Ngày đăng: 01/03/2023 / Lượt xem: 63
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới khắc phục sự cố nứt bể nước trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Trong nhiều năm qua, vấn đề bảo đảm nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của lực lượng vũ trang, các cơ quan, đơn vị, nhân dân trên địa bàn tỉnh Hà Giang là vấn đề rất quan trọng, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm, chăm lo thực hiện. Đã có nhiều Chương trình, Dự án triển khai xây dựng được hệ thống hồ nước treo, bể nước tại các cơ quan, đơn vị, gia đình với lượng kinh phí khá lớn, dần khắc phục được tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất tại địa phương, đặc biệt là tại 4 huyện vùng cao thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn (Huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc). Tuy nhiên, qua khảo sát thực trạng hệ thống bể chứa nước phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và sinh hoạt, sản xuất của các cơ quan, trường học, bệnh viện và nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các huyện vùng cao núi đá phía Bắc cho thấy: Sau một thời gian sử dụng, có rất nhiều bể chứa nước bị nứt, vỡ, không chứa được nước nên đã bị bỏ không. Tỷ lệ bể chứa nước bị nứt khá cao, vừa lãng phí vừa gây khó khăn lớn cho đời sống sinh hoạt, sản xuất, đặc biệt trong mùa khô của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang cũng như cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh.


Xuất phát từ thực trạng trên, cùng với nhiệm vụ xây các hồ treo, bể chứa nước mới, nhiệm vụ khắc phục sự cố nứt vỡ của bể chứa nước là nhiệm vụ có tầm quan trọng không kém, vừa bảo đảm đời sống sinh hoạt, sản xuất và sẵn sàng phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, vừa tiết kiệm ngân sách của Nhà nước và của Tỉnh. Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng vật liệu mới khắc phục sự số nứt bể nước trong lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Hà Giang" do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh thực hiện là hết sức cấp thiết, nhằm bảo đảm tốt nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt cũng như cho sản xuất của lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị cùng nhân dân các dân tộc, đặc biệt là trong mùa khô, khan hiếm nước. Việc triển khai đề tài  thể hiện tình đoàn kết Quân - Dân, thể hiện phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, vừa thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước về chăm lo đời sống cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vừa bảo đảm được đời sống của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc. Sản phẩm của đề tài sẽ là nguồn động viên vật chất, tinh thần quan trọng đối với cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, đẩy mạnh thi đua học tập, công tác, tích cực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện,  tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hoàn thành tốt công tác quốc phòng địa phương, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc. Thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.

Quá trình triển khai thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm sẽ thực hiện các mục tiêu cũng như các nội dung cụ thể. Tiến hành nghiên cứu tổng quan về các loại bể chứa nước nói chung, bể nước được chế tạo bằng vật liệu xi măng truyền thống nói riêng. Tổng quan về các loại vật liệu và công nghệ sử dụng để khắc phục hiện tượng nứt vỡ của các bể chứa nước xi măng, nghiên cứu thực trạng tình hình sử dụng các bể chứa nước xi măng trên địa bàn tỉnh (khảo sát, đo đạc) khoảng 10 - 15 bể chứa nước dưới 15m3 bị nứt vỡ tại các huyện phía Bắc (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ). Đánh giá chi tiết và tìm hiểu nguyên nhân gây nứt vỡ của một số bể chứa nước bị nứt vỡ. Xây dựng giải pháp khắc phục chi tiết, cụ thể với từng bể chứa nước bị nứt vỡ đã khảo sát.

Hầu hết các bể chứa nước được thiết kế và xây dựng trên địa bàn tỉnh đều theo phương pháp truyền thống (sử dụng gạch, xi măng và cát làm vật liệu xây dựng). Đáy của bể thường được thiết kế và thi công bằng bê tông mác cao. Thành của bể sử dụng gạch nung và xi măng mác cao để xây và trát. Kết cấu này đã được ứng dụng ổn định, đại trà ở nhiều nơi trước đây, tuy nhiên, tại địa bàn Tỉnh Hà Giang, kết cấu và vật liệu xây dựng bể chứa nước này hay gặp phải sự cố nứt bể, gây thất thoát nước và thậm chí còn không sử dụng được vì có nhiều vết nứt hoặc vết nứt quá lớn.

Tổng kết từ một số tài liệu khoa học cho thấy, việc xuất hiện các vết nứt của các bể chứa nước trên địa bàn Tỉnh do các nguyên nhân như: Nền đất chưa được gia cố đúng điều kiện và yêu cầu kỹ thuật cần có trước khi tiến hành xây dựng bể. Cấu trúc địa chất vùng cao phía Bắc không ổn định hoặc bị ảnh hưởng bởi dư địa chấn của các trận động đất có cường độ cao từ một số tỉnh của Trung Quốc. Khi bể chứa đầy nước, khối lượng tổng thể của bể sẽ tăng và đè nặng lên bề mặt nền đất dưới đáy bể, nếu phía dưới nền đất ở đáy bể có những mạch nước ngầm thì áp lực của mạch nước ngầm này sẽ tăng lên cao gây ra sự thay đổi về cấu trúc dẫn đến biến dạng nền đất và kết quả là bể nước bị nứt. Do ảnh hưởng của việc diễn tập bắn súng hỏa lực hoặc do sự di chuyển của các xe vận tải hạng nặng làm nền đất bị rung động, hoặc do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết như nhiệt độ giữa ngày và đêm quá lớn, nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng đột ngột làm cho vật liệu truyền thống của xi măng, gạch... bị nứt do sự co dãn nhiệt hoặc do mưa to nhiều ngày liên tục nước thấm qua nền bể làm yếu đất nền gây nứt nẻ bể...

