Ngày đăng: 01/10/2023 / Lượt xem: 92
Xem với cỡ chữ

Kết quả nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang

Vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang là khu vực có lợi thế phát triển của nhiều cây trồng đặc hữu. Với điều kiện khí hậu đặc thù có đặc điểm tự nhiên thuận lợi về các yếu tố khí tượng, đặc biệt là độ lạnh (CU) biến động trong khoảng 300 - 450 CU (tương ứng độ cao địa hình 900 - 1.500m). Đặc điểm đất đai, địa hình khá phù hợp cho cây ăn quả ôn đới nói chung, nhóm cây lê, đào, mận, hồng nói riêng phát triển. Điều kiện kinh tế - xã hội phù hợp đầu tư phát triển cây ăn quả ôn đới, nơi đây có những giống cây ăn quả ôn đới đặc sản. Để khai thác tiềm năng vùng về lợi thế phát triển cây ăn quả ôn đới, UBND tỉnh Hà Giang đã ra Quyết định số 2874/QĐ-UBND ngày 26/12/2018 phê duyệt triển khai đề tài "Nghiên cứu tuyển chọn và phát triển các giống cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang", do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây ôn đới là đơn vị chủ trì thực hiện đề tài.


Trên cơ sở các kết quả điều tra, ban chủ nhiệm đề tài đã lựa chọn 2 địa điểm là huyện Quản Bạ có độ cao địa hình trung bình 700 - 1.000m, đại diện cho vùng tiệm cận với vùng có địa hình núi cao và huyện Đồng Văn có độ cao địa hình trung bình 900 - 1.200m, đại diện cho vùng có địa hình núi cao, là kiểu địa hình chính đại diện cho 2 vùng sinh thái đặc trưng của Hà Giang.

Đơn vị chủ trì đã tiến hành triển khai thực hiện các nội dung của đề tài, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là công tác nghiên cứu đánh giá một số giống mới cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng có chất lượng nhằm tuyển chọn những giống có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái thuộc 4 huyện vùng cao núi đá và bổ sung cho địa phương những giống mới có giá trị kinh tế cao nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đồng thời phát triển những sản phẩm mới thành đặc sản riêng của vùng.

Kết quả khảo nghiệm chọn giống được đánh giá trên 2 thí nghiệm:

Thí nghiệm trồng mới (sinh trưởng phát triển, ra hoa, đậu quả, năng suất, chất lượng, sâu bệnh hại); thí nghiệm ghép cải tạo (bổ sung ra hoa, đậu quả, chất lượng quả), qua hai thí nghiệm trồng mới và ghép cải tạo thực hiện tại xã Quản Bạ (Quản Bạ) và thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn). Nội dung nghiên cứu đề tài thực hiện có 8 giống, gồm: Giống lê LMN1 và Tai Nung6 (nguồn gốc Đài Loan); giống đào ĐMN1 và B115 (nguồn gốc Pháp; Đài Loan); giống mận Úc Dowworth và Gulfbeauty (nguồn gốc Úc); giống hồng MC1 và hồng Quản Bạ (nguồn gốc Nhật Bản và giống bản địa). Đề tài được thực hiện ở xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ và thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn. Có hai thí nghiệm được song song triển khai, gồm thí nghiệm trồng mới và thí nghiệm ghép cải tạo. Kết quả của thí nghiệm trồng mới xác định được khả năng thích nghi của các giống khảo nghiệm thông qua các chỉ tiêu về sinh trưởng, phát triển thân, cành tán, khả năng ra hoa, đậu quả mức nhiễm sâu bệnh hại. Kết quả của thí nghiệm ghép cải tạo xác định chất lượng quả của các giống. Trên cơ sở các kết quả đó để lựa chọn các giống có ưu thế vượt trội về khả năng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất, chất lượng quả, từ đó xác định tuyển chọn được các giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng khảo nghiệm để mở rộng diện tích.

Qua quá trình thực hiện công tác đánh giá, tuyển chọn từ tháng 1/2019 đến tháng 12/2022, nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được các giống, gồm: 2 giống lê LMN1 và Tai Nung6; 2 giống đào ĐMN1 và B115; 2 giống mận Dowworth và Gulfbeauty với các đặc điểm chính và khả năng thích nghi của các giống mới với từng vùng sinh thái.

