơi đó có môi trường, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh tế và các hoạt động xã hội được nâng lên.


Khái quát thực trạng KH&CN và nguồn lực KH&CN tỉnh Hà Giang

Những năm gần đây, hoạt động KH&CN của tỉnh Hà Giang đã có những chuyển biến tích cực, với việc "chủ động triển khai hợp tác với các cơ quan, đơn vị KH&CN có kinh nghiệm và uy tín để nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động quản lý Nhà nước, phục vụ công tác cải cách hành chính. Quan tâm triển khai có hiệu qủa việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản, môi trường, y dược; ứng dụng…". Việc huy động các nguồn lực KH&CN trên địa bàn tỉnh, nhằm ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) và chuyển giao công nghệ (CGCN) vào sản xuất đã đạt được một số kết quả cụ thể, nhiều tiến bộ KH&CN đã được ứng dụng hiệu quả vào thực tiễn sản xuất và đời sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc ứng dụng các TBKT, đổi mới công nghệ, thiết bị và đặc biệt là việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào sản xuất phục vụ phát triển KT – XH của tỉnh vẫn còn chậm, chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển KT-XH, yêu cầu của công cuộc CNH-HĐH trên địa bàn tỉnh. Có nhiều yếu tố tác động đến, nhưng, một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nguồn lực KH&CN của tỉnh vẫn còn hạn chế và tiềm ẩn nhiều bất cập, đòi hỏi phải sớm có những giải pháp khắc phục, cụ thể như sau:

Nguồn lực tổ chức KH&CN còn mỏng. Hiện nay tỉnh Hà Giang thiếu các tổ chức KH&CN trong ứng dụng và chuyển giao các kết quả KH&CN vào sản xuất và đời sống. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh chỉ có 04 đơn vị sự nghiệp công lập được xác định là tổ chức KH&CN công lập; còn lại là một đơn vị hành chính, tổ chức chính trị- xã hội khác không phải là cơ quan nghiên cứu, hoạt động KH&CN theo Luật quy định. Thời gian qua, tuy các đơn vị này đã quan tâm tham gia thực hiện một số đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ nhưng chủ yếu phục vụ chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp cho các sở, ngành chức năng... Trong khi đó, Tỉnh còn thiếu các tổ chức KH&CN ngoài công lập hay doanh nghiệp KH&CN thực hiện chức năng chính về KH&CN, đề xuất tổ chức triển khai ứng dụng và chuyển giao các kết quả KH&CN vào thực tiễn sản xuất.      

Thiếu nguồn nhân lực trực tiếp tham gia triển khai hoạt động KH&CN: Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 31/12/2020, toàn tỉnh có trên 23.400 trí thức có trình độ từ cao đẳng trở lên. Trong đó: Tiến sĩ và tương đương có 54 người; Thạc sĩ/Chuyên khoa cấp I có 1.300 người; Đại học có 18.635 người; Cao đẳng có 3.825 người. Đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, nhưng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực lãnh đạo, điều hành, quản lý Nhà nước và các sự nghiệp công (y tế, giáo dục...) Họ đã phát huy được năng lực chuyên môn; tích cực, chủ động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham gia nghiên cứu các đề tài, dự án, nhiệm vụ hoạt động KH&CN phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền, phát triển KT - XH của địa phương, đơn vị. Trong khi đó, lại thiếu các chuyên gia đầu ngành và nguồn nhân lực trực tiếp tham gia triển khai các hoạt động KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống thông qua các tổ chức KH&CN... 

Về đầu tư tài chính (tài lực) cho hoạt động KH&CN: Là tỉnh miền núi, biên giới còn gặp rất nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, đa phần chi ngân sách của tỉnh phụ thuộc vào sự cân đối của Trung ương. Thời gian qua, đầu tư tài chính cho KH&CN đã được quan tâm đáng kể: Theo thống kê, tổng ngân sách đầu tư cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2018 - 2022 của tỉnh Hà Giang là 131,873 tỷ đồng, trung bình mỗi năm: 26.374 tỷ đồng, tương đương 1,4% so với tổng chi ngân sách. Mặc dù đã tăng đáng kể so với năm 2012, nhưng chưa đảm bảo trên >2% vào năm 2020 so với Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế (sau đây gọi tắt là NQ 20) đã đề ra. Ngoài ngân sách Nhà nước, một số đơn vị/tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp cũng đã chủ động huy động thêm nguồn vốn ngoài ngân sách từ các tổ chức phi chính phủ triển khai các dự án phục vụ phát triển KT - XH; một số doanh nghiệp, HTX đã mạnh dạn đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ, tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá trị, đã giúp tăng lợi nhuận cho đơn vị, tạo công ăn, việc làm cho người dân... Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, nhưng nhìn chung, đầu tư xã hội cho việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN của tỉnh còn hạn chế.

Cơ sở hạ tầng (nguồn vật lực) KH&CN thiếu. Hiện nay tỉnh chưa có phòng thí nghiệm hay khu công nghệ cao nào đạt chuẩn để triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ thực tiễn sản xuất và đời sống. Tuy Trung tâm KHKT giống cây trồng Đạo Đức đã đầu tư xây dựng được phòng thí nghiệm để triển khai các nhiệm vụ KH&CN nhưng mới hoạt động ở giai đoạn đầu.

