Ngày đăng: 01/11/2023 / Lượt xem: 84
Xem với cỡ chữ

Phương pháp nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế

Lươn là loài thủy sản được thị trường ưa chuộng vì có giá trị dinh dưỡng cao và thịt thơm ngon, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Lươn sống phổ biến trong các ao, hồ, sông, ruộng lúa, nơi có mùn bã hữu cơ và sinh vật nhỏ làm thức ăn. Tuy nhiên, lươn ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, do khai thác bừa bãi khiến nguồn lươn tự nhiên bị giảm nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu về nguồn lươn thương phẩm hiện nay, phong trào nuôi lươn phát triển mạnh ở nhiều địa phương với rất nhiều hình thức nuôi khác nhau, phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất có rễ cây tạp hay thực vật thủy sinh che mát cho lươn. Tuy nuôi lươn theo cách thức truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế khá cao nhưng cũng đã bộc lộ một số hạn chế như khó quản lý số lượng, tốc độ tăng trưởng, tình hình bắt mồi, dịch bệnh… do lươn chui rúc trong bùn.


Trước thực tế trên, việc nuôi lươn không bùn là mô hình nuôi lươn khắc phục được những hạn chế của mô hình nuôi lươn truyền thống, khả năng thâm canh cao đáp ứng yêu cầu của nhà nông và được nhiều hộ gia đình áp dụng vì dễ quản lý số lượng, lượng thức ăn dư thừa và dịch bệnh. Với cách nuôi này lươn phát triển nhanh, ít hao hụt, khả năng kháng bệnh tốt cho hiệu quả kinh tế vượt trội… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Lươn thường được nuôi trong các bể xi măng, bên trong có ốp gạch men/gạch tàu hoặc lót bạt giúp lươn không bị trầy xước, hoặc có thể đóng khung tre, lót bạt để tiết kiệm chi phí. Ngoài ra, cần chọn vị trí yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát, nơi có địa thế hơi cao, quang đãng, tránh bão, lụt; nơi gần nguồn cấp nước để thuận tiện trong việc thay nước cho lươn.

Vì vậy, nuôi lươn không bùn có thể được coi là giải pháp mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân lựa chọn và nuôi thử nghiệm. Sau đây là phương pháp nuôi lươn không bùn, các hộ nuôi có thể tham khảo và tùy vào điều kiện mặt bằng hoặc theo quy mô của từng hộ gia đình có thể xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình (theo nguồn sonongnghiep.hatinh.gov.vn; maynongnghiepbinhminh.com).

Bể nuôi lươn:

Nuôi lươn trong bể xi măng:

Chúng ta có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng lợn cũ sửa chữa lại để làm bể nuôi lươn. Hoặc xây dựng bể nuôi mới thì có thể xây dựng bể nuôi từ 4 – 6m2 hoặc 10 – 20m2, độ cao thành bể từ 0,8 đến 1m. Mực nước 30 - 40cm, trên mặt nước thả bèo tây hoặc lục bình khoảng 1/3 diện tích bể để tạo bóng mát cho lươn. Trên mặt bể, treo dây nilon thành từng chùm để cho lươn trú ẩn. Bể nên thiết kế ống cấp nước và thoát nước chủ động để dễ dàng thay nước. Hệ thông ống cấp/thoát nên làm đối diện nhau, bể phải trơn láng, đáy bể thiết kế nghiêng về chỗ thoát nước. 

Nuôi lươn trong bể lót bạt:

Bể được lót trên nền đất bằng phẳng, đổ cát san đều trước khi trải bạt tránh hư hỏng; bờ phải vững chắc, làm bằng đất hoặc bằng gạch. Làm bể hình chữ nhật, chiều cao thành bể so với mực nước trong bể từ 40 - 60cm. Bờ cần có gờ hoặc lưới giăng để tránh lươn vượt bò đi mất, nhất là khi trời mưa. Các ống cấp, thoát nước độc lập, nên có ống xả tràn, các ống phải có lưới chắn.

Do lươn là một loài không ưa ánh sáng, thích sống chui rúc nên bể nuôi phải có mái che, hoặc làm giàn trồng cây leo tránh sự thay đổi nhiệt độ. Lươn thích sống chui rúc, ưa tối nên phải có hệ thống giá thể, giá thể làm khung nẹp tre hoặc nhựa PVC, sợi nilon tối màu bó thành từng bó hoặc có thể dùng cỏ, cây bắp, cây đậu xanh phơi khô cột thành bó đặt ở giữa bể nuôi chiếm từ 1/2 - 2/3 diện tích và cách vách bể từ 0,5 - 0,7m để làm nơi trú ẩn cho lươn.

