Ngày đăng: 01/09/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang

Tỉnh Hà Giang là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam với điều kiện khí hậu mát mẻ, nét nổi bật là có độ ẩm trong năm cao, mưa nhiều và kéo dài, nhiệt độ mát và lạnh. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 21,6oC - 23,9oC, biên độ nhiệt trong năm có sự dao động trên 100C và trong ngày cũng từ 6 - 7oC. Độ ẩm bình quân hàng năm ở Hà Giang đạt 85% và sự dao động cũng không lớn. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, các loài dược liệu qúy trong đó bao gồm các loài nấm dược liệu (như nấm Linh Chi, nấm Ngọc Cẩu) đã được phát triển và nuôi trồng trong giai đoạn gần đây. Tuy nhiên, một số loài nấm qúy như Đông trùng hạ thảo có khả năng nuôi trồng ở đây rất tốt song vẫn chưa được triển khai thực hiện.


Công nghệ nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo theo quy mô công nghiệp là công nghệ mới đang được áp dụng và nhân rộng trong nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Tuy nhiên hiện tại quá trình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo tại Việt Nam là nhân tạo trên giá thể gạo lứt trong môi trường được kiểm soát và được điều khiển hoàn toàn bằng máy móc do vậy sản phẩm chưa mang tính thiên nhiên và chưa có tính đặc thù. Hơn nữa, hiện nay chưa có một đơn vị nào kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất Đông trùng hạ thảo. Việc sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo theo quy trình nhân tạo nhưng có kiểm soát chuỗi nguyên liệu và bán tự nhiên tại Hà Giang có ý nghĩa rất lớn về chất lượng và thương hiệu. Hà Giang với điều kiện về tự nhiên khá phù hợp, diện tích rừng lớn và có rất nhiều ưu thế để nuôi trồng nấm theo hình thức bán tự nhiên. Mặt khác, Hà Giang là tỉnh vùng cao, hầu hết dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số với mức thu nhập thấp, dự án này đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất trồng cây (trồng chít, trồng dâu, trồng sắn), nuôi ký chủ (sâu chít, tằm, nhộng) để cung cấp cho canh tác Đông trùng hạ thảo theo hình thức bán tự nhiên qua đó góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho đồng bào vùng cao.

Xuất phát từ thực tế trên, đặc biệt tỉnh Hà Giang có nhiều điều kiện huận lợi cho việc phát triển nấm Đông trùng hạ thảo theo hình thức trong môi trường nhân tạo và bán tự nhiên phục vụ cho nhu cầu phát triển các loại nấm dược liệu, bên cạnh đó, việc nuôi cấy Đông trùng hạ thảo bán tự nhiên phải đòi hỏi điều kiện tự nhiên thuận lợi phù hợp cho việc nuôi trồng các ký chủ cũng như khả năng phát triển của Nấm. Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển Nông Lâm Nghiệp và Môi trường Việt Nam đã đề xuất và triển khai Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nấm Đồng Trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) trên giá thể gạo lứt và các ký chủ khác nhau tại tỉnh Hà Giang” thuộc Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”. Dự án do Viện Di truyền Nông nghiệp là tổ chức chuyển giao công nghệ.

Dự án với mục tiêu chung nhằm ứng dụng thành công công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và các kí chủ khác nhau (tằm dâu, tằm sắn, sâu chít) tại tỉnh Hà Giang. Mục tiêu cụ thể nhằm tiếp nhận và làm chủ được 03 quy trình (nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và trên một số loại ký chủ trong điều kiện bán tự nhiên; sơ chế và bảo quản nấm Đông trùng hạ thảo tại Hà Giang); xây dựng được 02 mô hình (sản xuất nấm Đông trùng Hạ thảo trên giá thể gạo, và sản xuất nấm Đông trùng Hạ thảo trên  ký chủ tằm dâu, tằm sắn, sâu chít); đào tạo được 10 kỹ thuật viên và 20 lượt hộ nông dân về  kỹ thuật  sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo. Thực hiện những nội dung chính như: Tiếp nhận và làm chủ quy trình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ trên giá thể gạo lứt và ký chủ sâu chít, tằm sắn, tằm dâu  trong môi trường nhân tạo và môi trường bán tự nhiên, sơ chế và bảo quản nấm Đông trùng hạ thảo tại Hà Giang; Xây dựng mô hình sản xuất Đông trùng hạ thảo; đào tạo bồi dưỡng cán bộ kỹ thuật viên và hộ nông dân.

Công nghệ nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trong phòng và bán tự nhiên trên giá thể gạo lứt và các kí chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn, gồm những điểm mới chưa có ở tỉnh Hà Giang (phương pháp nuôi cấy Đông trùng hạ thảo trên gạo lứt và trên ký chủ sâu chít, tằm dâu, tằm sắn); Áp dụng các kỹ thuật hiện đại trong thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản nấm Đông trùng Hạ thảo; Xây dựng chuỗi sản xuất tạo ra sản phẩm Đông trùng Hạ thảo chất lượng cao đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã chuyển giao cho đơn vị chủ trì tiếp nhận và làm chủ Quy trình nhân giống, nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và trên một số loại ký chủ trong điều kiện bán tự nhiên; sơ chế và bảo quản nấm Đông trùng hạ thảo tại Hà Giang với điều kiện khí hậu thời tiết thuận lợi giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó giảm được giá thành sản phẩm và sản phẩm có thể được ứng dụng rộng rãi hơn, phù hợp với khả năng chi trả của người tiêu dùng.

