Ngày đăng: 01/03/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Kỹ thuật trồng và bảo quản trám đen sau thu hoạch

Cây trám, thuộc chi Trám (Canarium), có tên khoa học là Canarium nigrum Engler, ở Việt Nam phổ biến có 2 loài trám trắng và trám đen. Là cây gỗ lớn bản địa có chiều cao trung bình từ 25 - 30m, đường kính từ 50 - 70cm (có thể tới 90cm), cây ưa sáng, mọc nhanh, tái sinh hạt và chồi rất mạnh, cây con mọc khoẻ và chịu bóng, thân cây tròn thẳng, tán lá rộng và xanh quanh năm, gốc hơi có múi, phân cành cao, tán dày, rộng; vỏ màu nâu nhạt, mùi thơm hắc, thịt vỏ có nhựa màu đen; cây có lá kép lông chim, xanh lục sẫm, bóng; cụm hoa chuỳ dài hơn lá, hoa nhỏ màu trắng hay vàng nhạt; quả hạch hình trứng, dài 3,5 - 4,5cm, rộng 2 - 2,5cm, khi chín màu tím đen; cây ra hoa tháng 4 - 5, quả chín vào khảng từ tháng 8 - 10.


Gỗ, nhựa, quả và hạt của cây trám có nhiều tác dụng và đều cho giá trị kinh tế, như quả dùng để làm thức ăn, chế biến thành mứt, ô mai, trám muối... thịt kho trám, cá kho trám; cây dùng để lấy gỗ (gỗ cây trám mềm, nhẹ, thớ mịn, dễ bóc và dễ lạng), thường được ứng dụng trong đời sống để làm ra các sản phẩm nội thất cao cấp (bàn ghế, sàn nhà, giường, tủ) dùng trong xây dựng nhà cửa, làm nguyên liệu gỗ dán, bột giấy và củi đun, nhựa Trám dùng để chưng cất tinh dầu, chế biến côlôphan dùng trong công nghệ nước hoa, xà phòng, véc ni làm hương, pha chế sơn và mực in. Ngoài ra còn có tác dụng làm thuốc trong y học dân gian (thuốc chữa ho, giải rượu và giải độc). Quả của cây Trám đen ăn bùi, béo, rất ngon, là một đặc sản quý của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và cả Tây Nguyên, những nơi có độ cao dưới 1000m so với mực nước biển, có nhiệt độ bình quân 20 - 24oC và lượng mưa từ 1500 - 2500mm.  

Trồng cây trám đen không tốn công, chi phí ban đầu khá rẻ nhưng giá trị kinh tế lại cao, bên cạnh đó, dưới tán rừng trồng trám có thể trồng xen canh các loại cây ngắn ngày như gừng, xả, dưa leo... giúp gia tăng thu nhập. Trước đây, cây trám đen thường chỉ được trồng để lấy gỗ hoặc lấy quả làm thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày nên người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây phát triển tự nhiên, nhưng hiện nay, quả trám đen lại trở thành một thứ đặc sản hấp dẫn, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ngoài ra, gỗ, nhựa và hạt của cây trám cũng có nhiều tác dụng và đều cho giá trị kinh tế...

Trước đây, trám mọc tự nhiên và được ươm trồng bằng hạt giống, sau 7 - 8 năm mới ra quả bói. Do cây trồng bằng hạt giống cái mới cho quả nên các chuyên gia lâm nghiệp đã khắc phục bằng cách tạo ra cây trám ghép, cây ghép này sẽ khắc phục được hoàn toàn những nhược điểm của cây trồng bằng hạt, cây sẽ ra hoa sau khoảng từ 2 đến 3 năm và đến khi cây được 5 tuổi là đã cho thu hoạch nhiều quả.

