Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/01/2024 / Lượt xem: 7
Xem với cỡ chữ

Cách trồng và chăm sóc Chanh ngón tay - Loại quả có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay

Chanh ngón tay – là loại quả có giá trị kinh tế cao trên thị trường hiện nay, có tên khoa học là Microcitrus australasica, là loại cây kì lạ trên thế giới có nguồn gốc từ Úc, tên tiếng anh là "finger lime" do hình thù của quả chanh giống như những ngón tay cái thuôn dài của con người. Ngoài tên gọi này, chanh ngón tay còn thường được gọi bằng tên gọi “chanh trứng cá hồi” do khi bổ đôi ra, những tép chanh bên trong trông không khác gì những quả trứng cá hồi.


Về đặc điểm hình dáng, chanh ngón tay là một loài thực vật có hoa thuộc họ cam chanh, tuy nhiên, chúng có đặc điểm khác biệt so với những giống cam chanh khác là lá và hoa rất nhỏ. Chúng có thân thẳng, lá nhỏ hơn so với các loại chanh khác nhưng gai lại khá lớn và nhiều. Chiều cao cây khi trưởng thành có thể lên tới 3m, từ 6 - 12 tháng sẽ ra hoa nhỏ màu trắng khá thơm và kết trái, quả thường phát triển rộ từ tháng 12 đến tháng 4, qủa chanh nhỏ mọc thuôn dài hình trụ đạt tiêu chuẩn có chiều dài từ 8 - 12cm, đường kính 2 - 3cm, trọng lượng 80 - 100 trái/kg chứa đựng mùi thơm khá đặc trưng, tép chanh có vị chua dịu.

Điểm đặc biệt nữa là quả chanh không chỉ có một màu mà theo bộ giống của loại chanh này có tới 24 màu, tuy nhiêm, trên thị trường hiện nay chúng có 4, 5 màu sắc khác nhau khá bắt mắt (từ xanh nhạt, xanh đậm, đỏ tươi cho đến đỏ hung), có nơi đã trồng thành công khoảng 15 màu như đỏ, hồng, tím, xanh, trắng,... Trong đó, màu xanh và trắng được trồng nhiều hơn để bán thương phẩm, vì cây nhanh đậu quả, trái có mùi thơm hơn. Toàn bộ quả chanh phần tinh dầu tập trung nhiều nhất ở vỏ, khi chín phần vỏ bên ngoài quả chanh khá mỏng và mọng nước, bổ đôi quả ra và bóp nhẹ hai đầu, phần ruột bên trong sẽ trào ra như trứng cá hồi rất thú vị.

Nhờ hình dáng lạ mắt từ bên ngoài lẫn bên trong, tép chanh tròn, mọng nước, hàm lượng vitamin C cao gấp 3 lần chanh thường , vì có lượng vitamin C, E,… dồi dào nên quả chanh ngón tay có lợi ích rất lớn nếu bổ sung trong khẩu phần ăn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa lão hóa làn da, kích thích collagen, giảm huyết áp và bệnh thiếu chất sắt. Thông thường, người ta sẽ sử dụng loại chanh này vào ẩm thực, hương vị chua ngọt, thơm nồng của nó thích hợp để dùng chung với các món hải sản tươi sống, các món sashimi hay các món xào salad... Với nhiều lợi ích về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe cũng như trong ẩm thực nên rất được ưa thích, thời gian gần đây rất có giá trị trên thị trường, chúng đắt hơn bất cứ loại chanh tươi nào do có mùi thơm rất đặc biệt, vị chua ngọt không hề giống các loại chanh của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, quả chanh ngón tay có giá khoảng 2.500.000đ/kg, giá bán cây giống vào khoảng 350.000đ/cây, đây là thông tin khá thú vị cho bà con lựa chọn để áp dụng nhằm tìm hướng đi trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Hiện cây sinh trưởng và phát triển tốt tại các vùng của Việt Nam như miền tây nam bộ, tây nguyên, cây đã được trồng thành công tại một số tỉnh thành Bến Tre, Đà Lạt... đây cũng là loại cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt khi trồng trong chậu cảnh hoặc ở sân vườn với nhiệt độ thích hợp là 20 đến 25oC cho sản lượng tốt. Sau đây là cách trồng và chăm sóc chanh ngón tay mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Kỹ thuật trồng cây chanh ngón tay:

Cây chanh ngón tay được du nhập vào châu Á khá lâu, được trồng thử nghiệm ở Việt Nam, kết quả cho thấy cây thích nghi tốt với thổ nhưỡng và khí hậu. Thời điểm trồng cây thích hợp nhất từ tháng 12 đến tháng 6 bằng phương pháp ươm giống hạt hoặc chiết cành, ghép cành.

