Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/01/2024 / Lượt xem: 7
Xem với cỡ chữ

Hợp tác phát triển khoa học và công nghệ các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc

Thực hiện Chương trình ký kết hợp tác phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) giữa các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, Sở KH&CN tỉnh Hà Giang đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác nhằm tổng hợp kết quả hoạt động hợp tác KH&CN của các tỉnh, qua đó tăng cường khả năng liên kết, hợp tác nhằm thúc đẩy cùng phát triển hoạt động KH&CN giữa các tỉnh.


Năm 2023, Sở KH&CN tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tổng kết Khối hợp tác lần thứ XI, với chủ đề “Hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc”. Hội nghị đã đánh giá chung về kết quả hoạt động KH&CN, hợp tác phát triển KH&CN, các mô hình tiên tiến, điển hình, đồng thời Hội nghị đã thông qua nội dung tham luận của 05 Sở KH&CN (Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Phú Thọ, Vĩnh Phúc) trong 02 năm qua và xác định nội dung, phương hướng hợp tác trong thời gian tới. Trong giai đoạn 2022 - 2023, hoạt động KH&CN các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ do UBND tỉnh, Bộ KH&CN giao.

Qua 02 năm hoạt động, Sở KH&CN các tỉnh đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc thực hiện Quyết định Số 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 và Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 của Bộ trưởng Bộ KH&CN về phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN và đổi mới sáng tạo chủ yếu đến năm 2025.

Đối với công tác chỉ đạo điều hành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, công tác quản lý KH&CN của địa phương đều có những chuyển biến tích cực, đã khơi dậy được phong trào ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, tạo được những tiền đề thúc đẩy các hoạt động KH&CN, góp phần nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà sản xuất đã coi KH&CN là lực lượng sản xuất trực tiếp và chủ yếu trong việc nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm hàng hoá. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá, sở hữu trí tuệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm và thương hiệu của từng địa phương. Chú trọng công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, kiểu dáng công nghiệp cho các sản phẩm của địa phương. Các nhiệm vụ KH&CN đã bám sát vào mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương, các kết quả nghiên cứu, chuyển giao, phổ biến ứng dụng KH&CN đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đột phá về năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi. Bên cạnh đó, công tác hợp tác KH&CN giữa Sở KH&CN các tỉnh với các Trường đại học, cao đẳng, các Viện, các Trung tâm nghiên cứu khoa học trên địa bàn ở mỗi tỉnh bước đầu đã tạo ra được tiếng nói chung trong việc hợp tác nghiên cứu KH&CN, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu hợp tác về hoạt động KH&CN,…

Về hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

Trong thời gian qua các tỉnh đã tập trung đổi mới công tác, các quan điểm lựa chọn, định hướng các đề tài, dự án hướng vào việc thực hiện các chương trình trọng điểm, các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh được lựa chọn, phê duyệt đã hướng vào thực hiện các mục tiêu phát triển KH-XH của tỉnh, tập trung cho các nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, các thành tựu về giống trong sản xuất nông lâm nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, phân bón vi sinh, công nghệ thông tin, truyền thông, bảo vệ tài nguyên, môi trường,... Thông qua triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, nhiều tiến bộ KH&CN trong cả nước đã được áp dụng trên địa bàn các tỉnh, các sản phẩm, giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, có lợi thế và có giá trị của tỉnh được chú trọng và phát triển. Trong thời gian vừa qua, 05 tỉnh có tổng số 298 đề tài, dự án (ĐT/DA) được triển khai thực hiện, trong đó có 38 ĐT/DA cấp nhà nước, 270 ĐT/DA cấp tỉnh (số ĐT/DA cấp tỉnh thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm 45,0%, lĩnh vực KHXH và nhân văn chiếm 23,2%, lĩnh vực khác chiếm 31,2%). Các nhiệm vụ KH&CN đều được xác định trên cơ sở bám sát vào Nghị quyết của Đảng bộ và chiến lược, đề án phát triển KH&CN của các tỉnh.

Đối với lĩnh vực xã hội - nhân văn: Các tỉnh tập trung nghiên cứu xác định, cung cấp các luận cứ khoa học và các giải pháp phục vụ phát triển KT-XH; nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hoá của địa phương, của dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trên địa bàn,…

Lĩnh vực nông lâm nghiệp: Các tỉnh ưu tiên các nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, sử dụng các giống cây trồng, vật nuôi có ưu thế cho năng suất, chất lượng cao, khả năng phòng chống dịch bệnh tốt, xây dựng các mô hình chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hoá theo hướng liên kết, chuỗi giá trị, nông nghiệp sạch; đẩy mạnh phát triển các giống cây, con đặc trưng, có lợi thế của tỉnh, có giá trị kinh tế cao để phát triển tạo ra các sản phẩm đặc sản của địa phương. Nổi bật như tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới, công nghệ hiện đại (như: Công nghệ trí tuệ nhân tạo xây dựng phần mềm thu thập đa nền tảng dữ liệu đa phương tiện về thực vật và phần mềm nhận dạng, truy xuất thông tin, quản lý tài nguyên thực vật chạy trên nền tảng PC, thiết bị di động,...)

Lĩnh vực công nghiệp - dịch vụ: Các nhiệm vụ KH&CN tập trung điều tra thực trạng công nghệ, các dự án trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng cho việc nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án; chú trọng tới công tác quản lý chất lượng đo lường hàng hoá lưu thông trên thị trường. Tăng cường việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Lĩnh vực tài nguyên và bảo vệ môi trường: Hoạt động nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã hướng vào các giải pháp quản lý tổng hợp, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu cho các vùng trọng điểm của tỉnh…

Lĩnh vực giáo dục, y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: Các tỉnh đã chú trọng ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong công tác y tế dự phòng, chẩn đoán điều trị, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy, xây dựng giáo trình đào tạo phù hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong công tác giảng dạy ở các cấp học, bậc học và ngành học...

Hoạt động quản lý công nghệ: Công tác quản lý công nghệ ở đa số các tỉnh đều dừng ở nhiệm vụ tham gia góp ý về công nghệ cho các dự án đầu tư trên địa bàn, nắm bắt thực trạng công nghệ thông qua báo cáo của các doanh nghiệp. Hiện đã có 3 tỉnh (Phú Thọ, Lai Châu, Lào Cai) có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.

Công tác quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT): Các tỉnh đã làm tốt vai trò tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ đăng ký, xác lập bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, giải pháp hữu ích đối với các sản phẩm có lợi thế, sản phẩm của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Trong 02 năm qua, 05 tỉnh đã có 437 nhãn hiệu đã được cấp, 21 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ, 460 đơn vị được xác lập quyền SHTT và đã có 12 buổi phát sóng trên Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh phổ biến về kiến thức SHTT.

Công tác quản lý an toàn bức xạ hạt nhân: Đã đạt được những kết quả tích cực, các tỉnh quan tâm tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật, hướng dẫn các cơ sở thực hiện nghiêm chỉnh công tác đảm bảo an toàn bức xạ. Hầu hết các cơ sở có sử dụng tia X-quang trên địa bàn các tỉnh đã được quản lý chặt chẽ và cấp phép theo đúng quy định. Các tỉnh đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn và kiểm soát bức xạ, đào tạo và cấp chứng chỉ cho các nhân viên phụ trách an toàn bức xạ. Đã có 191 đơn vị được hướng dẫn xây dựng hồ sơ, 237cơ sở sử dụng thiết bị bức xạ đang hoạt động, 7320 thiết bị bức xạ được cấp phép, 171 cán bộ được cấp chứng chỉ, có 409 học viên được tham gia 06 lớp tập huấn về an toàn bức xạ.

Hoạt động quản lý KH&CN cơ sở: Hoạt động KH&CN cấp cơ sở đã kiện toàn và đi vào hoạt động, phát huy tốt vai trò tham mưu, tư vấn trên lĩnh vực KH&CN của ngành, huyện và chỉ đạo tốt các hoạt động nghiên cứu triển khai ở cơ sở. Hệ thống các văn bản quy phạm về KH&CN đã được cung cấp, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ và người dân địa phương. Công tác tham mưu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được coi trọng và có sự chuyển biến tích cực, nâng cao hơn trách nhiệm của các cấp, các ngành trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Nhiều mô hình và tiến bộ kỹ thuật được áp dụng, phát huy hiệu quả thiết thực phục vụ sản xuất và đời sống, đồng thời tạo ra và phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, cụ thể: Tỉnh Phú Thọ đã hỗ trợ kinh phí cho thực hiện 60 ĐT/DA KH&CN cấp cơ sở với tổng kinh phí sự nghiệp KH&CN hỗ trợ trên 2.000 triệu đồng (Gà ác, cá Chạch lấu, cá Bỗng, cây Xạ đen, chè xanh Suối reo, ... ).

