Ngày đăng: 01/08/2023 / Lượt xem: 62
Xem với cỡ chữ

Quản lý và Phát triển Chỉ dẫn địa lý “Vị Xuyên” đối với sản phẩm Thảo quả của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang

Thảo quả có tên khoa học là Amomum Aromaticum Roxb, thuộc họ gừng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều món ăn. Nhờ đặc tính vừa thơm, vừa ngọt lại cay, Thảo quả được coi là "nữ hoàng" của các loại gia vị và được đánh giá có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người. Cây Thảo quả được trồng và mọc hoang ở những vùng có khí hậu mát mẻ như như vùng Tây Bắc.


Trên địa bàn tỉnh Hà Giang cây Thảo quả được trồng chủ yếu tại các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Bắc Mê và các xã vùng cao của huyện Vị Xuyên, Bắc Quang… Đối với cây Thảo quả của huyện Vị Xuyên được trồng dưới tán rừng tự nhiên từ khoảng 30 năm nay và trong 15 năm trở lại đây, cây Thảo quả trên địa bàn huyện đã trở thành cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, vì vậy, Thảo quả đã trở thành cây trồng chính mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc tại các xã vùng cao của huyện Vị Xuyên.

Sản phẩm Thảo quả “Vị Xuyên” đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Văn bằng bảo hộ Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) số 00084 ngày 07/8/2020, theo quyết định số 3159/QĐ-SHTT. Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý và khai thác CDĐL “Vị Xuyên” dùng cho sản phẩm thảo quả mới chỉ dừng lại ở kết quả đăng ký xác lập quyền, chưa thực hiện các nội dung về quản lý, sử dụng và khai thác CDĐL một cách có hiệu quả nhằm mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất, kinh doanh Thảo quả tại địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề quản lý và khai thác CDĐL trong điều kiện hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nhất là đối với những sản phẩm đặc trưng truyền thống, thể hiện nét văn hoá vùng miền như Thảo quả “Vị Xuyên” mà quá trình quản lý phát triển sản xuất thời gian trước đó đã bộc lộ những nhược điểm do khách quan, chủ quan, làm cho danh tiếng và giá trị của nó không còn nguyên vẹn. Mặc dù CDĐL "Vị Xuyên" cho sản phẩm Thảo quả đã được công nhận nhưng nếu quá trình quản lý và khai thác chưa được triển khai thì những giá trị của CDĐL chưa được thể hiện trên thực tế, những mong muốn và sự chờ đợi của người sản xuất chưa được đáp ứng, sản phẩm Thảo quả Vị Xuyên chưa được phát triển về sản lượng, quản lý và khai thác giá trị “thương hiệu” mang lại. Mặc dù đã có nhiều sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý Nhà nước địa phương, CDĐL "Vị Xuyên" cho sản phẩm Thảo quả vẫn chưa phát huy được những hiệu quả tích cực. Vì vậy, việc phát triển CDĐL“Vị Xuyên” cho sản phẩm Thảo quả là rất cần thiết để có thể triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, khoa học và các giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả CDĐL.

Dự án Quản lý và Phát triển Chỉ dẫn địa lý “Vị Xuyên” đối với sản phẩm Thảo quả của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang doViện Kinh tế và Phát triển - Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì thực hiện, nhằm thực hiện các mục tiêu: Thành lập Hội sản xuất và thương mại Thảo quả mang CDĐL “Vị Xuyên”; Xây dựng các công cụ để quản lý và phát triển CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên”; Xây dựng chiến lược phát triển CDĐL "Vị Xuyên"; Tập huấn nâng cao năng lực cho thành viên hội và các tác nhân trong chuỗi giá trị Thảo quả tại Vị Xuyên.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đơn vị chủ trì đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để triển khai dự án một cách đồng bộ, đảm bảo các nội dung đã thống nhất, dự án đã đạt được một số kết quả như sau:

Khảo sát thực trạng sản xuất, tiêu thụ và quản lý, sử dụng, phát triển CDĐL Thảo quả Vị Xuyên: Dự án đã tiến hành khảo sát 100 người là các đối tượng liên quan đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ Thảo quả theo bảng hỏi được thiết kế sẵn. Bên cạnh đó, tiến hành phỏng vấn sâu đối với lãnh đạo các xã để nắm bắt tình hình thực tế liên quan đến dự án. Từ đó, đã hoàn thành báo cáo khảo sát thực trạng đảm bảo tính chính xác và khoa học.

Xây dựng hệ thống các công cụ, phương tiện phục vụ công tác quản lý CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên”: Xây dựng mô hình tổ chức khai thác và quản lý CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên”, dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương, HTX và các tác nhân trong chuỗi giá trị để xác định các thành viên hạt nhân làm cơ sở cho việc thành lập Hội sản xuất và thương mại Thảo quả huyện Vị Xuyên làm tổ chức hạt nhân sử dụng hiệu quả CDĐL.

Hoàn thiện hệ thống văn bản, công cụ phục vụ quản lý và phát triển của tổ chức tập thể các nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên” bao gồm: Quy chế quản lý và sử dụng CDĐL thảo quả Vị Xuyên, Quy chế cấp và thu hồi quyền sử dụng CDĐL Thảo quả Vị Xuyên và quy chế cấp và quản lý sử dụng tem nhãn mác mang CDĐL Thảo quả Vị Xuyên. Các công cụ trên được các tác nhân có liên quan đồng tình và UBND huyện Vị Xuyên phê duyệt ban hàn và phổ biến rộng rãi.

Phát triển CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên”: Dự án đã xây dựng các phương tiện quảng bá sản phẩm Thảo quả Vị Xuyên mang CDĐL (Thiết kế, xây dựng website quản bá sản phẩm, xây dựng 2 biển quảng cáo cỡ lớn và 2 biển cỡ nhỏ giới thiệu về sản phẩm thảo quả Vị Xuyên, xây dựng các chương trình truyền hình, bài báo quảng bá cho sản phẩm, triển khai các chương trình truyền hình, bài báo). Xây dựng chiến lược phát triển thị trường dựa trên kinh nghiệm của các địa phương đã thành công và hội thảo lấy ý kiến của các tác nhân trong chuỗi từ đó làm cơ sở để hoàn thiện, phát triển CDĐL "Vị Xuyên".

Tăng cường năng lực cho người sản xuất và tác nhân thị trường: Dự án đã tổ chức đào tạo quy chế sử dụng CDĐL “Thảo quả Vị Xuyên” và hệ thống liên kết sản xuất, lập kế hoạch thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng và kiểm tra giám sát hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên trong hội sản xuất và các tác nhân trong chuỗi.

         Như vậy, dự án đã hoàn thành các nội dung, mục tiêu đề ra. Kết quả của dự án đã có những tác động nhất định đến kinh tế, xã hội và môi trường tại vùng sản xuất. Dự án đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp cho các tác nhân sản xuất và tiêu thụ Thảo quả tại huyện Vị Xuyên về vai trò tác dụng của CDĐL Thảo quả Vị Xuyên. Từ đó, giúp các tác nhân có thể khai thác hiệu quả CDĐL Thảo quả Vị Xuyên, đặc biệt trong điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ góp phần tăng giá trị sản phẩm Thảo quả khô từ 15.000 - 20.000 VNĐ/kg.

Việc thành lập Hội sản xuất và thương mại Thảo quả huyện Vị Xuyên sẽ khai thác và quản lý có hiệu quả CDĐL, Hội bao gồm các chủ thu gom lớn là những người có nhiều thông tin về thị trường và các mối hàng từ đó sẽ sử dụng CDĐL có hiệu quả giúp khai thác và quản lý có hiệu quả CDĐL. Các công cụ quảng bá giúp nhiều người biết đến Thảo quả Vị Xuyên là sản phẩm đã được bảo hộ, giúp tránh được các thiệt hại gây ra do gian lận thương hiệu. Website sẽ cung cấp thêm 1 kênh bán hàng tiện lợi, từ đó góp phần tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, cũng như quảng bá sản phẩm Thảo quả đến khách hàng trong nước.

Qua kết quả của dự án, đặc biệt là qua quá trình triển khai thực hiện, có thể nhận thấy rằng cần có sự tham gia từ đầu của chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đặc biệt là đơn vị được giao quản lý CDĐL và thụ hưởng các sản phẩm của dự án. Cần tập trung lựa chọn tác nhân có quy mô thương mại lớn để làm hạt nhân trong việc sử dụng CDĐL vì đây là đối tượng có nhiều thông tin về thị trường và khách hàng, do đó nắm bắt được các yêu cầu của đối tác từ đó làm cơ sở sử dụng CDĐL một các hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các xã vùng cao huyện Vị Xuyên - tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 396

Tháng này: 18126

Tổng lượt truy cập: 177077