Chuẩn bị bể nuôi trước khi thả lươn:

Đối với bể mới xây, ta cần đưa nước vào bể để rửa, đối với bể cũ cần tháo cạn nước, rửa sạch. Sau đó dùng vôi tạt đều nơi thành và đáy bể hoặc dùng chlorin 10ppm để diệt mầm bệnh và điều chỉnh độ pH. Phơi nắng bể từ 1 - 2 ngày, sau đó đưa nước vào đầy bể và ngâm từ 4 - 5 tiếng và tháo cạn nước để cấp nước mới vào thả giống. Trước khi thả lươn 2 ngày, cho nước vào bể nuôi đúng mực nước quy định và kiểm tra các điều kiện môi trường như: Nhiệt độ nước từ 25 – 27oC, độ pH từ 7 - 8, sử dụng Oxy hòa tan từ 2 - 4 mg/lít trước khi thả lươn.

Chọn giống:

 Là khâu quan trọng nhất trong quá trình nuôi lươn. Vì vậy, nên chọn giống có xuất xứ rõ ràng, tốt nhất nên chọn con giống lươn đồng khỏe mạnh, kích cỡ đồng đều, không bệnh. Nên chọn loại lươn thân vàng có chấm lớn, vận động linh hoạt, không xây xát, thương tổn, mất nhớt vì loại này lớn rất nhanh; không nên chọn lươn màu nhợt nhạt, có màu vàng xanh hoặc xám tro vì yếu và khó nuôi, tăng trưởng chậm.

Mật độ thả:

Lươn có thể thả nuôi quanh năm nhưng thời điểm thích hợp nhất để thả lươn là từ tháng 4 đến tháng 9 dương lịch với mật độ thả dao động từ 50 - 80 con/m2.

Thuần dưỡng trước khi thả:

Cần có bể để thuần dưỡng, phân cỡ và phòng trị bệnh trước khi đưa vào nuôi thương phẩm. Bể thuần dưỡng cần để nơi thoáng mát và yên tĩnh, tránh ánh nắng trực tiếp, không cho ăn trong 2 - 3 ngày đầu để lươn thích nghi với môi trường nuôi nhốt, mật độ thuần dưỡng từ 2 - 4 kg/m2, thay nước từ 1 - 2 lần/ngày. Hàng ngày theo dõi và loại bỏ những con bị bệnh, yếu và những con có dấu hiệu bệnh. Sau từ 10 - 15 ngày tiến hành cho lươn vào bể nuôi thương phẩm.

Thức ăn, chăm sóc lươn nuôi

Sau khi thả giống lươn khoảng 1 – 2 ngày đầu, không cho lươn ăn, tạo điều kiện để lươn thích nghi với môi trường trong bể nuôi. Khoảng 3 - 5 ngày mới bắt đầu cho ăn, vì vậy, trong giai đoạn đầu cần phải thuần dưỡng, cho ăn các loại thức ăn dễ kiếm, giá rẻ, tăng trọng nhanh.

Thức ăn cho lươn là có nguồn gốc từ động vật như tép, cá tạp, ốc bươu vàng cắt nhỏ sẽ giúp cho lươn lớn nhanh hơn là lươn ăn thức ăn từ thực vật. Vì vậy nên cho lươn ăn thức ăn phù hợp cỡ mồi theo kích cỡ lươn nuôi, thức ăn chủ yếu là cá tạp, cá biển, trùn, ốc, nhái cộng thêm muối khoáng, vi lượng, vitamin thích hợp. Thức ăn phải tươi, không bị ươn thối, có thể cho lươn ăn thức ăn viên hoàn toàn, hoặc hình thức pha trộn thức ăn cá tạp + thức ăn viên,…

Chú ý cách chế biến thức ăn cho lươn: Với cá, tép cần được băm nhỏ, xay nhuyễn, với thức ăn viên công nghiệp cần cho vào nước rã ra và làm vón thành những cục lớn, với thức ăn là trùn quế ta cần rửa sạch sau đó đưa vào tủ cấp đông rồi cho lươn ăn.  

