Ngày đăng: 16/11/2024 14:00:58 / Lượt xem: 199
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự khai thác nguồn nước thượng nguồn và những tác động tiêu cực từ thiên tai, ô nhiễm môi trường nước, lĩnh vực thủy lợi tại Việt Nam đang đối diện với những thách thức lớn chưa từng có. Để vượt qua, khoa học công nghệ được xem là chìa khóa, là nền tảng vững chắc đưa ngành thủy lợi tiến xa hơn trong việc bảo đảm an ninh lương thực, quản lý tài nguyên nước và phát triển bền vững. Hội nghị khoa học công nghệ thủy lợi 80 năm phát triển và đồng hành cùng đất nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 14/11/2024 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào ngành này.


Quang cảnh hội nghị

Ngân hàng Thế giới (Word Bank) nhiều lần đánh giá: “Việt Nam là quốc gia có hạ tầng thủy lợi nhiều và tốt bậc nhất thế giới”. Với hệ thống 290.000 trạm bơm lớn nhỏ khác nhau, 170.000 công trình kênh mương có tổng chiều dài hàng triệu km, hệ thống điều chỉnh, điều hòa nguồn nước trong mạng lưới các hồ thủy lợi đã trở thành nền tảng để ngành nông nghiệp tái cơ cấu hợp lý, giúp ngành nông nghiệp Việt Nam có đủ nước để có thể chủ động sản xuất.

Trong suốt hành trình 80 năm qua, hệ thống thủy lợi của Việt Nam đã không ngừng phát triển, trở thành một nền tảng vững chắc phục vụ nhiều lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp đến đời sống dân sinh. Đến nay, nước ta đã xây dựng mạng lưới công trình thủy lợi đa dạng, bao gồm hàng chục nghìn hồ chứa, trạm bơm, đập dâng, hệ thống kênh mương và đê điều trải dài trên khắp cả nước. Nhờ vậy, sản lượng lúa dự kiến đạt 43 triệu tấn vào cuối năm 2024, bảo đảm an ninh lương thực trong nước và xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo, đem về kim ngạch dự báo vượt 5 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ nét cho vai trò quan trọng của thủy lợi trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Tuy nhiên, những thách thức như hạn hán, xâm nhập mặn và phân bổ nguồn nước không đều đặt ra yêu cầu cấp bách về đổi mới công nghệ. Theo ông Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, việc áp dụng các công nghệ dự báo và giám sát tiên tiến đã mang lại hiệu quả vượt bậc. Ví dụ, tại Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng, các công nghệ này đã giúp cung cấp số liệu dự báo chính xác, hỗ trợ việc điều hành sản xuất nông nghiệp, xây dựng kịch bản chuyển đổi phù hợp với diễn biến nguồn nước. Các giải pháp điều hòa, phân bổ nguồn nước liên vùng, liên lưu vực sông tại Tây Nguyên và Nam Trung Bộ cũng đang được triển khai tích cực, góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, lĩnh vực thủy lợi cần những công nghệ hiện đại kết hợp với chuyển đổi số để xây dựng cơ sở dữ liệu lớn đồng bộ. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo mà còn hỗ trợ ra quyết định trong phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đập và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Việc tăng cường kết nối giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng là nhiệm vụ trọng tâm.

Đẩy mạnh khoa học công nghệ trong lĩnh vực thủy lợi không chỉ là yêu cầu cấp thiết, mà còn là con đường duy nhất để ngành này tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút nhân tài, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tiếp cận tri thức tiên tiến. Việc phát triển thủy lợi không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn mang lại giá trị lớn hơn trong cấp nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, và phát triển kinh tế xã hội toàn diện. Với những nền tảng sẵn có và sự quyết tâm đổi mới, ngành thủy lợi Việt Nam hoàn toàn có thể đóng góp lớn hơn nữa vào sự thịnh vượng của đất nước.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...