Ngày đăng: 01/10/2023 / Lượt xem: 62
Xem với cỡ chữ

Bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Hà Giang là một trong những tỉnh có diện tích chè Shan tuyết lớn nhất trong cả nước, trong đó diện tích chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm đạt khoảng trên 7.000 ha. Cây chè Shan tuyết được phân bố tại 11/11 huyện, thành phố. Trong đó, số người và số hộ trồng chè Shan tuyết cổ thụ chủ yếu tập trung tại 05 huyện có diện tích lớn nhất của tỉnh gồm: Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì và Xín Mần.


Chè Shan tuyết cổ thụ là loại chè sạch, được trồng ở những đỉnh núi cao, nhiệt độ thấp, quanh năm bao phủ sương và mây mù... nằm ở độ cao trên 800m so với mực nước biển, nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, tại đây, cây chè được sinh trưởng tự nhiên, phát triển tốt trong môi trường sạch và được các nhà khoa học đánh giá là cây nhiều nguồn gen quý hiếm. Chất lượng sản phẩm chè Shan tuyết được người tiêu dùng đánh giá cao và được biết đến ở nhiều nơi trong nước và xuất khẩu, tiêu thụ tại các thị trường lớn trong nước (như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh,…) và quốc tế (với trên 20 quốc gia khác trên thế giới thuộc Châu Âu, châu Á và châu Mỹ).

Giá trị của vùng chè Shan tuyết Hà Giang là không thể phủ nhận, hiện nay vườn chè Shan tuyết cổ thụ tại các địa phương phát triển tự nhiên, xen lẫn với rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, hàng năm chè Shan tuyết đều được trồng mới, trồng dặm tại 5 huyện. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, năng suất và sản lượng chè đều tăng qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa khai thác hết được tiềm năng và lợi thế của cây chè Shan tuyết, nguyên nhân là do trồng, chăm sóc chè Shan tuyết thường gắn liền với tập tục của đồng bào các dân tộc vùng cao với đặc điểm gần như là khai thác tự nhiên, không có đầu tư thâm canh. Ngoài ra, vườn chè mới được trồng bằng hạt nên năng suất chưa cao và đặc biệt chất lượng chè không đồng đều, ảnh hưởng đến sự sinh tồn của nhiều vườn chè cổ thụ. Xuất phát từ thực tế trên, việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang” do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện với mục tiêu chung nhằm nghiên cứu giải pháp bảo vệ, bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ bền vững gắn với phát triển du lịch sinh thái; từ đó nâng cao giá trị, tạo thu nhập cho người sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Hà Giang là hết sức cần thiết.

Qua 4 năm triển khai thực hiện các mục tiêu cụ thể của nhiệm vụ, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành các nội dung đúng tiến độ theo Hợp đồng và Thuyết minh được phê duyệt đạt 100% kế hoạch đề ra.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra đánh giá, khảo sát tình hình sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Hà Giang, đặc biệt tiến hành điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất và tập quán canh tác chè Shan tuyết cổ thụ, kết quả cho thấy, diện tích chè Shan tuyết cổ thụ tính đến năm 2019, toàn tỉnh có 18.657,49ha chiếm khoảng 90,28% diện tích toàn tỉnh, trong đó diện tích chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm đạt khoảng trên 7.000ha. Cây chè Shan được phân bổ 11/11 huyện, thành phố trong tỉnh với tập quán canh tác lạc hậu, thô sơ, không được chăm sóc; việc đăng ký tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm chè của các cơ sở trên địa bàn tỉnh còn hạn chế mới thực hiện được ở một số công ty/doanh nghiệp và HTX trên địa bàn tỉnh; chưa có quy trình chế biến cụ thể cho từng loại sản phẩm như chè xanh, chè đen, chè Phổ nhĩ,… và chất lượng sản phẩm chưa ổn định; cây chè Shan tuyết cổ thụ trồng tập trung bị bọ xít muỗi gây hại,… Đồng thời, ban chủ nhiệm đã tiến hành điều tra 02 doanh nghiệp trên địa bàn là Công ty TTHH Thương mại Hùng Cường và Công ty TNHH Thành Sơn. Qua đó, đã đề xuất được các giải pháp, cơ chế chính sách để bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu, giải pháp về khoa học và công nghệ như: Trồng mới, thâm canh, chế biến, đào tạo tập huấn, thông tin tuyên truyền, đầu tư xúc tiến thương mại trong và ngoài nước,...

