Ngày đăng: 01/10/2023 / Lượt xem: 100
Xem với cỡ chữ

Hiệu quả từ mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn đen sinh sản tại xã Trung Thịnh huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang

Xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang là một xã vùng cao, cách trung tâm huyện 24km. Với tổng diện tích tự nhiên là 29,95km2, 6.520 nhân khẩu, là xã có địa hình giao thông đi lại khó khăn, phức tạp, điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt. Nền kinh tế phát triển chậm, sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp nên đời sống nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao (61,54%).


Xuất phát từ thực tế trên, tại Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra Nghị quyết về phát triển Nông - Lâm nghiệp theo hướng hàng hoá, trong đó tập trung phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là chăn nuôi lợn đen tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo cho người dân. Để cụ thể hoá chủ trương đó, chính quyền xã đã đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ (đơn vị phụ trách xã) giúp chính quyền và nhân dân xã chuyển giao khoa học, kỹ thuật mô hình chăn nuôi lợn đen sinh sản giống địa phương nhằm cải thiện năng suất nái đẻ, chất lượng con giống... và nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi lợn tại địa phương.

Qua quá trình khảo sát cho thấy, tập quán chăn nuôi lợn của người dân xã Trung Thịnh vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp, tự gây nái, phối giống bằng lợn đực của gia đình hoặc đi mượn, lợn con đẻ ra sau đó người dân tự nuôi thành lợn thịt, số lợn con còn lại người dân sau đó mới đem ra chợ bán, hình thức nuôi vẫn chủ yếu là bán chăn thả do đó dễ xảy ra tình trạng phối giống cận huyết, thể trạng lợn còi cọc, năng suất lợn nái đẻ thấp... dẫn đến hiệu quả kinh tế do chăn nuôi lợn mang lại không cao. Xuất phát từ thực trạng đó, năm 2021 Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới đã đề xuất dự án "Mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn đen sinh sản tại xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang" nhằm cải thiện năng suất nái đẻ, dần nâng cao hiệu quả kinh tế của ngành chăn nuôi lợn tại địa phương.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Thông tin và Chuyển giao công nghệ mới (Trung tâm) là đơn vị được Sở giao chủ trì thực hiện dự án và giao cho Ban chủ nhiệm dự án tham mưu và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở từ khâu xây dựng kế hoạch, tiến độ triển khai công việc và báo cáo kết quả tổ chức thực hiện. Ban chủ nhiệm Dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương các xã, thị trấn của huyện Bắc Mê để khảo sát, chọn lọc và thu mua con giống lợn hậu bị. Phối hợp với chính quyền xã Trung Thịnh khảo sát chọn hộ tham gia xây dựng mô hình, đôn đốc, giám sát việc thực hiện mô hình của các hộ tham gia, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức thực hiện.

Mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn đen sinh sản tại xã Trung Thịnh được triển khai thực hiện từ tháng 01/2022 đến tháng 6/2023 với 02 hộ nông dân tham gia, các hộ được hỗ trợ mỗi hộ 05 con nái hậu bị, 500kg cám lợn con tập ăn, 250kg cám lợn mẹ nuôi con, vacin, thuốc thú y, thuốc khử trùng... Các hộ tham gia mô hình cam kết tự nguyện đối ứng nguyên vật liệu, nhân công để xây dựng mới và cải tạo chuồng nuôi, bổ sung cám và thức ăn thô xanh ngoài phần dự án hỗ trợ theo hướng dẫn kỹ thuật của Ban chủ nhiệm dự án, tiếp nhận và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật theo quy trình và được hưởng toàn bộ số lợn nái và lợn con thương phẩm của dự án. Trong quá trình thực hiện mô hình, Ban chủ nhiệm dự án đã trực tiếp hướng dẫn cho người chăn nuôi về một số kỹ thuật nuôi lợn nái sinh sản từ khâu chọn lợn giống hậu bị, phối giống, chăm sóc lợn nái có chửa, đẻ và lợn nái nuôi con đến các khâu phòng và trị bệnh cho lợn nái.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, 02 hộ nông dân được Ban chủ nhiệm chọn tham gia mô hình đều rất phấn khởi khi được Ban chủ nhiệm dự án hỗ trợ (nái hậu bị, cám, vacin, thuốc thú y, thuốc khử trùng...). Các hộ đã tận dụng diện tích đất vườn để trồng thêm các loại rau (rau lang, chuối, ngô) và chuồng trại sẵn có để chăn nuôi. Nhờ có Ban chủ nhiệm dự án hướng dẫn tận tình về kỹ thuật chăm sóc lợn nái sinh sản, lợn con... nên đàn lợn không bị dịch bệnh, không bị chết, hơn nữa, do Ban chủ nhiệm dự án lựa chọn lợn đen giống địa phương nên cũng ít dịch bệnh hơn so với giống lợn trắng thông thường... Để chăn nuôi lợn nái sinh sản đạt hiệu quả, người chăn nuôi phải biết áp dụng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi. Do đó, trong quá trình thực hiện mô hình, Ban chủ nhiệm đã phân công người trực tiếp hướng dẫn cho người chăn nuôi về kỹ thuật nuôi lợn nái sinh sản từ khâu chọn lợn giống hậu bị, cách phát hiện lợn động dục, phối giống, chăm sóc lợn nái có thai, nái đẻ và lợn nái nuôi con, chế độ dinh dưỡng từng giai đoạn trong quá trình nuôi, kỹ thuật nuôi dưỡng, chế biến thức ăn, phương pháp phối trộn thức ăn chăn nuôi phù hợp với khẩu phần ăn của nái hậu bị, nái mang thai và nái nuôi con... đến các khâu phòng, trị bệnh cho lợn và cử người trong Ban chủ nhiệm dự án thường xuyên theo dõi kiểm tra định kì. Từ đó đàn lợn tăng trưởng nhanh, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Được lựa chọn tham gia dự án, anh Hoàng Văn Bình, thôn Ta Thượng, xã Trung Thịnh, huyện Xín Mần cho biết: "Chăn nuôi theo phương pháp truyền thống thì đàn lợn gia đình anh hay mắc một số bệnh về đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng còi cọc và chỉ số lứa đẻ trên năm không cao... Từ khi tham gia mô hình được Ban chủ nhiệm dự án trực tiếp hướng dẫn, anh đã hiểu được tầm quan trọng của việc áp dụng đúng kỹ thuật trong chăn nuôi từ khâu lựa chọn con giống đến kỹ thuật chăm sóc lợn nái sinh sản, lợn con, lợn thịt... nên đàn lợn không bị dịch bệnh, không bị chết, số con sơ sinh và chỉ số lứa đẻ đều đạt so với yêu cầu đề ra. Nhờ nắm chắc kỹ thuật, giờ đây anh có thể tự tin mở rộng quy mô chăn nuôi của gia đình...".

Sau hơn một năm triển khai thực hiện, dự án bước đầu đã có những kết quả thành công nhất định, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm cho người chăn nuôi mà còn góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của người dân sang hình thức chăn nuôi biết áp dụng quy trình kỹ thuật, Ban chủ nhiệm dự án đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt cho 30 lượt người đại diện cho các hộ chăn nuôi lợn trong toàn xã... Đến nay tổng đàn lợn đã phát triển lên 183 con của 2 hộ nuôi, bình quân một con lợn nái đẻ từ 16 - 20 con/năm, ngoài bán lợn giống ra, hộ còn để nuôi bán lợn thịt, giống lợn đen cho thịt chắc, thơm ngon... nên các thương lái đến tận nhà mua với giá cao hơn so với thịt lợn trắng ngoài thị trường. Mỗi con lợn thịt thương phẩm có giá bán từ 5 - 6 triệu đồng/con, giá lợn đen cả về lợn giống lẫn lợn thịt đều ổn định và giá thành cao, nhờ tiền bán lợn mà cuộc sống gia đình của hai hộ chăn nuôi đã khá hơn trước rất nhiều, hiệu quả kinh tế đã thu về lợi nhuận là 44 triệu đồng, bình quân mỗi tháng người chăn nuôi thu về 2,5 - 3 triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho lao động làm bán thời gian với mức thu nhập mỗi tháng là 3 triệu đồng. Ngoài ra mô hình đã tạo ra 02 cơ sở cung cấp con giống lợn đen thương phẩm uy tín cho địa phương, góp phần tăng nhanh tổng đàn lợn thịt trên địa bàn xã, cũng như đáp ứng được nguồn thực phẩm tại địa phương, tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Đặc biệt dự án đã đáp ứng được đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân là giúp người dân nâng cao nhận thức, biết áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi phù hợp với chủ trương chính sách của địa phương.

Từ kết quả đã đạt được, chính quyền xã Trung Thịnh khẳng định, kết quả triển khai mô hình chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi lợn đen sinh sản trên không chỉ mang lại hiệu quả kinh kế mà còn là cơ sở khoa học để tuyên truyền nhân rộng mô hình nuôi lợn đen sinh sản trên địa bàn xã nói riêng và huyện Xín Mần nói chung. Đồng thời khuyến khích người dân tự nhân giống lợn đen bản địa để phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đảm bảo lợn đen trở thành hàng hoá chủ lực đặc sản của địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu đàn vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, tạo tiền đề để cải thiện sinh kế, giúp người dân nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./. 

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 8

Hôm nay: 515

Tháng này: 4423

Tổng lượt truy cập: 163374