Ngày đăng: 01/05/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau (Curculigo Orchioides Gaertn) trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi phía Bắc có nguồn dược liệu tự nhiên vô cùng phong phú và đa dạng về chủng loại, có đất đai và khí hậu phù hợp với nhiều loại cây thuốc quý. Phát triển dược liệu trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của tỉnh. Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh Hà Giang đã ra Nghị Quyết số 17-NQ/TU ngày 10/10/2021 về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, Nghị quyết đã xác định mục tiêu chung: Tập trung nguồn lực, nhân lực, khoa học công nghệ vào phát triển 5 cây và 3 con trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa lớn theo chuỗi giá trị trong đó có phát triển chuỗi sản phẩm từ cây dược liệu tại 11 huyện, thành phố.


Cây Sâm cau (Curculigo orchioides Gaertn) là một trong số loài cây dược liệu bản địa, quý hiếm của tỉnh Hà Giang. Là cây dược liệu sống lâu năm, có chiều cao từ 20 - 60 cm, lá hình mũi mác xếp nếp tựa như lá cau từ thân rễ, có thân rễ mập, hình trụ dài dạng củ, có rễ phụ, vỏ thô màu nâu, trong nạc vàng ngà, có hoa màu vàng xếp 3-5 cái nhỏ thành cụm. Cây ra hoa và tạo quả từ tháng 5 - 10, khi quả già tự mở để hạt phát tán ra xung quanh. Cây sinh trưởng, phát triển tốt ở cả ba vùng đồng bằng, trung du, miền núi, nơi đất màu mỡ ẩm, cây sinh trưởng tốt nhất dưới tán rừng, ở nhiệt độ thích hợp từ 25 - 35oC, sinh trưởng và phát triển từ tháng 4 đến tháng 11và duy trì ở trạng thái ngủ từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau.

Về công dụng, Sâm cau được sử dụng làm thuốc, có mùi thơm nhẹ, tính ấm, lợi tiểu, chữa vàng da hen suyễn, tiêu chảy, tăng cường chức năng sinh lý nam giới, tăng cường thể lực và miễn dịch, kháng viêm chống ung thư,... Sâm cau đang được khai thác chủ yếu từ tự nhiên bởi các cá nhân hoặc hộ gia đình. Hình thức thu hái chủ yếu là tự phát theo kinh nghiệm hoặc theo quy định của đơn vị thu mua.

Để phát triển thành vùng trồng lớn cung cấp nguyên liệu và phát triển sản phẩm có nguồn gốc sâm cau phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, cần thiết phát triển các quy trình kỹ thuật nhằm nhân giống, nuôi trồng phù hợp với điều kiện Hà Giang. Xuất phát từ những vấn đề thực tiễn nêu trên, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới được UBND tỉnh ra Quyết định triển khai thực hiện đề tài: "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau (Curculigo Orchioides Gaertn) trên địa bàn tỉnh Hà Giang". Kết quả nghiên cứu của Đề tài đã triển khai được các nội dung được phê duyệt: Vườn lưu giữ giống phục vụ nhân giống 300m2 trong đó có 5.000 cây Sâm cau...; Quy trình nhân giống cây Sâm cau bằng phương pháp dâm hom; Quy trình  trồng trọt và thu hái, sơ chế, bảo quản dược liệu Sâm cau (tạm thời) làm cơ sở cho nhân giống tạo nguồn nguyên liệu và sản xuất thuốc có nguồn gốc từ Sâm cau. Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới đã hoàn thiện quy trình và có thể phổ biến kiến thức cho người dân áp dụng trong việc lựa chọn giống cây dược liệu trồng thử nghiệm. Quy trình cụ thể như sau:

Quy trình trồng trọt và thu hái, sơ chế, bảo quản dược liệu Sâm cau

Chọn vùng trồng: Cây sinh trưởng, phát triển tốt ở độ cao dưới 800m so với mặt nước biển các huyện như huyện Bắc Quang; Vị Xuyên; Bắc Mê; Quang Bình. Nơi đất màu mỡ, có độ ẩm phù hợp, tốt nhất trồng dưới tán, nhiệt độ thích hợp là từ 25 - 35oC.

