Ngày đăng: 01/11/2023 / Lượt xem: 98
Xem với cỡ chữ

Nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại huyện Mèo Vạc

Mèo Vạc là một huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, thuộc quần thể Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Có địa hình đa dạng với nhiều loại hình như núi đá cao, đồi núi đất, địa hình bị chia cắt, đất đai rộng và nguồn thức ăn phong phú,… trong đó diện tích núi, đồi, rừng chiếm khá nhiều tại hầu hết các xã trong huyện, đây là những điều kiện thuận lợi, phù hợp để đàn dê sinh trưởng và phát triển. Phát huy những lợi thế đó, nuôi dê đã trở thành thế mạnh, truyền thống của nhiều Hộ chăn nuôi trong huyện, đã và đang có những bước phát triển, đặc biệt là về quy mô, chất lượng và số lượng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người chăn nuôi, góp phần quan trọng vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.


Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi chủ yếu là nuôi dê cỏ (hay còn gọi là dê địa phương), tầm vóc nhỏ, năng suất thịt thấp và chủ yếu được nuôi theo phương pháp quảng canh. Đàn dê của địa phương mặc dù đã được đầu tư phát triển nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Do các hộ chăn nuôi phát triển tự nhiên, tự cung tự cấp giống và tự tiêu thụ sản phẩm. Trước hết do khó khăn về bãi chăn thả, đàn dê muốn phát triển tốt và cho chất lượng thịt tốt phải được chăn thả tự nhiên ở những vùng đồi, núi rộng, có nhiều cây cỏ làm thức ăn, nhưng hiện nay diện tích chăn thả tự nhiên bị thu hẹp do diện tích đồi rừng được giao khoán cho các hộ dân quản lý, một số được đưa vào phục vụ các khu du lịch sinh thái. Mặt khác, vì điều kiện chăn thả khắc nghiệt như mưa nắng, bãi chăn thả xa nhà, do nhiều lao động chưa hào hứng với nghề nuôi dê. Ngoài ra, các hộ chăn nuôi dựa trên kinh nghiệm nuôi nhiều năm, chưa có sự áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi...

Vì vậy, để nâng cao năng suất và chất lượng giống dê, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng đã được bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện dự án: "Ứng dụng khoa học công nghệ trong nhân giống và nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt tại huyện Mèo Vạc tỉnh Hà Giang", là dự án thuộc Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025".

Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án đã xây dựng được chuồng trại nuôi dê với chuồng được thiết kế theo kiểu chuồng hở, mái chuồng cao hơn, đảm bảo thoáng mát trong mùa nóng, nền chuồng bằng bê tông đá, láng vữa xi măng tạo nhẵn có độ dốc lớn về phía rãnh chứa phân và nước tiểu. Các cũi chuồng được bố trí dọc theo chiều dài chuồng và cách mặt nền 0,5 - 0,7m có hành lang đi lại thành dãy vào từng ô chuồng. Đồng thời, xây nhà chế biến thức ăn thô, tinh, cải tạo nâng cấp kho chứa thức ăn, kho để cỏ khô đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn dê; xây dựng hàng rào bảo vệ xung quanh dãy chuồng bằng lưới B40; cải tạo, cách ly, các thiết bị phục vụ chăn nuôi, hệ thống dẫn nước thải, bể chứa nước thải,…Để đảm bảo nguồn thức ăn cho dê, dự án đã trồng mới phát triển đồng cỏ với quy mô 2ha cỏ VA06, cỏ voi, ngô trồng dày lấy thân lá, các loại lá cây rừng, dây leo nhằm đa dạng nguồn thức ăn cho dê.

