Ngày đăng: 01/04/2024 / Lượt xem: 14
Xem với cỡ chữ

Đăng ký bảo hộ Nhãn hiệu tập thể “Bánh chưng gù Bản Tuỳ Ngọc Đường thành phố Hà Giang” cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang

Nhãn hiệu tập thể (NHTT) là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hoá, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó (theo Luật Sở hữu trí tuệ).


Do đó, các sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký NHTT là cơ sở pháp lý để chủ sở hữu NHTT quản lý, khai thác và phát triển sản phẩm có sự bảo hộ của nhà nước. Cũng chính từ việc bảo hộ SHTT mà các sản phẩm được sản xuất có sự quản lý chặt chẽ của chủ sở hữu NHTT cả về tiêu chuẩn chất lượng, hệ thống nhận diện thống nhất cũng như xuất xứ sản phẩm rõ ràng. Từ đó, giúp người tiêu dùng yên tâm và sẵn sàng mua với giá cao hơn khi sản phẩm được bảo đảm và vì thế giá trị của sản phẩm được nâng cao, quy mô sản xuất và kinh doanh ngày càng được mở rộng, đời sống người dân vùng có đặc sản được nâng nên và góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Hà Giang, nhiều sản phẩm được bảo hộ NHTT đã và đang khẳng định được thế mạnh riêng của mình và dần đưa chúng trở thành những thương hiệu có tiếng trên thị trường như NHTT Cam sành Hà Giang đã phát huy hiệu quả nên đã nâng cấp lên hình thức bảo hộ mạnh hơn là Chỉ dẫn địa lý. Các sản phẩm được bảo hộ NHTT khác đã trở thành động lực góp phần cải thiện nền nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị kinh tế cho đặc sản địa phương, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từng bước làm thay đổi nhận thức của người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bánh chưng gù là một loại bánh truyền thống mang đậm nét bản sắc từ rất lâu đời của người dân tộc Tày thôn Bản Tùy xã Ngọc Đường. Bánh chưng gù hiện nay là món ăn ẩm thực không thể thiếu trong các dịp lễ, tết cổ truyền, trong các bữa cơm, cỗ của gia đình mà còn là món ăn ẩm thực quen thuộc không thể thiếu của du khách đến với Bản Tùy. Là loại bánh được sản xuất nhiều tại xã Ngọc Đường, trong đó, tập trung chủ yếu tại thôn Bản Tùy với tổng số hộ trong thôn Bản Tùy là 132 hộ; trong đó, số hộ làm nghề bánh chưng gù là 40 hộ, chiếm 30,7% tổng số hộ tại thôn. Với điều kiện thực tế hiện nay, làm bánh chưng gù giúp nâng cao thu nhập cho các hộ dân, có hộ đã trở thành hộ khá và giàu từ nghề bánh chưng gù.

Đặc điểm của sản phẩm: Tuy có nhiều nét giống với bánh chưng vuông truyền thống, nhưng loại bánh này lại mang những nét đặc trưng riêng của người dân địa phương, có hình dạng “lưng gù” - mô phỏng hình ảnh ngày ngày, chị em người Tày lên rừng, lên rẫy với hình ảnh quen thuộc là chiếc địu sau lưng, lưng gù xuống vì địu nặng nào lúa nào ngô, khác với loại bánh truyền thống khác. Bánh chưng gù có kích thước nhỏ, vừa đủ cầm (xuất phát từ việc tạo thuận lợi cho người dân ở đây thuận tiện bỏ túi và đem đi rừng hoặc làm rẫy). Bánh này rất dẻo, mềm, thơm và mang màu xanh đặc trưng. Điều này phụ thuộc  vào việc người dân chỉ lựa chọn các nguyên vật liệu như nếp nương để làm bánh, ngâm với nước lá dong riềng và một số bí quyết trước khi nấu để bánh lên đều màu và đẹp, thơm ngon. Với các nguyên liệu làm bánh hầu hết là các nguyên liệu tại chỗ, bao gồm: Lạt, lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, thịt, lá riềng,… nguyên vật liệu có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của các hộ gói bánh chưng. Chính vì vậy, việc lựa chọn nguồn nguyên liệu được các hộ rất chú trọng để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Mặc dù bánh chưng gù là sản phẩm có tiếng từ rất lâu của xã Ngọc Đường, tuy nhiên đầu ra của sản phẩm thường không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, chưa đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm chưa được chú trọng; đặc biệt là nhãn hiệu chung của cộng đồng và các dấu hiệu chỉ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, do đó gây ra nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ, ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo vệ nguồn gốc một đặc sản của địa phương. Trước thực tế đó, việc xây dựng NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang là thật sự cần thiết, góp phần gìn giữ và phát triển các thương hiệu cộng đồng của địa phương.

Đặc biệt, thông qua việc đăng ký bảo hộ NHTT, khi sản phẩm lưu thông trên thị trường phải đáp ứng các tiêu chí về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, quy trình kỹ thuật,… sẽ góp phần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp ổn định đời sống và nâng cao giá trị sản xuất sản phẩm mang NHTT. Nhận thấy tầm quan trọng của việc đăng ký NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, ngày 08/12/2022, Sở KH&CN tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định số 121/QĐ-SKHCN về việc phê duyệt triển khai nhiệm vụ sở hữu trí tuệ “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Bánh chưng gù Ngọc Đường” cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang”. Đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ là Công ty TNHH Nghiên cứu và Đầu tư S&D.

