Ngày đăng: 18/05/2025 10:25:53 / Lượt xem: 25
Xem với cỡ chữ

Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06

Sáng 17.5, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chính phủ về phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (CĐS) và Đề án 06 tổ chức phiên họp lần thứ hai, trực tuyến tới các tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ chủ trì phiên họp. Dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng BCĐ: Nguyễn Hòa Bình, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng; lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Giang.


Phiên họp đã được nghe lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ kiện toàn BCĐ của Chính phủ về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, CĐS và Đề án 06; công bố 3 Quyết định thành lập 3 Tổ Công tác giúp việc BCĐ của Chính phủ. Đồng thời, nghe báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 71, ngày 1.4.2025 của Chính phủ trong tháng 3 và tháng 4.2025, các nhiệm vụ trọng tâm các tháng tiếp theo. Công bố chính thức và đưa vào sử dụng Hệ thống theo dõi, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 71 của Chính phủ. Nghe báo cáo kết quả thực hiện Đề án 06, thực hiện cải cách hành chính và các nhiệm vụ trọng tâm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh.

Theo đó, thể chế tiếp tục được xác định là “đột phá của đột phá”, đi sớm, đi trước mở đường cho phát triển. Trong 4 tháng đầu năm 2025, Quốc hội đã thông qua 4 luật và 18 nghị quyết; Chính phủ ban hành hơn 100 nghị định (tăng 55 nghị định so với cùng kỳ năm 2024), qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng pháp luật, phục vụ cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tỷ lệ rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh lũy kế từ năm 2021 đến nay đạt 20,56% và vượt mục tiêu tối thiểu đề ra cho cả giai đoạn 2020 - 2025.

Phiên họp kết nối trực tuyến với các địa phương.
Phiên họp kết nối trực tuyến với các địa phương.

Có 100% các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch để triển khai chương trình cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 và 2026 theo quy định của Chính phủ. Về cải cách tổ chức bộ máy, trong 4 tháng đầu năm 2025, Quốc hội ban hành 1 nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; 4 nghị quyết về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XV; đặc biệt là Nghị quyết về cơ cấu tổ chức của Chính phủ. Hiện, cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 gồm 17 bộ, cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành so với trước khi thực hiện sắp xếp). Các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả 6 nhiệm vụ chung và 18 nhiệm vụ cụ thể của Đề án 06 được BCĐ của Chính phủ giao tại phiên họp lần thứ nhất…

Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Giang.

Đối với Hà Giang, tỉnh quyết liệt thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hành chính. Sau sắp xếp, tỉnh giảm từ 19 còn 14 sở, ngành; sắp xếp lại các phòng chuyên môn cấp huyện, hợp nhất sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp, giảm mạnh tầng nấc trung gian. Sau khi rà soát toàn diện, tỉnh đã hoàn thành Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giảm từ 193 còn 73 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 120 xã, tương đương 62,18%). Tỉnh đẩy mạnh cải thiện nền tảng dịch vụ công trực tuyến, tái cấu trúc hơn 500 thủ tục hành chính đủ điều kiện số hóa toàn trình. Kết quả, hơn 90% hồ sơ được nộp trực tuyến, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt trên 98%, dữ liệu hộ tịch được số hóa 100%. Nền tảng “Công dân số Hà Giang” đã có gần 16.000 người dân sử dụng tích cực…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc hành động, huy động sự vào cuộc của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp để tạo sự đồng bộ trong cả nước; rà soát các vướng mắc để đề xuất biện pháp tháo gỡ kịp thời, nhất là về thể chế. Rà soát về hạ tầng phát triển để đầu tư; chống thất thoát, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, tất cả hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc và Nhân dân.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần "thần tốc, táo bạo hơn nữa" trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, CĐS và Đề án 06; tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với xử lý vướng mắc và những vấn đề phát sinh. Tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính, linh hoạt cơ chế tuân thủ, xóa bỏ cơ chế xin cho. Lấy người dân là chủ thể, là nguồn lực, động lực phát triển; đẩy mạnh hợp tác công tư. Cần có sự thay đổi về tư duy theo quan điểm xây dựng bộ máy tinh gọn, dữ liệu kết nối, quản trị thông minh; thực hiện hiệu quả 3 đột phá chiến lược về thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thông thoáng, phù hợp và huy động nguồn lực thực hiện; chú trọng phát triển khu vực tư nhân. Các ngành, địa phương cần xây dựng đề án để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn... 

Nguồn tin: https://baohagiang.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

Đang tải thống kê...