Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/01/2024 / Lượt xem: 7
Xem với cỡ chữ

Nhân rộng mô hình nuôi cá chép thả ruộng gắn với phát triển Du lịch tại huyện Quang Bình

Quang Bình là huyện vùng thấp, nằm ở phía Tây - Nam của tỉnh Hà Giang kết nối giao thương với tỉnh Lào Cai và Yên Bái, có tổng diện tích đất tự nhiên 78.065,7ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp là 70.279,62ha, chiếm 90% diện tích đất tự nhiên. Địa hình phức tạp, đồi núi sông suối nhiều; khí hậu khắc nghiệt, mưa bão thất thường.


Về cơ cấu kinh tế, ngành Nông - lâm nghiệp - Thuỷ sản của huyện chiếm 39%; sản suất Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp chiếm 29%; Thương mại - Dịch vụ chiếm 32%. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 đạt 43.584,1 tấn, thu nhập bình quân đạt 39 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm 4,35%.

Trong những năm gần đây, các cấp lãnh đạo huyện Quang Bình đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, đặc biệt tập trung đầu tư phát triển mạnh các trang trại, gia trại sản xuất nông lâm nghiêp, chăn nuôi, thuỷ sản. Để tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá trên cơ sở khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Quang Bình lần thứ IV (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp: "Xây dựng nền nông nghiệp đa dạng sản phẩm hàng hoá; nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông lâm nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học, kỹ thuật công nghệ mới để tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hoá theo mô hình trang trại, xây dựng một số mô hình, đề tài chăn nuôi các loại giống mới, có hiệu quả kinh tế cao như nuôi Lợn đen, Lợn rừng, gà, chim, vịt siêu trứng..."

Hiện nay, việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào trong sản xuất đang trở nên phổ biến. Trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung và trong nghề chăn nuôi thủy sản nói riêng. Quang Bình là một trong những huyện động lực của tỉnh, việc đưa giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao thu nhập của người sản xuất là việc làm cần thiết và có ý nghĩa về mặt kinh tế xã hội. Trong những năm qua, rải rác trên địa bàn các xã, thị trấn thực hiện sản xuất nông nghiệp theo hình thức tuần hoàn như nuôi cá chép thả ruộng tại các xã: Bằng Lang, Tân Bắc, Tân Trịnh, Tân Nam, Tiên Nguyên, Xuân Minh... Tuy nhiên, số lượng chưa nhiều, quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún; chăn nuôi mang tính truyền thống, tự cung, tự cấp là chủ yếu, do vậy, số lượng sản phẩm cung cấp ra thị trường là rất ít. Thực tế cho thấy, cá chép thả ruộng một mặt cung cấp thực phẩm cho thị trường, mặt khác còn có thể tạo giống để nhân rộng mô hình.

Xuất phát từ thực tế trên, việc xây dựng và triển khai thực hiện dự án: "Ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi cá chép thả ruộng gắn với phát triển Du lịch tại 03 xã: Tiên Nguyên, Bằng Lang, Xuân Giang, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang" là cần thiết, phù hợp và có cơ sở khoa học, là động lực để người dân nâng cao giá trị sản phẩm, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt cung ứng ra thị trường.  

Dự án do Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quang Bình thực hiện (KS. Lộc Ngọc Thiêu làm chủ nhiệm), các đơn vị phối hợp gồm UBND 03 xã: Tiên Nguyên, Bằng Lang và Xuân Giang. Thời gian thực hiện từ tháng 03 đến hết tháng 10/2023, nguồn kinh phí xã hội hoá. Với mục tiêu nuôi cá chép trên ruộng lúa để nâng giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích đất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị tỷ trọng ngành chăn nuôi trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện; hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật nuôi và chăm sóc cá chép tại 03 xã (Tiên Nguyên, Bằng Lang, Xuân Giang), từ đó giúp người nông dân tiếp cận được khoa học - kỹ thuật áp dụng trong chăn nuôi tập chung, thay đổi tư tưởng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún chuyển sang chăn nuôi hàng hóa; dự án thực hiện thành công là một điểm để nhân dân học tập, rút kinh nghiệm và nhân rộng trong các năm tiếp theo.

