Ngày đăng: 06/05/2025 10:57:35 / Lượt xem: 0
Xem với cỡ chữ

"Nhà nước chỉ đánh giá kết quả nghiên cứu, không xem xét cách làm"

Chính phủ đề xuất trao quyền tự chủ cho các cơ sở nghiên cứu và nhà khoa học, Nhà nước chỉ đánh giá kết quả cuối cùng mà không can thiệp vào quy trình thực hiện.

Phòng thí nghiệm bán dẫn Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, tháng 12/2024.


Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Chính phủ trình Quốc hội sáng 6/5, trong đó nêu chủ trương trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm toàn diện cho các cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả hoạt động chuyên môn, xây dựng bộ máy và chi tiêu theo cơ chế khoán.

Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết Nhà nước sẽ tập trung quản lý mục tiêu, kết quả đầu ra và hiệu quả nghiên cứu, thay vì can thiệp vào phương pháp thực hiện. Sự thay đổi này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình nghiên cứu. Trong trường hợp dự án không đạt kết quả mong đợi, các tổ chức nghiên cứu sẽ không còn chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với các thiệt hại phát sinh cho Nhà nước trong quá trình nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng trước đó lý giải dù chấp nhận rủi ro ở từng nhiệm vụ, dự án cụ thể, hiệu quả hoạt động vẫn được đánh giá trên tổng thể tổ chức và chương trình nghiên cứu. Các tổ chức hoạt động hiệu quả sẽ được ưu tiên cấp thêm kinh phí phát triển, ngược lại, tổ chức kém hiệu quả có thể bị cắt giảm nguồn lực hoặc giải thể.

Bộ trưởng cho rằng giao tự chủ không đồng nghĩa với buông lỏng trách nhiệm, mà nhằm tạo cơ chế linh hoạt, khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro thúc đẩy nhà khoa học theo đuổi vấn đề thách thức, tạo đột phá khoa học. Nghiên cứu không đạt mục tiêu vẫn mang lại bài học, tránh sai lầm hoặc mở hướng đi mới. Cơ chế đánh giá hiệu quả gắn với kinh phí đảm bảo phân bổ tài chính hợp lý, thúc đẩy nâng cao chất lượng khoa học, công nghệ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đồng tình rằng việc thiếu quy định rõ về cơ chế chấp nhận rủi ro và độ trễ đang là điểm nghẽn của hoạt động khoa học. Tuy nhiên, một số thành viên ủy ban đề nghị làm rõ cơ chế miễn trừ trách nhiệm dân sự cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu khoa học đối với thiệt hại cho Nhà nước và cộng đồng. Ủy ban cũng lưu ý cần phân biệt rõ giữa rủi ro khách quan với lỗi chủ quan và vi phạm đạo đức nghiên cứu.

Nhà khoa học được hưởng lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu

 

Dự luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo bổ sung quy định về sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trao quyền sở hữu và tự quyết cho cơ sở nghiên cứu đối với thành quả và tài sản hình thành từ hoạt động này. Đặc biệt, người trực tiếp nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% lợi nhuận từ thương mại hóa, đồng thời được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Dự thảo cũng đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân, thưởng cho nghiên cứu cơ bản và chia lợi nhuận thương mại hóa cho nhân lực trong nước. Nhà nước cũng chú trọng thu hút chuyên gia nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài bằng ưu đãi lương, tạo thuận lợi về giấy phép lao động và thị thực để tham gia các nhiệm vụ khoa học trọng điểm.

Đáng chú ý, dự luật bổ sung nguyên tắc và tiêu chí xác định nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó xây dựng cơ chế thu hút và đãi ngộ phù hợp.

Dự án Luật sẽ được Quốc hội thảo luận hội trường vào ngày 13/5 và dự kiến thông qua trong đợt họp thứ hai của kỳ họp.

Nguồn tin: https://vnexpress.net/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...