Từ những nguyên nhân gây ra sự cố nứt vỡ bể nêu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đưa ra một số giải pháp khắc phục sự cố như sau:

Giải pháp thứ nhất, cạo bỏ lớp vữa trát mặt bên trong của bể, chèn kín xi măng, cát, sỏi vào các vết nứt và cuối cùng trát lại lớp xi măng - cát mới. Giải pháp này chỉ mang tính tạm thời, không xử lý triệt để sự cố vết nứt được vì sau khi xử lý bể theo giải pháp này thì các nguyên nhân gây ra sự cố nứt bể nêu trên vẫn có thể gây ra nứt bể khi đưa vào sử dụng và thậm chí vết nứt vẫn có thể xảy ra ngay tại đúng vị trí của vết nứt cũ.

Giải pháp thứ hai, về phương pháp tiến hành tương tự như giải pháp thứ nhất, sau khi hoàn tất sẽ tráng thêm lên bề mặt bể một lớp polyme mềm dẻo, đàn hồi bám dính tốt lên bề mặt của gạch và xi măng, không cho nước thoát ra ngoài. Vật liệu polyme này bền trong môi trường nước và phải đáp ứng các qui định của Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chuyên gia sẽ tiến hành nghiên cứu chế tạo vật liệu polyme chèn khe có khả năng bám dính tốt với bề mặt bê tông, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến chất lượng của nước sau thời gian tiếp xúc dài ngày. Nghiên cứu thử nghiệm, đo đạc, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu chèn khe và ảnh hưởng của vật liệu chèn khe đến chất lượng của nước. Xây dựng quy trình công nghệ ứng dụng vật liệu chèn khe chế tạo được để khắc phục sự cố nứt vỡ của các bể chứa nước xi măng. Ứng dụng vật liệu chèn khe và quy trình công nghệ xây dựng được để triển khai khắc phục hiện tượng nứt, vỡ của 3 đến 4 bể chứa nước xi măng tại các huyện phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Nghiên cứu đánh giá chất lượng của nước theo thời gian lưu trữ, đánh giá hiệu quả của vật liệu và công nghệ chèn khe trong việc khắc phục sự cố nứt vỡ của bể chứa nước xi măng.

Giải pháp thứ ba (sử dụng túi mềm trữ nước), nghĩa là vẫn giữ nguyên kết cấu của bể chứa nước đã bị nứt vỡ với những vết nứt nhỏ, tiến hành nghiên cứu thử nghiệm, đo đạc, đánh giá các chỉ tiêu kỹ thuật của vật liệu làm túi trữ nước và ảnh hưởng của vật liệu đến chất lượng của nước, nghiên cứu vật liệu dạng màng mỏng, thiết kế và chế tạo sản phẩm có cấu hình, kích thước bằng hoặc to hơn so với kích thước lòng trong của bể chứa nước sau đó tiến hành lắp đặt sản phẩm này vào lòng trong của bể theo đúng yêu cầu của bản vẽ thiết kế. Nghiên cứu chế tạo vật liệu màng polyme đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không ảnh hưởng đến chất lượng của nước sau thời gian lưu trữ và tiếp xúc dài ngày, có độ bền cơ lý tối thiểu 5 năm và các chỉ tiêu kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chế tạo túi mềm trữ nước sinh hoạt và quy trình công nghệ xây dựng được để triển khai khắc phục hiện tượng nứt, vỡ của 3 đến 4 bể chứa nước xi măng. Nếu trong trường hợp vết nứt quá lớn, trước khi áp dụng giải pháp thứ 3 này nên kết hợp với giải pháp thứ nhất. Sản phẩm được thiết kế, chế tạo theo giải pháp này có độ đàn hồi, mềm dẻo cao, có khả năng khắc phục được hầu hết các nguyên nhân gây nứt bể nêu trên. Đề tài thực hiện nghiên cứu theo giải pháp thứ hai và thứ ba, sau đó tiến hành theo dõi, đánh giá hiệu quả của vật liệu và công nghệ túi trữ nước mềm trong việc khắc phục sự cố nứt vỡ của bể chứa nước xi măng để tìm ra giải pháp phù hợp thể hiện tính mới, tính sáng tạo khi tối ưu hóa được phương pháp khắc phục sự cố nứt bể nước.

Trong quá trình thực hiện, Ban chủ nhiệm đề tài phối hợp với Viện Hóa học - Vật liệu/Viện Khoa học và Công nghệ quân sự/Bộ Quốc phòng thực hiện nghiên cứu chế tạo ra vật liệu mới đáp ứng yêu cầu khắc phục sự cố nứt bể nước tại địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh. Sau khi thực hiện các nội dung nghiên cứu khoa học và triển khai thực nghiệm của đề tài, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiến hành tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá kết quả thực hiện nghiên cứu vật liệu mới và Quy trình công nghệ thực hiện ứng dụng vào khắc phục 8 đến 10 bể nước bị nứt vỡ tại các huyện phía Bắc. Sau khi đề tài đạt được kết quả, đơn vị thực hiện nghiên cứu sẽ chuyển giao công nghệ cho các đơn vị, các huyện nhằm khắc phục sự cố nứt vỡ của bể chứa nước, bảo đảm đời sống sinh hoạt, sản xuất và sẵn sàng phục vụ chiến đấu của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 307

Tháng này: 18037

Tổng lượt truy cập: 176988