Ngày đăng: 01/07/2024 / Lượt xem: 3
Xem với cỡ chữ

Công tác quản lý, sử dụng mô hình “nhà tiêu sinh học” và “hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp”

Hà Giang là một tỉnh miền núi, biên giới, địa đầu của tổ quốc có địa hình núi đá vôi hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn không những khó khăn về phát triển kinh tế mà còn khan hiếm nước trong sinh hoạt.

Hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp tại trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang. Ảnh: St.


Tại những địa phương thiếu nước sinh hoạt, đa số nhà tiêu tự hoại không sử dụng được do thiếu nước xử lý chất thải, với các nhà tiêu truyền thống thì không đảm bảo vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, các công trình cấp nước sinh hoạt hiện có như bể chứa, hồ treo, chất lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường (VSMT). Vào mùa khô, địa bàn các huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, nguồn nước tự chảy đầu nguồn cạn kiệt khiến các hồ treo, bể chứa nước đều trong tình trạng hết nước, lượng mưa không đáng kể dẫn đến tình trạng khô hạn, người dân nhiều nơi phải đi bộ vài cây số để lấy nước về phục vụ sinh hoạt, nhà trường phải mua nước từ huyện về với chi phí rất cao.

Năm 2021 - 2022, được sự quan tâm của UBND tỉnh Hà Giang, sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Viện Dân số, Sức khoẻ và Phát triển (PHAD) – thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh Hà Giang đã phối hợp với các địa phương, nhà trường thực hiện thành công 02 mô hình khoa học công nghệ (KHCN) tiêu biểu: Mô hình “nhà tiêu sinh học” (NTSH) không dùng nước thay thế nhà tiêu truyền thống lắp đặt tại khu vực khan hiếm nước; “hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp” (hay còn gọi là mô hình cấp nước sạch và nước uống học đường) lắp đặt tại một số trường học, điểm dân cư có điều kiện khó khăn về tiếp cận nguồn nước sạch. Hai mô hình KHCN này đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất lớn, đem lại giá trị thiết thực cho cuộc sống gần 4.000 học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên và cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án; hơn nữa tình trạng VSMT được đảm bảo, khắc phục rõ rệt một số bệnh về mắt, da, hô hấp, tiêu hóa đã được nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao, góp phần nâng cao sức khoẻ, bảo vệ môi trường, cải thiện điều kiện sống cho cộng đồng dân cư địa phương trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

Đối với NTSH không dùng nước là một loại nhà vệ sinh sử dụng công nghệ sinh học xử lý chất thải dạng khô, có các thành phần chính như: Thùng trộn; hệ thống đảo trộn; hệ thống truyền động; giá thể; chế phẩm vi sinh BIOFP; cabinet. Nguyên lý hoạt động, chất thải trong thùng trộn được trộn đều với giá thể và chế phẩm sinh học thông qua hệ thống đảo trộn làm tăng bề mặt tiếp xúc giữa chất thải và vi sinh vật, phân huỷ chất thải thành hơi nước, CO2 và nhiệt năng. Nhiệt lượng và vi sinh ưa nhiệt sẽ ức chế, tiêu diệt các loại khuẩn có hại ecoli, coliform trong chất thải,… Mô hình sau khi vận hành, thử nghiệm được đánh giá là “Nhà tiêu hợp vệ sinh” theo TCVS 01/2011-BYT.

Hệ thống NTSH không dùng nước trong xử lý chất thải đã được thiết kế, lắp đặt, vận hành, sử dụng thành công 06 mô hình NTSH tại 03 địa điểm, gồm: Điểm du lịch thôn Lũng Cẩm trên thuộc xã Sủng Là; Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú (PTDTBT) Tiểu học và THCS Sà Phìn và tại UBND xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn. Các điểm này là những khu vực khan hiếm nước sinh hoạt điển hình của khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn, với công suất 120-150 lượt/ngày.

Sau hơn 3 năm lắp đặt, vận hành, qua kết quả khảo sát, đánh giá cho thấy: Các mô hình NTSH không dùng nước đang được các đơn vị duy trì vận hành mang lại hiệu quả thiết thực, khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết được vấn đề bức xúc hiện tại là xử lý chất thải triệt để, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường.

Trong công tác quản lý, vận hành mô hình, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh đã cùng với nhà tài trợ và chính quyền địa phương (UBND huyện, xã) tổ chức Lễ bàn giao công trình và bàn giao trách nhiệm quản lý, sử dụng cho Ban Quản lý (BQL) công trình cơ sở, đơn vị hưởng lợi dự án theo Quy chế đã được các BQL ban hành và đã được chính quyền địa phương phê duyệt, nhằm đảm bảo công trình duy trì hoạt động bền vững, hiệu quả. Đơn vị hưởng lợi có trách nhiệm hạch toán, theo dõi quản lý tài sản công theo quy định hiện hành; theo dõi, kiểm tra, giám sát, duy trì vận hành hệ thống đảm bảo hiệu quả, bền vững; định kỳ báo cáo tình hình quản lý, sử dụng về các cơ quan liên quan; xây dựng kinh phí duy tu, bảo dưỡng để công trình hoạt động hiệu quả. Sau lắp đặt, sử dụng công trình sau thời gian 03 năm bàn giao cho chính quyền, địa phương, nhà trường cho thấy: Hệ thống NTSH được các đơn vị, địa phương, nhà trường quản lý, vận hành, sử dụng hiệu quả, do NTSH là một loại nhà vệ sinh sử dụng công nghệ sinh học, xử lý chất thải ở dạng khô (không dùng nước để phân huỷ chất thải); xử lý chất thải sinh hoạt hợp vệ sinh, không có mùi hôi, quá trình hoạt động không gây ra ô nhiễm môi trường; thời gian phân huỷ chất thải nhanh, diệt khuẩn hoàn toàn sau 24 đến 72 giờ; thiết kế, lắp đặt linh hoạt, không đòi hỏi xây dựng cầu kỳ, với chi phí hợp lý chỉ từ 45-55 triệu đồng, tương đương hoặc thấp hơn so với nhà tiêu tự hoại, có thể cải tiến để tiết kiệm chi phí hơn nữa (tuỳ theo công suất sử dụng); không dùng điện hoặc có sử dụng điện nhưng rất hạn chế trong quá trình vận hành; bảo dưỡng dễ dàng và tiện lợi khi dọn vệ sinh, thay thế giá thể trong điều kiện thiếu nước; chế phẩm sinh học có sẵn trên thị trường với giá cả hợp lý; chất thải sau khi phân huỷ có thể sử dụng để bón cho cây trồng...

Với những ưu điểm nêu trên, mô hình “Nhà tiêu sinh học không dùng nước” hoàn toàn có khả năng lắp đặt nhân rộng tại các điểm du lịch, điểm trường học, điểm giao dịch hành chính xã... nơi khan hiếm nước sinh hoạt, khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí do sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh trong điều kiện thiếu nước gây ra, góp phần bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng, giữ gìn cảnh quan môi trường, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững khu vực Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cho thấy, mô hình NTSH còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình vận hành, sử dụng, công tác quản lý vận hành, bảo trì, bảo dưỡng định kỳ chưa tuân thủ yêu cầu kỹ thuật,...

            Đối với mô hình cấp nước sạch (CNS) và nước uống học đường (NUHĐ), đã được Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh cùng các chuyên gia thiết kế, cùng nhà thầu hoàn thành việc lắp đặt, bàn giao đưa vào sử dụng 05 hệ thống CNS và NUHĐ tại 05 trường có nguồn nước đầu vào không đạt Quy chuẩn chất lượng an toàn về nước sạch dùng cho sinh hoạt (QCVN 02/2009/BYT của Bộ Y tế), gồm: Trường Mầm non Sủng Là, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Sà Phìn (huyện Đồng Văn), Trường PTDTNT huyện Bắc Mê, Trường PTDTBT THCS Yên Cường (huyện Bắc Mê) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang. Đến tháng 4/2023, Trung tâm Phát triển cộng đồng bền vững (SCODE) đã hỗ trợ phát triển thêm 02 mô hình CNS và NUHĐ tại trường THCS Phú Linh (huyện Vị Xuyên) và trường PTDTBT THCS Phiên Luông (huyện Bắc Mê). Hệ thống xử lý CNS và NUHĐ gồm: Bộ xử lý nước đầu nguồn, cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt công suất từ 5m3-30m3/ngày đêm; Hệ thống lọc RO, diệt khuẩn bằng tia cực tím cung cấp nước tinh khiết uống trực tiếp công suất 120-300 lít/giờ.

