Chủ Nhật, 08/09/2024
Ngày đăng: 01/06/2024 / Lượt xem: 12
Xem với cỡ chữ

Nghiên cứu khám sàng lọc và điều trị tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hà Giang

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lí nguy hiểm xếp thứ hai ở phụ nữ nhưng có thể làm giảm tử vong cũng như giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội nếu được tiêm phòng, phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư và điều trị kịp thời do khoảng thời gian hình thành và tổn thương tương đối dài. Tiền UTCTC (giai đoạn ung thư biểu mô tại chỗ) xảy ra khi lớp lót cổ tử cung (CTC) bắt đầu xuất hiện các tế bào biểu mô bất thường, trong giai đoạn này, các tế bào ung thư chưa xâm lấn sâu xuống mô chính và đồng thời cũng chưa lan sang các bộ phận khác.


Hiện nay, trên thế giới và Việt Nam đã có nhiều Chương trình và Chiến lược sàng lọc UTCTC. Đối với Hà Giang - là tỉnh miền núi ở khu vực phía Bắc, với khoảng 85% dân số sống ở khu vực nông thôn, đa dạng về dân tộc, thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nên điều kiện kinh tế khó khăn, cho đến nay trên địa bàn tỉnh chưa có Chương trình sàng lọc UTCTC trong cộng đồng. Để chủ động đạt được mục tiêu “Giảm tỷ lệ tử vong do UTCTC”, việc thực hiện sàng lọc phát hiện sớm và xử trí UTCTC là một yêu cầu cấp thiết cần được sớm triển khai trên địa bàn tỉnh. Trước thực tế đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện đề tài: “Nghiên cứu khám sàng lọc và điều trị tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trên địa bàn tỉnh Hà Giang”.

Trong 36 tháng triển khai thực hiện đề tài, Ban chủ nhiệm đã hoàn thành các mục tiêu đề ra: Tiến hành nghiên cứu Quy trình khám sàng lọc, điều trị tiền Ung thư và Dự phòng UTCTC cho phụ nữ trên địa bàn huyện Yên Minh, Bắc Quang, Hoàng Su Phì và thành phố Hà Giang; đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế tại địa phương; nâng cao nhận thức cho người dân trong việc đi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm UTCTC để được điều trị kịp thời.

Đề tài đã triển khai được các nội dung theo Thuyết minh phê duyệt, gồm:

Nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình khám sàng lọc UTCTC, trong quá trình triển khai, Ban chủ nhiệm đã xây dựng và đưa vào sử dụng Mẫu phiếu khám sàng lọc phát hiện sớm các tổn thương tiền UTCTC để thực hiện khám sàng lọc UTCTC... Thiết kế tờ rơi tuyên truyền phòng trống UTCTC và tổ chức in ấn, cấp phát 45.000 tờ rơi cho đối tượng đến khám sàng lọc.

Phân công giảng viên giảng dạy và tổ chức 03 lớp đào tạo, tập huấn cho 83 học viên (đạt 106,4%) là đội ngũ bác sĩ tham gia khám, xét nghiệm và điều trị UTCTC (cán bộ y tế trực tiếp làm công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản - trực tiếp khám sàng lọc và xét nghiệm test nhanh) tại tuyến huyện và tuyến xã tại ba huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh về Kỹ thuật xét nghiệm sớm UTCTC bằng axit axetic & Lugol (VIA/VILI) và Kỹ thuật lấy tế bào cổ tử cung, âm đạo, đây là phương pháp xét nghiệm sớm và hiệu quả cao trong công tác dự phòng UTCTC. Sau đào tạo, tập huấn, các Học viên được cung cấp kiến thức về sàng lọc phát hiện sớm UTCTC thực hiện được các kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc sớm UTCTC bằng axit axetic & Lugol (VIA/VILI - phương pháp xét nghiệm nhanh và quan sát bằng mắt thường với vùng chuyển tiếp tại cổ tử cung, âm đạo cho độ chẩn đoán chính xác cao); Thực hiện được kỹ thuật lấy tế bào CTC, âm đạo, cố định tế bào chuyển gửi xét nghiệm (phương pháp xét nghiệm tế bào học CTC - nhằm phát hiện kịp thời, chẩn đoán và quyết định phương pháp điều trị đạt kết quả tốt nhất và an toàn, giảm chi phí). Cung cấp kiến thức về tư vấn, truyền thông dự phòng UTCTC cho cán bộ trực tiếp làm công tác khám, xét nghiệm phát hiện sớm UTCTC. Hiện tại trên 90% cán bộ y tế phụ trách công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản (CSSKSS) tại các huyện, thành phố tham gia triển khai đề tài thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sàng lọc, phát hiện sớm UTCTC bằng kỹ thuật test nhanh (VIA/VILI) và lấy được tế bào CTC, âm đạo, cố định và chuyển phòng xét nghiệm đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật; trên 80% Trạm y tế xã thực hiện dịch vụ kỹ thuật khám sàng lọc UTCTC bằng phương pháp VIA/VILI. Số còn lại một phần xã không cung cấp dịch vụ (gần Bệnh viện huyện và bệnh viện tỉnh) và một số trạm y tế xã thiếu cán bộ làm công tác CSSKSS (nữ hộ sinh).

Đào tạo tập huấn về kỹ năng truyền thông, tư vấn cho 399 nhân viên y tế thôn, bản và Chi Hội phụ nữ thôn (đội ngũ trực tiếp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động tại cộng đồng): Tổ chức 10 lớp tập huấn cho 399/400 học viên (đạt 99,75%) là nhân viên Y tế thôn bản và chi hội phụ nữ thôn. Trong quá trình đào tạo, tập huấn, các học viên được cung cấp kiến thức, khái niệm về UTCTC, các yếu tố nguy cơ và dấu hiệu nhận biết sớm UTCTC, được cung cấp kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn và tổ chức tốt các buổi truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Sau đào tạo, tập huấn, trên 90% đội ngũ y tế thôn bản tại các huyện thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động phụ nữ trong độ tuổi có nguy cơ cao, thực hiện tốt công tác dự phòng UTCTC và lồng ghép tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt nhóm, buổi họp thôn, đặc biệt là 100% các buổi họp phụ nữ thôn được lồng ghép tuyên truyền, phát tờ rơi về phòng chống UTCTC. Kết quả phụ nữ đến khám tại buổi sàng lọc cao hơn, phỏng vấn phụ nữ phần lớn nhận thức được tầm quan trọng của việc sàng lọc sớm UTCTC, hầu hết phụ nữ đến khám đều tự nguyện và mong muốn được tổ chức khám định kỳ 6 tháng/1 lần, dịch vụ được sẵn sàng tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại trạm y tế xã, khi bà con có nhu cầu đến chăm sóc y tế gần nhất đều được đáp ứng kịp thời.

Tổ chức nghiên cứu quy trình khám sàng lọc điều trị tiền ung thư và dự phòng UTCTC: Tiến hành triển khai thực hiện 04 đợt khám sàng lọc phát hiện sớm UTCTC cho 30.027 phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao (30 - 45) tại Bệnh viện đa khoa, Trạm y tế xã, phường, thị trấn thuộc 03 huyện (Yên Minh, Bắc Quang, Hoàng Su Phì) và thành phố Hà Giang... do các Bác sĩ, chuyên ngành phụ sản được đào tạo chuyên môn thực hiện. Sau đó tiến hành thực hiện xét nghiệm sàng lọc 30.027 mẫu bệnh phẩm, tổng mẫu tiêu bản tế bào học được lấy và thực hiện đảm bảo đúng quy trình chuyển gửi xét nghiệm đến Khoa Giải phẫu bệnh - Bệnh viện đa khoa tỉnh để xét nghiệm tế bào. Các bệnh phẩm này được bác sỹ chuyên khoa giải phẫu bệnh - tế bào học tiến hành. Tổng 100% tiêu bản tế bào đã lấy được xét nghiệm đúng quy trình, cho thấy kết quả xét nghiệm tế bào học bất thường chiếm tỷ lệ đáng kể 1,7%, (trong đó: Biến đổi lành tính chiếm 0,12%; tổn thương Tiền UTCTC ở mức độ thấp chiếm 1,6% và tổn thương ở mức độ cao chiếm <0,01%). Sau khi khám sàng lọc và xét nghiệm tế bào CTC đã phát hiện 516 trường hợp có tổn thương tiền UTCTC, ban chủ nhiệm đề tài đã đưa vào điều trị cho 516 trường hợp nêu trên (100% trường hợp mắc bệnh) với quy trình thực hiện điều trị bằng phương pháp áp lạnh.

Phương pháp áp lạnh là phương pháp sử dụng nitơ lỏng hoặc cacbon bay hơi ở nhiệt độ cực thấp. Thông qua dụng cụ bằng kim loại để dẫn nitơ lỏng áp sát vào tổn thương trên bề mặt cổ tử cung. Do nhiệt độ có thể ở mức -196oC nên các chất hữu cơ của tế bào sẽ đông lại và giết chết tế bào, nhờ đó tiêu diệt được các tế bào gây viêm, dự phòng UTCTC. Tiến hành lắp ráp hệ thống áp lạnh, kiểm tra áp suất khí CO2; khám phụ khoa, đặt mỏ vịt, thực hiện lại phương pháp VIA và VILI (sử dụng acetic acid hoặc Lugol để xác định tổn thương ở CTC); chọn đầu áp phù hợp. Áp đầu áp kim loại vào CTC (không để đầu áp và cần áp chạm vào thành âm đạo); đông lạnh theo kỹ thuật đông kép (đông lạnh 3 phút -  tan 5 phút - đông lại 3 phút); đợi đến khi đầu áp tự rời khỏi CTC, lấy đầu áp ra và xử lý chống nhiễm khuẩn hệ thống áp lạnh. Theo dõi sau khi điều trị áp lạnh cho 516 bệnh nhân, kết quả điều trị đạt 96% trường hợp khỏi bệnh, 04% trường hợp có tổn thương sâu, rộng (tổn thương lộ tuyến độ III là chủ yếu) và không tuân thủ quy trình điều trị và lời căn dặn của bác sỹ.

