Ngày đăng: 01/04/2024 / Lượt xem: 16
Xem với cỡ chữ

Giải pháp bồi dưỡng năng lực quản lý cộng đồng cho người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang

Nguồn nhân lực (NNL) là nhân tố quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của các quốc gia. Vấn đề phát triển NNL phục vụ phát triển KT-XH được các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách ở các quốc gia rất quan tâm nghiên cứu và tìm hiểu.


Các nhà nghiên cứu đã đi vào đánh giá, luận giải vai trò, sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả của đào tạo, bồi dưỡng và phát triển NNL dân tộc thiểu số (DTTS), các yếu tố ảnh hưởng đến đào tạo, bồi dưỡng NNL DTTS và các Nghiên cứu về NNL cho phát triển KT-XH địa phương,... bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng nêu lên những thực trạng của NNL DTTS hiện nay, những bất cập trong các chính sách về đào tạo và bồi dưỡng nhân lực DTTS. Mặc dù đã đạt được những thành tựu cụ thể, đội ngũ NNL các DTTS còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém do các điều kiện khách quan và chủ quan trực tiếp ảnh hưởng đến số lượng, cơ cấu và chất lượng, vì vậy nên chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn… Trong các chính sách về phát triển NNL cán bộ DTTS, năng lực quản lý cộng đồng (QLCĐ) của người DTTS chưa thực sự được quan tâm dẫn tới người DTTS còn rất thụ động trong các hoạt động KT-XH, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước...

Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới nằm ở địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, có số dân trên 87 vạn người với dân cư chủ yếu là đồng bào DTTS (chiếm 87,7%) bao gồm 19 dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, trình độ dân trí còn hạn chế, các nguồn kinh phí trợ cấp từ NSNN hàng năm còn hạn hẹp. Có 127 xã đặc biệt khó khăn, các chính sách hỗ trợ của tỉnh tuy đã phần nào hỗ trợ được cho người DTTS nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trên tinh thần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển của tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 là nâng cao chất lượng NNL, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Để thực hiện được thành công mục tiêu này, điều quan trọng là cần tìm ra được những thành viên - người có vai trò và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng để phát triển nhóm thành viên này trở thành cán bộ QLCĐ có đầy đủ các điều kiện, năng lực để có thể lãnh đạo và hướng cộng đồng vào những mục tiêu được định trước. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có chính sách và hướng dẫn nào rõ ràng, cụ thể cho việc đào tạo, sử dụng cán bộ QLCĐ người DTTS. Ngoài ra, cán bộ người DTTS, đặc biệt là cán bộ đang làm công tác QLCĐ chưa có đủ kiến thức và kỹ năng về QLCĐ gắn với phát triển sinh kế cho cộng đồng người DTTS, do đó gặp khó khăn khi triển khai và giao nhiệm vụ đến người dân.

