Thông caribê là loài sinh trưởng nhanh, có thân cây thẳng đẹp, cành nhánh nhỏ hơn Thông ba lá (P. kesiya), Thông đuôi ngựa (P. massoniana) và Thông nhựa (P. merkusii), là một trong số loài thông có triển vọng nhất cho trồng rừng thông ở Việt Nam (Lê Đình Khả và cs, 2002). Thông caribê được trồng đầu tiên tại Đà Lạt vào năm 1963, các nghiên cứu đã đánh giá trên hầu hết các khu vực có tiềm năng trồng thông ở Việt Nam. Tuy nhiên, các nghiên mới chỉ đánh giá ở mức độ khảo nghiệm loài, xuất xứ; vì vậy cần có một chương trình nghiên cứu cải thiện giống bài bản cho loài cây này (Lê Đình Khả và cs, 2003).
Trong những năm gần đây, việc phát triển rừng trồng Keo, Bạch đàn một cách nhanh chóng, đi kèm với những lợi ích kinh tế mang lại thì cũng đã phát sinh tình trạng sâu bệnh hại cho rừng trồng Keo, Bạch đàn dẫn tới việc suy giảm năng suất và mất an toàn sinh học. Do khả năng sinh trưởng tốt, chống chịu gió bão lớn và hình dáng thân thẳng đẹp, Thông caribê có tiềm năng lớn là loài cây trồng rừng thay thế với các loài Keo (Acacia) và Bạch đàn (Eucalyptus) trên vùng đồi thoái hóa và các vùng đất cằn cỗi của Việt Nam đặc biệt là khu vực Miền Trung hàng năm chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn, tạo ra nguồn nguyên liệu bột giấy sợi dài cho sản xuất giấy cũng như gỗ xẻ chất lượng cao cho xây dựng và đồ gỗ dân dụng (Mark J. Dieters và cs. 2006).
Thông caribê sinh trưởng nhanh hơn các loài thông khác (Thông nhựa, Thông 2 mã vĩ, Thông ba lá...) và có khả năng thích nghi trên các lập địa xấu, tuy nhiên luân kỳ kinh doanh dài (20-30 năm), việc đánh giá một cách chính xác biểu hiện của kiểu gen cần có thời gian (6-8 năm). Bên cạnh đó, Thông caribê có giai đoạn trẻ (juvenile phase) lớn hơn 10 năm, do đó để có thể sản xuất hạt giống từ các cây trội đã qua tuyển chọn và khảo nghiệm đòi hỏi một thời gian dài. Mặt khác việc chọn lọc các cá thể hoặc gia đình tốt thích hợp cho nhiều vùng sinh thái, cũng như xác định các biện pháp nhân giống phù hợp cũng cần được nghiên cứu nhằm duy trì nguồn giống tốt và phát triển giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Vì vậy, nghiên cứu cải thiện giống Thông caribê cần được tiến hành theo cách tiếp cận có tính lâu dài (10-15 năm), với mỗi giai đoạn (5 năm) giải quyết một số vấn đề có tính chất trước mắt đồng thời tạo lập nền tảng cho các giai đoạn tiếp theo, qua mỗi giai đoạn có thể cung cấp được giống từng bước được cải thiện cho trồng rừng, với chất lượng di truyền của giống ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Đề tài “Nghiên cứu chọn giống Thông caribê (Pinus caribaea Morelet) cung cấp gỗ lớn cho vùng Bắc Trung Bộ và Đông Bắc Bộ” do ThS. Cấn Thị Lan cùng nhóm nghiên cứu tại Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thực hiện với mục tiêu cải thiện năng suất, chất lượng rừng trồng nói chung, cũng như loài Thông caribê nói riêng, giúp đem lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị, tổ chức cá nhân trồng rừng.
Sau thời gian nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả như sau:
- Đề tài đã tiến hành điều tra đánh giá được thực trạng nguồn giống và tình hình trồng rừng Thông caribê tại vùng Đông Bắc Bộ (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang) và vùng Bắc Trung Bộ (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng).
- Đã chọn lọc và thu hái được 120 cây trội Thông caribê có tính đa dạng di truyền cao của hai biến chủng Pinus caribaea var. Honderensis (PCH) và Pinus caribaea var. bahamensis (PCB), đại diện cho 2 vùng sinh thái. Các lô hạt cây trội đã được gieo ươm phục vụ xây dựng các khảo nghiệm hậu thế.
- Đề tài đã tiến hành ghép được 1.500 cây từ 50 cây trội và xây dựng 2 vườn giống vô tính tại Ba Vì, Hà Nội và Đông Hà, Quảng Trị. Kết quả đánh giá vườn giống vô tính cây ghép Thông caribê ở giai đoạn 1 tuổi có tỷ lệ sống trung bình từ 84,2 % - 87,5 %, các dòng trong khảo nghiệm có sinh trưởng tốt với đường kính gốc đạt từ 3,6 - 4,2 cm và chiều cao đạt từ 1,5 - 1,9 m.
- Đã hoàn thiện được quy trình nhân giống Thông caribê bằng phương pháp giâm hom và được công nhận là tiến bộ kỹ thuật. Trong đó, vườn vật liệu được bón 2 kg phân hữu cơ +0,2 kg super lân (P205: 15-17%)/cây, tưới nước hàng ngày với 1,0 lít/gốc và che sáng 25 % cho tỷ lệ sống, sản lượng hom và chất lượng hom tốt nhất; chất điều hòa sinh trưởng được sử dụng là NAA, IBA nồng độ 1.500 ppm; giá thể giâm hom tốt nhất là cát vàng; mùa vụ giâm hom tốt nhất vào tháng 11-12 và tháng 2-3 hàng năm.
- Đã xây dựng được hướng dẫn kỹ thuật nhân giống in vitro từ hạt cho Thông caribê. Sử dụng dung dịch clorua thuỷ ngân HgCl2 0,1 % trong thời gian 12 phút cho kết quả khử trùng tốt nhất; bổ sung 0,25 mg/l BAP trong giai đoạn nhân chồi cho kết quả tốt nhất cả về số chồi/cụm và chiều cao chồi; bổ sung IBA 1,0 mg/l trong giai đoạn ra rễ cho kết quả tối ưu về cả 3 chỉ số tỷ lệ chồi ra rễ (78,9 %), số rễ/cây (2,6 rễ) và chiều dài rễ sau 4 - 6 tuần nuôi cấy; thời gian huấn luyện ngoài vườn ươm từ 20 - 30 ngày cho tỷ lệ sống cao nhất (64,4 %) và chiều cao cây đạt 6,4 cm.
Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 20018/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn tin: