Đề án 06 “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, xác định rõ đối tượng phục vụ là người dân và doanh nghiệp, với những tiện ích tốt nhất thông qua các dịch vụ hành chính công, an sinh xã hội, phục vụ công dân số. Hiện, người dân tỉnh Hà Giang đã và đang được thụ hưởng những lợi ích từ Đề án này đem lại.

Người dân thành phố Hà Giang thanh toán không dùng tiền mặt qua mã QR.
Đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Đức Minh (thành phố Hà Giang), chị Hoàng Thị Thủy, trú tại thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) cảm thấy hài lòng khi sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp thay thế bảo hiểm y tế (BHYT) trong khám, chữa bệnh (KCB). Chị Thủy cho biết: Trước đây, khi đến bệnh viện, tôi phải mang theo nhiều giấy tờ như thẻ BHYT, chứng minh nhân dân để làm thủ tục và phải chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh, nhập thông tin. Giờ đây, thẻ Căn cước công dân được tích hợp các giấy tờ, thông tin cá nhân nên rất tiện lợi, nhanh chóng, tôi không phải chờ lâu khi làm thủ tục.
Việc sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong KCB đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, cơ sở y tế và người dân. Tạo thuận tiện, giúp tiết kiệm thời gian và nhân lực bởi thời gian tra cứu, đối chiếu giảm đi, khi bệnh nhân xuất trình thẻ, nhân viên y tế chỉ cần quét mã QR, sau 2 - 3 phút đã đồng nhất và tiến hành các bước tiếp theo của công tác KCB. Đồng thời tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác để khám bệnh; cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát, quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT… Theo thống kê, trong tháng 4.2025, tổng số lượt người KCB tại các cơ sở y tế trong toàn tỉnh sử dụng căn cước công dân thay thế thẻ BHYT là 78.640 lượt, đạt tỷ lệ 89,6%.
Cùng với đó, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Chị Trần Hoài Linh, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) chia sẻ: Tôi thấy thanh toán không dùng tiền mặt đem lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là thông qua các ứng dụng của thẻ ngân hàng, như trả tiền điện, tiền nước hàng tháng. Nếu như trước đây, tôi phải đến điểm thu tiền, xếp hàng chờ đợi đến lượt mình hoặc nộp tiền cho nhân viên đi thu, thì ngày nay chỉ cần ngồi ở nhà, với một chiếc điện thoại thông minh được kết nối internet là có thể nộp tiền điện, nước một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không mất thời gian di chuyển. Trong các giao dịch mua, bán hàng ngày cũng rất tiện lợi, thay vì phải mang theo và chuẩn bị một số tiền mỗi khi ra ngoài, bây giờ tôi chỉ cần mang theo điện thoại hay thẻ thanh toán là có thể dễ dàng giao dịch ở mọi lúc, mọi nơi.
![]() |
Lực lượng Công an thực hiện cấp căn cước và hướng dẫn người dân xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì) kích hoạt tài khoản định danh điện tử. |
Trong tháng 4, các cơ quan chức năng đã tiến hành chi trả chính sách an sinh xã hội qua tài khoản cho 37.266 người với tổng số tiền chi trả không dùng tiền mặt là hơn 33 tỷ đồng. Lĩnh vực thanh toán học phí không dùng tiền mặt được triển khai tới 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn với giá trị thanh toán qua tài khoản trong tháng 4 đạt 99,2%. Lĩnh vực thanh toán viện phí, trong tháng 4, toàn tỉnh có 6.602 hóa đơn thanh toán qua tài khoản, đạt tỷ lệ 30,8%. BHXH tỉnh phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH không dùng tiền mặt cho 14.655 đối tượng, đạt 66,7%.
Thực hiện Đề án 06, các cơ quan liên quan cũng đẩy mạnh triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp và Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID. Tính đến 10.4, đã giải quyết 885 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, trong đó có 661 hồ sơ đã trả kết quả. Toàn tỉnh đã chuẩn hóa được 892.800 dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử, đạt 96,84%. Tổng số hồ sơ sức khỏe điện tử được tích hợp trên VNeID là 220.992 trường hợp.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng cho công tác quản lý hành chính Nhà nước theo hướng hiện đại, góp phần phát triển chính quyền số, xã hội số và kinh tế số.
Nguồn tin: