Ngày đăng: 01/08/2023 / Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Một số bệnh hại trên cây ăn quả có múi và cách chữa trị triệt để

Các loại cây ăn quả có múi (cam, quýt, chanh, bưởi) là dòng cây có nhiều bệnh hại hơn so với loại cây ăn quả không có múi. Việc trồng cây ăn quả có múi đáng lo ngại nhất là vấn đề về bệnh hại, người dân nhiều khi thấy bệnh hại xuất hiện trên cây ăn quả nhà mình thường không xử lí nhanh và dứt điểm, để cho chúng lây lan sang cả vườn trên diện rộng, dẫn đến việc điều trị bệnh càng trở nên khó khăn và kết quả là năng suất giảm và chất lượng quả thu hoạch được không tốt như mong đợi.


Để bổ sung thêm nhiều kiến thức về các bệnh hại trên cây ăn quả có múi và cách chữa trị triệt để, chúng ta cần tìm hiểu khái niệm về nguyên do hình thành các bệnh và cách phòng trừ bệnh trên cây ăn quả có múi, đặc biệt tỉnh ta hiện có diện tích cây ăn quả có múi là rất lớn, trong đó có cam sành là loại quả đặc sản nổi tiếng. Vì thế, chúng ta cần lưu ý để phòng bệnh cho cây ngay từ đầu và chẳng may khi dịch bệnh xuất hiện có thể nhanh chóng, kịp thời điều trị triệt để tránh ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng quả khi thu hoạch. Sau đây là một số loại bệnh thường gặp trên các loại cây ăn quả có múi và cách chữa trị triệt để.

Bệnh vàng lá

Cây trồng rất nhạy cảm, đặc biệt là các loại cây ăn quả có múi. Bệnh vàng lá là loại bệnh thường gọi là greening xuất hiện khá nhiều trên các loại cây ăn quả có múi. Hiện tượng vàng lá là một cách cây trồng phản ứng với các điều kiện bất lợi. Khi thấy cây bị vàng lá chúng ta nên có các biện pháp tác động phù hợp, trước tiên phải xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng vàng lá. Có 5 nguyên nhân chính khiến cho cây trồng đang xanh bị vàng lá: Do thối rễ (vàng lá thối rễ); do thiếu dinh dưỡng; do ngộ độc; vàng lá gân xanh do vi khuẩn (loại vi khuẩn có tên là Liberobacter asiaticum) và vàng lá thối rễ do tuyến trùng gây hại.

Dấu hiệu bệnh: Khi cây bị bệnh lá sẽ bị loang lổ, lá sẽ dần chuyển sang màu vàng và nhỏ lại, hoa ra không đúng vụ, quả nhỏ và chậm phát triển, hạt lép...

Đây là loại bệnh khá nguy hiểm, khi cây đã bị mắc bệnh nếu không điều trị kịp thời từ một đám nhỏ sẽ lây lan ra khắp các bộ phận của cây. Vì thế, cần phòng trừ bằng cách: Tuyệt đối không dùng cây đã từng mắc loại bệnh vàng lá để sử dụng chiết, ghép; khi thấy dấu hiệu của bệnh cần loại bỏ những cành, lá đã mắc bệnh và lập tức phun loại thuốc Trebon 0,1% cho cây và để phòng trừ đợt bệnh sau cần phun loại thuốc Trebon 0,1% ngay từ khi cây bắt đầu ra lộc non.

Hoặc có thể dùng thuốc Bot-F 500ml có công dụng giúp đất tơi xốp, xử lý đất làm giảm hiện tượng chai đất do dùng nhiều thuốc BVTV hoặc phân hóa học; cung cấp hữu cơ cho cây trồng và đẩy nhanh quá trình hấp thụ dinh dưỡng làm cho cây xanh khỏe, bền vững,..; sử dụng công nghệ bào tử giống gốc đã tạo dòng sản phẩm Trichoderma dạng nước có hoạt lực rất cao và ổn định phát triển khi ở trong môi trường tự nhiên và đối kháng với các loại nấm Phytophthora, Rhizoctonia, Fusarium spp, Colletotrichum spp, Sclerotium spp, Pythium spp,… gây ra các bệnh thối rễ, vàng lá, lở cổ rễ,…Cách sử dụng rất đơn giản, có thể pha 500ml/200 lít nước, phun và tưới đẫm vùng gốc để ngăn ngừa nấm bệnh hoặc pha 500ml/400 lít nước, tưới đều và đẫm nếu muốn dùng để xử lý, cải tạo đất.

Bệnh chảy gôm, thối rễ

Đây cũng là một loại bệnh khá nghiêm trọng, khi cây mắc loại bệnh này cây sẽ không có khả năng hút được nước và các chất dinh dưỡng, chồi non bị xoăn, cành khô và chết, bệnh xuất hiện trên quả làm quả bị thối nâu, bệnh xuất hiện trên lá làm cho lá bị vàng, nhất là ở phần gân lá, sau đó rụng đi, thân cây sẽ bị chảy gôm, khi bóc lớp vỏ quanh thân cây thì bên trong đã thối và mục nát vào đến tận thân gỗ...dần dần cây sẽ bị chết toàn bộ.

Dấu hiệu của bệnh: Thường xuất hiện trên thân cây ở phần sát gốc, tại các vết ghép hoặc ở cổ rễ, xuất hiện những vết thối màu nâu trên vỏ, thân cây xuất hiện những vết nứt theo chiều dọc để lộ ra phần gỗ có màu nâu, làm cây chảy nhựa, ban đầu, phần nhựa chảy ra sẽ có màu vàng rồi khô lại có màu nâu trong (gôm), bệnh hại cây ăn quả này phát triển rất nhanh làm thân xì mủ, rễ chính bị thối.

Nguyên nhân: Do nấm Phytophthora citrophthora và nấm Phytophthora parasitica gây ra. Đặc biệt là nấm Phytophthora parasitica, loại nấm này sẽ nhanh chóng lan ra toàn bộ cây khiến cây chết.

Cách phòng bệnh: Sử dụng phương pháp ghép bằng gốc cây khỏe mạnh, có thể sử dụng gốc cây chấp - loại gốc cây được nhiều người ghép thành công và thích hợp với những loại cây ăn quả có múi; hệ thống tưới tiêu nước phải tốt, tránh tính trạng nước ngập lâu trong vườn lâu dần bệnh hại phát triển làm thối gốc cây; bón các loại phân hữu cơ để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây, chất hữu cơ có chứa nhiều nấm Trichoderma đây chính là loại nấm đối kháng với loại nấm gây ra bệnh thối gốc.

Cách điều trị bệnh: Dùng thuốc có hoạt chất Metalaxyl tưới gốc và phun xịt lên cây, phun thuốc khi bệnh hại cây ăn quả mới xuất hiện trên trái, ta tiến hành phun từ 7 - 10 ngày/lần. Trong trường hợp cây bị chảy gôm, thối rễ nặng (đã bị thối ở vỏ, thân và  gốc) cần dùng dao cạo sạch vết bệnh rồi phơi nắng cho khô. Sau đó quét lên chỗ vết bệnh dung dịch thuốc Ridomil, Mancozeb hoặc Gekko, Ridozeb. Sau một thời gian vết bệnh sẽ lành, cây sẽ tái sinh vỏ mới. Khi cây hồi phục cần bón thêm phân hữu cơ, ngoài ra, cần sử dụng thêm nấm đối kháng trichoderma Nano, chế phẩm sinh học phun qua lá để bổ sung thêm dinh dưỡng cho cây nhằm giúp cây tăng cường sức đề kháng, khả năng chống chịu với các loại bệnh hại cây ăn quả.

Bệnh Tristeza

Tác nhân gây bệnh Tristeza: Do Closterovirus dạng sợi làm hỏng mạch dẫn libe trong cây xuống rễ làm cây suy yếu và phát triển kém, khiến cho cây bị vàng lá, thối rễ do nhiều loại nấm và tuyến trùng gây ra, trong đó phải kể là Fusasrium, phytophthora, Pythium, Sclerotium, Clitocybe...

Đặc điểm nhận biết bệnh Tristeza tùy thuộc vào dòng virus gây ra: Dòng gây vàng lá cây con gây lùn và vàng lá nặng trên cây giống thuộc giống chanh Eureka. Dòng gây sọc lõm gỗ thân trên bưởi làm cây bị lùn, có dạng bụi lá thưa, nhỏ, tròn, vùng giữa thân bị vàng, quả nhỏ, méo mó, vỏ dầy; gỗ trên thân và cành có sọc lõm dài. Dòng gây chết đọt chanh, gân của lá non có đốm trong, sọc lõm nặng trên thân và cành, cây lùn, chết đọt rồi chết cây. Khi cây mắc bệnh Tristeza lá sẽ nhanh chóng bị rụng, các đọt non sẽ chết, bộ rễ của cây bị hỏng nghiêm trọng, nếu để lâu dài cây sẽ bị chết.

Đặc điểm phát sinh và phát triển của bệnh Tristeza: Bệnh lây qua mắt tháp, hoặc do các loài rệp chích hút như rệp cam nâu hay rệp cam đen hoặc rệp bông. Rầy mềm xám có thể chích hút cây bệnh từ 5-10 phút nhưng có khả năng truyền bệnh trong 24 giờ. Bệnh không truyền qua hạt giống.  

Nguyên nhân: Do cây bị nhiễm virus nhiễm loại virus này ảnh hưởng đến cây theo những mức độ, giống khác nhau; đối với những cây bị nhiễm nhẹ, thường là trên cây chanh giấy năng suất quả ít bị ảnh hưởng hơn; đối vơi cây cam, bưởi chùm cây bị nhiễm virut sẽ làm cây bị lùn và vàng lá; đối cới cây cam chua cây bị nhiễm bệnh sẽ lùn, thân bị lõm cây rất nhanh chết; đối với cây bưởi, bị nhiễm loại bệnh này cây sẽ bị lõm nặng trên cả thân cũng như cành cây, khiến cành dễ gãy năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng; đối với loại quýt đường, cây nhiễm bệnh trái quýt sẽ bị vàng đít và bị rụng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế.

Biện pháp phòng trừ bệnh Tristeza: Không mang cành ghép, gốc ghép cây bệnh từ vùng này sang vùng khác; Sử dụng cây con sạch bệnh từ các vườn ươm được kiểm định; Sử dụng các giống và gốc ghép chống chịu bệnh và diệt các loài rệp truyền bệnh bằng thuốc trừ sâu, có thể phun ngừa theo các đợt lá, chồi non. Sử dụng các loại thuốc Trebon, Sagolex, Supracide. Chọn cây giống không nhiễm bệnh, nên mua những cây giống sạch, nơi bán cây giống uy tín, khi cây ra mầm non cần phun luôn thuốc trừ rầy để phòng tránh.

Bệnh loét

Dấu hiệu bệnh: Khi cây mắc bệnh loét sẽ thấy những đốm vàng nhỏ li ti như kim châm xuất hiện trên các lá non, lâu dần những vết vàng đó sẽ chuyển thành màu nâu nhạt. Bệnh này xuất hiện khi cành, lá, trái đang non. Vào mùa mưa bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh loét làm cây bị rụng lá, cành khô và chết, trái rụng hàng loạt.

