Trong số các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia do Bộ KH&CN quản lý, chương trình KH&CN Net Zero được đặt kỳ vọng sẽ đem lại nhiều giải pháp hữu hiệu và có giá trị thực tiễn cao cho một quốc gia đang trên lộ trình giảm phát thải như Việt Nam.
Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero). Chính phủ đã công bố lộ trình Net Zero vào tháng 7/2022, trong đó đưa ra ba chiến lược chuyển đổi chính là “chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu”, “giảm phát thải khí nhà kính” và “hoàn thiện thể chế, nguồn lực”, và vạch ra năm lĩnh vực chính có thể can thiệp nhằm trực tiếp giảm phát thải khí nhà kính.
Theo thông tin tại hội thảo xin ý kiến về khung chương trình, được tổ chức vào ngày 18/7, giai đoạn đầu tiên (2024-2030) của chương trình Net Zero sẽ ưu tiên xây dựng nền tảng hạ tầng công nghệ cơ bản cần thiết để đạt được các mục tiêu chính sách.
Về cơ bản, Net Zero chính là đưa lượng khí thải nhà kính do hoạt động của con người (và cả lượng khí thải loại bỏ các khí này) đạt đến độ cân bằng trong một khoảng thời gian nhất định.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cần hướng đến hoàn thiện các cơ sở khoa học, phương pháp tính toán, bộ chỉ số và cơ sở dữ liệu để quản lý hiệu quả tiến độ thực hiện mục tiêu Net Zero, bao gồm các phương pháp kiểm kê khí nhà kính và các phương pháp quản lý kỹ thuật về tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính trong mỗi ngành.

Khi nghĩ về chương trình mới, nhiều nhà khoa học cho rằng, từ nhiều năm nay, việc nghiên cứu những giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực Net Zero đã được thực hiện thông qua nhiều dự án và đề tài ở nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, theo các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, ví dụ như các chương trình KH&CN trọng điểm quốc gia, các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, Quỹ NAFOSTED cũng như nhiều chương trình cấp bộ, ngành khác.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Hồng Thái cho biết, mặc dù chương trình KH&CN Net Zero sẽ do Bộ KH&CN quản lý, nhưng nó đóng vai trò như một khung chương trình chung để các bộ, ngành, địa phương và tổ chức có thể đặt hàng nhiệm vụ.
Các mục tiêu khả thi?
Tại buổi hội thảo 18/7, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh, Viện trưởng Viện KHCN Năng lượng và Môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), chủ nhiệm chương trình, đã giới thiệu sơ lược một số chỉ tiêu đánh giá đầu ra của chương trình. Theo phác thảo hiện nay, 80% công nghệ, giải pháp sẽ phải có khả năng đóng góp giảm ít nhất 30% khí nhà kính so với mức phát thải cơ sở trong lĩnh vực áp dụng, hoặc đạt chất lượng tương đương với công nghệ cùng loại của các nước tiên tiến.
Mục tiêu này cũng được bàn thảo tại cuộc họp. Có rất nhiều quan điểm khác nhau, có ý kiến cho rằng tỷ lệ giảm 30% khí nhà kính đang cao hơn mức giảm tự nguyện trong trường hợp Việt Nam không được quốc tế hỗ trợ là 15,8%, một số ý kiến đề nghị cân nhắc mức đóng góp giảm khí thải của các giải pháp công nghệ từ chương trình chỉ khoảng 20-25%; tuy nhiên có ý kiến lại nêu ngược lại là nên đặt mục tiêu cao hơn [30%] để nhắm tới tham vọng lớn hơn là phát thải ròng bằng 0 cho năm 2050…

Mặc dù mới ở điểm xuất phát, PGS.TS Đỗ Văn Mạnh đã nêu một dự đoán là chương trình KH&CN Net Zero sẽ trở thành một trong những chương trình có mức độ ứng dụng cao.
Chương trình yêu cầu 100% các nhiệm vụ có kết quả phải được công bố trên các tạp chí khoa học KH&CN chuyên ngành chất lượng cao trong nước. Bên cạnh đó, đòi hỏi ít nhất 80% số nhiệm vụ phải có tham gia đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ v.v), và tỷ lệ đào tạo tiến sĩ ít nhất là 20%.
Cũng như nhiều chương trình KH&CN quốc gia khác, mục tiêu cuối cùng của Net Zero là hướng đến các giải pháp hữu dụng trong thực tiễn. Để thúc đẩy quá trình đưa các giải pháp này vào thực tế, các nhà quản lý mong muốn các doanh nghiệp trên mọi miền đất nước cùng tham gia với các nhà khoa học trong tiến trình nghiên cứu, qua đó có được điều kiện thuận lợi hơn cho chuyển giao công nghệ trong giai đoạn tiếp theo.
Trong thời gian tới, khung chương trình cho các mục tiêu và nội dung nghiên cứu vẫn tiếp tục được thảo luận để hoàn thiện, trước khi được phê duyệt vào tháng 9 năm nay. Ban chủ nhiệm chương trình cho rằng, các nhiệm vụ có thể được kêu gọi từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Chương trình sẽ kéo dài đến năm 2030 và có khả năng được mở rộng cho những năm tiếp theo nếu chứng minh được hiệu quả.
Nguồn tin: https://khoahocphattrien.vn/