Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/02/2024 / Lượt xem: 8
Xem với cỡ chữ

Ứng dụng chế phẩm vi sinh ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt

Thực phẩm là nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu trong cuộc sống của con người... Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội, trước nhu cầu về cung cấp nguồn thực phẩm ngày càng cao, đòi hỏi con người phải sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để đẩy nhanh quá trình sản xuất trong phát triển nông nghiệp. Điển hình là sử dụng phân bón hoá học (phân vô cơ) quá dư thừa, do khi dùng phân bón này có tỷ lệ chất dinh dưỡng cao, cây dễ hấp thu và hiệu quả nhanh,… Tuy nhiên, việc sử dụng với số lượng quá nhiều (lạm dụng) sẽ dẫn đến việc dư thừa nitrat gây ô nhiễm môi trường đất và môi trường nước, ảnh hưởng đến sinh vật cũng như con người. Trong khi đó, phân hữu cơ là loại phân có nguồn gốc tự nhiên, có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết để cung cấp cho cây trồng, giúp cây trồng hấp thụ trong thời gian dài một cách bền vững, đảm bảo được chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường và an toàn đối với sức khỏe con người.


Có thể hiểu phân hữu cơ là những loại phân bón được chế biến từ các loại chất thải gia súc, gia cầm, tàn dư thân, lá cây, phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp hay từ nguồn than bùn hoặc các chất hữu cơ từ chất thải sinh hoạt,… và phân hữu cơ vi sinh là loại phân bón hữu cơ có chứa thêm một hoặc nhiều chủng vi sinh vật có ích hay còn có cả khoáng chất, vi lượng... Sử dụng các loại phân bón này sẽ giúp người dân tạo ra sản phẩm “sạch”, không gây ô nhiễm môi trường, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là giữ được độ phì nhiêu của đất đai một cách bền vững.

Trên thực tế, phần lớn phụ phẩm nông nghiệp, phân, chất thải của gia súc, gia cầm và rác thải sinh hoạt chưa được thu gom xử lý, thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây lãng phí nguồn nguyên liệu. Để tận dụng nguồn phụ phẩm này làm phân bón, trả độ phì nhiêu lại cho đất, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phương pháp sử dụng chế phẩm vi sinh vật ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi và rác thải sinh hoạt là việc làm hết sức cần thiết.

Chế phẩm vi sinh dựa vào các chủng vi sinh vật sẽ phân giải các chất hữu cơ trong bùn, phế thải, rác thải, phế phẩm nông nghiệp tạo ra sinh khối (phân hữu cơ), sinh khối này rất tốt cho cây cũng như cho đất, giúp cải tạo làm đất tơi xốp. Việc tạo ra phân hữu cơ theo cách trên đã đáp ứng được mong muốn của người nông dân, giá cả hợp lý lại vừa giúp gia tăng thu nhập. Bên cạnh đó, cây trồng được bón bằng phân vi sinh là sản phẩm rất an toàn, lượng nitrat giảm đáng kể, đất không bị ô nhiễm, giúp đất tăng khả năng giữ ẩm tốt hơn, tăng cường khả năng cải tạo đất do hệ sinh vật có ích hoạt động mạnh làm cho đất tơi xốp, cây sẽ dễ hấp thu các chất dinh dưỡng và trả lại lượng hữu cơ cho đất.

Có thể dùng một số chế phẩm vi sinh để ủ phân bón như: Phân Compost Maker, chế phẩm vi sinh BIOADB, VNUA-MiosV,… Với chế phẩm này, ta dùng để phối trộn với các phế phụ phẩm trồng trọt, chăn nuôi và rác thải sinh hoạt,… nhằm tạo ra nguồn phân hữu cơ cung cấp cho đất, cải tạo đất hiệu quả. Có thể dùng 1,0kg chế phẩm vi sinh trộn 1.000kg nguyên liệu hữu cơ và 5,0kg vôi bột. Chế phẩm vi sinh có tác dụng phân hủy nguyên liệu hữu cơ, lên men khử mùi giúp xử lý nhanh phụ phẩm trồng trọt thành phân bón hữu cơ.