Nguyên nhân: Bệnh loét do một loại vi khuẩn Xanthomonas axonopodis pv. Citri tác động, vi khuẩn này hình gậy, một đầu có một lông mao, gram âm, háo khí. Khuẩn lạc trên môi trường nuôi cấy màu vàng bóng, hơi hồng, rìa hơi lượn sóng. Vi khuẩn lan truyên nhờ tác nhân cơ giới, gió, nước mưa, gây bệnh tồn tại trên tàn dư lá, quả, thân, cành cây đã bị bệnh. Do đó, bệnh thường gây hại nặng trong điều kiện thời tiết ẩm, mùa mưa.

Biện pháp phòng trừ: Vườn trồng cây ăn quả cần có hệ thống thoát nước tốt, không trồng cây giống bị nhiễm bệnh và không trồng quá dày để tạo thông thoáng cho vườn. Thường xuyên cắt và thu gom cành, lá, quả bị bệnh đem tiêu hủy nguồn bệnh. Khi xuất hiện bệnh loại bỏ nhanh chóng những lá, cành, quả đã bị nhiễm bệnh. Những vườn bị bệnh không tưới nước lên tán cây vào buổi chiều mát, không tưới thừa nước. Đốn tỉa tạo tán định kỳ để vườn không bị rậm rạp. Tránh tạo vết thương cơ giới cho vi khuẩn xâm nhập. Bón phân cân đối NPK. Tăng cường bón thêm phân kali cho vườn cây đang bị bệnh, không bón đạm và phân bón lá khi bệnh đang phát triển gây hại. Phun phòng vào lúc mới ra lộc hoặc khi bệnh bắt đầu xuất hiện. Khi bệnh nặng có thể phun 2 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 - 15 ngày. Sử dụng các loại thuốc gốc đồng như Boocđô 1%, Kasuran 0,15%, champion 37,5FL, Boocđô + zineb, Copper oxychloride… phun khi cây mới ra lộc, lượng nước phun là 600 - 800 lít/ha. Phun thuốc Copper Oxychloride cho cây, đồng thời quét vôi lên gốc và thân cây. Chú ý trước khi phun thuốc cần phun một đợt nước sạch trước khoảng 1 giờ đồng hồ.

Bệnh ghẻ nhám

Dấu hiệu bệnh: Trên các bộ phận của cây thường xuất hiện những vết bệnh màu vàng và màu nâu nhạt khiến lá bị biến dạng sau đó bị rụng. Cành và lá nhanh chóng bị khô. Nguyên nhân do nấm Elsinoe fawcettii phát triển trên cây gây ra.

Để xử lý triệt để bệnh ghẻ trên cây có múi cần phải ngăn chận phần triệu chứng và khắc phục tận gốc rễ nguyên nhân. Cụ thể bằng 4 bước: Cần vệ sinh sạch sẽ cỏ dại, cắt tỉa cây thường xuyên, cắt tỉa cành bệnh nặng, tạo thông thoáng, tránh tình trạng ghẻ phát tán, lây lan không thể kiểm soát. Sử dụng phân bón lá sinh học A4 + thuốc trừ sâu sinh học WAO AKA để dưỡng lộc và dưỡng quả, bổ sung thêm vi lượng nhằm tăng vách tế bào và tăng 30% khả năng quang hợp, giúp lá, quả, xanh, nhanh dày hơn, hạn chế tổn thương bề mặt lá và quả. Phun thuốc gốc đồng phòng ngừa khi cây bắt đầu ra đọt non, sử dụng bộ đôi diệt nấm khuẩn ELICITOR + SIÊU ĐỒNG phun phòng định kỳ 1 tháng/lần. Đồng xanh CuSO4 là đồng mát nên phun không hại lộc non có tác dụng làm khô các vết bệnh cũ và diệt hết nấm khuẩn trong vườn tránh lây lan. Sử dụng CNX-CN tưới gốc để diệt trừ mầm bệnh sẵn có trong đất hoặc phun thuốc Metiram Complex cho cây mỗi tuần một lần đến khi cây khỏi bệnh.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 3

Hôm nay: 416

Tháng này: 18146

Tổng lượt truy cập: 177097