Ngày đăng: 01/03/2023 / Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Xây Dựng, Quản Lý Và Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Hoa Hồng Quyết Tiến” Quản Bạ

Trong bối cảnh nền kinh tế quốc tế đã và đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tại thị trường nội địa, nhiều hàng hóa do Việt Nam sản xuất (trong đó có sản phẩm hoa) bị yếu thế trước các sản phẩm nhập nội của Trung Quốc, Thái Lan. Bên cạnh đó, do sức ép cạnh tranh gia tăng và thị trường đòi hỏi hàng hóa cần phải có sự minh bạch, được chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, quy tắc sản xuất... Tuy nhiên, Việt Nam phản ứng chậm và chưa đáp ứng được trước những yêu cầu mới của thị trường (trên 80% nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác...) và thường được bán ra thị trường thế giới với giá không cao, hơn nữa phải thông qua các thương hiệu của nước ngoài.


Theo Luật Sở hữu trí tuệ, Nhãn hiệu tập thể (NHTT) là loại nhãn hiệu dùng để phân biệt sản phẩm của tổ chức tập thể này so với sản phẩm của tổ chức, cá nhân khác. Nó phải là các dấu hiệu nhìn thấy được (chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hoặc kết hợp, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc), có khả năng phân biệt không được gây nhầm lẫn.

Hoa Hồng là tên gọi chung cho các loài thực vật có hoa dạng. Hoa hồng có trên 100 loài với màu sắc hoa đa dạng, phân bố rộng trong điều kiện cả ôn đới và nhiệt đới. Phần lớn hoa hồng có nguồn gốc bản địa châu Á, được sản xuất cho mục đích làm cảnh, quà tặng, lấy tinh dầu... Cây hoa hồng mới được đưa vào trồng tại xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang từ năm 2018 nhưng bước đầu đã khẳng định được hiệu quả kinh tế cao (cho thu nhập từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm), bình quân cao gấp 5 lần so với các cây trồng khác (lúa, hoa màu), được thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận ưa chuộng vì có chất lượng tốt hơn các sản phẩm cùng loại của các vùng sản xuất khác (Tuyên Quang, Hà Nội...) về kích thước của bông, độ bền và màu sắc nhờ đặc thù về thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ quanh năm... xã Quyết Tiến hiện có 12 hộ gia đình cá thể và 01 HTX sản xuất hoa hồng với quy mô 20,5 ha, sản lượng bình quân khoảng từ 200.000 - 300.000 bông/ha, giá bán từ 2.000 - 3.000đ/bông. Nhu cầu thị trường tăng tạo cơ hội cho nghề trồng hoa của huyện Quản Bạ nói chung và xã Quyết Tiến nói riêng phát triển, góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của Xã.

Tuy nhiên, vùng sản xuất hoa hồng của xã Quyết Tiến đang trong quá trình định hình, diện tích chưa ổn định và chưa tạo được liên kết theo chuỗi giá trị giữa vùng sản xuất với thị trường một cách bền vững. Quy mô sản xuất có xu hướng mở rộng nhưng trong khi định hướng phát triển chưa rõ ràng (cơ chế, chính sách, đặc biệt là thị trường tiêu thụ)... Vì vậy, sản xuất chưa phát triển tương xứng với tiềm năng đất đai, khí hậu trong khi đó, Hoa hồng của xã Quyết Tiến được đánh giá “chất lượng tốt” nhưng không đồng đều trong vùng sản xuất do trình độ sản xuất, bảo quản giữa các hộ trồng hoa khá lớn. Trong khi đó, hoa hồng Quyết Tiến chưa có dấu hiệu nhận dạng trên thị trường nên người tiêu dùng khó nhận biết và tiếp cận. Bên cạnh đó, là một phần của Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn nhưng huyện Quản Bạ chưa giá trị hóa được một cách cụ thể các đặc sản của địa phương (trong đó có Hoa hồng) với du khách để phát triển nền kinh tế xanh...

Để giải quyết những vấn đề trên, việc Xây dựng, quản lý và phát triển NHTT “Hoa hồng Quyết Tiến” cho sản phẩm hoa hồng của xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống Nông nghiệp chủ trì thực hiện là thực sự cần thiết. Đây chính là cơ sở trong lộ trình xây dựng hình ảnh của “Hoa Hồng Quyết Tiến” trên thị trường bằng chất lượng, sự cam kết của nhà sản xuất, tổ chức chuỗi sản xuất và cung ứng, kiểm soát chất lượng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, quảng bá và xúc tiến thương mại. Mặt khác, NHTT “Hoa Hồng Quyết Tiến” là tài sản chung của các chủ thể sản xuất hoa hồng tại xã Quyết Tiến nên nó cần được tổ chức quản lý và vận hành dựa trên những nguyên tắc chung do tập thể các chủ thể kinh tế có liên quan quyết định. Xét về bản chất, các giống hoa hồng trồng tại Quyết Tiến đều chung đặc điểm cảm quan (bông to, bền, tươi sắc). Tên nhãn hiệu “Hoa hồng Quyết Tiến” hoàn toàn đáp ứng được các quy tắc trên (cụ thể: dễ đọc và dễ nhớ, ngắn gọn); tạo sự khác biệt gắn với nguồn gốc xuất xứ thông qua địa danh “Quyết Tiến” để phân biệt với các sản phẩm khác như: “Hoa hồng Mê Linh” hay “Hoa hồng Sa Pa”... Hội nông dân xã Quyết Tiến là Tổ chức tập thể hợp pháp có quyền đăng ký NHTT cho các thành viên của mình sử dụng, vì vậy, đáp ứng được yêu cầu của luật định (tính tập thể) và khu vực sản xuất nằm gọn trong địa giới hành chính 1 xã để làm chủ sở hữu NHTT “Hoa hồng Quyết Tiến”...

