Ngày đăng: 05/03/2025 / Lượt xem: 505
Xem với cỡ chữ

Startup trong lĩnh vực kinh tế xanh mong muốn tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi

Trong bối cảnh hiện nay, việc khởi nghiệp đã đầy thách thức, nhưng với các start-up xanh, điều này càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn mong muốn tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi để phát triển dự án và đón đầu xu hướng phục hồi kinh tế.


Công nhân chuẩn bị phủ mùng cho trang trại táo của anh Lê Minh Sang tại Bình Thuận. Ảnh: THANH NHÂN

Từ cuối năm 2024, anh Lê Minh Sang, Giám đốc HTX Cây ăn quả Tân Mỹ (Bình Dương), đã làm việc với ngân hàng để tìm thêm vốn cho dự án sản xuất cây ăn trái hữu cơ quy mô 20 ha tại Bình Thuận. Do địa hình miền núi khắc nghiệt, xa nguồn nước tưới tiêu, dự án đòi hỏi chi phí lớn để dẫn nước, cải tạo đất và tổ chức sản xuất. "Nếu có nguồn vốn hỗ trợ với lãi suất ưu đãi, tiến độ dự án sẽ được đẩy nhanh, sản phẩm sớm ra thị trường với sản lượng lớn hơn", anh Sang chia sẻ.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xanh và công nghệ xanh cũng gặp khó khăn về tài chính. Hồi giữa tháng 8/2024, Công ty CP Phúc Sinh công bố nhận tài trợ 25 triệu USD từ Quỹ Green (Hà Lan) để phát triển vùng trồng cà phê và xây thêm hai nhà máy sản xuất. Công ty Every Half cũng nhận đầu tư từ Openspace Ventures và Quỹ DSG Consumer Partners để phát triển giống cà phê thích nghi với biến đổi khí hậu tại Điện Biên và Đắk Lắk. Alternō, một start-up lưu trữ năng lượng bằng pin cát, đã huy động được 1,5 triệu USD từ The Radical Fund (Singapore), Touchstone Partners (Việt Nam) và nhiều nhà đầu tư khác trong năm 2024.

Theo PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, vốn tín dụng xanh vẫn chưa phổ biến. Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đã cấp khoảng 650.000 tỉ đồng tín dụng xanh, trong đó gần 45% dành cho năng lượng tái tạo, nhưng con số này vẫn rất khiêm tốn so với tổng dư nợ cho vay.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hằng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp (BSSC), các start-up xanh gặp nhiều thách thức do người tiêu dùng chưa sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn, trong khi chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm xanh lại rất lớn. "Các start-up rất cần cơ chế đặc thù để tiếp cận vốn ưu đãi với lãi suất và thời hạn vay hợp lý", bà Hằng nhận định.

Ông Lim Dyi Chang, Giám đốc Khối khách hàng Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết nền kinh tế xanh của Việt Nam hiện mới chỉ chiếm 5% GDP, trong khi nền kinh tế nâu vẫn chiếm ưu thế với 95%. Điều này cho thấy dư địa phát triển kinh tế xanh còn rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư vẫn còn hạn chế.

Tại tọa đàm "Chuyển đổi xanh: Từ áp lực đến cơ hội kinh doanh" do Báo Người Lao Động tổ chức, ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA), cho biết khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn để thực hiện các dự án xanh. Dù đã có các cơ chế tài chính hỗ trợ, việc đưa nguồn vốn đến đúng đối tượng vẫn là một bài toán nan giải.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh, các chuyên gia kinh tế đề xuất mở rộng các kênh tài trợ xanh, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giải pháp bền vững và năng lượng tái tạo. Việc thúc đẩy các hình thức huy động vốn như trái phiếu xanh và tín dụng ESG sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tài chính tốt hơn, từ đó thúc đẩy quá trình xanh hóa nền kinh tế trên phạm vi toàn quốc.

Nguồn tin: https://www.vista.gov.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...