Ngày đăng: 01/07/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Chặng đường xây dựng và phát triển của ngành Khoa học và Công nghệ Hà Giang

Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), tiền thân là Uỷ ban Khoa học Nhà nước (UBKHNN) được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL ngày 4/3/1959 của Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự phát triển từ UBKHNN sang Bộ KH&CN là một quá trình vừa hình thành, vừa xây dựng và hoàn thiện. Hoạt động quản lý của Bộ đã phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu và ngày càng hiệu quả.


Giai đoạn 1959 - 1965, UBKHNN có chức năng bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch phát triển khoa học và kỹ thuật, đưa nền khoa học và kỹ thuật Việt Nam lên trình độ tiên tiến nhằm phục vụ sản xuất, dân sinh, quốc phòng, góp phần đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Miền Bắc và đấu tranh giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.

Giai đoạn 1965 - 1975, UBKHNN được tách thành Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (UBKH&KTNN) và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. UBKH&KTNN quản lý thống nhất và tập trung công tác khoa học và kỹ thuật và trực tiếp thực hiện chức năng của một Viện nghiên cứu về khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật nhằm thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật ở nước ta, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ CNXH ở Miền Bắc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Giai đoạn 1975 - 1985, đứng trước yêu cầu to lớn và cấp bách khi cả nước vừa xây dựng CNXH vừa phải đối phó với hai cuộc chiến tranh biên giới, khối nghiên cứu được tách khỏi Uỷ ban để thành lập Viện Khoa học Việt Nam. UBKH&KTNN lúc này chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học và kỹ thuật trong phạm vi cả nước nhằm phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của CNXH, nâng cao đời sống nhân dân và củng cố quốc phòng.

Giai đoạn 1985 - 1992, giai đoạn của những thay đổi quan trọng trong đường lối, chính sách của Đảng về đổi mới và chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Năm 1990, UBKH&KTNN được đổi tên thành UBKHNN, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhằm khuyến khích việc sáng tạo và ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học và kỹ thuật, đưa lại hiệu quả thiết thực cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Giai đoạn 1992 - 2002, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được thành lập trong bối cảnh đất nước thực hiện công cuộc đổi mới và chuẩn bị bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bộ thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, tiêu chuẩn hóa, sở hữu công nghiệp (SHCN) và bảo vệ môi trường.

Từ tháng 8/2002 đến nay, Bộ KH&CN được thành lập theo Nghị quyết Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XI. Bộ KH&CN có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động KH&CN, phát triển tiềm lực KH&CN; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; sở hữu trí tuệ (SHTT); năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc Bộ quản lý; thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ quản lý. Việc thành lập Bộ KH&CN trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phát triển KH&CN, giúp Bộ tập trung hơn cho các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về KH&CN trong phạm vi cả nước, khẳng định vị thế và vai trò của Bộ trong việc điều phối và thúc đẩy các hoạt động KH&CN đóng góp tích cực cho phát triển nền kinh tế đất nước và hội nhập.

            Ngày 18 tháng 5 năm 1963, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã vinh dự được đón Chủ Tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới tới dự và có bài phát biểu quan trọng, định hướng cho hoạt động KH&CN nước nhà. Người đã phân tích: "Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học, kỹ thuật của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp kém. Phong tục tập quán lạc hậu còn nhiều,...”. Vì vậy, nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải tiến những cái đó. Khoa học là tổng kết những kinh nghiệm đấu tranh giữa giai cấp bị bóc lột và giai cấp bóc lột và đấu tranh giữa con người với thiên nhiên, ở đây chỉ nói riêng về khoa học tự nhiên và kỹ thuật.

Người nhấn mạnh: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi". Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử đó, ngày 18/6/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật KH&CN sửa đổi - Tại điều 7 của Luật ghi rõ: "Ngày 18 tháng 5 hàng năm là ngày KH&CN Việt Nam". Khẳng định vị thế của KH&CN lên một tầm cao mới, phù hợp với xu thế phát triển chung của thời đại.

Cùng với sự phát triển của ngành khoa học cả nước, tháng 12 năm 1959, Uỷ ban hành chính tỉnh Hà Giang ban hành Quyết định thành lập Ban Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, đến ngày 28/9/1965 đổi tên thành Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn đổi tên từ Ban Khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang, nay là Sở KH&CN tỉnh Hà Giang để phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước. Đến năm 2021, thực hiện Nghị định 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đề án số 29/ĐA-UBND ngày 31/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang v/v phê duyệt Đề án kiện toàn, sắp xếp các cơ quan Chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và các phòng chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định tại Nghị định 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Để phát triển ngành khoa học hiện nay, Sở KH&CN đã kiện toàn, sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, tổ chức bộ máy Văn phòng Sở KH&CN giảm từ 07 phòng còn 04 phòng, gồm: Ban Giám đốc Sở, 04 phòng chức năng và 02 đơn vị trực thuộc là Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (04 phòng còn 02 ) và Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới. Tổng số biên chế công chức, viên chức, hợp đồng 68 toàn sở được giao 60 biên chế, số hiện có là: 54 công chức, viên chức.

Trong những năm qua, Sở KH&CN đã không ngừng được tăng cường phát triển về chất lượng, có những đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học, phát triển công nghệ, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ, tiêu chuẩn chất lượng, thông tin và thống kê khoa học công nghệ cũng như phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật của tỉnh.

Tính đến đến tháng 5/2023, Sở KH&CN đã tiến hành thống kê sơ bộ nguồn nhân lực KH&CN - Số cán bộ nghiên cứu là người có trình độ từ cao đẳng trở lên trực tiếp tham gia (toàn thời gian) và dành tối thiểu 10% thời gian vào hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc các cơ quan, đơn vị, DN trên địa bàn toàn tỉnh (22/85 đơn vị báo cáo có nhân lực KH&CN). Kết quả cụ thể tổng số đã thu thập và tổng hợp được 484 nhân lực KH&CN, trong đó có: 05/484 nhân lực có trình độ chuyên môn là tiến sỹ (chiếm 0,01%); 185/484 nhân lực có trình độ chuyên môn là thạc sỹ (chiếm 0,38%); 281/484 nhân lực có trình độ chuyên môn là đại học (chiếm 0,58%); 13/484 nhân lực có trình độ chuyên môn là cao đẳng (chiếm 0,03%). Đồng thời đã cập nhật thông tin, số liệu đầy đủ nhân lực KH&CN lên Cơ sở dữ liệu ngành KH&CN tỉnh Hà Giang tại địa chỉ http://skhcn.hagiang.gov.vn/ (Mục tiềm lực KHCN).

Về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Trong đó các ĐT/DA đã giải quyết kịp thời các vấn đề then chốt, cấp thiết của tỉnh. Nhiều nhiệm vụ KH&CN do ngành tham mưu triển khai, thực hiện đi vào chiều sâu và có tính ứng dụng cao, từ đó tạo bước phát triển đột phá được người dân và xã hội ghi nhận, đánh giá cao và ngày càng khẳng định vai trò động lực của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, điển hình như: Đề tài ‘‘Nghiên cứu, bảo tồn, khai thác và phát triển bền vững cây chè shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Về Ứng dụng CNTT, đề tài ‘‘Xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu thông tin thông minh tỉnh Hà Giang”; hệ thống giám sát, bảo mật thông tin; phần mềm tích hợp thu thập, phân tích, dự báo và quản lý thông tin thông minh cấp tỉnh phục vụ việc ra quyết định quản lý cho lãnh đạo tỉnh Hà Giang. Đề tài “Thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang”; Đề tài ‘‘Phát triển CNTT phục vụ công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Hà Giang”,... Để nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều DN trong tỉnh đã được hướng dẫn hỗ trợ xây dựng, triển khai các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng giúp giảm thiểu, lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, cải thiện hình ảnh, thương hiệu, khẳng định chỗ đứng của các DN trên thị trường trong và ngoài nước, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng của nền kinh tế. Đến nay đã thực hiện hỗ trợ cho 09 DN, HTX đổi mới công nghệ; 17 DN, HTX được xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 và công cụ cải tiến năng suất 5S; 13 DN, HTX xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn kỹ thuật; 02 DN, HTX đạt giải thưởng chất lượng quốc gia.

Đối với hoạt động hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu công nghiệp đối với các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của địa phương. Toàn tỉnh hiện có 08 chỉ dẫn địa lý, 17 nhãn hiệu chứng nhận, 13 nhãn hiệu tập thể và hơn 200 nhãn hiệu độc quyền. Hoạt động SHTT đã góp phần tạo dựng uy tín, quảng bá thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước...

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, để đạt được những thành tích trên, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, Bộ KH&CN, cùng sự đóng góp to lớn của các thế hệ đi trước; công chức, viên chức và người lao động ngành khoa học công nghệ, sự phối hợp giúp đỡ của các ngành, các cấp và nhân dân trong Tỉnh.

Trong thời gian tới, thực hiện nửa cuối nhiệm kỳ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh Hà Giang, các Nghị quyết, kế hoạch chuyên đề ứng dụng khoa học về phát triển kinh tế - xã hội. Ngành KH&CN tập trung tham mưu cho tỉnh triển khai xây dựng chiến lược phát triển KH&CN phù hợp với điều kiện của tỉnh, thích hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tăng cường liên kết các tổ chức KH&CN, DN với các DN; khuyến khích tạo điều kiện để DN tham gia nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật. Đổi mới cơ chế quản lý gắn với cải cách TTHC theo hướng khoán tới sản phẩm cuối cùng; tạo cơ chế thông thoáng cho DN, HTX tham gia hoạt động nghiên cứu ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KHCN, chuyển giao công nghệ và giải quyết đồng bộ khâu sản xuất theo chuỗi giá trị để phát triển, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm trọng điểm, chủ lực, có lợi thế của địa phương. Kết nối với các DN, HTX để đưa kết quả nghiên cứu đề tài ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Tập trung hỗ trợ ứng dụng KHCN và đổi mới, sáng tạo cho các DN, HTX tỉnh Hà Giang thông qua kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khoa học để mở rộng sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho DN, HTX của tỉnh. Hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất theo chuỗi giá trị và gắn tem truy xuất nguồn gốc điện tử cho DN, HTX có tiềm lực về KHCN và đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt chú trọng các DN, HTX có tiềm năng về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ xây dựng phát triển DN đầu tàu về nghiên cứu khoa học và đổi mới, sáng tạo gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế chính sách về KH&CN cho phát triển DN, HTX nhằm đề xuất giải pháp tiếp tục vận dụng chính sách của Trung ương, chỉnh sửa hoàn thiện theo hướng tập trung cho nhóm đối tượng DN, HTX là trung tâm của đổi mới, sáng tạo của địa phương.

Cùng với đó, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công theo hướng đẩy mạnh giao quyền tự chủ, đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực, nhiệm vụ công, phấn đấu, mỗi một đơn vị sự nghiệp khoa học công lập của tỉnh là một trung tâm nghiên, cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học đầu ngành của địa phương, giữ vị trí, vai trò quan trọng trong việc tư vấn, kết nối cung cầu, chuyển giao công nghệ trong nước và quốc tế. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN theo hướng phục vụ người dân và DN, phát huy vai trò, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, HTX trên địa bàn tỉnh thông qua hoạt động ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, từng bước chuyển đổi vị trí, vai trò của khoa học từ “gắn với phát triển kinh tế - xã hội” sang “phục vụ phát triển kinh tế - xã hội"./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 429

Tháng này: 18159

Tổng lượt truy cập: 177110