Ngày đăng: 22/08/2024 / Lượt xem: 20
Xem với cỡ chữ

Sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật: Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 20/8/2024 Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) nhằm đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.


Thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn
Nhấn mạnh về sự cần thiết của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT, Bộ trưởng Bộ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Luật được Quốc hội thông qua năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2007 là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến TC&QCKT.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp.
Luật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về TC&QCKT, đánh giá sự phù hợp, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xây dựng, thẩm định, công bố, ban hành TC&QCKT, quy trình đánh giá sự phù hợp, loại bỏ rào cản kỹ thuật trong thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại toàn cầu.
Qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành Luật, hoạt động TC&QCKT đã được phát triển cả về chất và lượng; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Đồng thời, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy Luật TC&QCKT đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Phiên họp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung gồm 4 điều, 6 chương và 66 điều (giảm 1 chương và giảm 5 điều so với Luật hiện hành).
Nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật tập trung vào các nhóm chính sách, như: bảo đảm thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế về yêu cầu minh bạch hoá; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động xây dựng, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn; tăng cường tính hiệu quả của hoạt động đánh giá sự phù hợp...
Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết xây dựng dự án Luật với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến; tiếp tục rà soát, đối chiếu với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên để bảo đảm tính tương thích.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết thêm, Thường trực Ủy ban đề xuất một số nội dung cần tập trung thảo luận như: Tên gọi và phạm vi điều chỉnh; Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, Cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia; Minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại; Thủ tục đánh giá sự phù hợp, công bố hợp chuẩn, hợp quy; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về TC&QCKT, việc tiếp cận thông tin về TC&QCKT; Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố, thông báo, áp dụng tiêu chuẩn Việt Nam; Xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn Việt Nam; Việc xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở; Xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn địa phương; Đánh giá sự phù hợp; Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về TC&QCKT.
Tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh
Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT nhằm thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, xây dựng khung pháp lý nhằm triển khai hoạt động quản lý nhà nước về TC&QCKT, góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo để thể hiện trong dự thảo Luật. Đồng thời, kiến nghị sửa đổi các quy định trong các Luật khác có liên quan; rà soát, đối chiếu dự thảo Luật với các Luật vừa được Quốc hội thông qua hoặc các dự án Luật đang trình Quốc hội xem xét để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Toàn cảnh Phiên họp.
Phát biểu tại Phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị nghiên cứu quy định trách nhiệm của các cơ quan khi ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn có những bất cập hoặc có những quy trình, thủ tục gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thậm chí có những bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn có quy định cao hơn thực tiễn.
Tiêu chuẩn và quy chuẩn có liên thông chặt chẽ đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường và nhiều lĩnh vực khác. Cái gì cũng phải có quy chuẩn, tiêu chuẩn chung không chỉ trong phạm vi nội bộ địa phương, quốc gia mà phải xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn thế giới. Do đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị, cần thể hiện rõ hơn quan điểm, chính sách của Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế gắn với dự thảo Luật này; cụ thể hóa hơn việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật hướng tới phù hợp với tiêu chuẩn chung, quy chuẩn chung của quốc tế, chú trọng một số quốc gia mà nước ta có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện.
Kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức thêm các hội thảo, tham khảo ý kiến các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội vì Luật này có liên quan đến rất nhiều các đối tượng. Đồng thời lưu ý, cần cụ thể hóa tối đa trong Luật những nội dung đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn, giảm thiểu việc giao Chính phủ, các Bộ quy định.

Nguồn tin: http://truyenthongkhoahoc.vn/

Lịch công tác sokhcnhagiang mail dacsanhagiang sti.vista.gov thuvienkhoahochg video photo

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang online: 7

Hôm nay: 3439

Tháng này: 45120

Tổng lượt truy cập: 605771