Đối với giống lê LMN1 phù hợp trồng tại Quản Bạ và Đồng Văn (vùng > 900m) với khả năng sinh trưởng phát triển thân, cành khỏe, phân nhiều cành, tán rộng, nhất là tại điểm Đồng Văn, khả năng ra hoa và đậu quả cao. Đặc điểm hình thái quả to, khối lượng 216,3 – 218,6g/quả, dạng quả hình cầu cân đối; chất lượng quả ăn tươi vị ngọt chủ đạo pha chút vị chua và chát, vị quả đậm rất ngon; năng suất thực thu năm thứ 4 đạt 61,2 - 63,9 tạ/ha; thời gian thu hoạch từ ngày 8 - 10/7, giống ít nhiễm các loại sâu, bệnh hại chính.

Đối với giống lê Tai Nung6 cũng phù hợp trồng tại Quản Bạ và Đồng Văn với khả năng sinh trưởng phát triển thân, cành khỏe, tán rộng, tại điểm Đồng Văn ưu thế hơn, khả năng ra hoa và đậu quả cao. Đặc điểm hình thái quả to, khối lượng 203,7 - 205,8g/quả, dạng quả hình cầu cân đối; chất lượng quả ăn tươi thiên vị ngọt, pha chút vị chua, ít chát; năng suất thực thu năm thứ 4 đạt 58,7 – 60,6 tạ/ha; thời gian thu hoạch của giống từ ngày 12 - 17/6; giống ít nhiễm các loại sâu, bệnh hại chính.

Như vậy, với các kết quả nghiên cứu thì 2 giống lê LMN1 và Tai Nung6 thích nghi điều kiện tự nhiên tại các điểm vùng cao của huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.

Kết quả nghiên cứu cũng tuyển chọn được 2 giống đào ĐMN1 và B115: Đối với kết quả chọn giống đào ĐMN1 phù hợp trồng tại Quản Bạ và Đồng Văn với đặc điểm thân cành phát triển mạnh, tán rộng, khả năng ra hoa tốt, phân bố đều trên các cành khung, tỷ lệ đậu quả cao. Đặc điểm hình thái quả to 86,1 - 86,4g/quả, dạng hình cầu cân đối, màu sắc vỏ quả vàng sáng phớt hồng bắt mắt; chất lượng quả ăn tươi vị ngọt chủ đạo pha chút vị chua, màu thịt vàng tươi bắt mắt, mùi hương đặc trưng; năng suất quả năm thứ 4 đạt 40,9 - 44,2 tạ/ha; thời gian thu hoạch diễn ra vào 28/4 - 5/5; giống ít nhiễm sâu, bệnh hại chính.

Kết quả chọn giống đào B115 phù hợp trồng tại Quản Bạ và Đồng Văn với đặc điểm phát triển mạnh thân, cành tán, khả năng ra hoa tốt đều trên các cành khung, kiểu hoa và màu sắc phớt hồng rất nổi bật, tỷ lệ đậu quả cao. Đặc điểm hình thái quả to 83,3 - 83,6g/quả, dạng hình cầu cân đối, màu sắc vỏ vàng sáng phớt hồng bắt mắt; chất lượng quả ăn tươi, vị ngọt pha chút vị chua, thịt quả màu trắng ngà; năng suất quả năm thứ 4 đạt 41,1 - 43,4 tạ/ha; thời gian thu hoạch từ 15 - 22/5; ít nhiễm các loại sâu, bệnh hại chính. Đặc biệt, giống đào B115 có kiểu dáng và màu sắc hoa rất đẹp có thể trồng tạo cảnh quan kết hợp mô hình nông nghiệp và du lịch rất hiệu quả. Với các kết quả nghiên cứu, 2 giống đào ĐMN1 và B115 đều thích nghi điều kiện tại huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Mèo Vạc và Yên Minh.