Một số kết quả đạt được sau khi triển khai thực hiện Dự án:

Đối với việc nhân giống:

Dự án đã mua 10 con đực giống dê Boer lai (là giống dê có vóc dáng to lớn, nhiều thịt, lớn nhanh để lai với dê cỏ cái địa phương), chọn con toàn thân màu trắng, có khoang màu nâu ở vai, tai, đầu, cổ; khối lượng từ 25 - 30kg/ con trở lên, có tầm vóc to, thân hình cân đối, khỏe mạnh, không khuyết tật, đầu to, ngắn, trán rộng, mắt sáng, tinh nhanh, 4 chân thẳng, khỏe, đi đứng vững chắc, có sừng ngắn, nhẵn, mỏng và cong ngả về phía sau,…sau đó tiến hành đánh số tai, ghi chép và phân nhóm dê giống bố, mẹ thành các gia đình dê lai khác nhau để quản lý ghép đôi, giao phối tránh cận huyết ở thế hệ sau.

Đối với dê cái, chọn 100 con dê cỏ địa phương có màu vàng nâu hoặc đen loang trắng, tuổi trên 07 tháng tuổi, có trọng lượng 12 - 15kg/con, có bố mẹ mắn đẻ, nhiều sữa, đẻ sai con, nuôi con khéo,… có ngoại hình thanh mảnh, đầu nhỏ, mình dài, phần sau phát triển, da mỏng, lông nhỏ và mịn. Bầu vú to, đều, mềm mại, ngoại hình đặc trưng của giống, hiền lành, phàm ăn.

Hằng ngày dê được chăn thả từ 7 - 9 giờ, ngoài thức ăn do dê tự tìm được trên núi ta cần bổ sung thêm thức ăn tinh như: Ngô, sắn, khoai lang,… là những loại thức ăn dê ưa thích. Trong quá trình nuôi, ta cần tiêm đầy đủ vacxin cho dê như lở mồm long móng, đậu dê, tụ huyết trùng,… và tiến hành tẩy ký sinh trùng.

Phương án thực hiện ghép phối giống cho dê:

Xây dựng 01 mô hình sản xuất dê lai bố mẹ theo phương thức bán thâm canh, dê cái được chọn lọc theo tiêu chuẩn dê giống và được chia nhóm 10 con/nhóm. Tiến hành dẫn nhóm dê đực (2 - 3 con) vào từng ô dê cái theo sơ đồ bố trí phối giống đã sắp xếp, theo dõi quá trình phát hiện dê cái động dục của dê đực và kết quả dê đực phối giống với dê cái. Đến thời kỳ động dục, dê cái phát ra mùi đặc trưng lôi cuốn dê đực, chúng sử dụng khứu giác đặc biệt của mình phát hiện ra dê cái động dục và bám theo kích thích dê cái để tiến hành phối giống, mặt khác, dê cái động dục chúng có phản xạ đi tìm đến dê đực bám quanh dê đực. Sau khi phối giống xong nếu quan sát thấy dê cái cong gập người lại đi tiểu là biểu hiện sự phối giống đã thành công. Sau đó, tiến hành chuyển số dê cái đã phối giống vào ô chuồng nuôi tập trung sau phối theo thứ tự các ngày phối giống.

Nếu dê phối giống không thụ thai thì sẽ động dục vào chu kỳ tiếp theo (khoảng 19 - 23 ngày). Vì vậy, từ 7 - 10 ngày sau phối giống, tiến hành cho dê đực vào ô chuồng nuôi, mục đích cho dê đực phát hiện và phối giống cho những dê cái không chửa nay đang động dục lại, đồng thời, ghi chép đầy đủ số liệu vào sổ theo dõi và vào công cụ theo dõi.

Kết quả sau thời gian phối giống, khoảng 145 - 155 ngày dê cái sẽ đẻ. Số con giống lần 01 mang thai dao động từ 51 - 72%, số con giống lần 2 mang thai 12 - 39%, những con giống lần thứ 3 mang thai sẽ theo dõi để loại dần, thay thế bằng dê cái khác. Khoảng cách các lứa đẻ khoảng 214,19 - 216,45 ngày với số con đẻ ra khoảng từ 1 - 2 con/lứa.