Về kết quả nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm nông sinh học của giống chè Shan tuyết cổ thụ tại tỉnh Hà Giang: Đã đánh giá đặc điểm nông sinh học của quần thể chè Shan tuyết cổ thụ cho thấy cây có chiều cao từ 3,3 - 4,09m; chiều rộng tán từ 3,4 - 4,2m; chu vi thân từ 0,66 - 1,30m và năng suất từ 1,7 - 1,9 tấn/ha có lá màu xanh nhạt, xanh đậm và xanh vàng, búp có lông tuyết từ ít đến nhiều. Từ đó, nhiệm vụ đã tuyển chọn được 100 cây chè Shan tuyết đầu dòng gồm huyện Hoàng Su Phì (38 cây thuộc xã Thông Nguyên, Bản Péo, Nậm Khòa, Nậm Ty), huyện Xín Mần (19 cây thuộc xã Quảng Nguyên, Chế Là), huyện Vị Xuyên (31 cây thuộc xã Cao Bồ, Thượng Sơn), huyện Bắc Quang (08 cây thuộc xã Tân Lập), huyện Quang Bình (04 cây thuộc xã Xuân Minh). Những cây chè đầu dòng đáp ứng các tiêu chí về sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng; từ những cây chè đầu dòng sẽ nhân giống và mở rộng diện tích sản xuất, từ đó giúp cho công tác bảo tồn và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ.

Qua đó, bảo tồn và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ đầu dòng với kỹ thuật chăm sóc cây chè Shan tuyết cổ thụ theo hướng hữu cơ: Các công thức bón phân hữu cơ khác nhau cho chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao cây, chiều rộng tán, độ dày tán tại các điểm đã có sự chênh lệch nhau nhưng không đáng kể và cho khối lượng búp khác nhau, năng suất khác nhau. Vì vậy có thể nói bón các loại phân hữu cơ khác nhau ảnh hưởng đến năng suất chè, điều đó chứng tỏ phân bón hữu cơ đã làm tăng hàm lượng mùn trong đất, cải thiện lý tính của đất, tăng cường hoạt động vi sinh vật của đất, kích thích sự tăng trưởng của cây. Trong đó, bón phân hữu cơ Sông Gianh cho hàm lượng tanin (hay còn gọi là chất chát trong búp chè) thấp nhất, hàm lượng axit amin, hàm lượng chất hòa tan, hợp chất thơm cao hơn các công thức còn lại. Về kỹ thuật đốn: Đốn phớt vào tháng 12 hoặc tháng 4, đốn tạo tán bằng sẽ tạo điều kiện cho cây chè sinh trưởng, phát triển tốt và năng suất dao động từ 4,14 - 4,73 tấn/ha. Cây chè có bộ khung tán khỏe, có nhiệm kỳ kinh tế khai thác dài. Về kỹ thuật hái: Hàm lượng tanin có vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng cũng như trong chất lượng sản phẩm, khi chế biến tanin sẽ tạo các sản phẩm trung gian tạo ra hương vị chè khác nhau. Như vậy, để cây chè Shan tuyết cổ thụ sinh trưởng phát triển tốt, phát huy tối đa tiềm năng năng suất, chất lượng và đáp ứng công tác bảo tồn phát triển bền vững cây chè shan tuyết cổ thụ tỉnh Hà Giang. Đồng thời, cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật về đốn, hái và bón phân như sau: Đốn chè từ giữa tháng 12 đến tháng 01 năm sau, có thể đốn vào tháng 4 để cây chè có bộ khung tán khỏe, có nhiệm kỳ khai thác kinh tế dài; sau khi đốn phớt tháng 12 hoặc tháng 4, cành chè có 6 lá mới sẽ tiến hành hái búp chè 01 tôm 02 lá; bón bổ sung phân hữu cơ Sông Gianh 2kg/cây để cây chè sinh trưởng phát triển tốt và đạt năng suất cao.

