Ngày đăng: 01/03/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Phương pháp chăn nuôi Thỏ theo hướng an toàn sinh học

Thỏ là một loài động vật có vú nhỏ (thuộc họ Leporidae - bộ Lagomorpha) sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới. Thỏ là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhiều hộ chăn nuôi lựa chọn nuôi để lấy các sản phẩm thịt, da và lông. Thỏ có nhiều loại: Thỏ đen, thỏ trắng, thỏ New Zealand,... là một trong những giống thỏ có sức đề kháng cao, ít bệnh, phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở Việt Nam.


Để nuôi thỏ mang lại hiệu quả kinh tế thì phương pháp chăn nuôi thỏ theo hướng an toàn sinh học - phương pháp kỹ thuật dưới tác động của con người nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân sinh học xuất hiện tự nhiên hoặc do con người tạo ra gây hại đến vật nuôi, con người và cả hệ sinh thái. Khi thực hiện chăn nuôi Thỏ theo hướng an toàn sinh học thì người chăn nuôi có sẽ mang lại được lợi ích rất lớn đó là giúp Thỏ mau lớn, khỏe mạnh, ít bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp, nhanh lớn, số con/lứa cao, tiêu tốn ít thức ăn. Người lao động trong cơ sở chăn nuôi tránh được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ Thỏ... vì vậy để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi Thỏ, người chăn nuôi cần đảm bảo những nguyên tắc sau:

Kiểm soát đối với khu vực chăn nuôi: Làm chuồng chăn nuôi phải cách xa khu sinh hoạt của gia đình càng tốt, không bị gió lùa hoặc đầu gió, thuận tiện cho chăm sóc, thuận tiện về nguồn nước, thuận lợi cho việc thu gom, xử lý chất thải. Phải xây dựng chuồng nuôi kín để hạn chế việc xâm nhập của vật chủ trung gia truyền bệnh (như các loài côn trùng, chuột, chó, mèo, chim… mang mầm bệnh hoặc từ nơi tiêu hủy nhưng không xử lý triệt để mầm bệnh vẫn còn, từ bụi có lẫn mầm bệnh). Trong khu vực chuồng nuôi cần xây dựng tường rào hoặc vách ngăn giữa các khu vực, có biển cảnh báo, bên cạnh đó còn thực hiện việc cách ly về thời gian giữa các lứa nuôi; Cần kiểm soát ra vào chuồng nuôi để đảm bảo an toàn sinh học nhất là Thỏ giống nhập nuôi, con người, dụng cụ, phương tiện vận chuyển, thức ăn, nước uống,...

Đối với Thỏ giống mới mua về: Phải lựa chọn những con giống khỏe mạnh, mua từ cơ sở an toàn dịch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được tiêm phòng đầy đủ theo lứa tuổi và theo quy định của thú y. Không nên nhập thêm giống thỏ mới ngay vào đàn đang nuôi mà phải nuôi cách ly đàn mới mua về ít nhất 14 ngày, không nuôi lẫn các lứa Thỏ khác nhau trong cùng một ô chuồng nuôi. Thường xuyên quan sát bất kỳ biểu hiện bất thường nào ở Thỏ nhằm phát hiện những con ủ bệnh để thực hiện phòng và trị bệnh kịp thời.

Kiểm soát con người ra vào khu vực nuôi: Mầm bệnh có thể lây lan từ bên ngoài vào chuồng nuôi thông qua tay, chân, quần áo, giày dép của người khi vào thăm hoặc chăm sóc vật nuôi, vì vậy phải yêu cầu tất cả người làm, khách khi vào ra khu vực chăn nuôi đều phải:  Thay quần áo bảo hộ, giày dép, ủng của cơ sở chăn nuôi, rửa tay bằng xà phòng hoặc sát khuẩn cả trước và sau khi tiếp xúc với Thỏ và các nguồn lây nhiễm khác. Quần áo, bảo hộ lao động chỉ sử dụng riêng trong khu vực chăn nuôi và phải được khử trùng thường xuyên sạch sẽ. Khi đi từ khu vực bẩn sang khu vực sạch cần phải phun dung dịch khử trùng. Chỉ những người thực sự cần thiết mới được vào chuồng nuôi.

Đối với việc vận chuyển các thiết bị, dụng cụ: Khi mua các thiết bị, dụng cụ chăn nuôi về sử dụng phải đỗ xe ở bên ngoài khu vực chuồng nuôi và phải cọ rửa hoặc phun khử trùng kỹ các dụng cụ trước khi đưa vào sử dụng.

Kiểm soát các thức ăn, nước uống: Thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh từ thức ăn, nước uống, thỏ dễ mắc các bệnh tụ cầu trùng, nấm, bại huyết và nhất là bệnh trướng bụng đầy hơi do thức ăn không đảm bảo chất lượng,... Người nuôi thỏ thực hiện tốt phương châm phòng bệnh là chính, thực hiện tốt nguyên tắc “3 sạch”: Ở sạch, ăn sạch, uống sạch đảm bảo môi trường chăn nuôi sạch sẽ. Do đặc điểm của dạ dày thỏ là co giãn tốt nhưng co bóp yếu. Manh tràng có dung tích lớn và có khả năng tiêu hóa chất xơ nhờ hệ vi sinh vật. Vì vậy, cần cho thỏ ăn nhiều thức ăn thô xanh chất lượng tốt, để vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của thỏ, vừa có tác dụng chống đói và đảm bảo sinh lý tiêu hóa bình thường. Thức ăn thô xanh cho thỏ phải tươi, không bị ủng, úa vàng và được rửa sạch bằng nước máy hoặc nước giếng. Những loại rau lá có hàm lượng nước lớn như bắp cải, khoai lang…, sau khi rửa cần phơi tái cho bớt nước trước khi cho thỏ ăn. Đối với thức ăn đậm đặc phải mua ở cơ sở uy tín, chất lượng, có mùi thơm ngậy của thức ăn, không bị mốc, có hạn sử dụng. Thức ăn tinh bột thì nguyên liệu phải khô, không bị ẩm mốc... và được bảo quản khô ráo, sạch sẽ, kín để tránh chuột bọ, gián xâm nhập vào thức ăn.