Sau thời gian triển khai thực hiện, nhiệm vụ đã xác lập quyền sở hữu trí tuệ NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường. Tiến hành điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm xác định căn cứ thực tiễn và khoa học cho việc xác lập quyền đối với NHTT: Điều tra, khảo sát thực trạng sản xuất và kinh doanh sản phẩm bánh chưng gù bằng các mẫu phiếu điều tra thiết kế sẵn. Tổng số phiếu điều tra, khảo sát được là 40 phiếu khảo sát các hộ gia đình, cơ sở trực tiếp sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh chưng gù tại các thôn thuộc xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang.

 Các nội dung điều tra, khảo sát tập trung đánh giá về nguồn gốc, xuất xứ, hiện trạng sản xuất, hiện trạng tiêu thụ sản phẩm, xác định vùng sản xuất sản phẩm, nhu cầu tham gia và sử dụng NHTT của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh chưng gù. 

Ban chủ nhiệm nhiệm vụ tiến hành nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường hiện nay khá ổn định chủ yếu là khách trong nước. Do sản phẩm có độ nổi tiếng nhất định trên thị trường, nên ngoài việc ngoài xuất bán tại các cửa hàng giới thiệu, khách hàng thường tìm đặt mua trực tiếp làm quà với số lượng lớn. Tiến hành xác định khu vực địa lý, xây dựng bản đồ vùng sản xuất sản phẩm mang NHTT, xác định được khu vực địa lý tương ứng gắn với NHTT cho sản phẩm bánh chứng gù của xã Ngọc Đường là toàn bộ phạm vi của xã Ngọc Đường và đảm bảo đúng các quy định của Luật SHTT.

Nghiên cứu, đánh giá xác định tổ chức đứng tên đăng ký NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường; xác định tổ chức đứng tên đăng ký NHTT là Hội nông dân xã Ngọc Đường. Đồng thời, xây dựng và ban hành quy chế quản lý và sử dụng NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường. Thiết kế, lựa chọn mẫu NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường. Đơn vị chủ trì đã hoàn thiện Bộ hồ sơ đăng ký NHTT “Bánh chưng gù Bản Tùy – Ngọc Đường – thành phố Hà Giang” và nộp cho Cục SHTT.  Ngày 19/12/2023, Cục SHTT đã ban hành Quyết định số 119703/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 473942 cho đơn đăng ký NHTT “Bánh chưng gù Bản Tùy – Ngọc Đường – thành phố Hà Giang”.

Để đẩy mạnh nâng cao việc tiêu thụ sản phẩm, ban chủ nhiệm nhiệm vụ đã xây dựng hệ thống các công cụ phục vụ công tác quản lý, khai thác và phát triển NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường; xây dựng và vận hành hệ thống các kênh truyền thông phục vụ cho việc quảng bá sản phẩm mang NHTT; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang NHTT. Tổ chức nghiên cứu thị trường, xây dựng phương án phát triển thị trường sản phẩm mang NHTT cho sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường. Tổ chức tập huấn, tăng cường năng lực cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Sản phẩm bánh chưng gù của xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang sau khi được đăng ký bảo hộ quyền SHTT dưới hình thức NHTT khi lưu thông trên thị trường bảo đảm những tiêu chí nhất định về chất lượng. Đem lại lợi ích kinh tế, khả năng thị trường và cạnh tranh của sản phẩm mang NHTT. Khi chất lượng và giá trị sản phẩm bánh chưng gù được nâng cao, số lượng tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều sẽ góp phần tạo thêm việc làm, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, quản lý thương hiệu, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Nhiệm vụ được thực hiện với sự tham gia của các sở, ban, ngành, các cơ quan chuyên môn, các cơ quan quản lý của địa phương, những người trực tiếp sản xuất và kinh doanh bánh chưng gù, vì vậy sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý chất lượng, thương hiệu của sản phẩm một cách đồng bộ và hiệu quả.

Quá trình đăng ký này không chỉ là việc bảo vệ tên gọi và thương hiệu của sản phẩm mà còn là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch của xã Ngọc Đường. Bằng cách bảo vệ và nâng cao giá trị của “Bánh chưng gù Bản Tuỳ Ngọc Đường thành phố Hà Giang” thông qua việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, cộng đồng mong muốn tạo ra một sự nhận diện mạnh mẽ và độc đáo cho sản phẩm, từ đó thu hút thêm sự quan tâm và đầu tư từ phía các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Sản phẩm sẽ góp phần phát triển được những vùng/cơ sở sản xuất bánh chưng gù tập trung lớn có năng suất/hiệu quả cao, chất lượng tốt ổn định, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, tăng hiệu quả và giá trị trên đơn vị sản xuất và kinh doanh bánh chưng gù, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân tại địa phương, góp phần cải thiện và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong tương lai, việc duy trì và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của “Bánh Chưng gù Bản Tuỳ Ngọc Đường thành phố Hà Giang” sẽ tiếp tục là một ưu tiên hàng đầu của xã Ngọc Đường, không chỉ để bảo vệ sản phẩm mà còn để thúc đẩy sự phát triển bền vững của địa phương và góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và đa dạng văn hóa của tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 2798

Tháng này: 100029

Tổng lượt truy cập: 660679