Ngày đăng: 01/06/2023 / Lượt xem: 59
Xem với cỡ chữ

Trồng, chăm sóc na Thái và kỹ thuật giúp cây ra hoa trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao

Na thái là giống cây ăn quả có nguồn gốc từ Thái Lan, còn có tên là Na Hoàng hậu, Mãng Cầu Na Thái… là loại cây thân gỗ nhỏ có chiều cao trung bình khoảng 3,5m có thể cao đến 5m, so với na thường thì na Thái cho quả to hơn và phần thịt nhiều cùng số lượng hạt trong quả cũng ít hơn na thường, na Thái có nhiều ưu điểm nổi trội như cây sinh trưởng khỏe mạnh, có khả năng chịu sâu bệnh tốt, chịu úng, chịu hạn cao, chịu rét khá tốt và có khả năng kháng bệnh tốt, quả to (khoảng 0,5 - 1kg) có vị ngọt thanh, ít hạt, thịt quả dai, ít bị nứt bể, dễ chăm sóc. Cây trồng sau 3 năm là bắt đầu thu hoạch, mỗi cây có thể cho thu hoạch từ 30 - 60kg quả, là loại cây cho năng suất cao và đều qua các năm, nếu giống na thường một vụ đầu cho từ 20kg/cây thì na Thái đã cho đến 26kg/cây, những năm sau đó năng suất tăng lên đáng kể.


Na thái là cây dễ sống không kén chọn đất, kể cả đất nghèo dinh dưỡng, đất sỏi, đất cát, chua hoặc trung tính. Tuy nhiên, để cây cho quả to ngon, đạt năng suất cao, ta nên chọn đất rừng mới khai phá, đất phù sa, giàu dinh dưỡng và thoát nước tốt là thích hợp nhất. Nếu trồng đất xấu, không bón phân thì cây nhanh già cỗi, ít quả, hạt nhiều, quả lại nhỏ. Là giống cây ưa ánh sáng và độ ẩm trung bình, cây ngừng sinh trưởng và rụng lá vào mùa đông, mùa xuân cây mọc lá mới. Về những đặc điểm trên, có thể nói giống na Thái là cây trồng phù hợp với khí hậu ở miền Bắc nước ta.

Về chọn giống: Có thể chọn hạt giống từ những cây có năng suất cao ổn định, quả to đều, ăn ngon, sinh trưởng khỏe mạnh, ngâm hạt giống vào nước ấm trong 4 ngày ở nhiệt độ phòng. Sang ngày thứ 5, lấy hạt gieo vào bầu ươm, tốt nhất là lấy đất ở ruộng trộn với cát ở sông và luôn giữ chậu đất ẩm để hạt nảy mầm tốt. Sau đó xếp bầu thành luống, làm giàn che mưa to, nắng rát, sương lạnh, đến khi cây con 2 - 3 tháng tuổi cao từ 20 - 25cm, có 5 - 6 lá thật thì đem đi trồng. Một hình thức khác ưu việt hơn là trồng cây bằng cây ghép (cây được ghép từ mắt hoặc ghép cành), đây là phương pháp nhân giống vô tính giữ được nhiều ưu điểm của giống, cây mau ra quả, năng suất cao và ổn định.

Về thời vụ trồng: Có thể trồng na Thái vào mùa xuân và kéo dài đến tháng 8 - tháng 9, mật độ nên trồng với mật là 4 x 4m hoặc 4 x 5m/1 cây. Đào hố trồng có chiều sâu khoảng 50cm, dùng khoảng 15 - 20kg phân chuồng + 0,2kg kali + 0,5kg lân trước khi trồng khoảng 7 - 10 ngày. Khi trồng, ta tiến hàn rạch bầu ni lông sau đó đặt cây vào giữa hố đã đào sẵn. Đối với cây giống ghép cành, khi trồng cần tưới đẫm nước cho cây, theo dõi, chăm sóc, bảo vệ cây.

Cách chăm sóc cây sau khi trồng:

Bón phân: Bón đầy đủ lượng phân bón sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, bón lót mỗi hố từ 7 - 10kg phân chuồng hoai mục + 0,2kg supe lân trộn đều với đất và kèm thêm vôi bột để khử chua đất và giải độc cho vườn.

Tưới nước: Cây na Thái cần nhiều nước, vì vậy cần kiểm tra đất đầy đủ và tưới nước thường xuyên cho cây, nhất là giai đoạn nuôi quả và khi quả sắp chín, giúp hạn chế việc cây bị héo, rụng nhiều lá ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây.

Cắt tỉa cành và tạo tán: Thường xuyên cắt tỉa cành, tạo tán cho cây sau mỗi lần thu hoạch để tạo sự thoáng đãng cho vườn na; cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây giúp cây khỏe hơn, nhận được nhiều ánh sáng, quả sai và cho mẫu mã đẹp.

Làm cỏ: Làm cỏ ít nhất 4 lần/ năm, cần xới, vun gốc gây, tủ gốc giữ ẩm bằng rơm rạ, cỏ khô, trấu.

Bón phân cho từng giai đoạn: Giai đoạn kiến thiết (3 năm đầu) ta cần bón phân có tỷ lệ đạm và lân cao để cây phát triển cành và bộ rễ, mỗi lần bón từ 0,3 - 0,4kg phân NPK với tỷ lệ 2:2:1, kết hợp tưới nước hoặc bón khi thời tiết mưa ẩm. Đến giai đoạn kinh doanh, mỗi gốc bón từ 20 - 30kg phân hữu cơ, phun phân vi lượng 2 - 3 lần/năm vào thời điểm thời tiết mát mẻ, không mưa dầm, nắng gắt.

