Ngày đăng: 01/05/2024 / Lượt xem: 15
Xem với cỡ chữ

Kết quả quản lý, khai thác và sử dụng chỉ dẫn địa lý “Mèo Vạc” cho sản phẩm mật ong Bạc Hà tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh miền núi có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh. Đến nay, đã có 08 Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) được cấp Văn bằng bảo hộ (Giấy chứng nhận đăng lý CDĐL) cho 08 sản phẩm đặc sản của địa phương, bao gồm: Mật ong Bạc Hà (MOBH), chè Shan tuyết, thịt Bò vàng, Cam Sành, gạo tẻ Già Dui, Hồng không hạt, cá Bỗng và Thảo quả.


Theo Luật Sở hữu trí tuệ: “CDĐL là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Danh tiếng của sản phẩm mang CDĐL do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó. Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang CDĐL gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…). Chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang CDĐL được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Khu vực địa lý mang CDĐL có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Trong 08 sản phẩm đặc sản của địa phương được đăng ký, CDĐL “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm MOBH của tỉnh Hà Giang là CDĐL đầu tiên của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ CDĐL “Mèo Vạc” cho sản phẩm MOBH (theo Quyết định số 316/QĐ-SHTT ngày 01/3/2013 về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký CDĐL số 00035 cho sản phẩm mật ong Bạc Hà Mèo Vạc nổi tiếng). Với khu vực địa lý là nơi có các điều kiện tự nhiên thích hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của cây Bạc Hà, bao gồm các xã thuộc huyện Mèo Vạc, Đồng Văn,Yên Minh, Quản Bạ, đây là khu vực gắn liền với Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có nhiều núi đá vôi nằm sát chí tuyến Bắc, có độ dốc rất lớn, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đá, thung lũng và hệ thống sông suối… Độ cao trung bình của khu vực địa lý từ 1.000 - 1.600m so với mặt nước biển, là nơi phân bố của cây Bạc Hà dại. Thổ nhưỡng (đất núi đá, tầng mặt có kết cấu tơi xốp và thoát nước tốt, ẩm...) và khí hậu khu vực này thích hợp với đặc điểm sinh vật học của cây Bạc Hà

Để phát triển, nâng cao giá trị MOBH mang CDĐL “Mèo Vạc”, những năm qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, cơ chế, chính sách (Quyết định số 2484/QĐ-UBND ngày 24/10/2016 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng CDĐL “Mèo Vạc” dùng cho sản phẩm MOBH của tỉnh Hà Giang; Quyết định số 1127/QĐ/UBND ngày 08/6/2016 về việc cho phép thành lập Hội sản xuất và kinh doanh mật ong Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang; Kế hoạch số 380/KH-UBND ngày 06/10/2017 tổ chức Hội thi sản phẩm MOBH tỉnh Hà Giang năm 2017 và Hội thảo khoa học Ứng dụng công nghệ và các giải pháp quản lý nâng cao chất lượng MOBH tỉnh Hà Giang tại Đồng Văn năm 2018). Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) đã tham mưu ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về điều kiện, thủ tục, quy trình đánh giá, trao, thu hồi quyền sử dụng CDĐL, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng CDĐL của các tổ chức, cá nhân đã được cấp quyền sử dụng CDĐL.

Trong công tác quản lý và phát triển CDĐL, Sở KH&CN được UBND tỉnh giao quản lý CDĐL "Mèo Vạc" dùng cho sản phẩm MOBH, năm 2017 Sở đã chủ trì tổ chức Hội thi sản phẩm MOBH toàn tỉnh lần thứ nhất kết hợp Hội thảo khoa học nhằm tìm giải pháp nâng cao chất lượng MOBH,… nhằm tạo được hiệu ứng tốt, lan tỏa về chất lượng đặc biệt của MOBH; năm 2018, phối hợp với UBND 4 huyện Vùng Cao nguyên đá tổ chức Hội thi sản phẩm MOBH toàn tỉnh lần thứ 2, hội thi đã tạo được hiệu ứng tốt, lan tỏa về chất lượng đặc biệt của MOBH- sản phẩm đặc sản duy nhất có ở Việt Nam. Ngoài ra, Sở cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đề tài nghiên cứu chất lượng đặc thù của MOBH để bổ sung tiêu chuẩn chất lượng đặc thù đối với CDĐL MOBH (đã được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4098/QĐ-SHTT ngày 7/11/2018).