Cách ươm, nhân giống:

Trồng trám đen bằng hạt sẽ rất lâu có quả, tán cây lại cao khó can thiệp bằng các biện pháp kỹ thuật như phun thuốc dưỡng cây, phun thuốc bảo vệ thực vật hoặc không thuận tiện khi thu hái… Vì vậy, hạt trám được gieo ươm, trồng để làm gốc ghép. Chọn những quả chín, tách lấy hạt, rửa sạch thịt quả, phơi hạt khô trong bóng dâm. Ủ hạt trong cát ẩm 70 - 80%, sau khoảng 15 đến 20 ngày, hạt trám nảy mộng, ta tiến hành gieo hạt đã nảy mầm vào túi nilon có đục 4 lỗ thoát nước ở đáy. Chăm sóc cây con trong vườn ươm cho tới khi cây con đủ 50 - 60 ngày tuổi, có 5 đến 6 lá thật thì có thể đem trồng.

Trồng và chăm sóc cây: Thời vụ trồng vào tháng 2 - 3 hoặc tháng 7 - 8, khi trời râm mát, đất đủ độ ẩm. Lựa chọn đất trồng dễ thoát nước và tránh ngập úng, tiến hành cuốc hố 40x40x40cm, bón lót 1 - 2kg phân chuồng hoai mục có trộn 0,05 - 0,1kg phân NPK (tỷ lệ 5:10:3) cho mỗi gốc. Mật độ trồng từ 400 - 500 cây/ha, khoảng cách cây cách cây từ 4 - 5m, hàng cách hàng khoảng 5m. Phải có cọc chống để tránh cây bị đổ gãy.

Kinh nghiệm ghép trám: Tiến hành ghép khi cây đủ từ 1 - 1,5 năm tuổi, có đường kính gốc từ 1 - 2cm, cao 60 - 100cm là đạt tiêu chuẩn gốc ghép, nên tiến hành ghép vào vụ xuân (tháng 3 - 4) và vụ thu đông (tháng 10 - 11) khi nhiệt độ không khí vào khoảng từ 25 - 30 oC. Lựa chọn cành bánh tẻ, vị trí ở giữa tán cây, tráng nắng, không bị sâu, bệnh hại trên những cây trám có 10 - 15 năm tuổi, có ít nhất 3 vụ quả ổn định, năng suất chất lượng cao làm cành ghép, cắt vát đầu dưới cành ghép bằng dao ghép chuyên dùng. Chọn gốc ghép và cành ghép có đường kính gần bằng nhau để diện tích tiếp xúc tượng tầng của cành và gốc ghép là lớn nhất, sau đó cắt gốc ghép ở vị trí cách mặt đất từ 20 - 30cm, chẻ đôi gốc ghép sâu xuống phía gốc từ 5 - 7cm. Sau đó, cắm cành ghép vào gốc ghép vừa chẻ, dùng băng keo ghép cây tự dính quấn chặt cố định vài vòng cành ghép và gốc ghép rồi tiếp tục quấn theo chiều từ dưới gốc ghép lên trên cành ghép, buộc chặt cho băng keo thật khít vào cành và gốc ghép nhằm hạn chế tối đa hơi ẩm thoát ra môi trường bên ngoài. Trong khi ghép cây, để đảm bảo cây có tỷ lệ sống cao, thao tác ghép cần phải nhanh trong vòng 45 - 60 giây, động tác kỹ thuật phải thành thục, quá trình ghép cần che ánh nắng trực tiếp không cho chiếu vào vết cắt cành và mắt ghép ít nhất 7 ngày. Ngoài ra, gốc ghép phải được cung cấp đủ phân và nước giúp cây nhanh liền vết ghép.

Kỹ thuật chăm sóc cây trám đen:

Tùy thuộc vào mức độ thực bì ở nơi trồng, mỗi năm có thể chăm sóc cây từ 2 - 3 lần. Kỹ thuật chăm sóc chủ yếu là phát quang, dãy cỏ xung quanh gốc, cắt cỏ dây leo quấn lên cây, cuốc xới và vun gốc cây rộng từ 60 - 80 cm, phát tỉa cành và điều chỉnh độ tán che của tán. Khi chăm sóc kết hợp với trồng dặm để đảm bảo tỉ lệ thành rừng. Kết hợp công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng không để cho người và gia súc phá hoại. Hai, ba năm đầu khi cây trám đen còn nhỏ có thể trồng xen lạc, lúa, đỗ, sắn, những năm sau xen cây cố định đạm như cốt khí, đậu triều... có tác dụng giúp bảo vệ và cải tạo đất rất tốt, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.