Đối với phế phụ phẩm nông nghiệp, chọn phế thải có nguồn gốc cây xanh, các loại lá, rơm, rạ, ngô, lạc, cây phân xanh, chè, vải, các loại cỏ, vỏ trấu, cà phê, lạc,… chọn nơi có khoảng đất trống, có nền xi măng khô ráo. Với phụ phẩm còn tươi sẽ nhanh phân huỷ hơn phụ phẩm khô (trước khi phối trộn men cần tưới nước đều lên nguyên liệu, ủ khoảng 2 ngày để nguyên liệu mềm ra). Phụ phẩm được trải thành từng lớp có độ dày khoảng 15cm, sau đó rắc lên trên từng lớp mỏng chế phẩm sinh học, tiếp tục làm từng lớp cho đến hết nguyên liệu rồi che phủ bằng bạt đảm bảo nhiệt độ đống ủ khoảng từ 40 - 50oC. Tiến hành đảo trộn đống ủ sau khoảng 7 - 8 ngày và 15 - 17 ngày. Thời gian ủ tuỳ thuộc vào nguyên liệu kéo dài từ 25 - 45 ngày sau khi nguyên liệu đạt độ hoai mục (với rơm từ 30 – 35 ngày, cỏ từ 25 – 30 ngày, thân lá ngô 40 – 45 ngày,… ). Sau đó tiến hành đảo trộn, đánh đống và có thể sử dụng làm phân bón sau khoảng 1 - 2 tuần.

Đối với phế phụ phẩm chăn nuôi (phân gia súc, gia cầm,…): Với nguyên liệu ủ phân là chất thải hữu cơ, ta dùng 1.000kg nguyên liệu hữu cơ  + 1kg chế phẩm vi sinh + 5,0kg vôi bột. Ủ tương tự như phế phẩm đối với cây trồng, sau từ 12 -15 ngày ủ, ta tiến hành đảo trộn đống ủ. Kiểm tra đống ủ, nếu thấy bị khô sẽ bổ sung thêm nước. Thời gian từ 1,5 - 3 tháng, tuỳ theo nguyên liệu và thời vụ. Khi phân đạt yêu cầu sẽ có màu nâu đen, tơi xốp, có mùi chua nồng của dấm, kiểm tra thấy phân ấm vừa tay là phân đã hoai mục có thể đem sử dụng.

Đối với rác thải sinh hoạt (cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau, vỏ trái cây ...): Ta có thể tận dụng các phế liệu này để tái chế, phân compost tự chế biến, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Các chất thải trong sinh hoạt hằng ngày được phân loại, bỏ vào thùng ủ phân hữu cơ ngâm ủ với men vi sinh đậy nắp kín trong thời gian từ 30 - 40 ngày là có thể cho ra loại phân bón hữu cơ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, có thể thu gom, tận dụng phế phụ phẩm trong lĩnh vực chế biến (các loại nông, lâm, thủy sản, rác chợ,… ) có thể tận dụng chế biến phân hữu cơ, phân vi sinh, hạn chế tình trạng đổ ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Giá trị từ các nguồn chất thải này rất lớn nhưng để khai thác hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Do người dân còn làm theo thói quen, ngại thay đổi hoặc do chưa xây dựng được quy trình thu gom, bảo quản chế biến phụ phẩm nông nghiệp. Để tận dụng được nguồn nguyên liệu triệt để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất, cần có sự quan tâm của các ngành chức năng, cần đặc biệt lưu ý  ban hành các chính sách khuyến khích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, cần có sự chú trọng, hoàn thiện cơ chế chính sách, khuyến khích người dân thực hiện trong lĩnh vực này.

Vì vậy, có thể nói những nguồn phụ phẩm này là một tài nguyên có tiềm năng rất lớn cho việc sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu ích trong mỗi gia đình nông thôn, đảm bảo nâng cao chất lượng thực phẩm của con người. Cần sử dụng hiệu quả giúp việc trồng trọt trở nên hữu ích. Do đó, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, bền vững cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và nông dân về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, giúp người nông dân nâng cao sản xuất nông nghiệp xanh, tạo ra nông sản đảm bảo an toàn mang lại nhiều lợi ích cho con người và cho môi trường sống./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 4 2023)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 15

Hôm nay: 3949

Tháng này: 28315

Tổng lượt truy cập: 351495