Ngoài ra, ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát lựa chọn địa điểm triển khai xây dựng mô hình trình diễn (mô hình thâm canh, chăm sóc chè Shan tuyết cổ thụ theo hướng hữu cơ) tại xã Cao Bồ - huyện Vị Xuyên; xã Tân Lập - huyện Bắc Quang; xã Xuân Minh - huyện Quang Bình; xã Quảng Nguyên - huyện Xín Mần; xã Thông Nguyên - huyện Hoàng Su Phì. Đốn chè: Tiến hành đốn phớt hàng năm, mức đốn cao hơn vết đốn năm trước 5 - 6cm tạo tán phẳng, kỹ thuật này sẽ tạo bộ khung tán khỏe, dễ thu hái, khắc phục tán chè nhiều cành tăm hương; thời vụ đốn tiến hành vào giữa tháng 12 đến hết tháng 01 hoặc tháng 4 năm sau, những nơi bị sương muối đốn muộn hơn, sau đợt sương muối nặng; về kỹ thuật hái chè Shan tuyết cổ thụ: Hái chè kinh doanh, cần áp dụng giải pháp hái san chật để làm tăng lứa hái trong năm, chỉ tiến hành hái búp đủ tiêu chuẩn và chừa lại hợp lý. Những nương chè yếu mới đốn trẻ lại, không hái vụ xuân chừa để đến tháng 5 bắt đầu hái, thực hiện hái chừa lại 5 đến 6 lá bấm ngọn mù xòe, thời gian sau hái bình thường. Hái bằng tay: 4 - 6 lứa/năm, tạo tán phẳng, chè Shan tuyết là giống chè có búp to nên để tăng chất lượng cần phải hái 1 tôm 2 - 3 lá non, không nên hái dài nhiều lá sẽ làm cho ngoại hình chè bị thô. Cây chè cao dùng thang hay ghế để hái búp, không sử dụng dao chặt cành chè. Khi hái xong nên đưa ngay về nơi chế biến; về bón phân hữu cơ vi sinh cho cây chè, sản phẩm thu hoạch là búp vì vậy cần hằng năm bổ sung một lượng dinh dưỡng nhất định để đảm bảo cho cây chè sinh trưởng và phát triển tốt, lượng phân hữu cơ được bón theo chu kỳ 01 - 02 năm bón 1 lần, mỗi cây bón từ 4 - 5kg phân ủ hoặc 2kg phân vi sinh, bón xung quanh theo chiều rộng tán chè. Kết quả mô hình cho thấy các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển của các mô hình thâm canh khác nhau cho chỉ tiêu sinh trưởng như chiều cao cây, chiều rộng tán và số lứa hái tại các thời điểm khác nhau. Như vậy, khi thâm canh chăm sóc cây theo hướng hữu cơ, cây chè sinh trưởng, phát triển tốt hơn cây chè trong mô hình thâm canh theo phương pháp truyền thống của người dân (mô hình đối chứng); năng suất của mô hình khi áp dụng các kỹ thuật của đề tài sẽ cho năng suất cao hơn mô hình đối chứng tại tất cả các điểm xây dựng mô hình, năng suất búp tươi đạt từ 4,07 - 4,73 tấn/ha, tăng từ 15,30 - 17,08%.

Việc áp dụng mô hình đến tình hình sâu hại chè, các mô hình đều bị gây hại bởi rầy xanh, nhện đỏ và bọ cánh tơ, bọ xít muỗi. Tuy nhiên, do cây chè Shan tuyết cổ thụ được bón phân hữu cơ vi sinh và áp dụng biện pháp kỹ thuật hái hợp lý trong quá trình sinh trưởng, phát triển của cây chè Shan tuyết cổ thụ nên mức độ gây hại ở mô hình áp dụng kỹ thuật của đề tài thấp hơn và đều ở ngưỡng giới hạn cho phép. Khi áp dụng mô hình, chất lượng nguyên liệu búp chè cao hơn, tỷ lệ tôm lá 1, lá 2 cao hơn ở mô hình đối chứng. Bên cạnh đó, về thành phần sinh hóa chè, việc áp dụng mô hình cũng cho hàm lượng chất hòa tan, axit, amin, hợp chất thơm, đường khử cao hơn mô hình đối chứng. Có thể khẳng định, hiệu quả kinh tế của các mô hình khi áp dụng kỹ thuật mới đem lại lợi nhuận cao hơn.

Đối với việc lập hồ sơ cây chè (vườn chè Shan tuyết cổ thụ) di sản: Ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã tiến hành lập hồ sơ cây chè Shan tuyết cổ thụ tại 5 huyện của dải Tây Côn Lĩnh với quy mô công nhận gồm quần thể chè Shan tuyết cổ thụ ở các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần, công nhận cây chè di sản với các tiêu chí đối với cây chè được công nhận. Đề tài đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 1.324 cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn 5 huyện đã đạt đầy đủ tiêu chí là cây Di sản Việt Nam theo Quyết định số 232/HMTg ngày 21/9/2022 của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam về việc công nhận cây di sản Việt Nam.

Về đào tạo, tập huấn, Ban chủ nhiệm đề tài đã tổ chức được 05 lớp tập huấn với 100 lượt người trên địa bàn 5 huyện về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan tuyết cổ thụ. Thông qua lớp tập huấn, các hộ nông dân trồng chè hiểu được cách thức của từng khâu từ kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái chè Shan tuyết cổ thụ, các kiến thức để hình thành một vùng chuyên canh sản xuất chè Shan tuyết cổ thụ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người đồng bào dân tộc vùng cao.

Có thể khẳng định, kết quả của đề tài đã mang lại những giá trị hết sức thiết thực trong việc bảo tồn và phát triển bền vững cây chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn tỉnh Hà Giang, vì vậy cần khuyến khích áp dụng các quy trình kỹ thuật chăm sóc chè Shan tuyết cổ thụ theo hướng hữu cơ vào sản xuất chè tại địa phương. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ tham gia trồng mới để phát triển giống chè Shan tuyết cổ thụ và hỗ trợ cho các hộ, doanh nghiệp và HTX có cây chè Shan tuyết cổ thụ và đặc biệt là quần thể Di sản chè Shan tuyết cổ thụ và cây chè Shan tuyết đầu dòng góp phần phát triển kinh tế, xã hội nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát triển nâng cao thương hiệu, giá trị sản phẩm và phát triển bền vững chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Hà Giang,…/.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 7

Hôm nay: 444

Tháng này: 18174

Tổng lượt truy cập: 177125