Ngày đăng: 01/04/2023 / Lượt xem: 54
Xem với cỡ chữ

Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội

Trong những năm qua, công nghệ sinh học của nước ta phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng và được ứng dụng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo bước đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường. Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành, nhiều doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu sản xuất, thương mại hóa sản phẩm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện tại,… do nhận thức về công nghệ sinh học chưa đầy đủ, cơ chế chính sách chưa phù hợp; đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội.


Nhằm đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển kinh tế - xã hội nước ta phù hợp với xu thế của thế giới, đồng thời tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, tận dụng ưu thế đa dạng sinh học của nước ta,… Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Nghị quyết đã xác định, phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội đồng thời lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học. Nghị quyết số 36 xác định mục tiêu đến năm 2030 nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. Đến năm 2045 Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á. Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP. Nghị quyết nêu rõ các nhóm giải pháp nhằm thực hiện các mục tiêu trên. Theo đó, thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

Theo đó, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học xác định tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm Công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học.

Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học”. Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Để triển khai tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới Bộ Chính trị ban hành, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy, giao cho Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương tham mưu xây dựng dự thảo Chương trình động của BTV Tỉnh ủy nhằm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Bộ Chính trị, với nội dung:

Trước hết phải đánh giá được hoạt động khoa học - công nghệ gắn kết và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng đến các doanh nghiệp và cơ sở để ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, sản xuất và đời sống, các mô hình ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, cải thiện chất lượng sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, đặc biệt là các sản phẩm sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc triển khai ứng dụng khoa học công nghệ sinh học đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân từ lạc hậu, thủ công thay đổi dần bằng tập quán canh tác hiện đại, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng; Các tiến bộ công nghệ sinh học được áp dụng vào lĩnh vực y tế, xử lý môi trường.

Một số các giải pháp cần triển khai:

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền các cấp đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học: Tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai các hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách của tỉnh về phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sinh học. Trong đó, chú trọng đến các cơ chế, chính sách khuyến khích các đơn vị tự chủ, các doanh nghiệp, các đơn vị đầu tư phát triển công nghệ sinh học phục vụ đời sống gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học theo cơ chế thị trường: Phát triển công nghiệp sinh học là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Coi trọng và đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống bộ máy tổ chức trong hoạt động khoa học và công nghệ theo hướng sáp nhập các tổ chức khoa học kỹ thuật của tỉnh có cùng chức năng, nhiệm vụ, chuyển dần các đơn vị này sang thực hiện cơ chế tự chủ. Tập trung hỗ trợ toàn diện về khoa học và công nghệ đối với các Trung tâm khoa học, kỹ thuật của tỉnh và những doanh nghiệp có tiềm năng ứng dụng công nghệ sinh học tại tỉnh; ưu tiên hàng đầu trong Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ; phát triển các hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị hàng hóa.

Chú trọng đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học theo cơ chế thị trường: Xây dựng, thực hiện cơ chế huy động nguồn đầu tư cho công nghệ sinh học, công nghiệp sinh học từ các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Bố trí, thu hút nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho các tổ chức hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.

Tăng cường công tác tuyên truyền tầm quan trọng của công nghệ sinh học đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội: Nâng cao ý thức trách nhiệm về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; Xây dựng cơ sở hệ thống dữ liệu về công nghệ sinh học. Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống đối với các chương trình mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững… Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống.

Phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả công nghệ sinh học trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội: Chú trọng bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý bản địa của địa phương, ứng dụng công nghệ sinh học để phục tráng, chọn tạo nhân nhanh các giống cây trồng vật nuôi có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu về giống tại địa phương; Bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa và phát triển những dược liệu quý hiếm, đặc hữu trên cơ sở đầu tư kỹ thuật - công nghệ tiên tiến bao gồm phục tráng các giống dược liệu có giá trị chất lượng cũng như kinh tế cao; Tập trung nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ sinh học làm sạch môi trường ở các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, các trang trại sản xuất nông lâm nghiệp, bãi chôn lấp và xử lý rác thải...

Ngoài ra, để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển bền vững đất nước nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng, cần đẩy mạnh tuyên truyền những thành tựu công nghệ sinh học trên phương tiện thông tin đại chúng. Nhất là các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học cần được khen thưởng, tôn vinh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 2

Hôm nay: 429

Tháng này: 18159

Tổng lượt truy cập: 177110