Về thời vụ và nhiệt độ trồng:

Cây chanh có thể trồng gần như quanh năm, là loại cây có thể sinh trưởng và phát triển tốt khi trồng trong chậu cảnh hoặc ở sân vườn. Nếu trồng vào mùa hè nên trồng dưới bóng râm mát sẽ giúp hạt giống nảy mầm tốt hơn hoặc cây giống sẽ nhanh bén rễ và phát triển xanh tốt (nếu trồng bằng cây giống con). Nhưng nếu trồng vào mùa mưa cần chú ý thoát nước cho cây vì nếu mưa nhiều thì đất sẽ bị lèn làm cho cây chết vì nghẹt rễ.

Ươm hạt:

Với việc trồng cây bằng phương pháp ươm hạt, người dân cần chọn kĩ lưỡng loại hạt giống để chọn ra loại hạt có chất lượng tốt giúp tăng khả năng nảy mầm cao nhất. Trước khi gieo hạt xuống đất, ta nên ngâm hạt trong vòng nửa ngày hoặc ngâm hạt vào nước ấm từ 6 -12 tiếng để làm lớp vỏ hạt mềm ra. Sau đó, tiến hành làm ẩm đất và giá thể ươm rồi đặt hạt vào giữa với khoảng cách 5cm/hạt, vùi 1 lớp đất mỏng lên trên, nên để khay giá thể nơi râm mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp. Duy trì độ ẩm cho đến khi hạt giống nảy mầm. Sau khi hạt giống nảy mầm, cây con sinh trưởng tốt trong giá thể, cần tiến hành chọn lựa những cây khỏe nhất đủ tiêu chuẩn và đưa ra đất trồng cố định. Tiến hành đào hố trồng với kích thước 60x60x60 cm hoặc 80x80x80cm, sau đó trộn đều các loại phân, vôi bột, một ít đất mặt cho xuống đáy hố, khi cho cây xuống hố cần lấp đất dày khoảng 20cm và đóng cọc để cây có độ chắc chắn.

Tuy nhiên, trồng cây bằng phương pháp ươm hạt này cho tỷ lệ nảy mầm thấp, phải mất 3 - 4 năm mới cho trái. Còn trồng bằng cây chiết ghép thì chỉ hơn 1 năm cây đã bắt đầu bói quả.

Tạo quả trái vụ:

So với việc trồng bằng phương pháp gieo hạt thì trồng bằng phương pháp chiết, ghép cây giống sẽ cho nhanh ra quả hơn, cây khỏe hơn, đặc biệt, người dân có thể chọn cách ghép chanh ngón tay trên gốc chanh, cam bản địa.

Tuy nhiên, việc tạo quả trái vụ cũng khá khó khăn và mất nhiều thời gian. Các chuyên gia chia sẻ, nếu muốn tạo quả trái vụ, ta nên dừng cung cấp nước và tưới phân,  hạn chế nguồn cung cấp dinh dưỡng cho cây khoảng 3 - 4 tuần, sau đó tiến hành bón phân tưới nước trở lại bình thường, nhờ cách thức này, cây sẽ cảm ứng và cho hoa quả sớm hơn thường lệ. Bên cạnh đó, ta nên thường xuyên bấm ngọn tạo tán ngang giúp cho quá trình chăm sóc và thu hái thuận lợi.

Bón phân cho cây:

Để cho cây sinh trưởng và phát triển tốt nhất, ta cần định kì cung cấp thật đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây bằng cách bón lót các loại phân chuồng hoai mục hoặc trộn phân đạm, lân, kali  theo tỷ lệ phù hợp vào từng hố. Cụ thể, bón lót từ 20 đến 25kg phân chuồng hoai + 1 đến 2kg supe lân + 100g ure + 100g kali hoặc 2kg phân NPK (tỷ lệ: 5-10-3-8)/hố, dùng cuốc trộn đều phân với đất, lấp cho gần đầy hố. Cần bón phân trước khi trồng từ 30 ngày trở ra.

Chăm sóc cây:

Là loại cây có khả năng kháng sâu bệnh và chịu hạn tốt, lại dễ chăm sóc, ít tốn chi phí nên rất được ưa thích.

Có thể thấy, giá trị của cây chanh ngón tay trên thị trường là rất lớn, cao gấp 100 lần chanh thông thường, có tiềm năng phát triển ở Việt Nam, hơn nữa, cây khoảng 5 năm tuổi trở đi mỗi cây có thể cho 20kg quả/năm... Tại tỉnh Hà Giang, hiện chưa phát triển mô hình trồng cây chanh ngón tay này, vì thế, với nhiều lợi ích và giá trị, người dân có thể lựa chọn và ứng dụng trồng thử nghiệm, tạo hướng đi mới trong phát triển kinh tế, tạo giá trị và nâng cao thu nhập, giúp người dân xóa đói giảm nghèo./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 15

Hôm nay: 3283

Tháng này: 27649

Tổng lượt truy cập: 350829