Ngày đăng: 01/05/2024 / Lượt xem: 24
Xem với cỡ chữ

Giải pháp phát triển khoa học công nghệ trong doanh nghiệp nhỏ và vừa

Khoa học và công nghệ là giải pháp căn bản để nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất. Đảng ta đã xác định khoa học công nghệ (KHCN) là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Cần phải nhận thức rằng, KHCN là một lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế thị trường, trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. KHCN không chỉ là nền tảng, mà còn là kết quả, minh chứng hiện thân của một đất nước phát triển, của một đất nước công nghệ hiện đại.


Phát triển KHCN trong các doanh nghiệp (DN) nói chung và trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) nói riêng đã, đang và sẽ trở thành một yêu cầu khách quan, do nó được xuất phát từ những nhu cầu thực tiễn của xã hội và thị trường như: Cạnh tranh thị trường xảy ra ngày càng gay gắt đòi hỏi DNNVV phải liên tục cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm (CLSP), giảm giá thành sản xuất, và do vậy để nâng cao năng lực cạnh tranh (NLCT) trên thị trường. Nhu cầu của khách hàng ngày càng đòi hỏi sản phẩm được sản xuất nhanh chóng, chính xác và đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Gần đây, yêu cầu bảo vệ môi trường cũng trở thành một yếu tố đẩy mạnh sự đổi mới công nghệ sản xuất sao cho thân thiện với môi trường, giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, cũng như tăng tính bền vững trong sản xuất.

Xuất phát từ những nhu cầu trên, trong những năm qua, các DNNVV đã không ngừng ứng dụng KHCN vào quá trình sản xuất và kinh doanh của mình, đã mang lại những kết quả nhất định trong hiệu quả hoạt động. Năm 2023, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ IV (2023 - 2028). Một trong những nội dung được Đại hội nêu ra là sự đóng góp tích cực của các DN đến phát triển kinh tế của quốc gia. Cụ thể, khu vực DN đã đóng góp hơn 60% GDP (trong đó các DNNVV đóng góp 45%), thu hút được khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc trong toàn bộ nền kinh tế, đóng góp 31% trong tổng thu ngân sách của quốc gia. Trong đó, lực lượng DNNVV tiếp tục có bước phát triển cả về quy mô và năng lực sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, hơn 97% DN cả nước là DN có quy mô vừa và nhỏ. Trong những năm qua, lực lượng DNNVV ngày càng có những đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế, nhất là trong việc duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm, ổn định đời sống của Nhân dân và thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế. Cùng sự sự phát triển của lực lượng DNNVV, vai trò, vị thế và uy tín của Hiệp hội DNNVV ngày càng được khẳng định.

Những thành quả nêu trên hoàn toàn phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế của Đảng ta, đặc biệt trong lĩnh vực KHCN như đã được khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Quan điểm phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào KHCN và đổi mới sáng tạo này đã cho thấy việc phát triển KHCN là một trong những “chìa khóa” quan trọng góp phần phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của các tỉnh, vùng nói riêng. Trong đó, phát triển KHCN trong các DNNVV đóng một vai trò cực kỳ quan trọng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được như nêu trên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia và một số DNNVV cũng cho thấy rằng, mức độ phát triển KHCN trong các DNNVV vẫn còn nhiều hạn chế do những nguyên nhân bên trong và bên ngoài khác nhau. Trong đó, nguyên nhân sâu xa và bao trùm hơn cả là do thị trường KHCN chưa phát triển và vận hành theo đúng quy luật thị trường - cung và cầu hàng hóa trên quan điểm KHCN là một hàng hóa.

Thị trường KHCN có 03 khâu chính trong hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm KHCN, bao gồm: Bên cung hoặc nhà sản xuất hàng hóa KHCN. Trong khâu này có các tác nhân tham gia là những Viện, Trường, Doanh nghiệp (DN) và các tổ chức, cá nhân khác; Bên cầu là người hoặc tổ chức sử dụng hàng hóa KHCN, trong đó, DN và các tổ chức, cá nhân tham gia trong khâu này; Các tổ chức trung gian là các tổ chức làm cầu nối cho các bên cung và cầu sản phẩm KHCN. Bên cạnh chuỗi giá trị này có các tổ chức Nhà nước đóng vai trò định hướng, điều tiết và hỗ trợ cho các tác nhân tham gia trong chuỗi. Ngoài ra, bao trùm hoạt động của chuỗi giá trị sản phẩm KHCN là môi trường kinh doanh - của thị trường KHCN. Nhận diện những điểm nghẽn của thị trường (là những lỗ hổng làm hạn chế việc ứng dụng KHCN của các DNNVV). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù thị trường này trên thực tế đã được hình thành nhưng chưa thực sự hoàn hảo nên đã làm hạn chế việc nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm KHCN, thông qua việc ứng dụng KHCN của các DNVVN. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bắt nguồn từ tất cả các tác nhân tham gia trong chuỗi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đã chỉ ra những điểm nghẽn của thị trường KHCN, bao gồm: Nhu cầu ứng dụng KHCN của các DNNVV thấp, nhu cầu thấp là do hạn chế về nguồn lực (vốn, nhân lực) và do nhận thức của người quản lý, điều hành DN; Chuỗi cung ứng sản phẩm KHCN của các Viện, Trường, tổ chức/cá nhân hoạt động chưa có hiệu quả (chưa nắm bắt được nhu cầu ứng dụng KHCN của các DNNVV và do hạn chế trong việc quảng bá sản phẩm) Vai trò hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập (, chính sách giảm miễn thuế);  của thị trường KHCN chưa hoàn thiện (sàn giao dịch, bộ dữ liệu lớn của quốc gia, thị trường cung cấp ý tưởng phát triển KHCN).

