Ngày đăng: 01/02/2023 / Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Kết quả từ việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Cam Vàng Hà Giang”

Cam vàng là quả có vỏ bóng nhẵn, có những vết rám sạm, mọng nước, có vị ngọt đậm đặc trưng và khi chín có màu vàng bắt mắt. Vào cuối thu, tiết trời se se lạnh, là lúc những vườn cam vàng sai trĩu quả ở Hà Giang đang độ chín, cho bà con một vụ mùa bội thu, giúp người dân thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên đất quê hương.


Với những đặc điểm nổi bật, Cam Vàng Hà Giang được người tiêu dùng ưa chuộng. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Cam Vàng Hà Giang” cho các sản phẩm cam mới ngoài cam sành của tỉnh Hà Giang là cần thiết. Qua đó, từng bước tạo dựng và duy trì hình ảnh của sản phẩm trên thị trường bằng chất lượng, sự cam kết của nhà sản xuất, tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng, áp dụng hệ thống kiểm soát chất lượng và tiến bộ kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến thương mại cho thương hiệu “Cam Vàng Hà Giang”, từ đó nhân rộng việc xây dựng và quản lý thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản khác của tỉnh Hà Giang. Được sự nhất trí của UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh Hà Giang đã tham mưu xây dựng dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cam vàng Hà Giang” cho sản phẩm cam vàng của tỉnh Hà Giang”.

Có thể nói, Cam là cây trồng chiến lược của tỉnh Hà Giang nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao, tỉnh chủ trương ổn định diện tích trồng cam hiện có nhưng chuyển đổi từ 300-500 ha/năm giống cam sành sang trồng những giống cam khác như: Xã đoài, CS1, V2 và CT36..., có tính rải vụ cao từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 5 năm sau và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cam sành. Mặt khác, các giống cam mới này cũng đã được người dân huyện Bắc Quang trồng từ năm 2013 và đến nay phát triển tại 36 xã, thị trấn của 3 huyện trồng cam trọng điểm. Huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên có điều kiện khí hậu á nhiệt đới, tầng đất hữu hiệu dày... phù hợp cho các giống cam như xã đoài, CS1 và V2 sinh trưởng và phát triển. Các giống cam này đều chung một đặc điểm là vỏ quả và tép đều có màu vàng, chất lượng cảm quan khá tương đồng, thời gian thu hoạch kéo dài từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 5 năm sau, sớm và muộn hơn so với cam sành, có giá trị kinh tế cao, thời gian bảo quản khoảng 2 tuần sau thu hoạch... góp phần giảm thiểu áp lực thị trường cung - cầu và mùa vụ. Chúng có khả năng chống chịu cao với biến đổi khí hậu và sâu bệnh, quả khi chín có màu vàng tươi, mẫu mã to đẹp đồng đều, mọng nước và ngọt mát nên được người tiêu dùng trên thị trường ưa chuộng.

Để triển khai tốt dự án, Hội nông dân tỉnh Hà Giang thành lập tổ chuyên môn quản lý để chỉ đạo, phối hợp và đôn đốc thực hiện dự án. Kết hợp chặt chẽ với các đơn vị, cá nhân có chuyên môn và kinh nghiệm theo từng nội dung để thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng đặt ra như: Thiết kế phiếu điều tra người sản xuất; điều tra 210 hộ trồng cam tại các xã/thị trấn của 03 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên; phân tích dữ liệu, tổng hợp và xây dựng báo cáo đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ “Cam Vàng Hà Giang”; quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể “Cam Vàng Hà Giang” đã được hoàn thiện và trình chủ sở hữu nhãn hiệu là HTX sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp Cam Vàng Hà Giang ban hành theo Quyết định số 329/QĐ-HNDT ngày 26 tháng 01 năm 2021của Hội Nông dân tỉnh; lập hồ sơ đăng ký NHTT “Cam Vàng Hà Giang”, tra cứu và đánh giá khả năng bảo hộ nhãn hiệu, nộp hồ sơ tại Cục SHTT. Kết quả, hồ sơ đăng ký bảo hộ NHTT “Cam Vàng Hà Giang” đã được Cục SHTT chấp nhận đơn hợp lệ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số: 398705 theo Quyết định số 76333/QĐ-SHTT ngày 04 tháng 10 năm 2021 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

Sau thời gian triển khai thực hiện thành công, kết quả của dự án góp phần nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác và thương mại hóa các sản phẩm “Cam vàng Hà Giang”. Các sản phẩm “Cam vàng Hà Giang” được giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng tại các thị trường tiềm năng. Nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm “Cam vàng Hà Giang” trên thị trường, hướng đến việc thiết lập kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định. Góp phần thu hút lao động và tạo việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ phát triển du lịch nâng cao giá trị gia tăng từ đó góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Dự án KH-CN “Xây dựng, quản lý và phát triển NHTT “Cam Vàng Hà Giang” cho các sản phẩm “cam vàng” của tỉnh Hà Giang đến nay đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra, hoàn thành các nội dung theo đúng chất lượng được phê duyệt, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường tích cực và có thể nhân rộng trong sản xuất và kinh doanh, như: Đánh giá lại thực trạng sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cam vàng tại 3 huyện sản xuất cam trọng điểm của tỉnh Hà Giang làm cơ sở để đăng ký nhãn hiệu, đề xuất hệ thống quản lý và sử dụng NHTT. Xây dựng các công cụ phục vụ cho việc quản lý chất lượng sản phẩm đăng ký nhãn hiệu (Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, Quy định kiểm soát nhãn hiệu, Quy định kỹ thuật sản xuất, hệ thống nhận diện và quảng bá sản phẩm...); Nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển thị trường cho các sản phẩm “Cam Vàng Hà Giang”: Thiết kế và sản xuất các công cụ quảng bá giới thiệu sản phẩm, nghiên cứu thị trường; tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý và sử dụng các NHTT thông qua việc biên soạn các tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ gia đình và HTX sản xuất và kinh doanh “Cam Vàng Hà Giang”.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 1

Hôm nay: 483

Tháng này: 18213

Tổng lượt truy cập: 177164