Một số đại biểu cộng đồng trình độ còn hạn chế, không đồng đều, đời sống còn gặp nhiều khó khăn nên khả năng tiếp thu, trao đổi kiến thức được truyền đạt cũng như vận dụng các mô hình thực hiện tại địa phương chưa cao. Việc chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành thực hiện chương trình của một số đại biểu giữa các địa phương tham gia Hội nghị chưa chủ động, mạnh dạn, nhất là những khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Để cụ thể hóa Nghị quyết về thực hiện các chương trình, chính sách, giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, ổn định đời sống; vấn đề chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, người có uy tín tiêu biểu, giải quyết việc làm, tạo sinh kế ổn định cho đồng bào; đi đôi với đó là chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của người DTTS là vấn đề cấp thiết hiện nay. Việc triển khai đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp bồi dưỡng năng lực quản lý cộng đồng cho người dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang” do Trường Đại học Kinh tế - ĐHQG Hà Nội chủ trì thực hiện là phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng DTTS giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Trên cơ sở đánh giá thực trạng về nhân lực cán bộ QLCĐ người DTTS và thực trạng đào tạo, bồi dưỡng năng lực QLCĐ đối với người DTTS để đề xuất giải pháp bồi dưỡng năng lực QLCĐ cho người DTTS tỉnh Hà Giang. Mục tiêu cụ thể của đề tài nhằm đánh giá thực trạng NNL cán bộ QLCĐ người DTTS; đánh giá được thực trạng về đào tạo và bồi dưỡng năng lực QLCĐ đối với người DTTS trên địa bàn tỉnh; đánh giá được thực trạng triển khai các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng năng lực QLCĐ đối với người DTTS trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay; xây dựng 02 mô hình về đào tạo, bồi dưỡng NNL QLCĐ về phát triển sinh kế gắn với trách nhiệm của cán bộ QLCĐ; đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực các hoạt động đào tạo và bồi dưỡng năng lực QLCĐ là người DTTS của tỉnh trong giai đoạn tới; xây dựng dự thảo đề án phát triển NNL cán bộ QLCĐ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Sau hơn một năm thực hiện các nội dung đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện theo Hợp đồng đã ký với Sở Khoa học và Công nghệ, Ban chủ nhiệm đề tài đã triển khai cụ thể hóa và đạt được các kết quả cụ thể, đã hoàn thành các mục tiêu đề ra. Về cơ bản, đề tài đã triển khai được các nội dung theo Thuyết minh phê duyệt; các sản phẩm cơ bản đáp ứng được yêu cầu, gồm: Xây dựng Bộ tiêu chí nhận diện cán bộ quản lý cộng đồng và các tiêu chí đánh giá năng lực quản lý cộng đồng người DTTS (bộ tiêu chí nhận diện cán bộ QLCĐ và Bộ tiêu chí năng lực QLCĐ). Bộ tiêu chí năng lực QLCĐ tỉnh Hà Giang được chia làm 05 nhóm (đạo đức cán bộ, am hiểu địa phương, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, điều hành và năng lực quản lý bản thân); Nhóm giải pháp phát triển đội ngũ cán bộ QLCĐ người DTTS (Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ QLCĐ; thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ QLCĐ; phát huy vai trò của cán bộ QLCĐ là người DTTS trong phát triển KT-XH thông qua các chính sách, cơ chế đặc thù; phát huy vai trò của cán bộ QLCĐ trong giám sát đầu tư của cộng đồng; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng); nhóm giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ QLCĐ người DTTS; nhóm giải pháp nâng cao chất lượng tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng năng lực QLCĐ và xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng.

Về giải pháp nâng cao năng lực QLCĐ của người DTTS trên địa bàn tỉnh, Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình QLCĐ phù hợp với đặc điểm phát triển của địa phương làm căn cứ xây dựng khung năng lực cán bộ QLCĐ; đã đề xuất và triển khai  thí điểm 03 mô hình QLCĐ cụ thể với 03 huyện (Mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch huyện Bắc Quang; mô hình QLCĐ có sự tham gia huyện Đồng Văn và mô hình QLCĐ tại huyện Hoàng Su Phì). Đặc biệt, mô hình QLCĐ 5T (Tổ lưu trú, tổ văn nghệ và thể thao, tổ trải nghiệm hướng dẫn, tổ vận chuyển khách và tổ sản phẩm thủ công truyền thống) cho du lịch cộng đồng tại Hoàng Su Phì được đánh giá hiệu quả cao.

Ban chủ nhiệm đề tài đã xây dựng riêng cho tỉnh Hà Giang một mô hình đào tạo bồi dưỡng, là Mô hình đào tạo kết hợp dựa trên năng lực 70-20-10, đây là mô hình đào tạo kết hợp giữa hai mô hình truyền thống (Mô hình đào tạo dựa trên năng lực trong xác định nhu cầu đào tạo và Mô hình 70-20-10 trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ). Về cơ bản, mô hình đào tạo kết hợp dựa trên năng lực 70-20-10 vẫn thực hiện theo các bước và quy trình của mô hình đào tạo dựa trên năng lực, nhưng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng sẽ được thiết kế theo tiêu chuẩn đào tạo 70-20-10, được cụ thể qua 02 bước (Xác định nhu cầu và Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo). Mô hình này giúp cho các địa phương cũng như cán bộ cân bằng đào tạo, bồi dưỡng trong công việc và ngoài công việc tốt hơn, giúp xác định nhu cầu và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực thi công vụ một cách hiệu quả. Xây dựng và đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc nhằm  nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng QLCĐ cần chú ý đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này theo các tiêu chí về năng lực, kỹ năng cụ thể. Trong đó, cần chú ý bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, cập nhật những chủ trương, chính sách mới và kinh nghiệm thực tế trong việc giải quyết những tình huống cụ thể thường xảy ra ở cơ sở là yếu tố quyết định