Các  chủng nấm Cordyceps militaris HQ, Ho, Q1 thuộc bộ chủng nấm Viện Di truyển Nông nghiệp đã nghiên cứu và được chuyển giao để đảm bảo cơ quan chủ trì có khả năng phát triển mô hình bền vững sau khi dự án kết thúc, (gồm chủng nấm HQ - Là con lai của chủng nấm nhập nội từ Hàn Quốc và chủng nấm thu thập ở Tây Nguyên, Việt Nam; chủng nấm Ho - là con lai của chủng nấm nhập nội từ Trung Quốc và chủng nấm thu thập ở Tây Nguyên; chủng nấm Q1- là con lai của chủng nấm nhập nội từ Nhật Bản và chủng nấm thu thập ở Tây Nguyên, Việt Nam). Các chủng nấm được chuyển giao từ viện di truyền trong quá trình thực hiện dự án đơn vị đã tiến hành phân lập để lưu mẫu, cấy chuyển và sử dụng với các tên gọi khác mục đích để đánh dấu chủng giống. Phân biệt chủng giống F1 và các chủng giống đã cấy chuyển. Chủng HQ sau khi cấy chuyển đổi tên thành chủng VH, chủng Ho đổi tên thành chủng L- HG và chủng Q1 đổi tên thành chủng QH...

Sau ba năm triển khai thực hiện, dự án đã tiếp nhận và làm chủ được 02 quy trình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và các ký chủ trong điều kiện bán tự nhiên, tiếp nhận và làm chủ 01 quy trình sơ chế và bảo quản nấm Đông trùng hạ thảo.

Mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và ký chủ trong môi trường nhân tạo quy mô 10000 bình nấm/năm đạt ATVSTP thu được 282.490 bình kết quả vượt trội so với quy mô 10.000 bình/ năm. Thu được 3479,6 kg nấm tươi trên môi trường nhân tạo tương đương với 535,32 kg nấm sợi khô, gấp hơn 20 lần sản lượng đặt ra là 50 kg nấm Đông trùng Hạ thảo tươi/ năm trong môi trường nhân tạo. Thành phần có hoạt chất chính adenosine  đạt 1,67 mg/g nấm khô, cordycepin đạt 9,52 mg/g nấm khô.

Mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên ký chủ tằm dâu, tằm sắn và sâu chít thu được tổng là 30.917 con, trong đó cụ thể trong môi trường nhân tạo thu được 20.433 con đông trùng hạ thảo trên ký chủ với 2000 con tằm sắn, 8433 con tằm dâu và 10000 con sâu chít. Đối với môi trường bán tự nhiên thu được 10484 con ký chủ đông trùng hạ thảo với 2000 con tằm sắn, 5484 con tằm dâu và 3000 con sâu chít. Tỷ lệ bật quả thể trên 90%, sợi nấm mập, dài, màu cam sậm, tỷ lệ nhiễm, không bật quả thể ≤ 10%. Như vậy việc thực hiện mô hình sản xuất nấm đông trùng hạ thảo trên các ký chủ trong môi trường bán tự nhiên đã hoàn thành so quy mô 10.000 con/năm đạt tiêu chuẩn ATTP đề ra.

Trong đó, mô hình sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo trên giá thể gạo lứt và ký chủ trong môi trường nhân tạo đã thực hiện thành công và đã được nghiệm thu > 100%. Mô hình bán tự nhiên đã thực hiện hoàn thiện 100% theo quy mô.

Đào tạo và tập huấn kỹ thuật công nghệ nuôi trồng được cho 10 kỹ thuật viên và 20 lượt hộ dân nắm chắc quy trình nhân giống và nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên ký chủ sâu chít, tằm sắn, tằm dâu theo hình thức bán tự nhiên và có kỹ năng thực hành được các kiến thức trong thực tiễn sản xuất nấm Đông trùng Hạ thảo.

Dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trực tiếp cho Doanh nghiệp và cho người dân vùng cao tại các huyện như Vị Xuyên, Quản Bạ. Đối với các hộ nông dân tham gia dự án, có nguồn thu nhập ổn định mỗi năm thông qua việc bán các sản phẩm làm nguyên liệu để nuôi trồng Đông trùng hạ thảo. Người dân tham gia liên kết với Doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo theo mô hình bán tự nhiên đã có cơ hội nâng cao thu nhập từ bán con nấm Đông trùng hạ thảo.

Đối với Doanh nghiệp, Dự án thực hiện đã góp phần mở rộng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh cho đơn vị chủ trì. Doanh nghiệp xây dựng được vùng nguyên liệu sạch cung cấp cho hoạt động sản xuất kinh doanh nấm Đông trùng hạ thảo chất lượng cao. Sản phẩm chế biến, sản phẩm tinh có hàm lượng Cordycepine cao được Chi nhánh và Công ty đầu tư nghiên cứu sản xuất và thương mại hóa.

Dự án cũng mang lại hiệu quả xã hội trực tiếp, góp phần nâng cao dân trí, xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm cho người lao động, người dân bản địa tại khu vực triển khai Dự án. Thông qua Dự án đào tạo cho tỉnh Hà Giang và Doanh nghiệp nguồn lao động chất lượng cao, có kinh nghiệm trong việc nuôi trồng, sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo theo mô hình bán tự nhiên. Mặt khác, người dân địa phương đã được nâng cao sự hiểu biết về sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo nói riêng và nguồn dược liệu tự nhiên nói chung.

Dự án cũng đã góp phần thu hút được lực lượng lao động trẻ, đam mê nghiên cứu khoa học, có mong muốn làm giàu về khu vực miền núi, vùng cao để phát triển, đóng góp cho quê hương.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 1

Hôm nay: 518

Tháng này: 18248

Tổng lượt truy cập: 177199