Đối với tuyển chọn giống mận, duy nhất giống Dowworth (giống mận Úc) thích nghi tốt ở điểm vùng cao của huyện Đồng Văn, với khả năng phát triển thân, cành tán khá mạnh, ra hoa và đậu quả tốt. Đặc điểm hình thái quả to có khối lượng 52,2 - 52,4g/quả, dạng hình cầu cân đối, màu vỏ tím có đốm chấm đều trên quả; chất lượng quả ăn tươi vị ngọt pha chua, thịt đỏ tươi bắt mắt, hương thơm đặc trưng; năng suất thực thu năm thứ 4 đạt 31,2 tạ/ha; thời gian thu hoạch từ ngày 17 - 19/6; ít nhiễm sâu, bệnh hại chính. Tại điểm Quản Bạ, tuy giống phát triển được thân, cành tán nhưng ra ít hoa, không đậu quả do điều kiện khí hậu có nền nhiệt cao (độ lạnh <450 CU) nên không phù hợp.

Tuyển chọn giống mận Gulfbeauty (mận Úc) thích nghi tốt với cả điểm Quản Bạ và Đồng Văn, phát triển thân, cành khỏe, ra hoa đậu quả tốt. Đặc điểm hình thái quả to khối lượng 40,9 - 41,1g/quả, dạng hình cầu cân đối, màu vỏ đỏ tím; chất lượng quả ăn tươi vị chua pha ngọt, thịt vàng tươi bắt mắt, hương thơm đặc trưng; năng suất thực thu năm thứ 4 đạt 23,5 – 24,2 tạ/ha; thời gian thu hoạch từ 20 - 29/5; ít nhiễm sâu, bệnh hại chính. Với các kết quả nghiên cứu thì giống mận Dowowrth chỉ thích nghi điều kiện tự nhiên tại các điểm vùng cao của huyện Đồng Văn và Mèo Vạc.  

Về kết quả chọn giống hồng cho thấy, giống hồng MC1 ở cả hai điểm Quản Bạ và Đồng Văn đều cho kết quả thấp về phát triển thân, cành tán; khả năng ra hoa, tỷ lệ đậu quả chỉ đạt 6,5%, ở điểm Đồng Văn và đều không cho năng suất ở cả hai điểm khảo nghiệm (Quản Bạ và Đồng Văn); từ các kết quả nghiên cứu cho thấy giống MC1 ít phù hợp với điều kiện sinh thái tại Quản Bạ và Đồng Văn cũng như những vùng khác có điều kiện tự nhiên tương đồng.

Đối với tuyển chọn giống hồng Quản Bạ sinh trưởng, phát triển tốt tại điểm Quản Bạ, cây phát triển mạnh về thân, cành tán, ra hoa nhiều, tỷ lệ đậu quả cao. Đặc điểm hình thái quả nhỏ khối lượng 44,2 - 44,8g/quả, dạng hình trống hơi vuông, vỏ màu vàng, thịt vàng tươi; chất lượng quả ăn tươi vị ngọt chủ đạo, thịt giòn, thoáng hương thơm, vị  ngon; năng suất thực thu năm thứ 4 đạt 60,7 tạ/ha; ít nhiễm sâu, bệnh hại chính; tại điểm Đồng Văn khả năng sinh trưởng phát triển của giống ở mức trung bình, ít ra hoa, tỷ lệ đậu quả thấp, không cho năng suất; như vậy giống ít phù hợp với điều kiện tự nhiên tại Đồng Văn cũng như các vùng sinh thái khác có điều kiện tự nhiên tương đồng.

Từ kết quả khảo nghiệm đối với 08 giống đưa vào nghiên cứu đã tuyển chọn được 06 giống đó là: Lê LMN1, Tai Nung6 (nguồn gốc Đài Loan); Đào ĐMN1, B115 (nguồn gốc Pháp; Đài Loan); Mận Úc Dowworth, Gulfbeauty (nguồn gốc Úc). Trong đó có 05 giống đưa vào xây dựng mô hình tại 4 huyện: Lê LMN1, Tai Nung6; Đào ĐMN1, B115; Mận Úc Dowworth. Loại bỏ giống mận Úc Gulfbeauty vì vị quả chua.