Thông tin KH&CN là nền tảng, tiền đề phát triển KH&CN, là căn cứ quan trọng để các nhà quản lý đưa ra các quyết định liên quan đến phát triển KT - XH; nhờ thông tin KH&CN mà các tổ chức và doanh nghiệp sản xuất có thể giảm bớt được chi phí nghiên cứu, hạn chế rủi ro và rút ngắn được thời gian triển khai, áp dụng các tiến bộ mới một cách nhanh chóng, hiệu quả... Có thể nói, sự ra đời của thư viện số đã phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhiệm vụ khoa học công nghệ, hỗ trợ yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của địa phương, đáp ứng được hoạt động chuyển đổi số theo định hướng.

Ngoài thực trạng về nguồn lực KH&CN đã đề cập nêu trên, một trong những nguyên nhân dẫn đến các tiến bộ KH&CN, mà trực tiếp là các kết quả KH&CN đã triển khai thành công trên địa bàn tỉnh còn chậm được nhân rộng sản xuất đó là cơ chế chính sách. Mặc dù thời gian qua, các văn bản, chính sách về KH&CN đã từng bước được đổi mới và tương đối đồng bộ, đã giúp cho các tổ chức, cá nhân có điều kiện thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN thông qua cơ chế đặt hàng, đấu thầu, khoán chi; nguồn nhân lực KH&CN khối Nhà nước đã được nâng lên đáng kể thông qua chính sách đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài... Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện tỉnh còn thiếu các cơ chế chính sách liên quan đến thúc đẩy phát triển các nguồn lực KH&CN phục vụ nhân rộng các kết quả KH&CN vào sản xuất và đời sống.

Giải pháp huy động nguồn lực KHCN góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang

Nhằm huy động tối đa các nguồn lực KH&CN phục vụ phát triển tỉnh Hà Giang, trong thời gian tới Tỉnh cần quan tâm tới một số giải pháp sau:

 Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm rà soát, thể chế hoá các quy định của pháp luật về KH&CN thành cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù khó khăn của tỉnh nhằm thúc đẩy hoạt động KH&CN và đẩy mạng ứng dụng các kết quả KH&CN thành công vào thực tiễn sản xuất và đời sống như: Chính sách hỗ trợ, ứng dụng, nhân rộng kết quả KH&CN; chính sách thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lực chất lượng cao; cơ chế tôn vinh trí thức; cơ chế hỗ trợ thúc đẩy các loại hình tổ chức KH&CN ngoài công lập và Doanh nghiệp KH&CN.... mang tính đặc thù của tỉnh Hà Giang.

Thứ hai, cần quan tâm củng cố tổ chức và hoạt động và tăng cường tiềm lực KH&CN cho các tổ chức KH&CN hiện có của tỉnh để hoạt động hiệu quả theo cơ chế tự chủ, tự trang trải như quy định hiện hành. Đồng thời, cần khuyến khích thoả đáng để có ngày càng nhiều doanh nghiệp KH&CN hay tổ chức KH&CN ngoài công lập đang hoạt động và tham gia các hoạt động KH&CN phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh; 

Thứ ba, cần tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, không những chỉ khối cơ quan Nhà nước mà cần quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cả nhân lực làm việc tại các tổ chức KH&CN hay doanh nghiệp KH&CN, để cung cấp cho tỉnh nguồn nhân lực chất lượng cao, có tâm huyết, say mê với KH&CN vì sự khát vọng vì Hà Giang phát triển;

Thứ tư, về tài chính cho hoạt động KH&CN: Cần kiến nghị với bộ, ngành trung ương xem xét tăng dần kinh phí sự nghiệp khoc học, cân đối, phân bổ cho địa phương hàng năm, đảm bảo đạt >2% vào năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết 20 đề ra. Đồng thời cần cơ cấu lại việc phân bổ kinh phí đầu tư theo hướng ưu tiên hỗ trợ đầu tư chuyển giao và nhân rộng các kết quả KH&CN đã thành công vào sản xuất và đời sống, kinh phí còn lại chỉ trọng tâm đầu tư triển khai đối với những nhiệm vụ mang tính bức thiết nhất mà thực tiễn đặt ra. Ngoài ra, khuyết khích các ngành, địa phương, tổ chức xã hội tranh thủ thu hút nguồn lực đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ để nhân nhanh các kết quả KH&CN vào sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hành lang pháp lý cần thiết để khuyến khích xã hội hoá hoạt động KH&CN thông qua các tổ chức KH&CN ngoài công lập, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn đầu tư KH&CN vào sản xuất, chế biến sâu trong chuỗi cung ứng đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. 

Thứ năm, cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin KH&CN để các tổ chức, cá nhân dễ dàng tra cứu, từ đó giúp họ có định hướng và chủ động triển khai kế hoạch nhân rộng kết quả KH&CN một cách hiệu quả./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 10

Hôm nay: 563

Tháng này: 18293

Tổng lượt truy cập: 177244