Dự án được thực hiện với quy mô: 117. 350 con cá giống/58.675m2/30hộ/03 xã. Triển khai lựa chọn hộ gia đình tại 03 thôn/03 xã (Thôn Khun xã Bằng Lang, Thôn Trung xã Xuân Giang, Thôn Minh Tiến xã Tiên Nguyên) có nhu cầu và thực sự tâm huyết với chăn nuôi cá, có diện tích ruộng nuôi và đã có kinh nghiệm trong chăn nuôi.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, Ban chủ nhiệm dự án đã triển khai tới các hộ gia đình thực hiện tiến hành tu sửa mương dẫn nước và đắp lại bờ ruộng, các hộ gia đình đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi cá chép. Phối hợp với Ban chủ nhiệm dự án tiến hành nghiệm thu, đưa vào sử dụng. Ban chủ nhiệm dự án hỗ trợ kinh phí mua con giống và tiến hành kiểm tra giám sát, nghiệm thu con giống đạt tiêu chuẩn (con giống nhanh nhẹn, khỏe mạnh) tại các diện tích ruộng ươm giống. Trước khi chuẩn bị thả cá vào ruộng nuôi, cán bộ kỹ thuật của dự án tiến hành tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc nuôi cá cho hộ gia đình tham gia thực hiện dự án và các hộ lân cận có khả năng nhân rộng sau khi chuyển giao dự án với Chương trình tập huấn gồm: 03 lớp (51 học viên) tại 03 xã (thôn Khun xã Bằng Lang, thôn Trung xã Xuân Giang và thôn Minh Tiến xã Tiên Nguyên), cung cấp Quy trình kỹ thuật nuôi cá chép (quy trình chăm sóc nuôi dưỡng)... Sau khi thả cá, các gia đình tháo nước vào ruộng đảm bảo duy trì ở mức từ 5-10cm để cây lúa và cá cùng sinh trưởng tốt, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn... Về thức ăn, hộ gia đình đối ứng, thành viên dự án thực hiện hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện phối trộn lẫn thức ăn (Bột ngô, bột sắn, bột cám). Trong quá trình chăm sóc nuôi dưỡng, Ban chủ nhiệm dự án đã sử dụng đội ngũ cán bộ gồm kỹ sư chăn nuôi, bác sỹ thú y của khối nông nghiệp cùng các cộng tác viên của dự án trực tiếp hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện đảm bảo hiệu quả, đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển của cá... Khoảng 3,5 - 4 tháng sau (cuối tháng 9, đầu tháng 10 dương lịch), khi lúa bước vào giai đoạn chín và là thời điểm người dân rút nước ruộng để thuận lợi cho thu hoạch lúa và cũng là thời điểm thu hoạch cá. Nhìn chung, trong thời gian thực hiện dự án qua ghi chép theo dõi, tỷ lệ sống của cá từ khi thả xuống ruộng nuôi đến khi nghiệm thu kết thúc dự án đạt 91,4%.

Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án đã đạt được các mục tiêu ban đầu, đạt được hiệu quả về kinh tế, thu được l5.361kg cá thương phẩm (5.361kg x 100.000đ = 536.300.000đ, tổng thu 536.300.000đ) và mang lại hiệu quả xã hội, môi trường (giảm bớt tác động của hóa chất nông nghiệp, đa dạng sinh học được tăng lên). Sự thành công của dự án đã tạo được niềm tin và là nguồn động lực to lớn khích lệ người dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập. Trong quá trình thực hiện dự án đã huy động được chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn và các hộ gia đình tham gia thực hiện, tạo sự gắn kết giữa người dân với cộng đồng và chính quyền địa phương. Dự án đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân biết áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học vào quá trình nuôi trồng thủy sản, góp phần tạo ra hệ thống lúa - cá có tác động tích cực đối với người nông dân.

Từ chỗ tạo nguồn thực phẩm cho các gia đình, mô hình nuôi cá chép ruộng đã phát triển thành hàng hóa. Trong cùng một thời gian, người dân ở các Thôn Khun xã Bằng Lang, Thôn Trung xã Xuân Giang, Thôn Minh Tiến xã Tiên Nguyên vừa được thu hoạch lúa vừa được thu hoạch cá chép (cá thương phẩm đạt 5.361 kg/30hộ/03 xã), điều đó thực sự đã mang lại hiệu quả kép. Nhận thấy dự án đã mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và môi trường, UBND các xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân phát triển và mở rộng quy mô canh tác lúa - cá (mời các cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện về tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả của thả cá trong ruộng lúa; kỹ thuật nuôi cá giống qua đông, kỹ thuật phòng trừ bệnh cho cá…) Nhờ đó, hiệu quả của mô hình nuôi cá chép ruộng trên các thửa ruộng của huyện Quang Bình không ngừng được nâng lên.

Qua đây có thể khẳng định, dự án ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình nuôi cá chép thả ruộng gắn với phát triển Du lịch... được triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt cả về mặt khoa học, kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tuần hoàn. Là cơ sở để xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển, mở rộng dự án cho các hộ gia đình trên địa bàn các xã, thị trấn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Mô hình canh tác lúa - cá của người dân không những góp phần phát triển về mặt kinh tế cho bà con các dân tộc, tạo ra nguồn sản phẩm lớn đảm bảo đáp ứng nhu cầu về sản phẩm chất lượng trên địa bàn trong và ngoài huyện, bên cạnh đó còn là điểm tham quan, trải nghiệm của các đoàn khách du lịch trong và ngoài tỉnh Hà Giang khi lúa bước vào giai đoạn chín và cũng là thời điểm người dân bắt đầu thu hoạch cá. Điều đó không những góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương mà còn góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo đối với đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 16

Hôm nay: 3872

Tháng này: 28238

Tổng lượt truy cập: 351418