Quản lý sâu bệnh: Na thái là cây ít bị sâu bệnh, tuy nhiên cần chú ý phòng rệp sáp, cây thường bị rệp cái bám chặt vào cành lá, đọt non, hoa, quả và cả rễ để hút nhựa và đẻ trứng, rệp non mới nở bám dính một chỗ để chích hút nhựa cây cho đến khi trưởng thành. Cây bị rệp hút nhựa, lá sẽ bị quăn, vàng úa và khô rụng; quả non bị rụng, khô tóp lại; quả to bị sượng, nhạt, có mùi hôi, rệp tấn công vùng rễ làm rễ bị phù, đứt mạch dẫn không hút được chất dinh dưỡng, khiến cây bị suy kiệt và chết. Trong khi bám dính hút mật trên cây, rệp sẽ tiết ra mật tạo điều kiện cho nấm bồ hóng phát triển, bám đen quả làm giảm mẫu mã của quả, giảm giá trị thương phẩm khiến na không bán được. Ngoài ra, mật này cũng là nguồn thức ăn của kiến, nếu tìm thấy dưới gốc hoặc trên cây có rất nhiều kiến cần dùng thuốc kiến hoặc thuốc sâu để diệt trừ chúng, ngăn ngừa được kiến cõng rệp dịch chuyển sang gây thiệt hại vườn cây...

Phòng và trị bệnh: Cần trồng na Thái với đúng mật độ và khoảng cách, đối với phân bón nên dùng phân hữu cơ để ngăn ngừa được sâu hại gây bệnh tấn công vườn na. Cần thường xuyên theo dõi cây để tìm ra sớm rệp sáp gây bệnh trên thân cây hoặc lá, quả để có giải pháp phòng và chữa trị quả nhằm giảm bớt thiệt hại về kinh tế cho người dân. Khi phát hiện đã có nhiều rệp, chúng sẽ phát tán nhanh và nhiều ta cần dùng thuốc phun như: Abametin, Acetamipro, Buprofezine, Imidachloprid hoặc Deltamethrin,… nên dùng phối hợp với dầu khoáng có gốc Petroleum Oil.

Thu hoạch: Dấu hiệu na chín là màu trắng xuất hiện ở các kẽ ranh giới giữa 2 mắt, và các kẽ này đầy lên, đỉnh múi thấp xuống (na mở mắt). Ta tiến hành hái quả, vận chuyển đến nơi tiêu thụ, chú ý lót lá tươi, lá chuối khô để trái khỏi sát vào nhau, vỏ nát thâm lại, mã xấu đi, gây khó bán.

Với những kỹ thuật trên sẽ giúp cho người dân trồng na Thái có năng suất cao và đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế từ cây na đem lại sẽ cao hơn, nếu thu hoạch quả đúng vào dịp tết. Vì vậy, cần có một số kỹ thuật giúp cây ra hoa trái vụ, thu hoạch quả vào đúng dịp tết như sau:

Tiến hành áp dụng kỹ thuật với cây na Thái trên 2 năm tuổi, vào tháng 7 dương lịch, tiến hành bón phân, phun chế phẩm tạo mầm hoa, bón gốc bằng phân lân với liều lượng tùy vào bộ khung tán của cây, bón từ 2 - 3kg phân super lân lâm thao, phân lân nung chảy; cách từ 10 - 14 ngày bón thêm cho cây từ 0,3 - 0,5kg kali, bón theo hình chiếu của tán lá cây. Sau 5 - 7 ngày phun kích tạo mầm hoa cho cây. Dùng 1kg MKP (phân kích tạo mầm hoa) + 1kg super lân lâm thao, pha với 200 lít nước để phun đều lên mặt lá, dưới lá và thân cây. Nên phun từ 2 - 3 lần, các lần cách nhau từ 7 - 9 ngày, lần 3 có thể kết hợp với một số phân bón qua lá có chứa hàm lượng trung vi lượng.

Khi quan sát thấy cây chuyển sang màu xanh bánh tẻ thì tiến hành tuốt hết là và cắt tỉa các cành tạo bộ khung tán hợp lý, thoáng hạn chế sâu bệnh hại cho cây. Sau đó, tiến hành xử lý bệnh cho vườn bằng cách phun thuốc phòng trị nấm hại bằng cách phun đẫm từ các cành, thân, vết cắt, gốc và mặt đất, … Và rải vôi quanh gốc, quét vôi lên thân gốc của cây,  mỗi gốc từ 0,3 - 0,5 kg/gốc, tùy vào bộ khung kích cỡ của cây. Sau 5 - 7 ngày ta tiến hành bón thúc cho cây bằng phân lân với lượng từ 1 - 1,5 kg/cây, khoảng 15 ngày sau cắt các đầu cành sẽ bật chồi, ra hoa và đậu quả.

Như vậy, việc áp dụng những kỹ thuật trồng và chăm sóc trên sẽ giúp cây na Thái phát triển tốt, đem lại năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, việc áp dụng kỹ thuật giúp cây ra hoa, đậu quả trái vụ sẽ giúp người dân thu hoạch và bán với giá cao hơn, nhất là thu hoạch và bán quả vào dịp tết, giúp người dân nâng cao thu nhập, từ đó giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 4

Hôm nay: 592

Tháng này: 18322

Tổng lượt truy cập: 177273