Mô hình có một số ưu điểm nổi bật như: Hệ thống thiết bị gọn nhẹ, kiểu dáng công nghiệp, có độ bền cao, dễ lắp đặt, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thay thế, tiết kiệm điện năng, nguồn nước đầu vào phù hợp với mô hình tự quản đơn vị, trường học, điểm dân cư; mô hình mang tính bền vững của một dự án có sự đóng góp đối ứng của địa phương, chi phí lắp đặt không cao (khoảng 60-100 triệu đồng/mô hình tùy theo công suất và nhu cầu sử dụng của từng trường); chất lượng nước đầu ra sau xử lý của 05 mô hình CNS và NUHĐ đều đạt được tiêu chuẩn vượt trội so với mục tiêu đề ra, cụ thể: Chất lượng nước đầu ra phục vụ cho sinh hoạt (rửa rau, vo gạo, nấu cơm, nấu canh, đun nước uống...) đều không có vi khuẩn và đạt Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT (Quy chuẩn Quốc gia cao nhất về nước sạch dành cho sinh hoạt); nước tinh khiết (nước uống trực tiếp) đều không có vi khuẩn, nấm mốc, hàm lượng các chất kim loại nặng, chất độc hại, đạt Quy chuẩn QCVN 6-l:2010/BYT (Quy chuẩn Quốc gia cao nhất dành cho nước uống trực tiếp); hệ thống CNS và NUHĐ đã đáp ứng cho gần 4.000 học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên của 06 nhà trường trên địa bàn. Mô hình đã được chính quyền địa phương, người dân, nhà trường đánh giá cao về hiệu quả và đã được bàn giao cho các địa phương, nhà trường, Ban quản lý vận hành, khai thác sử dụng. Sau hơn 2 năm bàn giao, sử dụng, kết quả khảo sát, đánh giá chất lượng nước uống trực tiếp (không cần đun sôi) tại các nhà trường thuộc Dự án hỗ trợ đều đạt Quy chuẩn chất lượng vượt trội QCVN 06-l:2010/BYT: Không vi khuẩn, không vi rút, không nấm mốc, không kim loại nặng và chất độc hại. Cho thấy, mô hình hệ thống xử lý CNS và NUHĐ cần được nhân rộng tại tất cả các điểm trường học, đặc biệt là các khu vực dân cư sử dụng nước từ các hồ treo (chất lượng nước không đảm bảo an toàn cho sinh hoạt) khu vực Cao Nguyên đá Đồng Văn.

Như vậy, mô hình NTSH không dùng nước và hệ thống công trình CNS, NUHĐ có những ưu điểm vượt trội, phù hợp với vùng khan hiếm nước của tỉnh Hà Giang. Để 2 mô hình tiếp tục được nhân rộng, phát triển cần có sự quan tâm của UBND tỉnh trong việc ban hành chính sách phù hợp, bố trí kinh phí thông qua việc phối hợp lồng ghép với các chương trình, mục tiêu quốc gia liên quan đến nước sạch, VSMT, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, cần có sự phối hợp của các cơ quan truyền thông và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích, hiệu quả của các mô hình, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi hành vi của cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của việc sử dụng nước sạch và VSMT trong đời sống sinh hoạt, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng,… Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng khan hiếm nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo nguồn nước sạch tại các trường học, cụm dân cư thiếu nước trên địa bàn tỉnh./.

Nguồn tin: Bản tin KH&CN (Số 2 2024)

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 10

Hôm nay: 409

Tháng này: 112191

Tổng lượt truy cập: 435371