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Hoa hồng Quyết Tiến” cho sản phẩm hoa hồng của xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang” đã cơ bản đáp ứng được các mục tiêu đề ra. Sản phẩm “Hoa hồng Quyết Tiến” bước đầu đã khẳng định được danh tiếng trên thị trường bằng chất lượng. Địa danh Quyết Tiến có giá trị thương mại mạnh. Sản phẩm đã được Cục SHTT cấp Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ (theo Quyết định số 1715/QĐ - SHTT ngày 10/01/2022) do Hội nông dân xã Quyết Tiến làm chủ sở hữu, khu vực địa lý và bộ tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu chính là cơ sở để quản lý và khai thác NHTT này.

Dự án đã đề xuất được Hệ thống quản lý và sử dụng NHTT “Hoa hồng Quyết Tiến” phục vụ cho việc mở rộng sản xuất sản phẩm trong tương lai nhằm duy trì chất lượng sản phẩm và quản lý nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu cũng như quyền sử dụng NHTT do Hội nông dân xã Quyết Tiến làm chủ sở hữu. Các công cụ quản lý và sử dụng NHTT (Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu, Quy trình cấp và thu hồi, Quy định kỹ thuật sản xuất, Hệ thống nhận diện và quảng bá sản phẩm khác...)  đã được xây dựng để phục vụ cho việc quản lý chất lượng sản phẩm và quản lý nhãn hiệu.

Bên cạnh việc đề xuất được Hệ thống quản lý và sử dụng NHTT “Hoa hồng Quyết Tiến”, dự án cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu làm cơ sở phát triển thị trường cho sản phẩm “Hoa hồng Quyết Tiến”, bao gồm: Đánh giá hiện trạng sản xuất và tiêu thụ; thiết kế và sản xuất các công cụ quảng bá giới thiệu sản phẩm; triển khai một số xúc tiến thương mại giới thiệu sản phẩm; thử nghiệm các kênh phân phối (Logo, bao bì, tem, nhãn mác, biển hiệu, poster, tờ rơi,...)...

Dự án đã có những tác động nhất định về mặt khoa học (áp dụng một tiếp cận đa ngành trong việc xây dựng tài sản trí tuệ và khai thác giá trị của tài sản trí tuệ trong phát triển nông nghiệp và nông thôn), hiệu quả kinh tế - xã hội (góp phần nâng cao được nhận thức của các tổ chức, cá nhân tại địa phương về giá trị kinh tế của cây hoa hồng nói riêng và các loại cây trồng đặc sản nói chung, tiềm năng phát triển và sự cần thiết phải tham gia liên kết theo chuỗi giá trị trong bối cảnh kinh tế thị trường và hội nhập để giá trị hóa những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong sự phát triển kinh tế-xã hội). Các tài liệu của dự án là cơ sở tiếp tục nâng cao năng lực cho các hộ gia đình và HTX trong vùng về liên kết sản xuất - tiêu thụ, các kỹ năng phát triển thị trường, quản lý và phát triển thương hiệu. Góp phần định vị giá trị của sản phẩm hoa hồng trên thị trường trước sức ép cạnh tranh của hoa hồng từ các tỉnh khác. Thông qua các kênh kết nối của dự án, các tổ chức/cá nhân tham gia tích lũy được các kỹ năng phát triển thị trường, kết nối và mở rộng được thị trường tiêu thụ từ 120 - 130% so với trước khi có dự án, yên tâm mở rộng sản xuất và liên kết theo chiều sâu. Sản phẩm đã được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là cơ sở vững chắc cho hoạt động thương mại hóa...

Có thể khẳng định, dự án cũng đã hoàn thành việc nghiên cứu làm cơ sở phát triển thị trường cho sản phẩm “Hoa hồng Quyết Tiến”, kết quả nghiên cứu thị trường và thử nghiệm phân phối cho thấy khả năng mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ cũng như thiết lập các kênh phân phối mới đối với hoa hồng Quyết Tiến có tính khả thi cao. Cùng với các chủ trương, chính sách của tỉnh Hà Giang, các hoạt động tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh, quản lý và khai thác NHTT cũng đã được hỗ trợ cho các hộ dân và HTX tại địa phương. Tuy kết quả mới chỉ ở bước đầu nhưng dự án đã mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường nhất định đối với sản xuất hoa hồng Quyết Tiến của huyện Quản Bạ, đóng góp không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Quản Bạ nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 4

Hôm nay: 434

Tháng này: 18164

Tổng lượt truy cập: 177115