Công tác thông tin khoa học công nghệ: Trong thời gian qua, các tỉnh đã xuất bản 7.810 cuốn Bản tin KH&CN, 2.400 cuốn tập san KH&CN, 200 cuốn thông tin KH&CN, 48 số chuyên mục truyền hình và 126 trang báo. Công tác thông tin ngày càng được tăng cường, các Sở đều duy trì xuất bản ấn phẩm thông tin KH&CN phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực KH&CN. Các quy trình sản xuất, các tiến bộ kỹ thuật có thể áp dụng tại tỉnh, nhằm đưa KH&CN đến gần hơn với người dân và các doanh nghiệp. Công bố, phổ biến các kết quả nghiên cứu ứng dụng KH&CN trên địa bàn và kiến thức trên các lĩnh vực quản lý của ngành KH&CN như: SHTT, ATBXHN, thẩm định công nghệ và chuyển giao công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa… với các thông tin phong phú, được chuyển tải kịp thời bằng nhiều hình thức dưới dạng bản tin, thông tin, tập san xuất bản hàng tháng, hàng quý, trên website của Sở, chuyên trang KH&CN trên Báo, chuyên mục truyền hình trên đài Phát thanh và Truyền hình của tỉnh.

Hoạt động thanh tra khoa học công nghệ: Được tiến hành thường xuyên, tăng cường và đổi mới, tập trung thanh tra theo chuyên đề đối với các lĩnh vực, các sản phẩm có tác động lớn đối với xã hội như đo lường, chất lượng, nhãn hàng hoá và sở hữu công nghiệp đối với mặt hàng xăng, dầu và khí đốt hoá lỏng; về an toàn và kiểm soát bức xạ, kinh doanh đồ chơi trẻ em, kinh doanh mũ bảo hiểm xe máy... Các tỉnh đều đã phát huy tốt vai trò quản lý Nhà nước của thanh tra chuyên ngành KH&CN; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Các hành vi gian lận thương mại được phòng ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc theo quy định của pháp luật, góp phần làm trong sạch môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh và khu vực miền núi phía Bắc. Trong năm 2022 - 2023 thanh tra các tỉnh đã chủ trì phối hợp với các ngành tiến hành thanh tra định kỳ 20 cuộc đối với 201 đơn vị, số tiền phạt vi phạm 96 triệu đồng,…

Hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng (TC-ĐL-CL): Trong thời gian qua, hoạt động TC-ĐL-CL đã dần đi vào nề nếp, Sở KH&CN các tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền, kiểm tra pháp luật về đo lường chất lượng hàng hóa tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Giúp các cơ sở hiểu và chấp hành tốt các quy định của pháp luật về đo lường chất lượng hàng hóa. Đã hướng dẫn nhiều doanh nghiệp xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện công bố hợp quy cho các sản phẩm kinh doanh. Phối hợp và tổ chức các lớp tập huấn pháp luật về kinh doanh gas hóa lỏng. Chứng nhận hợp quy thuộc lĩnh vực quản lý của ngành KH&CN, dán tem CR theo yêu cầu của Cục Quản lý chất lượng. Kết quả: Có 698 đơn vị tự công bố Tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa phù hợp (Lào Cai 656 đơn vị, Lai Châu 35 đơn vị, Vĩnh Phúc 06 đơn vị, Phú Thọ 01 đơn vị). Công tác kiểm định thường xuyên được duy trì đều đặn, đáp ứng kịp thời đề nghị của các đơn vị, trong năm 2022 - 2023 đã kiểm định tổng 174.582 phương tiện đo (trong đó: Vĩnh Phúc 98.447 PTĐ, Phú Thọ 40.505 PTĐ, Lai Châu 15.334 PTĐ, Lào Cai 11.442 PTĐ, Hà Giang 8.854 PTĐ).

