Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/06/2024 / Lượt xem: 11
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy học của các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Hà Giang là tỉnh biên giới, miền núi đang phát triển, còn nhiều khó khăn so với các địa phương khác trong cả nước. Song, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chú trọng quan tâm và tạo điều kiện, do đó chất lượng công tác nói trên có nhiều chuyển biến tích cực.


Toàn tỉnh có 11 Trung tâm Chính trị cấp huyện; tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý, giảng viên của các Trung tâm Chính trị cấp huyện cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đội ngũ lãnh đạo và giảng viên chuyên trách tại Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố từng bước đạt chuẩn, về trình độ chuyên môn 100% có trình độ đại học và sau đại học, trình độ lý luận chính trị cơ bản đáp ứng theo quy định. Tổng số đội ngũ cán bộ giảng viên là 45 người, trong đó trình độ chuyên môn thạc sỹ 08 người, cử nhân 32 người, trình độ khác 05 người. Trong năm 2023, Trung tâm Chính trị trên địa bàn Tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở 490 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 42.163 học viên. Một số Trung tâm Chính trị như: Bắc Mê, Đồng Văn, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị năm 2023.

 Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động giảng dạy học tập tại các Trung tâm Chính trị trong những năm qua cũng cho thấy nhiều hạn chế, bất cập như: Về chất lượng giảng dạy: Việc đưa nội dung lý luận gắn vào vấn đề thực tiễn còn ít. Phương pháp chuyển tải kiến thức còn mang tính áp đặt một chiều, thiếu linh hoạt, sáng tạo, chậm đổi mới, dẫn đến không phát huy được ở học viên tính tích cực, chủ động tham gia xây dựng bài, phản ánh tình hình thực tiễn với nội dung lý luận làm phong phú nội dung bài giảng; chất lượng học tập: Trình độ học viên không đồng đều. Phần lớn học viên tiếp thu kiến thức thụ động, thiếu tích cực trong tham gia trao đổi, thảo luận và nghiên cứu bài học; chưa xác định đúng đắn động cơ học tập, dẫn tới tư duy học tập và phương pháp học tập chưa khoa học. Dẫn đến một bộ phận cán bộ sau quá trình tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện nhưng nhận thức về chính trị và phương pháp luận không theo kịp yêu cầu thực tế.

Nguyên nhân của những hạn chế xuất phát từ đội ngũ cán bộ và giảng viên tại Trung tâm Chính trị các huyện, thành phố có trình độ chuyên môn về lý luận chính trị, xây dựng Đảng chiếm tỷ lệ thấp, hầu hết trình độ chuyên môn được đào tạo của đội ngũ giảng viên các Trung tâm Chính trị đều chưa sát với yêu cầu trong công tác giảng dạy lý luận chính trị; đội ngũ giảng viên thiếu kiến thức thực tiễn, kỹ năng vận dụng, phân tích, định hướng với bài giảng; ít được bồi dưỡng, tiếp cận với phương pháp mới; cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động dạy học còn thiếu, có phần lạc hậu; cơ chế, chính sách đến chế độ đãi ngộ đối với người dạy và người học còn nhiều bất cập; phương pháp xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đánh giá của các Trung tâm Chính trị cấp huyện có lúc còn thiếu chặt chẽ. Học viên còn có tâm lý ngại học, lười học; sắp xếp thời gian chưa khoa học; sự phối hợp quản lý giữa Trung tâm Chính trị với các cơ quan, đơn vị cử cán bộ đi học chưa chặt chẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại các Trung tâm Chính trị trên địa bàn tỉnh; không đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong quá trình tham mưu, lãnh đạo chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, giữ vững trật tự, an toàn xã hội của Tỉnh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh, hạn chế lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và về lâu dài là mối nguy cơ lớn trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước thực trạng đó, việc thực hiện đề tài: “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng dạy học của các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang” là rất cần thiết.

Nội dung nghiên cứu của đề tài:

Nghiên cứu về cơ sở lý luận và thực tiễn việc nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang: Chuyên đề về nghiên cứu cơ sở lý luận; chuyên đề về nghiên cứu cơ sở thực tiễn; xây dựng báo cáo tổng quan chuyên đề về cơ sở lý luận, thực tiễn của việc nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang. 

Khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2019 đến năm 2023:

Chuyên đề khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên và hoạt động giảng dạy: Thu thập thông tin, số liệu, khảo sát, phân tích, đánh giá đúng thực trạng chất lượng đội ngũ giảng viên và hoạt động giảng dạy thông qua các tiêu chí: Số lượng, độ tuổi; trình độ học vấn; trình độ chuyên môn; trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước; năng lực, kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu khoa học; nghiệp vụ và phương pháp sư phạm; kinh nghiệm thực tế; khả năng tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận; số lượng phiếu điều tra khảo sát 500 phiếu.

Chuyên đề khảo sát, đánh giá thực trạng chất lượng học viên và hoạt động học tập, nghiên cứu của học viên: Số lượng phiếu điều tra khảo sát 500 phiếu.