Đồng thời, trong những năm qua Sở đã tiếp nhận, thẩm định và cấp quyền sử dụng CDĐL và mã QRcode cho 14 cơ sở sản xuất MOBH, cập nhật thông tin, đăng ký trên cổng thông tin truy suất nguồn gốc hagiangtrace.com; tổ chức in 146.500 chiếc tem thông minh truy suất nguồn gốc bằng chất liệu decans vỡ phục vụ cho việc xúc tiến thương mại và tham gia vào các chuỗi siêu thị cho các cơ sở sản xuất mật ong sử dụng CDĐL “Mèo Vạc”; tổ chức các cuộc kiểm tra chất lượng, ghi nhãn, mã số mã vạch và định kỳ lấy mẫu mật ong đi thử nghiệm chất lượng theo tiêu chuẩn CDĐL "Mèo vạc". Sở làm tốt công tác phối hợp với UBND các huyện ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết phát triển đàn ong mật, giai đoạn 2021-2025, chỉ đạo các phòng chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân phát triển chăn nuôi ong mật, hướng dẫn, tư vấn các Hợp tác xã chế biến sản phẩm, khai thác và quản lý hiệu quả CDĐL sản phẩm MOBH Mèo Vạc. Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, phát triển diện tích cây hoa Bạc Hà tạo vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi ong, thường xuyên duy trì tổ kiểm tra liên ngành để kiểm soát lưu động bảo tồn và phát triển giống Ong nội, chỉ đạo các ngành chuyên môn của các huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân vào các tổ hợp tác phát triển nuôi ong.

Các cơ sở sản xuất được cấp quyền sử dụng CDĐL “Mèo Vạc” hiện nay thường sử dụng tên nhãn hiệu khác nhau như “MOBH Mèo Vạc”, “MOBH Cao nguyên đá Đồng Văn”, “MOBH Đồng Văn”, “Mật ong Bạc Hà”. Việc sử dụng nhiều tên nhãn hiệu khác nhau khiến cho người tiêu dùng dễ nhầm lẫn giữa các sản phẩm được bảo hộ CDĐL và các sản phẩm không được bảo hộ CDĐL. Hiện nay các đơn vị sản xuất kinh doanh sử dụng nhãn riêng và in “Logo” CDĐL lên kèm, chưa có quy định bắt buộc sử dụng nhãn dùng chung đối với các đơn vị được cấp quyền sử dụng bảo hộ CDĐL. Qua công tác kiểm tra, khảo sát chưa phát hiện trường hợp nào xâm phạm quyền đối với CDĐL...

Trong thời gian qua, để đạt được những kết quả trong việc quản lý, khai thác và sử dụng CDĐL "Mèo Vạc" cho sản phẩm MOBH, Sở KH&CN đã áp dụng một số phương pháp góp phần nâng cao giá trị MOBH như:

Ứng dụng khoa học công nghệ hạ thủy phần: Từ kết quả nghiên cứu của Viện Hoá học và các hợp chất thiên nhiên, sau khi hạ thủy phần, tỷ lệ nước trong mật ong giảm từ khoảng 28% xuống còn 19%. Cùng với đó, trong điều kiện làm lạnh, không phát sinh nấm mốc, mật ong đặc, vàng óng, không bị lên men, chua, sủi bọt nên bảo quản được lâu hơn, nâng cao chất lượng mật.

Nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu chất lượng đặc thù cho MOBH: Qua kết quả nghiên cứu đã làm rõ hơn tính chất đặc thù của sản phẩm MOBH, đưa ra chỉ thị để truy xuất nguồn gốc và đưa ra cơ sở khoa học về giá trị y học của sản phẩm, bổ sung giá trị đặc thù về kháng khuẩn và chống ô xy hóa vào chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm mang CDĐL “Mèo Vạc” cho MOBH.

Nghiên cứu xác định vùng trồng và các giải pháp kỹ thuật về cây Bạc Hà: Đã tiến hành điều tra đánh giá về đặc thù thổ nhưỡng của đất trồng cây Bạc Hà, tri thức bản địa về khai thác cây Bạc Hà, mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên đến sinh trưởng phát triển cây Bạc Hà và chất lượng mật ong, từ đó xác định những vùng đất đai thích hợp trồng cây Bạc Hà để nuôi ong quy mô cấp huyện. Xây dựng qui trình kỹ thuật nhân giống trồng và chăm sóc cây Bạc Hà phục vụ nuôi ong lấy mật, ứng dụng công nghệ mới gắn qui trình nuôi ong lấy mật phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý phát triển chuỗi MOBH trên địa bàn tỉnh. Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cây Bạc Hà và nuôi ong lấy mật tại vùng Cao nguyên đá tỉnh Hà Giang.

Sử dụng mẫu bao bì MOBH dùng chung: Năm 2020 thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các doanh nghiệp, HTX sản xuất mật ong đã được cấp quyền sử dụng CDĐL, để thống nhất việc sử dụng mẫu bao bì dùng chung cho sản phẩm MOBH mang logo CDĐL “Mèo Vạc”. Tuy nhiên, việc sử dụng mẫu bao bì dùng chung này chưa hiệu quả do các doanh nghiệp, HTX sản xuất mật ong đã xây dựng, phát triển bao bì, mẫu mã riêng.