Cho lươn ăn ngày 2 lần vào lúc sáng sớm (6 - 7h) và chiều tối (18 - 19h), lượng thức ăn mỗi ngày bằng 5 - 7% tổng trọng lượng đàn lươn. Dụng cụ cho ăn là sàn tre đan thưa hoặc bằng sàng lưới cước được đặt cách mặt nước 10 - 20cm, vị trí đặt sàn ăn gần với cống thoát nước. Sau khi cho ăn khoảng 3 đến 4 giờ, kiểm tra lại sàng ăn để xem khả năng lươn ăn mồi, qua đó điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp ở lần kế tiếp.

Quản lý bể nuôi lươn không bùn:

Nên để mực nước trong bể nuôi từ 20 - 30cm, kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, oxy hòa tan,… Ðịnh kỳ thay nước 1- 2 ngày/lần để tạo môi trường trong sạch cho lươn phát triển tốt, lượng nước thay tối đa 70% lượng nước nuôi. Mỗi ngày cần gom chất thải, thức ăn thừa lắng ở đáy ao và xả ra ngoài. Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cần có biện pháp che mát cho bể nuôi, khi mưa lớn cần để ống xả tràn phòng khi nước trong bể dâng cao. Đặc biệt vào ban đêm, nhất là mùa khô nóng, nếu thiếu oxy hòa tan cần thay nước kết hợp với chạy máy sục khí. 

Quản lý hoạt động và sức khỏe lươn:

Luôn theo dõi, quan sát hoạt động của lươn để có các biện pháp xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố. Định kỳ 30 ngày/lần tiến hành bắt 30 con lươn đo chiều dài và khối lượng để có căn cứ tính toán lượng thức ăn trong giai đoạn tiếp theo. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường tiến hành bắt lươn lên kiểm tra, nhận biết các dấu hiệu thay đổi trên cơ thể.

Phòng bệnh khi nuôi lươn không bùn:

Phòng bệnh cho lươn trong điều kiện nuôi nhân tạo, lươn hay mắc bệnh ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và tỷ lệ sống. Vì vậy, công tác phòng bệnh cho lươn là rất cần thiết, cần phải đặt lên hàng đầu. Trước tiên làm sạch môi trường nước và bể nuôi lươn. Cần sát trùng bể bằng Iodine (nồng độ 1 ppm) để hạn chế mầm bệnh và xổ giun cho lươn bằng các sản phẩm trị nội ký sinh trùng; bổ sung thêm men tiêu hoá, Vitamin C, Premix khoáng để hỗ trợ tiêu hoá, bổ sung dinh dưỡng và tăng sức đề kháng cho lươn nuôi.

Một số bệnh thường gặp

Bệnh sốt nóng: Khi phát hiện bệnh cần giảm mật độ nuôi, thay nước, có thể dùng dung dịch sunphat đồng 0,07% với lượng 0,5 - 0,7g/m3 nước, sau 24h tiến hành thay thế nước.

Bệnh lở loét: Trước khi nuôi sát trùng bể bằng vôi, vào mùa hay mắc bệnh cần kết hợp dùng thuốc tím 3g/m3 hòa tan vào nước tạt đều khắp bể nuôi.

Bệnh tuyến trùng: Dùng thuốc tím 2 - 3g/m3 hoặc Iodine 1 - 1,5g/m3 hòa tan với nước tạt đều khắp bể nuôi.

Thu hoạch lươn thương phẩm:

Lươn sinh sản vào tháng 4 - 5 âm lịch, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng là có thể thu hoạch. Sau thời gian nuôi, khi lươn đạt kích cỡ thương phẩm khoảng 300g/con, ta tiến hành thu hoạch, trước khi thu hoạch nên cho lươn nhịn ăn 1 ngày. Nên chọn thời điểm thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều mát. Tiến hành bắt từng mẻ và thu gọn, mang lươn thả vào bể chứa tạm trước khi vận chuyển nhanh đến nơi tiêu thụ. Khi vận chuyển không chuyển với mật độ quá dày làm cho lớp lươn bên dưới dễ bị ngạt và chết, sau khi thu hoạch cần vệ sinh bể sạch sẽ để chuẩn bị cho việc nuôi vụ lươn tiếp theo.

Với kỹ thuật nuôi trên, đây là cách chăn nuôi được nhiều bà con áp dụng thành công. Vì vậy, phương pháp nuôi lươn không bùn này có thể áp dụng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang, là phương pháp để người dân có thể áp dụng mở rộng phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN số 3 2023

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 2

Hôm nay: 460

Tháng này: 4368

Tổng lượt truy cập: 163319