Ngày đăng: 01/09/2023 / Lượt xem: 60
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng công nghệ sấy hơi nước trong bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch tại Quyết Tiến, Quản Bạ, Hà Giang

Là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu cộng với người nông dân cần cù, chịu khó. Những năm trở lại đây xã Quyết Tiến được biết đến là vựa rau lớn của huyện Quản Bạ. Với mục tiêu không ngừng đổi mới phương pháp trong canh tác, sản xuất nông nghiệp, huyện Quản Bạ đã hình thành vùng rau chuyên canh tại đây. Tuy nhiên các nguồn lực còn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, tổn thất sau thu hoạch vẫn còn khá lớn cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân do việc sản xuất nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ, lẻ, khó khăn cho tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới vào sau thu hoạch. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn trong việc chế biến, bảo quản.


Trên thực tế việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch đang là thách thức lớn cho người nông dân và doanh nghiệp nhỏ. Trước đây người dân thường bảo quản nông sản sau khi thu hoạch bằng cách làm khô nông sản nhờ bức xạ mặt trời và đối lưu gió, phơi trên sàn, trên cót,... nhưng giải pháp này lại phụ thuộc vào thời tiết, lúc nắng, lúc mưa nên nông sản bị hư hỏng nhiều, gây tổn thất cho người nông dân. Vì vậy, phương pháp này tồn tại nhiều nhược điểm như: Hiệu suất thấp, lượng sản phẩm phơi sấy không nhiều mà lại tốn nhiều công, phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sản phẩm không đảm bảo.

Nông sản sau khi thu hoạch sẽ chịu nhiều tác động từ môi trường. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, không khí sẽ làm hư hỏng nông sản. Vì lý do đó mà sau khi thu hoạch, nông sản cần được bảo quản để giữ được chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng bên trong. Mỗi loại nông sản khác nhau sẽ có đặc điểm sinh học khác nhau, vì vậy nên cách bảo quản cũng có thể khác biệt đối với mỗi loại nông sản. Có nhiều phương pháp trong bảo quản nông sản như: Để ở môi trường thông thoáng, bảo quản lạnh, bảo quản bằng phương pháp hóa học,... tuy nhiên, phương pháp bảo quản phổ biến nhất là sấy.

Sấy là một khâu quan trọng trong dây chuyền công nghệ, được sử dụng phổ biến ở nhiều ngành công nghiệp chế biến nông sản. Sấy không chỉ đơn thuần là tách nước và hơi nước ra khỏi vật liệu mà là một quá trình công nghệ phức tạp, đòi hỏi vật liệu sau khi sấy phải đảm bảo chất lượng theo một chỉ tiêu nhất định với mức chi phí năng lượng tối thiểu. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã phát minh ra các công nghệ, thiết bị sấy giúp cho người sản xuất làm chủ, điều khiển được quá trình sấy như mong muốn và không phụ thuộc vào thời tiết, chất lượng sản phẩm tốt hơn. Trước thực tế đó, tại khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quyết Tiến, huyện Quản Bạ đã đưa công nghệ sấy bằng hơi nước vào hoạt động,... Nông sản được sấy với nhiều mục đích như: Sấy để giảm khối lượng sản phẩm dễ dàng vận chuyển; sấy để bảo quản sản phẩm tránh mọc mầm, hư thối; sấy để làm thay đổi cấu trúc, hương vị sản phẩm theo mục đích sử dụng...

Công nghệ sấy bằng hơi nước nóng dựa trên nguyên lý dùng thiết bị lò hơi (lò hơi sấy nông sản) đun sôi nước tạo thành hơi nước nóng. Khi hơi nước đạt nhiệt độ cần thiết thì dùng chính hơi nước đó để sấy khô sản phẩm.

Công nghệ này được ứng dụng nhiều và ngày càng phổ biến, đặc biệt được áp dụng trong sấy khô nông sản với số lượng lớn.

Công nghệ sấy bằng hơi nước nóng có thể gọi là công nghệ sấy đa năng vì có thế sấy được nhiều loại nông sản như: Vải, củ cải, cà rốt, lá hành, tỏi, ớt, sắn, cá, rau, miến dong, nấm hương, mộc nhĩ , sấy gỗ, ván ép… hoặc nấu rượu và chưng cất tinh dầu.

Hệ thống sấy bằng hơi nước nóng có 3 thành phần chính sau: Lò hơi sấy nông sản; Bộ phận tạo nhiệt (phát nhiệt) hay còn gọi là lò hơi sấy nhãn (nồi hơi sấy nhãn); Bộ phận truyền nhiệt và bộ phận phân tán nhiệt hay còn gọi là quạt tản nhiệt.

Buồng sấy được xây dựng dạng kết cấu gạch và bê tông hoặc toàn bộ bằng kết cấu vách nhôm nhưng phải thật kín, cách nhiệt và tách riêng biệt với lò đốt. Đây là yêu cầu bắt buộc để lò sấy được vận hành hiệu quả nhất. Có nhiều lựa chọn về diện tích lò như: như 5m3, 10m3, 15-20m3, 30-50m… hoặc làm sàn sấy và đặt nông sản lên trên, cho hơi nóng bốc từ dưới nên đi qua nông sản và mang theo hơi nước thoát ra bên ngoài.

Các phụ kiện khác bao gồm: Tủ điện điều khiển, giá đỡ nguyên liệu,…

Ưu điểm của phương pháp sấy khô bằng hơi nước nóng (lò hơi sấy nông sản): Không bị phụ thuộc vào thời tiết; Sản phẩm sau khi được sấy khô không bị bám bủi bẩn chất nhiễm khuẩn và giữ được độ an toàn vệ sinh thực phẩm; Giữ được những tiêu chuẩn cơ bản của sản phẩm sấy khô như màu sắc và hương vị của sản phẩm; Chi phí thấp nhưng cho năng suất sấy khô nên được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực sấy khô nông sản; Nông sản sấy khô được sấy khô có chất lượng tốt sẽ có giá thành cao, giúp nâng cao thu nhập cho bà còn và giảm áp lực tiêu thụ nông sản tươi và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp.

Với những lợi thế mà công nghệ sấy đem lại hợp tác xã Nông nghiệp Quản Bạ đã phối hợp với Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới đã ứng dụng công nghệ sấy hơi nước để sấy các nông sản như: Hành lá, cây bông mã đề… Sản phẩm sau khi đưa vào sấy giữ được chất lượng, hương vị, màu sắc đẹp, giá trị sản phẩm được nâng lên. Trong thời gian tới, với những kinh nghiệm trên thực tế, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới sẽ chuyển giao quy trình kỹ thuật sấy, luôn đồng hành cùng người nông dân, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ, hướng đến sản xuất sạch hơn, hiệu quả hơn, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 559

Tháng này: 18289

Tổng lượt truy cập: 177240