Phát triển doanh nghiệp KH&CN và hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một biện pháp đẩy mạnh sự phát triển thị trường KH&CN. Các tỉnh đã quan tâm phát triển các tổ chức trung gian hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao công nghệ (CGCN), đặc biệt là các tổ chức xúc tiến CGCN (như: Các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức môi giới công nghệ, định giá tài sản trí tuệ,…) hỗ trợ các Viện, trường chuyển giao các công nghệ vào sản xuất và đời sống thông qua Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào sản xuất và đời sống các giai đoạn (2016-2020 và 2021-2025); Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ… 

Hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN: Sở KH&CN các tỉnh đã chủ động phối hợp với các Học viện, trường Đại học và cao đẳng, các viện, Trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp khoa học trong và ngoài tỉnh nhằm nghiên cứu, ứng dụng triển khai các thành tựu KH&CN phục vụ phát triển KT-XH của mỗi tỉnh. Đồng thời các tỉnh đã liên doanh, liên kết và cử cán bộ tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ quản lý KH&CN ở một số nước như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapo, Ấn Độ, Pháp… Qua đó, hoạt động hợp tác đã nâng cao nhận thức, tiềm lực KH&CN cho tỉnh nhà.

Đối với các hoạt động khác: Công tác cải cách hành chính của các Sở luôn được duy trì thực hiện nghiêm túc, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận “Một cửa” tại Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh. 100% các mục tiêu chính của các hoạt động được triển khai theo đúng kế hoạch và thực hiện tốt TTHC về lĩnh vực KH&CN; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận “Một cửa” của các tỉnh. Công tác thống kê KH&CN, công tác đăng ký hoạt động KH&CN đã và đang đi vào nề nếp; các tổ chức KH&CN nghiêm túc thực hiện và có hiệu quả các lĩnh vực đã đăng ký. Các Sở tích cực vận động các doanh nghiệp tham gia Hội chợ công nghệ nhằm tuyên truyền, quảng bá các thành tựu KH&CN, các sản phẩm là thế mạnh của địa phương với tỉnh bạn, với thị trường trong nước và quốc tế.

Có thể khẳng định, các hoạt động KH&CN các tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong việc hợp tác và cùng hỗ trợ phát triển. Công tác hợp tác KH&CN giữa các Sở KH&CN với trường Đại học, Cao đẳng, các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học trên địa bàn ở mỗi tỉnh bước đầu đã tạo ra được tiếng nói chung trong việc hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu hợp tác về hoạt động KH&CN… Với những kết quả đạt được, trong dịp này, Khối hợp tác đã kết nạp thêm 03 tỉnh trong khu vực gồm Sở KH&CN Tuyên Quang, Cao Bằng và Bắc Kạn tham gia vào Khối hợp tác phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, nâng tổng số thành viên của Khối lên 08 tỉnh.

Tuy nhiên, hoạt động KH&CN các tỉnh còn thiếu những ĐT/DA có hàm lượng khoa học cao, có tác động mang tính chiến lược, có tính chất đột phá và các mô hình KH&CN nổi trội và có thể nhân rộng; hoạt động ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống còn chậm, hiệu quả chưa cao; tiềm lực KH&CN, cơ sở vật chất và trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và chưa được hiện đại hóa; việc thành lập mới doanh nghiệp KH&CN và chuyển đổi tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập để thành lập doanh nghiệp KH&CN còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại; hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa phong phú, kết quả còn hạn chế, chưa phát triển được các doanh nghiệp khởi nghiệp, số doanh nghiệp KH&CN còn ít,…

Trong thời gian tới, hoạt động, hợp tác, phát triển, các tỉnh sẽ tập trung vào việc tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đời sống. Từ đó đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, xây dựng những ĐT/DA có hàm lượng khoa học cao, mang tính chiến lược và có thể nhân rộng; đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho KH&CN, đồng thời tăng cường sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động KH&CN... Bên cạnh đó, hoạt động KH&CN tại các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc cần có sự quan tâm hơn nữa của Bộ KH&CN, UBND các tỉnh trong việc phát triển KH&CN./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 14

Hôm nay: 3420

Tháng này: 27786

Tổng lượt truy cập: 350966