 Đối với nước uống: Sử dụng nước sạch dùng cho người, nước giếng khoan. Nếu phải dùng nước ao, sông, suối  thì phải lọc hoặc lắng cặn và phải xử lý bằng chất Clorin. Thường xuyên kiểm tra, che đậy bể chứa đảm bảo không bị các vi khuẩn, loại tạp chất và chất bẩn xâm nhập. Hàng ngày phải vệ sinh dụng cụ, thức ăn, nước uống trước khi cho ăn, định kỳ tổng vệ sinh, khử khuẩn 3 tháng 1 lần.

Kiểm soát động vật, côn trùng khác: Các vật nuôi như chó, mèo, chim hoang dã, chim cảnh là những con vật có thể mang theo mầm bệnh vào chuồng nuôi vì thế tránh nuôi các loài thú cưng nào gần khu chuồng nuôi, đồng thời lắp lưới che chắn và đóng kín cửa ra vào. Đối với Chim hoang dã là vật truyền bệnh qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp qua thức ăn, nước uống bị ô nhiễm phân, dịch tiết có chứa mầm bệnh nên phải có lưới che, giữ kho thức ăn sạch sẽ, đặc biệt là chuột – vật truyền bệnh qua phân ăn và làm hỏng thức ăn của Thỏ, thường xuyên đặt bẫy, đánh bả chuột.

 
 


            Vệ sinh, khử trùng làm sạch chuồng nuôi: Hằng ngày tiến hành dọn vệ sinh phân rác và nước tiểu vật nuôi, định kỳ hàng tuần thực hiện tổng vệ sinh.
làm sạch chuồng nuôi, dụng cụ chăn nuôi là biện pháp rất quan trọng trong việc thực hiện chăn nuôi an toàn, việc vệ sinh làm sạch giúp loại bỏ được các mầm bệnh tại chuồng nuôi và còn loại bỏ được tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ khỏi bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, của chuồng nuôi... Khi vệ sinh cần thực hiện loại bỏ hết các mảng bám hữu cơ như thức ăn thừa, phân chất thải bám bẩn trên dụng cụ chăn nuôi, vách ngăn, chuồng nuôi cho đến khi mắt thường không còn nhìn thấy chất bẩn nữa. Hàng ngày thực hiện quét dọn, thu gom rác và chất thải (phân rác, chất độn chuồng ẩm ướt…) cho vào nơi quy định để xử lý đúng yêu cầu kỹ thuật. Cọ rửa sạch dụng cụ, chuồng, lồng nuôi bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa. Thực hiện sau khi đã vệ sinh khô và thực hiện theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Nên trồng các loại cây như nhãn, vải, keo dậu, muồng… để tạo bóng mát và chắn được gió lạnh, gió nóng, ngoài ra cây xanh còn quang hợp hút khí CO2 và thải khí O2 rất tốt cho môi trường chăn nuôi thỏ.

Khử trùng chuồng nuôi là nguyên tắc rất quan trọng trong chăn nuôi an toàn sinh học, tuy nhiên hiệu quả của việc khử trùng tùy thuộc vào chất lượng của việc vệ sinh làm sạch trước đó. Mục đích khử trùng nhằm loại bỏ những mầm bệnh còn sót lại sau khi đã vệ sinh làm sạch chuồng trại, dụng cụ và thiết bị phục vụ chăn nuôi. Thường xuyên khử trùng phương tiện vận chuyển, quần áo, dụng cụ trước khi vào chuồng nuôi. Định kỳ khử máng ăn, máng uống, quần áo và giày dép của người chăn nuôi. Chuồng nuôi (cả bên trong và bên ngoài) phải tổng vệ sinh, khử trùng sau khi kết thúc mỗi lứa và để trống chuồng nuôi tư 6 đến 7 ngày. 

Xử lý chất thải trong chăn nuôi: Hằng ngày tiến hành dọn vệ sinh phân rác và nước tiểu vật nuôi, đồng thời định kỳ hàng tuần quy định 1 ngày để thực hiện tổng vệ sinh, phun khử trùng bằng thuốc sát trùng iodine. Phải xây dựng bể chứa chất thải lỏng và hố ủ phân có nắp đậy cách xa khu vực chuồng nuôi và được xử lý bằng phương pháp các chế phẩm sinh học như EM (Effective Microorganisms), chế phẩm vi sinhVIABIO..., các chất thải rắn (các đồ nhựa, túi bóng, kim tiêm...) phải xử lý riêng. Chất thải lỏng phải có ống riêng dẫn trực tiếp từ chuồng nuôi, lồng nuôi ra bể chứa để xử lý an toàn trước khi thải ra môi trường. Đối với xác chết của thỏ phải xử lý theo đúng quy định của thú y, tuyệt đối không được mang bán hoặc vứt ra môi trường xung quanh vì nó sẽ là mang mầm bệnh phát tán ra môi trường, tốt nhất là đào hố rắc vôi bột chôn sâu.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 375

Tháng này: 18105

Tổng lượt truy cập: 177056