Chuẩn bị đất

Đối với trồng thâm canh: Làm giàn che sáng: Dàn che phủ lưới cắt nắng đảm bảo độ che sáng từ 25 - 50%. Chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt, không úng ngập, nhiều mùn. Không nên trồng ở đất thịt (sét) và đất bạc màu. Đất trồng Sâm cau cần làm sạch cỏ dại cày sâu, trước từ 10 - 15 ngày, phơi ải, trước khi trồng bừa kỹ lại trước 2 - 3 ngày để giữ ẩm, diệt các mầm cỏ dại đã nên mầm, lên thành luống cao 25 - 30cm, mặt luống rộng 1 - 1,2m.

Đối với trồng xen dưới tán rừng: Ta cần chọn rừng trồng, trước hết phải chọn loại rừng đề trồng Sâm cau thích hợp, rừng có tán tương đối thưa, độ che tán từ 25 - 50%. Có thể trồng hỗn dao trong các tán vườn nhà. Đất trồng được làm sạch cỏ dại, vén luống rộng 1 - 1,2m từ trên xuống. Sau đó rạch hàng trồng cách nhau 20 cm, theo các đường đồng mức sâu 15 - 20cm trên mặt luống bón phân chuồng và phân lân vào rạch rồi đảo với đất và lấp lại trước khi trồng từ 3 - 5 ngày.

Chọn giống: Chọn cây giống khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cây có chiều cao từ 3 - 7cm, số lá 1 - 2 lá.

Thời vụ trồng: Thời vụ trồng Sâm cau thích hợp nhất trong khoảng thời gian từ 15/3 đến 15/4, không nên trồng quá sớm khi thời tiết còn rét đậm, cây giống chưa bật mầm. Ngược lại cũng không trồng quá muộn, ảnh hưởng tới tỷ lệ sống của cây.

Kỹ thuật làm đất: Đất trồng cần được làm sạch cỏ dại cày sâu, trước từ 15 - 20 ngày, phơi ải, trước khi trồng cần bừa kỹ trước từ 2 - 3 ngày để giữ ẩm, diệt các mầm cỏ dại đã nên mầm, lên thành luống cao từ 25 - 30cm, mặt  luống rộng từ 0,8 - 1m.

Mật độ, khoảng cách và kỹ thuật trồng

Mật độ trồng: 20cm x 15cm (hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 15cm) tương đương mật độ 333.333 cây/ha.

Kỹ thuật trồng: Dùng cuốc rạch thành các rãnh nhỏ trên mặt luống (đã chuẩn bị từ trước) với khoảng cách hàng cách hàng 20cm, sâu từ 10 - 15cm sau đó đặt các cây giống hố, đảm bảo cây cách cây 15cm sau đó lấp đất lên đảm bảo ngập phần củ rễ, sau khi trồng, phủ nên một lớp lá cây hoặc thảm mục của rừng lên trên bề mặt luống giúp giữ ẩm.

Lưu ý: Vì trồng trên rừng khó có điều kiện tưới tiêu nên chọn thời điểm khi trời râm mát hoặc có mưa phùn.

Chăm sóc cây Sâm cau

Trong giai đoạn cây mới trồng, cần kiểm tra, trồng dặm cây đảm bảo mật độ, khoảng cách, việc tưới nước cần phải duy trì thường xuyên 1- 2 ngày/lần nhất là khi trồng thâm canh dưới các vùng thấp. Càng về sau số lần tưới càng ít đi nhưng phải duy trì được độ ẩm cho cây, đảm bảo thoát nước tốt.

Riêng đối với trồng thâm canh ngoài trời, đến tháng 6 khi thời tiết nắng nóng ta tiến hành làm dàn che lưới đen cho cây, đảm bảo độ che sáng từ 25 - 50%. Thường xuyên kiểm tra vùng trồng, đảm bảo vùng trồng luôn sạch cỏ dại. Bên cạnh đó cần giữ gìn, bảo quản vệ sinh dụng cụ phun thuốc, thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định, phòng ngừa khả năng gây ô nhiễm đất trồng và môi trường trong vùng sản xuất.

Phân bón và kỹ thuật bón phân

Lượng phân bón cho 1ha: 20 tấn phân phân chuồng +100kg phân đạm (N) + 200kg phân lân (P2O5)  + 150kg Kali (K2O)/ha/năm. Có thể bón NPK tổng hợp với tỷ lệ tương đương để bón.

Cách bón:

- Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân.