Từ các giống được tuyển chọn trên đưa vào trồng mô hình tại 4 huyện với tổng diện tích 08ha. Căn cứ vùng sinh thái mà giống thích nghi và nhu cầu sử dụng giống mới của từng địa phương để bố trí cơ cấu giống phù hợp cho từng địa điểm, cụ thể: Thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ) Giống lê LMN1 và đào ĐMN1 với diện tích 02ha; xã Sủng Thài (Yên Minh) Giống lê LMN1 và lê Tai Nung6, diện tích 02ha; Thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn) Giống lê Tai Nung6 và mận Dowworth, diện tích 02ha; Thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) Giống lê LMN1, Tai Nung6. Đào ĐMN1, B115, diện tích 02ha.

Kết quả xây dựng mô hình:

Đối với việc nhân giống vườn ươm: Đã sản xuất tổng số cây giống các loại đủ tiêu chuẩn xuất vườn là 5.000 cây, gồm: 1.500 cây lê LMN1; 1.350 cây lê Tai Nung6; 1.350 cây đào ĐMN1; 400 cây đào B115; 400 cây mận Úc Dowworth.

Kết quả tỷ lệ sống của các mô hình: Tại Thị trấn Tam Sơn, Quản Bạ, tỷ lệ sống đến 98,5% (Từ tháng 1 – 4/2023, giống lê LMN1 là 1,5 ha; giống đào ĐMN1 là 0,5 ha với 05 hộ tham gia); tại xã Sủng Thài, Yên Minh, tỷ lệ sống đến 97,6% (từ tháng 2 – 4/2023, giống lê LMN1 là 1,0ha; giống lê Tai Nung6 là 1,0ha với 02 hộ tham gia); tại Thị trấn Phố Bảng, Đồng Văn, tỷ lệ sống đến 98,3% (từ tháng 1 – 4/2023, giống lê LMN1 là 1,5 ha; giống mận Úc Dowworth là 0,5 ha với 01 hộ tham gia); tại Thị trấn Mèo Vạc, Mèo Vạc tỷ lệ sống đến 97,5% (từ tháng 1 – 4/2023, giống lê LMN1 là 0,8ha; giống lê Tai Nung6 là 0,9ha; giống đào ĐMN1 là 0,2ha; giống đào B115 là 0,1ha với 02 hộ tham gia).

Tập huấn kỹ thuật: Tập huấn 02 kỹ thuật về nhân giống lê, đào, mận, hồng bằng phương pháp ghép và tập huấn canh tác tổng hợp giống lê, đào, mận, hồng. Tổ chức 08 lớp (02 lớp/điểm) cho cán bộ khuyến nông xã, người dân tại các điểm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc với 160 lượt người tham dự. Tổ chức 02 hội nghị với tổng số 80 người tham gia. Đã tiến hành đánh giá kết quả khảo nghiệm tuyển chọn giống tại huyện Đồng Văn và Quản Bạ; đánh giá, phân tích đặc điểm thích nghi vùng sinh thái của các giống mới, đặc biệt quan tâm là các đặc điểm về mẫu mã, chất lượng quả của các giống, tìm các yếu tố có sự phù hợp với thị hiếu của khách hàng về độ to của quả, màu sắc và chất lượng cảm quan ăn tươi… hướng phát triển hàng hóa; định hướng ưu tiên phát triển các giống mới tuyển chọn cho 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang.

Với những kết quả nghiên cứu của đề tài về công tác chọn giống mới cây ăn quả ôn đới lê, đào, mận, hồng cho các huyện vùng cao núi đá Hà Giang, các nhà nghiên cứu đề tài đưa ra khuyến cáo cho các địa phương lựa chọn giống phù hợp phát triển thành các sản phẩm đặc sản, góp phần tăng thu nhập cho người sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của các huyện vùng cao núi đá góp phần làm phong phú sản phẩm từ cây ăn quả ôn đới trên địa bàn, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân địa phương cũng như khách du lịch đến với Cao nguyên đá Đồng Văn./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 3

Hôm nay: 613

Tháng này: 4521

Tổng lượt truy cập: 163472