Ngày đăng: 23/02/2024 / Lượt xem: 83
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS). Các DTTS cư trú trên địa bàn rộng lớn, phân tán và chủ yếu sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Trong những năm qua thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS &MN) trên nhiều lĩnh. Từ năm 2016 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến việc ưu tiên phát triển KT-XH vùng DTTS &MN, trong đó có 15 đề án, chính sách dân tộc. Hiện nay có 54 chính sách còn hiệu lực hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS &MN và hỗ trợ cho đồng bào DTTS….


Để tập trung nguồn lực, chính sách đầu tư vào những vùng khó khăn nhất của cả nước, ngày 3/11/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2016/QĐ-TTg ban hành tiêu chí thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng DTTS&MN. Theo đó xã thuộc vùng DTTS&MN được xác định theo ba khu vực: Xã khu vực III là xã có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; xã khu vực II là xã có điều kiện KT-XH còn khó khăn nhưng đã tạm thời ổn định và xã khu vực I là những xã còn lại đã hết khó khăn và bước đầu phát triển.

Trên cơ sở tiêu chí được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì cùng các địa phương rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 phê duyệt danh mục gồm 5.266 xã vùng DTTS&MN, trong đó có 1.935 xã vùng đặc biệt khó khăn (vùng III) và 2.018 xã vùng khó khăn (vùng II) và 1.313 xã bước đầu phát triển (xã vùng I) ở 51 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để quản lý và triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả, cần thiết phải nghiên cứu ban hành nhiều văn bản quản lý, cơ chế, chính sách đặc thù... cho phù hợp với tình hình thực tiễn vùng DTTS, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội ĐBKK. Xuất phát từ thực tiễn này, TS. Hà Việt Quân cùng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Tư vấn chuyển giao khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường vùng dân tộc và miền núi thực hiện “Nghiên cứu, đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ, phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đánh giá thực trạng, đề tài đề xuất một số chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn giai đoạn 2020-2025.

Chính sách kinh tế - xã hội hay chính sách công là tổng thể các quan điểm, tư tưởng, các giải pháp và công cụ mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các chủ thể kinh tế - xã hội nhằm giải quyết vấn đề chính sách, thực hiện những mục tiêu nhất định theo định hướng mục tiêu tổng thể của đất nước. Hệ thống chính sách kinh tế - xã hội quốc gia có thể phân loại theo nhiều tiêu chí khác nhau để thành các nhóm chính sách với các đối tượng, lĩnh vực, phạm vi, thời gian tác động cụ thể hơn và cấp độ ban hành khác nhau như: Nhóm chính sách kinh tế, xã hội, văn hóa, an ninh quốc phòng; nhóm chính sách vĩ mô, vi mô, chính sách vùng; chính sách dài hạn, ngắn hạn...

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta là một bộ phận của chính sách công quốc gia nhằm phát triển, khai thác tiềm năng, thế mạnh, truyền thống của các dân tộc và vùng đồng bào dân tộc trong mối quan hệ hữu cơ với các vùng khác, hướng tới phát triển bền vững của đất nước. Ngay từ những ngày đầu của một quốc gia độc lập, Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức đúng đắn về vấn đề dân tộc và đã sớm đƣa vào Hiến pháp, pháp luật và các văn bản nghị quyết chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

Chính sách dân tộc là loại chính sách đối với lĩnh vực, đối tượng đặc thù của giai cấp cầm quyền trong điều kiện của quốc gia đa dân tộc như nước ta hiện nay. Từ khái niệm chính sách công như đã nêu ở trên, từ trước đến nay đã có một số khái niệm đưa ra về chính sách dân tộc như: “Chính sách dân tộc là tập hợp những quan điểm, đường lối, chính sách và những giải pháp thực hiện của nhà nước, tác động trực tiếp đến các dân tộc và mối quan hệ dân tộc”. Theo đó, chính sách dân tộc được đề cập trên hai phương diện đó là quốc gia (theo định nghĩa trên) và trên bình diện quốc tế, thể hiện quan điểm, thái độ của nhà nước đối với các dân tộc và quốc gia - dân tộc khác trên thế giới.

Trong những năm qua, mặc dù Đảng và Nhà nước đã quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, tạo mọi điều kiện để đồng bào các DTTS phát triển, trong đó có ưu tiên vùng KK&ĐBKK. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả to lớn đã đạt được, hệ thống chính sách DTTS có điều kiện kinh tế-xã hội KK&ĐBKK vẫn còn một số bất cập như: (1) Xác định địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn còn bất cập; (2) Ngân sách cấp cho việc thực hiện chính sách đặc thù còn thấp, không đủ như kế hoạch đã ban hành; (3) Về tổ chức triển khai thực hiện chính sách còn nhiều bất cập, nhiều đầu mối quản lý và chồng chéo về nội dung; (4) Còn thiếu các chính sách phân vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; (5) Vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra ở vùng KK&ĐBKK cần được giải quyết ngay.

Để nâng cao hiệu quả và bổ sung, sửa đổi các chính sách hỗ trợ, phát triển ở vùng KK&ĐBKK, trong thời gian tới cần thực hiện tốt các quan điểm: Một là, phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội; xác định đầu tư cho vùng KK&ĐBKK là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước; Hai là, đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện chính sách, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân; Ba là, hệ thống chính sách phát triển kinh tế - xã hội phải dựa trên nền tảng khoa học – công nghệ, kinh tế tri thức, hội nhập với quốc tế; Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, ưu tiên tập trung nguồn lực vào địa bàn KK&ĐBKK. Và thực hiện tốt, đồng bộ năm nhóm giải pháp: (1) Sửa đổi, bổ sung các tiêu chí để xác định chuẩn xác hơn vùng KK&ĐBKK; (2) Ưu tiên nguồn lực, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nông thôn; (3) Đa dạng hóa các nguồn sinh kế; (4) ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; (5) Đảm bảo các chính sách ổn định xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc;

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19450/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 2

Hôm nay: 83

Tháng này: 2870

Tổng lượt truy cập: 161821