- Bón thúc: Phân đạm, kali. Có thể bón thúc 2 lần vào các giai đoạn sau:

+ Lần 1: Vào tháng 5 bón 1/2 phân đạm, kali.

+ Lần 2: Vào tháng 7 bón 1/2 phân đạm, kali còn lại. Rạch các rãnh giữa 2 hàng Sâm cau tiến hành rải đều phân vào giữa luống phủ đất lên.

 Sâu hại chủ yếu và biện pháp phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại chủ yếu là sâu cuốn lá thường xuất hiện vào tháng 6 - 7. Biện pháp phòng trừ chủ yếu cần xác định sự xuất hiện của bướm sâu cuốn lá trên vườn trồng để lựa chọn thời điểm xử lý thuốc là một việc làm vô cùng cần thiết, vì vậy bà con nên thăm vườn thường xuyên. Nếu thấy bướm rộ trên đồng thì khoảng 6 - 7 ngày sau sẽ có sâu mới nở tuổi 1, đây là thời điểm tốt nhất để phun thuốc vì sâu còn non, dễ chết khi tiếp xúc với thuốc. Phun ướt đều tán lá, thật đủ để thuốc tiếp xúc được với sâu và nên phun đúng liều lượng khi sâu ở tuổi 1 - 2 (mật số 10 - 20 con/m2) nhằm đạt hiệu quả tốt nhất và tiết kiệm chi phí.

Bệnh hại chủ yếu và biện pháp phòng trừ:

Bệnh hại chủ yếu đối với cây Sâm cau là bệnh đốm lá, thường xuất hiện vào cuối tháng 7 - 8 gây hại trên lá, bệnh xuất hiện vào thời điểm mưa nhiều, độ ẩm cao. Biện pháp phòng trừ chủ yếu là tiến hành vệ sinh đồng ruộng, bón phân cân đối và hợp lý, tưới tiêu nước hợp lý, nên sử dụng men vi sinh Tricoderma streptomyces Bacillus subtillis (liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất); Sử dụng hợp lý các thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu như các thuốc có hoạt chất Difenoconazole + Propiconazole với nồng độ và lượng dùng theo đúng chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc.

Loại bệnh thứ hai cũng xảy ra trên cây Sâm cau là bệnh đốm nu, thường xuất hiện vào cuối tháng 7 - 8, bệnh này gây hại trên lá. Biện pháp phòng trừ cần thường xuyên quan sát thời tiết, nếu xuất hiện sương hoặc độ ẩm cao cần tiến hành phun phòng cho cây, các thuốc thường được sử dụng là: Monceren, Daconil 75WP, Score 250ND... với nồng độ và lượng dùng theo đúng chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc.

Thu hoạch, sơ chế và bảo quản

Thu hoạch: Cây Sâm cau phải trồng được ít nhất từ 2 năm trở nên mới nên thu hoạch. Thời điểm thu hoạch vào giữa tháng 11 đến giữa tháng 12 dương lịch, lúc này lá cây bắt đầu lụi dần để ngủ đông, sau đó tiến hành thu hoạch củ. Khi thu hoạch ta nên lựa chọn thời tiết khô ráo, không có mưa, trước tiên đào lấy củ, rũ sạch đất, cắt cuống lá sát gốc, sau đó củ vận chuyển đến nơi sơ chế. 

Sơ chế: Rễ củ rửa sạch đất cát, tốt nhất nên dùng bơm cao áp rửa rồi đem sấy khô ngay, nhiệt độ sấy từ 50 - 55oC.

Bảo quản: Sau khi sấy khô cho Sâm cau vào túi nilong buộc chặt, bảo quản nơi khô ráo, râm mát ở nhiệt độ từ 20 - 30oC.

Trên đây là Quy trình trồng trọt và thu hái, sơ chế, bảo quản dược liệu Sâm cau. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã hoàn thiện và xây dựng được các quy trình kỹ thuật nhân giống; Quy trình trồng  trọt, thu hái và bảo quản dược liệu Sâm cau. Từng bước hình thành vùng nguyên liệu Sâm cau sạch để phát triển sản xuất và bào chế thành các sản phẩm có giá trị, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đưa Hà Giang trở thành vùng nguyên liệu về dược liệu trọng điểm của cả nước./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 563

Tháng này: 18293

Tổng lượt truy cập: 177244