Qua việc triển khai thực hiện nội dung những nhiệm vụ đã được giao, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, sự phối kết hợp giữa các ngành, với UBND các huyện nên đã có những kết quả tốt trong công tác quản lý nhà nước đối với việc sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản của tỉnh được bảo hộ CDĐL. Con ong dễ nuôi, phù hợp với điều kiện địa phương, nhiều hộ gia đình tại vùng được bảo hộ CDĐL đã có kinh nghiệm nhiều năm nuôi ong, sản phẩm MOBH có chất lượng tốt, mang lại giá trị kinh tế cao. Việc phát triển đàn ong tại địa phương được áp dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện (Nghị quyết số 209/2015/NQ-HĐND ngày 10/12/2015 của HĐND tỉnh), có chính sách bảo hộ đàn ong địa phương tại các khu vực được bảo hộ CDĐL, ngăn ngừa việc sử dụng thuốc BVTV, thuốc diệt cỏ.... Các cơ sở sản xuất và kinh doanh MOBH tại địa phương ngày càng quan tâm tới việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những thuận lợi, Sở cũng đã gặp những vấn đề khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và quản lý, phát triển về CDĐL, Nhãn hiệu chứng nhận, về lợi ích, trách nhiệm của người được cấp quyền sử dụng còn chậm, chưa thường xuyên, chưa sâu sát với tình hình thực tiễn nên kết quả cấp quyền sử dụng chưa cao, chưa triển khai các bước để quản lý, phát triển sản phẩm sau khi được cấp văn bằng bảo hộ làm lãng phí và không phát huy được giá trị của tài sản trí tuệ. Một số DN, HTX, đơn vị sản xuất, kinh doanh chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm (về quy trình sản xuất, bảo quản...) dẫn đến chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến công tác xúc tiến thương mại và giữ vững thương hiệu cho sản phẩm. Việc đầu tư cải tiến mẫu mã, bao bì sản phẩm chưa được các DN, HTX quan tâm, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giao dịch, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chưa được các DN chú trọng, chủ yếu xúc tiến tiêu thụ bằng các kênh thương mại truyền thống... Công tác phối hợp quản lý và bảo vệ thương hiệu CDĐL còn chưa hiệu quả, việc giám sát chéo giữa các thành viên trong Hiệp hội trách nhiệm chưa cao, dẫn đến hiện tượng thương lái đội lốt thương hiệu MOBH Mèo Vạc tại địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra. Ý thức, trách nhiệm của một số hội viên trong việc tham gia bảo vệ thương hiệu sản phẩm còn hạn chế, cho đây là trách nhiệm của nhà nước, của các cơ quan chuyên môn, do vậy chưa mặn mà trong việc tham gia xây dựng Hội...

Vì vậy, Sở KH&CN đã đề ra các giải pháp thực hiện trong thời gian tới cần tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả các Chương trình, Đề án, Kế hoạch phát triển đối với các sản phẩm, hàng hoá nông nghiệp đặc trưng, có thế mạnh của tỉnh. Trong đó, ưu tiên tập trung quản lý đối với sản phẩm MOBH mang CDĐL “Mèo Vạc” qua các Kế hoạch quản lý kết hợp giải pháp công nghệ trên tem truy xuất nguồn gốc trên hệ thống cổng Truy xuất nguồn gốc của tỉnh,... Sở KH&CN đề ra 09 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý và phát triển thương hiệu sản phẩm MOBH, trong đó nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm, thống nhất về địa điểm bán hàng, xây dựng tiêu chí, điều kiện đối với các sản phẩm được tham gia và các điểm bán hàng sản phẩm đặc sản của địa phương; rà soát kiện toàn tổ chức Hội sản xuất, sửa đổi, bổ sung quy chế quản lý, nghiên cứu lập hồ sơ đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ CDĐL; thiết kế bổ sung thông tin cho bộ nhận diện Thương hiệu dùng chung...; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm định chất lượng định kỳ; đẩy mạnh công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm; nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu,… là các nhiệm vụ hết sức trọng tâm.

Nhằm nâng cao hơn nữa nhiệm vụ quản lý, khai thác và sử dụng CDĐL “Mèo Vạc” cho sản phẩm MOBH tỉnh Hà Giang, Sở KH&CN đã có các đề xuất, kiến nghị đối với UBND tỉnh mang tầm chiến lược (xây dựng và ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện quản lý, phát triển CDĐL “Mèo Vạc” và Chất lượng sản phẩm MOBH trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2023-2025) và các đề xuất kiến nghị đối với các cơ quan quản lý chuyên ngành, với UBND các huyện vùng Cao nguyên đá, với các Viện, Trường Trung ương...nhằm phát triển có hiệu quả chuỗi giá trị sản xuất mật ong đặc sản, bảo vệ quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng và nâng cao chất lượng, giá trị hàng hoá đặc sản của tỉnh./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 6

Hôm nay: 2809

Tháng này: 100040

Tổng lượt truy cập: 660691