Chăm sóc trám: Tưới đủ ẩm 70 - 80% sau trồng để tạo điều kiện cho cây sinh trưởng thuận lợi. Tạo tán cho cây con trong 3 năm đầu khi cây cao từ 1 - 1,2m tiến hành bấm ngọn, mỗi cây giữ 4 - 5 cành cấp 1 và 8 - 10 cành cấp 2 toả đều xung quanh.

Bón phân cho cây con (khoảng từ 1 - 3 năm): Mỗi cây từ 20 - 30 kg phân chuồng, bón 1lần/năm. Từ 0,5 - 1kg urê, 0,2 - 0,5 kg kali clorua, 1 - 2 kg supe lân, bón làm 4 - 5 đợt/năm. Với cây kinh doanh nên bón phân làm 3 đợt trong năm, bón phục hồi sau khi thu quả, kết hợp với tỉa cành la, cành vóng, cành tược, cành sâu bệnh bằng phân chuồng 30 - 50kg, bón đạm, lân, kali theo tỷ lệ 2 đạm + 1kali + 4 lân. Bón đón hoa vào tháng 1 với tỷ lệ 1 đạm + 1 ka li. Bón thúc quả vào tháng 4 với tỷ lệ 1 đạm + 2 kali. Vị trí bón dưới tán cây. Có thể phun chế phẩm A-H 502 + Chất bám dính cho trám 2 - 3 lần. Từ 1 - 2 lần khi có nụ đến trước khi cây nở rộ hoa, 1 lần khi đậu quả non có đường kính quả bằng đầu đũa để tăng khả năng đậu quả, chống rụng quả sinh lý giúp tăng từ 15 - 20% năng suất quả.

Phòng trừ sâu, bệnh hại

Sâu đục thân: Loại sâu này thường phát triển vào mùa xuân và mùa hè, chúng dùng vòi đục xung quanh ngọn cây thành các lỗ để hút chất dinh dưỡng và sau đó đẻ trứng vào lỗ đục, trứng nở thành sâu non, sâu non chui vào thân ngọn trám để phá hoại. Biện pháp phòng tốt nhất là quét vôi gốc cây th­ường xuyên để chống sâu đến đẻ trứng và diệt trứng sâu. Cần theo dõi để phát hiện sâu hại kịp thời, nếu sâu đã đục vào thân cây thì dùng dây thép nhỏ luồn vào lỗ diệt sâu hoặc dùng bơm tiêm bơm thuốc trừ sâu (Trebon, Sherpa) vào lỗ, lấy đất sét bịt lỗ làm cho sâu chết ngạt thuốc.

Rệp: Thường xuất hiện vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, rệp thường tụ tập dưới mặt các lá non hút dịch lá và thải phân lên các lá phía dư­ới như­ bồ hóng bếp, khiến lá non không phát triển đ­ược, hoặc bị quăn lại, làm cho cây giảm sản l­ượng quả. Để phòng rệp cho cây, cần tỉa cành trong tán, cành khuất tán tạo độ thoáng cho cây. Nếu phát hiện rệp cần phun thuốc Bi58, Trebon, Sherpa để diệt rệp.

            Thu hoạch và bảo quản quả trám

Thu hoạch: Thời kỳ trám đen chín vào tháng 8 - 9, khi chín, quả sẽ chuyển từ màu xanh nhạt sang màu đen hoàn toàn là có thể thu hoạch được. Trong mỗi chùm, trám chín không đều, cần lựa chọn nhẹ nhàng những quả chín thu hái trước, để quả trong rổ rá thoáng đem đi tiêu thụ trong 7 - 10 ngày, nếu muốn để được lâu hơn cần bảo quản quả tươi trong tủ lạnh, nhiệt độ từ 12 - 15oC. Ngoài ra, có thể om trám để bảo quản, bằng cách ngâm trám cả quả (không bỏ hạt) trong nước muối 10% đun sôi, để nguội, đựng trong chum vại sành bịt kín, có thể bảo quản từ 5 - 6 tháng.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 8

Hôm nay: 429

Tháng này: 18159

Tổng lượt truy cập: 177110