Ngày đăng: 01/07/2023 / Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Trồng cỏ ngọt - Hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân Hà Giang

Cỏ ngọt (còn gọi là cỏ đường, cỏ mật) có tên khoa học là Stevia rebaudiana (Bert.) là một loại cây bụi, có nguồn gốc từ Bắc và Nam Mỹ. Tại Việt Nam, Cỏ ngọt được du nhập, trồng và phát triển trên nhiều vùng trong cả nước, từ các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Sơn La, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội… cho đến các tỉnh phía Nam như Lâm Đồng, Đắc Lắk,…


Cỏ ngọt có đặc điểm thân cứng mọc thẳng, rãnh dọc và nhiều lông mịn, ít phân nhánh; lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 5 - 7cm, rộng 1,0 - 1,5cm, có 3 gân, 4 - 6 đôi răng nhọn ở phần nửa về phía đầu lá, hai mặt có lông trắng mịn, nhấm lá thấy có vị ngọt rất đậm, cuống lá rất ngắn; hoa lưỡng tính, tụ họp thành đầu màu trắng ở ngọn thân; quả bé, không có mào lông; hạt không có nội nhũ, mùa ra hoa từ tháng 5 đến tháng 9.

  Là loại cây có vị ngọt tự nhiên, không có calo nhưng ngọt hơn đường ăn từ 100 - 300 lần so với đường ăn nên được sử dụng như một giải pháp thay thế cho đường trong nhiều món ăn và đồ uống. Do đó, khi sử dụng trong chế độ ăn, Cỏ ngọt có thể cân bằng để giúp giảm lượng năng lượng, kiểm soát cân nặng cũng như hỗ trợ giảm cân mà không làm mất đi hương vị của món ăn.

  Các nghiên cứu cho thấy Cỏ ngọt hỗ trợ giảm huyết áp và điều hòa nhịp tim, có thể làm giảm mức cholesterol, triglyceride; có thể hỗ trợ trong việc duy trì sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, một nghiên cứu khác cũng cho thấy Cỏ ngọt có thể ngăn ngừa sâu răng và viêm lợi,… Đặc biệt hiệu quả khi áp dụng với những người muốn giảm cân, mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp và các vấn đề về tim mạch. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng vượt quá mức lượng dùng cần thiết sẽ đem đến những tác dụng phụ như đầy hơi, buồn nôn, chóng mặt, tê và đau cơ hoặc hạ đường huyết, hạ huyết áp và dị ứng. Vì vậy, cần thận trọng liều lượng khi dùng, nhất là trong trường hợp người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị bệnh tiểu đường (liều lượng dùng an toàn đối với cỏ đường: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm - FDA, Ủy ban Khoa học về Thực phẩm - SCF và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu - EFSA đã xác định về mức tiêu thụ cỏ ngọt hàng ngày trong mức chấp nhận được là 4mg/kg) .

Với nhiều tác dụng đối với sức khỏe, Cỏ ngọt được trồng, chăm sóc, phát triển giúp mang lại giá trị kinh tế, nâng cao đời sống vật chất của người dân. Để trồng Cỏ ngọt đạt hiệu quả cao, người dân cần chọn các chân ruộng dãi nắng, đất thịt pha cát. Thời vụ trồng vào khoảng tháng 2 - 3. Cắt lấy đoạn thân chính màu bánh tẻ làm giống cấy như cấy rau muống. Cày bừa làm nhỏ đất và thu dọn sạch cỏ dại. Lên luống rộng 1,2m, cao 30cm. Sau đó đưa nước ngập rãnh cho thấm ướt đều mặt luống rồi tiến hành cấy giống, đồng thời tiêu rút cạn nước trong ruộng, mật độ cấy từ 15 - 17cm/cây.

Chăm sóc: Bón thúc cây sau trồng được 15 ngày với 2 kg urê + 10 kg lân supe, kết hợp bấm ngọn nhằm kích thích cây đẻ nhánh. Bón thúc lần 2 với 4 - 5 kg urê + 2 kg kali khi cây được 30 ngày. Cần đảm bảo đủ nước tưới, luôn đủ ẩm cho cây. Khi cỏ phát triển cao từ 45 - 50 cm, sau trồng từ 60 - 75 ngày thì tiến hành thu hoạch. Cắt lấy ngọn và thân cây, chừa lại phần gốc cao từ 12 - 15 cm có 2 - 3 cặp lá. Tiến hành thu hoạch cỏ vào các ngày nắng ráo. Cỏ thu về rửa sạch bùn đất, thái khúc ngắn 4 - 5 cm, phơi nắng đến khô kiệt. Nếu bảo quản dài ngày phải để nguội cỏ rồi tiến hành đóng vào bao nilon 2 lớp.