Đề tài cũng đã xây dựng 14 chuyên đề và xây dựng dự thảo đề án phát triển NNL cán bộ QLCĐ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các giải pháp khác liên quan bao gồm: Xây dựng bộ tiêu chí nhận diện cán bộ QLCĐ và tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ QLCĐ; các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo và bồi dưỡng, nâng cao chất lượng phục vụ đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng nội dung, chương trình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng.

Có thể khẳng định, đề tài đã đóng góp luận cứ khoa học, khách quan, có hệ thống cho lĩnh vực khoa học có liên quan đến nội dung nâng cao năng lực cho cán bộ QLCĐ người DTTS, đưa ra những đề xuất các chủ trương, chiến lược, quy hoạch, cơ chế, chính sách… có liên quan đến phát triển NNL cán bộ quản lý tại các cộng đồng DTTS. Không chỉ mang lại những lợi ích đối với lĩnh vực khoa học xã hội, quá trình thực hiện đề tài cũng góp phần mang lại lợi ích rất lớn cho các đối tượng như: Trau dồi và nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực có liên quan đến phát triển NNL cán bộ quản lý cấp xã là người DTTS, tích lũy thêm kinh nghiệm tham gia thực hiện đề tài nghiên cứu cấp tỉnh có nội dung tương đồng,... Đề xuất giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý cấp cộng đồng người DTTS và xây dựng các chính sách quản lý và sử dụng đối với cán bộ quản lý cấp cộng đồng người DTTS. Nâng cao năng lực QLCĐ cho cán bộ cấp cộng đồng người DTTS sẽ góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Do vậy, các kết quả của đề tài đã đạt được đảm bảo tính khả thi và hợp lý giúp cơ quản quản lý nhà nước về cán bộ ở Hà Giang xem xét và có thể áp dụng được rộng rãi đối với các huyện trong địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh những kết quả cụ thể của đề tài đã đạt được, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã có những kiến nghị cụ thể như: Tỉnh ta cần xây dựng chính sách về hỗ trợ cán bộ QLCĐ người DTTS trong tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cấp thiết hiện nay. Ban hành các quy định, văn bản về nội dung tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ triển khai chương trình các cấp để tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng; Ban hành đề án phát triển NNL cán bộ QLCĐ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên cơ sở bổ sung thêm các nội dung đảm bảo yêu cầu của một đề án; cần phát huy và nhân rộng các dự án phát triển sinh kế nông nghiệp (dự án phát triển sinh kế cơ bản, trong đó, tạo điều kiện cho Hội, đoàn thể cấp cơ sở làm chủ dự án sinh kế cơ bản thông qua vận động, tập hợp hội viên tham gia các tổ nhóm sinh kế an ninh lương thực và dinh dưỡng, lồng ghép với các hoạt động của Hội) và dự án phát triển sinh kế kết nối thị trường (phát huy vai trò then chốt của các doanh nghiệp, hợp tác xã và các bên liên quan khác), cuối cùng, cần xây dựng “cơ chế đặc thù” trong hỗ trợ phát triển sinh kế nhằm đẩy mạnh cơ chế phân cấp, trao quyền một cách thực chất, đảm bảo hỗ trợ cán bộ QLCĐ là người DTTS phát huy được hết năng lực và khả năng, góp phần không nhỏ cho sự phát triển nền KT-XH của tỉnh Hà Giang./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 4

Hôm nay: 2832

Tháng này: 100064

Tổng lượt truy cập: 660714