Khảo sát, đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy học tại Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang: Số lượng phiếu điều tra khảo sát 500 phiếu.

Chuyên đề đánh giá chung về chất lượng hoạt động dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2019 đến năm 2023.

Tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Chất lượng công tác phối hợp, tổ chức, quản lý giảng dạy học tập tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện; chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Xây dựng bộ tài liệu mẫu và mô hình nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang :

Xây dựng 03 bộ tài liệu mẫu gồm: Tài liệu hướng dẫn giảng dạy tích cực; tài liệu hướng dẫn đăng ký tổ chức một đề tài nghiên cứu khoa học; bộ tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học. Thí điểm bộ tài liệu mẫu tại Trung tâm Chính trị huyện Đồng Văn, Xín Mần.

Xây dựng 02 mô hình nâng cao chất lượng dạy học theo phương pháp truyền thống kết hợp phương pháp dạy học tích cực và 01 mô hình dạy học gắn với nghiên cứu thực tế tại địa phương phục vụ bài/chuyên đề/môn học. Thí điểm mô hình tại Trung tâm Chính trị huyện Xín Mần.

Với những nội dung thực hiện  trên, đề tài sẽ đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang:

Chuyên đề xây dựng nhóm giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và hoạt động giảng dạy: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giảng viên; nâng cao ý thức trách nhiệm của giảng viên; đổi mới hình thức, phương pháp dạy học; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.

Chuyên đề xây dựng nhóm giải pháp nâng cao chất lượng học viên và hoạt động học tập, nghiên cứu: Thay đổi thái độ, nâng cao tư duy, nhận thức trong học tập; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong học tập; đổi mới hình thức, phương pháp học tập; đổi mới hình thức, phương pháp đánh giá chất lượng học tập; nâng cao chất lượng các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn.

Chuyên đề xây dựng nhóm giải pháp về những yếu tố ảnh hưởng khác đến việc nâng cao chất lượng dạy học:

Đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng; điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và chế độ chính sách; tăng cường cơ chế phối hợp, công tác chỉ đạo, tổ chức, quản lý giảng dạy học tập

Chuyên đề xây dựng báo cáo tổng quan về kết quả nghiên cứu của đề tài, báo cáo tổng kết đề tài.

Qua các nội dung nghiên cứu trên Ban chủ nhiệm sẽ tổ chức 03 hội thảo khoa học với chủ đề: Chất lượng công tác phối hợp, tổ chức, quản lý giảng dạy học tập tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện; chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang; xây dựng bộ tài liệu (tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học; nội dung tài liệu và hướng dẫn sử dụng tài liệu về phương pháp dạy học phục vụ trong giảng dạy học tập tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang). Mục đích nhằm đánh giá thực trạng chất lượng công tác phối hợp, tổ chức, quản lý giảng dạy học tập giữa các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang với các đơn vị phối hợp và các đơn vị có cán bộ được cử đi học, từ đó xác định giải pháp nâng cao chất lượng công tác;...  

Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: Cách tiếp cận từ hệ thống lý luận; tiếp cận theo từng nội dung cấu thành chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện; tiếp cận thực tiễn. Phương pháp nghiên cứu, kỹ thuật sử dụng: Phương pháp nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn việc nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phương pháp khảo sát thực trạng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang từ năm 2019 đến năm 2023; phương pháp nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu mẫu và mô hình nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phương pháp nghiên cứu đề xuất các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang; phương pháp xử lý số liệu bằng thống kê, tổng hợp; dự kiến sử dụng phần mềm Microsoft office; SPSS 18.0 để trình bày, phân tích và xử lý thông tin số liệu.   

Trong thời gian thực hiện đề tài, ban chủ nhiệm sẽ đạt được một số kết quả như sau: Sản phẩm KH&CN chính của đề tài và yêu cầu chất lượng cần đạt, ở dạng I là các bài viết, bài nghiên cứu, sản phẩm khoa học về thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, có tính chính xác khoa học, đảm bảo chất lượng, công bố Báo Hà Giang; Trang Thông tin điện tử tổng hợp của tỉnh; Trang Thông tin lý luận và thực tiễn Trường chính trị tỉnh Hà Giang; báo, tạp chí khác. Dạng II là Báo cáo khoa học (báo cáo chuyên đề, báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu, báo cáo kiến nghị); kết quả dự báo; mô hình; quy trình; phương pháp nghiên cứu mới; sơ đồ, bản đồ; số liệu, cơ sở dữ liệu và các sản phẩm khác.

Sau khi đề tài thực hiện thành công, kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho 11 Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, góp phần làm rõ tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng dạy học của các Trung tâm Chính trị cấp huyện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, từ đó đề ra các giải pháp giúp các Trung tâm Chính trị cấp huyện nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời cung cấp cơ sở khoa học giúp đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành hoạch định chủ trương, chính sách về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các huyện, thành phố trong tỉnh,.../.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 9

Hôm nay: 2974

Tháng này: 27341

Tổng lượt truy cập: 350521