Từ những phân tích chuyên sau, các chuyên gia đã đưa ra được các giải pháp phát triển KHCN trong các DNNVV dựa trên cơ sở giải quyết những điểm nghẽn của thị trường: Để kích cầu các DNNVV ứng dụng KHCN vào quá trình sản xuất kinh doanh nhằm cải thiện CLSP, giảm giá thành sản xuất và nâng cao năng suất lao động, do vậy nâng cao được NLCT của sản phẩm, các DNNVV cần phải nâng cao năng lực huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, cũng như cần chủ động nâng cao năng lực tiếp cận với các chương trình/dự án trong và ngoài nước, liên kết với các DN khác trong chuỗi giá trị để cuối cùng nâng cao được năng lực vốn cho DN. Bên cạnh đó, các DNNVV cần nâng cao năng lực và kỹ năng sử dụng các sản phẩm KHCN cho lực lượng lao động trong DN (kể cả lao động trực tiếp và lực lượng lao động làm công tác quản lý DN). Ngoài ra, các đơn vị/tổ chức hỗ trợ/thúc đẩy chuỗi cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động các DNNVV để nâng cao nhận thức của việc ứng dụng KHCN trong quá trình sản xuất, kinh doanh thông qua nhiều hình thức khác nhau (tập huấn, tham quan, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, v.v...).

Để nâng cao hiệu quả hoạt động  KHCN, các chuyên gia nhận định các đơn vị/tổ chức cung cấp sản phẩm KHCN cần phải chủ động dấn thân một cách thường xuyên trong việc tiếp cận với các DNNVV để nắm bắt nhu cầu thực sự của các DNNVV trong việc sử dụng các sản phẩm KHCN, cần xây dựng bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) trong DN. Bên cạnh đó, các tổ chức/đơn vị cung cấp sản phẩm KHCN cần tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm KHCN bằng nhiều hình thức khác nhau (trang web, tổ chức các hội thảo, hội nghị, hội chợ, quảng bá trên các tạp chí khoa học và chuyên ngành và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các hoạt động PR,...), nhằm giúp cho các DNNVV có thể nắm bắt một cách kịp thời sự sẵn có của các sản phẩm KHCN, từ đó có thể tiếp cận với các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ KHCN một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Đồng thời, để phát huy được vai trò là cầu nối cung - cầu các sản phẩm KHCN, các chuyên gia cho rằng Nhà nước và chính quyền địa phương, các sở, ban ngành có liên quan nên có những chính sách và cơ chế khuyến khích, ưu đãi cho việc thành lập và vận hành đối với các tổ chức trung gian hoặc các tổ chức cung cấp sản phẩm KHCN nên hình thành bộ phận/trung tâm giới thiệu, quảng bá và cung cấp sản phẩm, dịch vụ KHCN của chính đơn vị mình.

Cuối cùng, để phát triển hạ tầng của thị trường KHCN, các chuyên gia cũng đã đề xuất các địa phương cần xây dựng sàn giao dịch KHCN để tạo cơ hội cho các DNNVV và các tổ chức cung cấp sản phẩm, dịch vụ KHCN sử dụng và chuyển giao các ứng dụng KHCN được thuận lợi hơn. Đồng thời, Bộ và Sở KH&CN các tỉnh cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu lớn để thông tin kịp thời, đầy đủ cho các DNNVV tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ KHCN hiệu quả hơn. Thêm vào đó, cũng cần phát triển thêm thị trường kinh doanh ý tưởng phát triển KHCN. Qua đó lực lượng DNNVV tiếp tục thực hiện tốt phương châm “Đoàn kết - Kỷ cương - Đổi mới - Sáng tạo và Phát triển” nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng phát triển về quy mô, phạm vi và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, vì cộng đồng DN Việt Nam ngày càng phát triển, đóng góp tích cực, hiệu quả xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 13

Hôm nay: 2790

Tháng này: 100021

Tổng lượt truy cập: 660671