Như vậy, sau thời gian nhân giống, tổng đàn dê sinh sản được tại mô hình là 407 con. Trong đó, lứa thứ nhất (135 con), lứa thứ 2 (135 con), lứa thứ 3 (137 con). Đồng thời dự án đã lựa chọn được 109 dê cái lai làm nền thay thế đàn dê cỏ địa phương.

Nuôi thương phẩm dê lai hướng thịt:

Dự án đã xây dựng mô hình nuôi dê lai thương phẩm với 275 con gồm dê đực và dê cái không đủ tiêu chí làm giống.

Theo dõi kết quả mô hình nuôi dê tại Hợp tác xã Tả Lủng cho thấy, nuôi dê ở lứa thứ nhất, dê sơ sinh trung bình nặng 1,56kg/con và 1,94kg/con, lúc 3 tháng tuổi đạt 13,14kg và 14,93kg; đến 6 tháng tuổi đạt 22,88kg/con và 24,95kg/con; 9 tháng tuổi đạt 30,15kg/con và 33,03kg/con và kết thúc 12 tháng khối lượng đạt 36,68kg/con và 40,60kg/con. Tính trung bình dê xuất chuồng đạt 38,64kg/con.

Sang lứa thứ 2, khối lượng của con đực luôn cao hơn con cái. Tính trung bình khi dê sinh ra đến khi xuất bán thịt dê đực của mô hình tăng 107,54g/con/ngày và dê cái đạt 97,61g/con/ngày. Kết quả, sau 12 tháng, lợi nhuận thu được từ nuôi dê thịt trong mô hình nuôi dê bố mẹ đạt 260.659.000đ, tính ra lợi nhuận thu được 1.063.417đ/con, cao hơn 2,14 lần so với nuôi dê cỏ địa phương trước khi thực hiện mô hình.

Đồng thời, dự án cũng đã xây dựng mô hình nuôi dê lai thương phẩm phân tán: Lựa chọn 20 hộ đủ tiêu chuẩn đáp ứng các tiêu chí tham gia nhân rộng mô hình nuôi dê của dự án, với quy mô mỗi hộ 6 dê sinh sản, dự án hỗ trợ dê đực giống để phối giống với dê cái của hộ dân. Số dê lai của 20 hộ dân sau 3 lứa đẻ đạt 487 con, trong đó, lứa thứ nhất được 155 con, lứa thứ 2 được 164 con, lứa thứ 3 được 168 con. Sau thời gian nuôi, khối lượng trung bình đạt 36,41kg/con.

Đánh giá khả năng cho thịt của dê lai, cho thấy, khối lượng giết mổ sau 12 tháng tỷ lệ xẻ thịt của dê lai nuôi đạt 45%, tỷ lệ thịt tinh đạt 35 - 36%, cao hơn so với tỷ lệ xẻ thịt của dê cỏ địa phương đạt 42%, tỷ lệ thịt tinh đạt 32%.

Như vậy, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nhân giống, chăn nuôi dê cỏ địa phương sinh sản, đúng quy trình được chuyển giao, bước đầu đã đem lại một số kết quả nhất định và có thể khẳng định, việc đưa dê đực Boer lai để phối giống với dê cỏ địa phương trên địa bàn huyện Mèo Vạc cho thấy dê thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên và chăn nuôi tại nông hộ, dê sinh trưởng và phát triển tốt, bước đầu nâng cao được khả năng cho thịt của con lai so với dê thịt cỏ địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân từ việc bán dê thịt và tận dụng được lượng phân dê (khoảng 3kg/con/ngày) dùng để bón cho cây và các loại rau, tạo ra nguồn thức ăn quay trở lại phục vụ cho chăn nuôi...

Từ những kết quả đã đạt được, Ban chủ nhiệm dự án đề nghị quảng bá cũng như nhân rộng kết quả mô hình đến người chăn nuôi trên địa bàn huyện, góp phần phát triển kinh tế cho các nông hộ và từ đó tạo đà cho sự phát triển kinh tế  của địa phương./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 3 2023

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 7

Hôm nay: 82

Tháng này: 4750

Tổng lượt truy cập: 163701