Có thể nhận thấy, đề tài được thực hiện thành công đã giúp hơn 30.000 phụ nữ được sàng lọc UTCTC và trên 500 phụ nữ được điều trị sớm tiền UTCTC, từ đó giúp giảm chi phí khám, điều trị cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Khám sàng lọc và xét nghiệm UTCTC bằng phương pháp VIA/VILI là phương pháp có kỹ thuật đơn giản và chi phí thấp nhưng cho độ chính xác cao, giúp phát hiện sớm các tổn thương tại CTC từ đó có biện pháp điều trị sớm và phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho chị em phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ kỹ thuật ngay tại địa phương, cắt giảm tối đa chi phí đi lại, chi phí dịch vụ và thời gian di chuyển, chờ đợi, hơn nữa giảm quá tải cho tuyến trên, giảm tập trung đông người không cần thiết... Thông qua việc thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức của phụ nữ nói riêng và của toàn xã hội nói chung. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và UTCTC góp phần giảm chi phí không nhỏ về kinh tế cho người dân và cho toàn xã hội. Thực tế cho thấy phụ nữ đã có QHTD và sinh đẻ nhiều lần (bao gồm cả nạo phá, sảy thai…) thì tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa chiếm tỷ lệ khá cao, nhất là đối với phụ nữ sống tại những vùng khó khăn của tỉnh, người dân còn thiếu nhiều kiến thức, khó thay đổi hành vi về CSSKSS nên việc mang thai và sinh đẻ nhiều lần là điều khó tránh khỏi. Từ mắc bệnh phụ khoa dẫn đến nhiễm vi rút HPV (có nhiều nhóm HPV gây UTCTC), nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, tỷ lệ viêm nhiễm nặng và nguy cơ UTCTC sẽ rất cao. Việc thực hiện khám sàng lọc và tuyên truyền nhận thức về khám sàng lọc UTCTC giúp phụ nữ nhận biết và chủ động CSSKSS, nâng cao ý thức thăm khám thường xuyên giúp thực hiện sớm việc dự phòng và điều trị UTCTC một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng sức khỏe, cuộc sống của gia đình và xã hội.

Ngoài ra, việc Ứng dụng những kết quả đề tài đạt được tại các tuyến (từ thôn bản đến xã, huyện, tỉnh) đã giúp cho đội ngũ y tế thôn, bản thực hiện thành thạo kỹ năng tuyên truyền vận động phụ nữ trong độ tuổi nguy cơ cao, đi khám phụ khoa định kỳ, sàng lọc phát hiện sớm UTCTC. Tổ chức lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp thôn, sinh hoạt Chi Hội phụ nữ tại thôn và trong các buổi tập trung đông người khác. Tỷ lệ sàng lọc sớm UTCTC tại tuyến xã và huyện được nâng lên rõ rệt; đội ngũ cán bộ y tế tuyến xã, huyện thực hiện khám sàng lọc và xét nghiệm sớm UTCTC bằng test nhanh miễn phí, điều trị được các viêm nhiễm phụ khoa và tiền UTCTC; đội ngũ cán bộ y tế chuyên khoa tại BVĐK huyện được đào tạo về xét nghiệm và điều trị tiền UTCTC; được trang bị hệ thống máy móc phục vụ công tác xét nghiệm và điều trị UTCTC; từ đó tại tuyến huyện có thể thực hiện được công tác sàng lọc, dự phòng và điều trị sớm UTCTC cho phụ nữ, bên cạnh đó có khả năng tự đào tạo, tập huấn cập nhật, nâng cao kiến thức hàng năm cho đội ngũ nhân viên y tế tại các tuyến.

Qua kết quả đã đạt được, có thể khẳng định, Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ Y tế tại địa phương và nâng cao nhận thức cho người dân trong việc đi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm UTCTC để được điều trị kịp thời, qua đó phụ nữ đã biết được các nguyên nhân dẫn đến UTCTC và có kiến thức dự phòng sớm UTCTC; cán bộ của Trạm y tế đã có kiến thức cơ bản và sàng lọc phát hiện sớm UTCTC; đối với các bệnh viện tuyến huyện, đội ngũ cán bộ tại khoa Sản đều thực hiện tốt quy trình điều trị tổn thương tiền UTCTC bằng phương pháp áp lạnh sau khi đã được nhóm nghiên cứu đào tạo chuyển giao theo hình thức cầm tay chỉ việc, qua đó, giúp giảm tải chi phí khám chữa bệnh, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, tỉnh cần có thêm nhiều các đề tài, dự án nghiên cứu về lĩnh vực y - dược để chủ động phổ cập kiến thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo bền vững./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 1 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 13

Hôm nay: 3024

Tháng này: 27391

Tổng lượt truy cập: 350571