Ngày đăng: 07/12/2023 / Lượt xem: 82
Xem với cỡ chữ

Nông dân nắm bắt cơ hội chuyển đổi số

Hòa cùng xu thế chuyển đổi số hiện nay, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và mức thu nhập.


Khoảng 2 năm trở lại đây, một phần công việc hàng ngày của chị Lý Mùi Chiều, xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) là sử dụng điện thoại để chụp ảnh hoặc livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm chè Shan tuyết của địa phương tới người tiêu dùng trong cả nước. Với diện tích chè gần 2 ha, trước đây gia đình chị chủ yếu thu hoạch rồi bán chè tươi cho các HTX thu mua. Sau khi thấy sản phẩm chè sao tay được nhiều người quan tâm, tìm mua, gia đình chị đã chủ động hái chè và tự sao, sấy, đóng gói với phương pháp thủ công. Để tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng, chị đã tích cực quảng bá, đưa sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Tiktok...

Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá chè Shan tuyết trên các nền tảng số.
Người dân xã Thông Nguyên (Hoàng Su Phì) sử dụng điện thoại thông minh để quảng bá chè Shan tuyết trên các nền tảng số.

Chị Lý Mùi Chiều chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ đã giúp gia đình tôi tiếp cận dễ dàng và nhanh chóng hơn với nhiều đối tượng khách hàng đến từ mọi miền Tổ quốc. Nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh, thành cũng đã đặt mua chè của gia đình tôi vì được sao, sấy hoàn toàn thủ công và nguyên liệu nằm trong vùng chè đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Không những giúp người bán không tốn chi phí mở cửa hàng, thuê nhân viên, dễ dàng hơn trong tiêu thụ mà việc đưa sản phẩm lên các nền tảng số còn đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như không cần đến tận nơi mà khách hàng vẫn có thể biết tất cả những thông tin thuộc tính của sản phẩm mình sẽ mua như: Màu sắc, hình dáng, xuất xứ… Nhiều kênh bán hàng trực tuyến còn hiển thị cả những đánh giá của người mua, giúp khách hàng dễ dàng hơn khi lựa chọn.

Còn với HTX sản xuất rau sạch và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Tân Đức, xã Đạo Đức (Vị Xuyên) những năm gần đây cũng tích cực ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Ngoài việc tích cực giao dịch điện tử, đưa sản phẩm lên các nền tảng số để tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng hơn; HTX còn áp dụng nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, tem truy xuất nguồn gốc, từng bước hướng đến sản xuất nông nghiệp thông minh. Ông Đoàn Công Oánh, đại diện HTX cho biết: Với những người nông dân như chúng tôi, bước đầu tiếp cận với công nghệ số cũng gặp một số khó khăn nhất định. Dưới sự hướng dẫn của cán bộ các ngành chuyên môn, HTX đã từng bước tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ngày càng biết đến nhiều hơn, có đầu ra và giá thành ổn định, các thành viên HTX vô cùng phấn khởi, yên tâm phát triển sản xuất.

Theo báo cáo của ngành chuyên môn, đến nay, tổng số hộ sản xuất nông nghiệp đã có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử là 117.881 hộ, các hộ đều được tập huấn tham gia giao dịch điện tử; 100% sản phẩm OCOP của tỉnh đều được đưa lên sàn thương mại điện tử. Trong 9 tháng đầu năm, tổng số giao dịch trên sàn thương mại điện tử Postmart và Voso là 2.734 giao dịch, giá trị giao dịch khoảng 3 tỷ đồng. Các sở, ngành chuyên môn của tỉnh cũng chủ động cung cấp thông tin hữu ích trên các nền tảng số để nông dân dễ dàng nắm bắt như dự báo nhu cầu của người tiêu dùng, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống; cung cấp thông tin về các thị trường tiêu thụ, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hoàng Hải Lý cho biết: Để hỗ trợ nông dân bắt nhịp với chuyển đổi số, ngành đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, các huyện, thành phố tăng cường tổ chức tập huấn cho bà con nông dân những kỹ năng cơ bản như truy cập và sử dụng internet, giới thiệu sản phẩm trên các nền tảng số, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử; giúp nông dân, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn thay đổi cách thức quản lý và phương thức bán hàng. Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất cũ, quy mô nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung hàng hóa, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, có năng suất, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Tiếp tục ứng dụng tem truy xuất nguồn gốc; nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển số ngành Nông nghiệp một cách hiệu quả và bền vững.

Nguồn tin: https://baohagiang.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 4

Hôm nay: 18

Tháng này: 3208

Tổng lượt truy cập: 162159