Sau thu hoạch, tiếp tục bón đạm, lân, kali cân đối để cỏ tiếp tục phát triển cho thu hoạch lứa sau. Chú ý phòng trừ một số đối tượng hại cỏ chính như sâu ăn lá, bệnh vàng lá... Chỉ luân phiên sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc hoặc vi sinh, có thể thay thế một phần phân bón hóa học bằng tro bếp và phân hữu cơ hoai mục hay phân hữu cơ vi sinh.

Nếu chăm sóc tốt mỗi năm có thể cho thu hoạch từ 7 - 8 lứa cỏ, sau từu 2 - 3 năm mới trồng lại. Để tránh ruộng cỏ phát sinh nhiều sâu bệnh khó phòng trị, cần luân canh cỏ ngọt với các cây trồng khác họ cúc, chu kỳ luân canh cỏ có thể kéo dài từ 5 - 8 năm. Cỏ ngọt là cây ưa nắng nhưng vẫn có thể trồng xen canh trong các vườn cây ăn quả chưa khép tán để tăng thu nhập.

Tại Hà Giang, mô hình phát triển sản xuất cỏ ngọt SV1 gắn với tiêu thụ sản phẩm tại một số tỉnh miền núi phía Bắc do Trung tâm Khuyến nông triển khai xây dựng và thực hiện tại thị trấn Vị Xuyên và xã Việt Lâm với quy mô 10 ha, có 15 hộ tham gia thực hiện (Nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% cây giống, phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật và 30% phân bón hoá học...); các hộ tham gia được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cây, kết nối với đơn vị bao tiêu sản phẩm.

Qua thời gian triển khai mô hình, quá trình người dân chăm sóc, đầu tư thâm canh theo đúng quy trình kỹ thuật được cán bộ chuyên môn hướng dẫn, tập huấn, cây cỏ ngọt SV1 sinh trưởng và phát triển tốt, trung bình khoảng 2 tháng, người dân thu hoạch một lần, với diện tích 1.000m2, mỗi lần sẽ thu hoạch được từ 400 - 500 kg, với mức giá bán 6.000 đồng/kg như hiện nay thì hiệu quả kinh tế đem lại lớn hơn trồng ngô rất nhiều. Hơn nữa, cây Cỏ ngọt dễ chăm sóc, không mất quá nhiều công sức, sau khi thu hoạch, cây tiếp tục sinh trưởng và không phải trồng lại thường xuyên, từ năm thứ 2 trở đi, lợi nhuận đạt trên 200 triệu đồng do cây ỏ ngọt cho thu hoạch 3 năm mới phải trồng lại, nên không mất chi phí đầu tư ban đầu về giống, công làm đất, cấy cây... Đối với vấn đề đầu ra của sản phẩm, Cỏ ngọt đã được các HTX tiêu thụ sản phẩm và người dân liên kết tiêu thụ.

Có thể nói, sản phẩm Cỏ ngọt mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây lúa và một số cây rau màu khác. Vì vậy, trồng Cỏ ngọt SV1 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, mang lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, môi trường và có khả năng nhân rộng ra các địa bàn khác; góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác cây hàng năm; hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Với những lợi thế cây Cỏ ngọt mang lại, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục kết nối với các doanh nghiệp, HTX nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm cho người dân; cử cán bộ hướng dẫn nhân giống để người dân chủ động mở rộng diện tích theo cam kết.

Với những lợi thế về nhu vầu của thị trường và cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng mô hình trồng đến các địa phương khác, đem tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất đến với người dân, giúp thay đổi tập quán canh tác và cách tiếp cận của người dân trong chuyển đổi diện tích đất canh tác cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích. Vì vậy, với những tiềm năng và lợi thế về thổ nhưỡng của địa phương thì việc mở rộng quy mô trồng, phát triển và tiêu thụ sản phẩm sẽ mở ra hướng đi mới cho người dân tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 492

Tháng này: 18222

Tổng lượt truy cập: 177173